Phát thanh xúc cảm của bạn !

Dấu Chân Online 57: Giã biệt sông Đà (Phần cuối)

2011-12-26 17:21

Tác giả: Giọng đọc: Radio Online Team

  Trên hành trình dự kiến của chúng tôi, khoảng 15-20 km lại có một bản làng có thể dừng nghỉ đêm. Nhưng đồ đạc mang theo vẫn phải đầy đủ bao gồm cả lều trại, túi ngủ, bếp núc, nồi niêu xoong chảo và đồ ăn cho mấy ngày. Lý do cũng đơn giản, vì hiện tại, rất nhiều bản làng đang di cư tới điểm tái định cư, nên qua những nơi đó, ngổn ngang cảnh dỡ nhà, không dễ dàng kiếm chỗ trú. Mặt khác, nơi hạ trại thường phải là những nơi gần sát sông để tiện bề bảo quản thuyền bè, nên nếu gặp những bản cao cao, dù chỉ đi bộ 15 phút, cũng khó có thể lên ở nhờ.



Rất may mắn là chúng tôi đã không phải sử dụng lều trại. Đêm trước, ngủ nhờ ở nhà nổi của lão lái đò trên sông, đêm hôm nay, chúng tôi lại ghé vào ngủ nhờ ở một tàu đào vàng, đang cắm neo ở ngay gần Nậm Mạ.

Từ năm trước, xuôi sông trên hành trình Tây bắc, chúng tôi đã gặp vô số các tàu đào vàng miệt mài dọc dòng sông. Một chiếc tàu to như một tòa nhà, hì hục ngoạm xuống dòng sông những gàu lớn, xúc lên hàng chục tấn đất đá cát sỏi mỗi giờ. Tàu vàng trông lừng lững trên sông, như một con quái vật phì phò những nhịp thở, hệt như một đoạn trong phim Water World. Mỗi tàu lớn đóng hết hơn tỉ, đang cố gắng ngoạm những nhát cuối cùng vào dòng sông. Những nhát ngoạm từ hàng chục chiếc tàu tên sông đã làm thay đổi hẳn dòng chảy của sông, tạo ra những ghềnh thác mới, xóa hoàn toàn những ghềnh thác cũ mà bạn có thể đọc thấy tên trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Ngay thác Nghé con kể trên cũng là một con thác hoàn toàn mới và tạo ra bởi mấy chiếc tàu vàng gần đó. Trước khi nhà nước đóng đập làm thay đổi dòng sông, thì dân làm vàng cũng đã kịp thay đổi toàn bộ dòng chảy trên con sông này!

Mỗi tàu đào vàng, trúng mạch có thể kiếm vài cây vàng trong một ngày. Càng ngày, vàng càng ít dần đi nhưng bù lại, giá vàng lên nên cũng đủ trang trải chi phí, tay chủ tàu vàng cho biết. Tuy thế cái giá phải trả có thể là không nhỏ. Sự hủy hoại dòng sông là một nhẽ, dẫu cũng chả quan trọng lắm vì dù sao, năm sau thì tất tần tật đã là đáy sông rồi. Cái gay hơn cả là với “ công nghệ “ làm vàng thô sơ của tàu vàng này, đất đá được gầu múc lên, sàng sẩy thành những đống cát nhỏ. Từ đó, vàng được cô lại bằng thủy ngân, dùng đèn khò đúc vàng thành khối, đem về dưới xuôi. Vàng đi, nhưng thủy ngân thì vẫn ở lại, rồi lại đổ hết ra sông ra suối thôi! Thế nên, nguy là ở chỗ ấy!

Những mạch vàng thường nằm ở khúc quanh của dòng sông. Cứ mỗi năm, mưa, lũ, cuốn trôi lớp đất đá trên các triền đồi triền núi, xoáy lại ở góc sông, dồn những mảy vàng cốm vào những chỗ này, do vậy, dễ thấy các tàu vàng nằm ở đây.





Con tàu mà Taybacgroup trọ nhờ đêm nay cũng khá to. Tàu ghép lại từ hai phao nổi bằng sắt dài chừng 20 mét. Khe giữa chính là nơi dàn gầu xúc rộng 1 mét cuộn vòng quanh. Hai bên, phía trên là những sàn nhà cho “ phu vàng “ ngủ đêm, trên mỗi sàn này cũng phải ở được tới mươi người, có đủ tivi, dàn karaoke. Điện chạy từ máy phát công nông ở dưới. Chủ tàu nay đã giải nghệ, vì cũng chả mấy chốc nữa cũng không còn đào bới được gì, mà cũng tận thu vàng vài năm nay rồi, nay, neo tàu một chỗ, kiếm cách thanh lý.

