Phát thanh xúc cảm của bạn !

Dấu Chân Online 39: Đón xuân nơi cực Bắc

2011-07-08 17:39

Tác giả: Giọng đọc: Radio Online Team

"Ai về thăm quê hương tôi
Nơi biên cương là đây
Có đường đi trên mây lên tới cổng trời..."


Giai điệu trầm bổng của bài hát Hà Giang quê tôi (nhạc sỹ Thanh Phúc) với nhạc ngựa xen lẫn tiếng khèn Mông quen thuộc luôn hiển hiện trong nỗi nhớ của những người con Hà Giang trên mọi nẻo đường.
 


Một năm có bốn mùa, mùa nào Hà Giang cũng đẹp, vẻ đẹp lạ lùng, hoang sơ, kỳ vĩ mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam này có được. Miền cực Bắc thân thương, quê tôi, quanh năm muôn hoa đua nở. Mùa Hạ với hoa ban; Mùa Thu hoa Tam giác mạch; Mùa Đông vàng rực hoa Cải; Mùa Xuân hoa Đào, Lê, Mơ, Mận đua nhau khoe sắc. Có thể nói thiên nhiên như bù đắp cho những khó nhọc của miền Cao nguyên đá bằng cảnh quan tuyệt diệu và sức sống mãnh liệt trên từng gốc cây, ngọn cỏ. Hà Giang đẹp với những dãy núi tai mèo trùng điệp, với những mẹ già ngồi bên khung cửi dệt nên những chiếc váy áo sặc sỡ đủ mầu, những cô gái người Dao, người Tày, người Giấy, người Mông má ửng hồng, bước chân thoăn thoắt, dù xuống chợ, đi nương hay gùi nước, gùi củi nhưng đôi tay không bao giờ ngơi nghỉ, những đôi tay nhuốm màu chàm cứ quay đều quay đều theo guồng quay của con sợi, cuộn lanh; Những chàng trai say trong điệu khèn, điệu iếu, điệu cọi gọi bạn; những phiên chợ thấm đậm tình người, chợ chỉ đến để vui chơi, gặp gỡ, giao lưu mà không bán, không mua.

Tôi đã đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất nhưng không có nơi nào thấy thân yêu và cho tôi nhiều cảm xúc như nơi này. Quê hương, dù đi xa mấy, dù cuộc sống có bao biến động, đổi thay, vẫn mãi giữ trong tim những tình cảm trọn vẹn. Năm nào cũng vậy, từ 23 tết, tôi đã rục rịch chuẩn bị khăn gói về nhà, cũng có năm do công việc, về, đi vội vã hơn nhưng dường như chẳng năm nào tôi ăn tết xa quê.

Cha Mẹ tôi vẫn dạy các con, Tết là ngày đoàn tụ gia đình, bữa cơm chiều 30 không thể thiếu các thành viên cũng như không năm nào mẹ không tự gói giò, gói bánh. Nghề làm bánh là nghề gia truyền từ đời ông bà nội với đủ loại bánh Chưng, bánh Giày, bánh Nếp, bánh Tẻ, bánh Rán, bánh Nhãn, bánh Gai, bánh Mật... Nghề bánh cũng đã theo cha mẹ những tháng năm bao cấp khó nhọc để nuôi lớn chị em tôi, nên với riêng gia đình, chẳng có năm nào là không tự gói bánh thậm chí bố và các anh chị còn đi gói hộ rất nhiều bánh cho các nhà họ hàng, làng xóm. Nồi bánh Chưng nhà tôi năm nào cũng nhiều nhất, to nhất. Ngoài bánh Chưng vuông thông thường, mẹ tôi còn gói thêm bánh Gù, loại bánh đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày để tưởng nhớ đến ông bà ngoại và gửi về Hà Nội làm quà tết, để nhắc nhở con cháu luôn nhớ về quê hương, nguồn cội.

Cũng lâu rồi nhà tôi mới mổ lợn tết, con lợn đen 50kg được dì mang từ trong quê ra, thịt rất ngon và không hề có mỡ, mẹ xả thịt chia đều cho mấy nhà và giữ lại một phần để gói bánh, một phần để làm lạp sườn và thịt treo gác bếp. Tôi khoái nhất món thịt treo của mẹ, món thịt khi ăn có vị thơm của rượu, vị cay của tiêu, ớt, vị nồng của khói hun bên bếp than hồng rực suốt những ngày đông mà tôi vẫn gọi là "mùi vị đặc biệt" mà không thể lẫn vào đâu. Giờ, món thịt treo của mẹ không chỉ được mọi người trong gia đình yêu thích mà rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi và các chị ở Hà Nội đều muốn ăn và mùa đông năm nào cũng nhờ mẹ tôi làm, vừa là để dùng trong gia đình những ngày tết, vừa để làm quà biếu những người thân yêu.

Năm nay, Hà Giang đón năm mới đầu tiên với tên gọi Thành phố, nghe cứ là lạ làm sao. Bởi mọi thứ, vẫn không có nhiều thay đổi. Nhà cửa không mọc nhiều thêm, người cũng chẳng đông hơn là mấy, mới 9h tối, ra đường đã thiếu vắng bóng người và xe cộ. Thị xã ngã ba sông, tôi quen gọi thế, vẫn vẻ yên bình và tĩnh lặng đến lạ lùng. Cầu Yên Biên vẫn bình dị soi bóng bên dòng Sông Lô nối đôi bờ thị xã, mà giờ là Thành Phố. Thành phố ngã ba sông. Có lẽ, giờ ít ai dùng lại cái tên này, phần vì thời gian, phần do dòng sông Miện xanh tươi đã ngày càng cạn nước do phá rừng đầu nguồn cùng rất nhiều lý do của những cá nhân không có ý thức bảo vệ môi trường, giờ sông Miện chỉ còn như dòng suối bé, bị bên đục của dòng Lô nuốt chửng. Dòng Lô thì có quá nhiều những máy khai thác cát sỏi quần thảo, quá nhiều những sự phá vỡ dòng chảy của những tàu Vàng từ vài năm trước cùng việc chặn dòng