Đêm về, có những khúc sông vẫn rộn vang tiếng gầu xúc, lập lòe ánh điện như ma trơi, đầy quái dị của các tàu vàng.



Dân làm vàng trên sông cũng hiền lành hơn dân làm vàng trong các bãi vàng mà chúng tôi có dịp gặp. Phần vì trên sông đi lại dễ dàng, cũng dễ dàng quản lý, kiểm soát hơn so với những bãi vàng xa tít tắp hang cùng ngõ hẻm. Hơn nữa, vì đầu tư vào tàu vàng cũng lớn tiền nên đa phần đều phải có phép tắc đầy đủ. Phần lớn, họ là những lao động phổ thông bình thường mà ta gặp khắp nơi. Còn chủ tàu, cũng không có vẻ anh chị chợ búa gì cả, giông giống như những chủ tàu khai thác cát trên sông dưới xuôi. Đương nhiên, phần chìm của chuyện làm ăn, mấy ai biết!

Trên con tàu quái dị như một dị vật thời trung cổ, chúng tôi chìm vào giấc ngủ say cho đến tang tảng sáng, chợt thức giấc bởi tiếng mưa gõ quành quạch trên mái tôn. Cơn mưa đầu mùa lại về, quần một trận đã đời trên sông. Tiếng gió ràn rạt, cả đội như co tít thêm trong túi ngủ ấm áp, mặc ngoài kia trời đất vần vũ, mặc mấy chú kayak bồng bềnh chao đảo trong gió mưa, nước ngập hết lòng thuyền.

Nhiều lần, chúng tôi ngược xuôi sông Đà, đã hằn in những hình ảnh của con quái vật tàu vàng, nhưng những quái vật này cũng đang thoi thóp những cơn giãy chết cuối cùng trước dòng nước nuốt mất nó.

Cũng xin giã biệt ngươi, con quái vật của dòng sông!





Cơn mưa kéo dài từ nửa đêm đến tận 9 giờ sáng mới ngơn ngớt. Dòng Nậm mạ đêm qua róc rách hiền hòa, sáng nay cuồn cuộn những củi rều, rác rến. Chỉ một cơn mưa, dòng sông Đà cũng thay đổi hẳn, mặt nước lặng lẽ hiền hòa đem qua nay gầm gừ đầy đe dọa. Thật may là dù đã phòng tình huống ngủ đêm ngòai trời và mang lều đầy đủ, nhưng cái cảnh mưa rầm rập thế kia mà bó gối trong mấy túp lều bé tí thì chả thú vị tẹo nào.

Chuyến này chúng tôi đi cũng có phần may mắn. Hôm trước, lúc hạ thủy, chỉ đi sớm hơn hoặc chậm hơn một chút, thế nào cũng dính mưa trên đường. Mưa miền núi, lại trên sông nữa, to khủng khiếp. Lại còn gió nữa chứ. Gió hút qua những khe sâu, ù ù như cối xay lúa, thổi băng mọi thứ chắn đường. Đêm qua, sợ ghé ngủ tàu vàng phức tạp, suýt thì kiếm bãi cắm trại! Mà mưa gió chả biết thế nào mà lường. Vừa đang nắng đẹp, vắt quanh một cung núi, đã thấy như có cơn mưa sầm xuống đằng xa.



Cũng nhờ cơn mưa mà trên hành trình xuôi xuống, có những con thác đẹp mê hồn. Những con thác nhỏ, chỉ cao vài mét, nước phun thì thầm thành một bức trướng mờ mờ, không che nổi nhưng hòn non bộ rêu phong xanh mướt đằng sau. Rồi những con thác lớn cao tới cả trăm mét, nước rơi vào bạc trắng. Chèo thuyền vào thẳng chân thác, giang tay đón những giọt nước rơi từ trên cao. Cao quá, nước không còn là giọt nữa, xuống gần đến mặt sông, nó đã vỡ vụn ra thành những hạt bụi nước li ti, bay phất phơ trong gió!



Nước lên tới trăm mét, con thác cao vút kia rồi cũng chỉ còn đọng lại như con suối nhỏ chảy xuống. Còn những con thác nhỏ điệu đà cũng sẽ biến mất không còn một dấu tích gì. Xin giã biệt !

Trên hành trình kayak dọc sông Đà, chúng tôi đã gặp nhiều gương mặt khác nhau, nhất là trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt là chuẩn bị cho một cuộc sống mới.

Từ những hối hả của các chiến sỹ quân đội, công an đang chung sức giúp dân dọn nhà đến những ngập ngừng, tiếc nuối của những người dân ở thị xã Mương Lay cũ. Năm 90, một trận lũ ống lịch sử đã gây bao thương đau cho thị xã này, cuộc sống xáo trộn. Rồi trong 20 năm, thị xã cũng chẳng được ổn định và phát triển, lúc nào trông cũng như một nơi bị lãng quên vì lý do quy hoạch thành lòng hồ. Giờ đây, vùng đất này sang một trang sách mới, mong rằng vài năm nữa, quay lại đây, sẽ là một sức sống mới.

Từ nét mặt điềm tĩnh của “ người lái đò”, chờ “nước lên, thuyền lên”, đến những gồng mình hết tốc lực nhưng rệu rã của những tay thợ tàu vàng, “nước lên, chìm hết”, khác hẳn với bộ đồng phục bảo hộ sáng trong nắng trời của các công nhân cầu đang xây dựng cầu Hang Tôm, cầu Pá Uôn, “nước lên, phải xong”

Xuôi dọc dòng sông, những con thuyền máy cũng tấp nập hơn ngày thường. Dù xuôi dù ngược, thuyền nào cũng đầy ắp đồ đạc chuyển nhà. Cả một đại gia đình là những tâm trạng khác nhau, sự thẫn thờ của những cụ già, nét cương nghị của người đàn ông trụ cột không che hết được những lắng lo, sự tất bật của người phụ nữ phải lo từng cái kim sợi chỉ, nhưng trên tất cả vẫn là những náo nức của bọn trẻ khi được “ du lịch “ tới miền đất mới! Chỉ có đàn trâu là vẫn điềm tĩnh, miệng bỏm bẻm, chân doãng ra đứng trên thuyền, cố cưỡng lại con sóng tròng trành.





Từ Mường Lay trôi xuống, đoạn đầu, dân hai bên sông là nhưng người Mông ở vùng đất cao của hai huyền Sìn Hồ, Tủa Chùa. Là người Mông nên họ vẫn ở trên những ngọn núi cao vút cạnh sông. Những lọn váy Mèo vẫn lúc lắc theo theo bước chân cô gái xuống sông đi chợ theo những con đò dọc sông. Những bản làng cao vút này chắc không phải di dời.

Xuống qua Nậm mức, Nậm Mạ, qua những vách núi cao rồi, sông cũng rộng hơn với nhiều bãi cát, vạt ngô, là những hình ảnh quen thuộc của người Thái với phụ nữ có cái “ tằng cẩu “- búi tóc. Những bản làng của người Thái hầu hết bám sát dọc sông nên đang khẩn trương di dời. Có những bản chỉ cần dịch lên cao so với nơi ở cũ thì đã hoàn thành cả. Lấp lóa trên những sườn đồi cao là màu mái nhà mới. Nhưng cũng có những bản ở những cửa suối sát với vách đá không có chỗ nào chuyển đi nên đành di xa tới hàng trăm cây số vào những huyện sâu như Mường Nhé. Kẻ đi người ở tất bật trên chặng hành trình hàng trăm cây số về xuôi. Mai ngày, khúc sông ngàn đời của họ sẽ mãi mãi biến mất,

Những bản làng, thị trấn đang được di dời, trông tan hoang đến nao lòng. Nhưng những thị xã, thị trấn mới thì khá khang trang, bõ công chuyển nhà, chuyển cửa, chuyển mồ mả cha ông, chuyển cả một cuộc đời…

Dòng sông cứ thế đưa đẩy, kéo đoàn thuyền kayak của TBG về xuôi, qua Quỳnh Nhai, tới Pá Uôn. Vượt hành trình ngót trăm cây số bằng thuyền, chúng tôi lại lên bờ, sau một hành trình dài . Ở đây, lại một cây cầu sừng sững nữa đang gần hoàn thiện, cầu Pá Uôn. Như vậy là trong hành trình này, chào chúng tôi là một cây cầu cao thứ hai trên toàn Việt Nam, cầu hang Tôm mới, cao 70 mét, và tiễn chúng tôi lại một cây cầu nữa, cao nhất Việt Nam, là cầu Pá Uôn, cao hơn 100 mét. Cũng là một trải nghiệm đáng nhớ!

Giã biệt Sông Đà, giã biệt những con ghềnh dữ, những hẻm núi cao, những cây cầu duyên dáng, những bãi cát êm đềm, những người lái đò, những bản làng dọc sông, những con tàu đào vàng ngáo ộp, những dòng thác mượt mà...

Mai đây, có dịp đi lại đoạn này, sẽ là một con hồ mênh mang, xanh biếc. Sẽ vẫn còn vách núi cao ấy, sẽ gặp những người lái đò ấy, cảnh sắc sẽ êm đềm hơn, đẹp lung linh hơn, những cây cầu cao vút hôm nay, mai cũng chỉ cao la là mặt nước, cuộc sống mới lại bắt đầu!

Hết...


DCOL chuyển thể từ ghi chép cùng tên của bạn đọc Tabalo (2010)


Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top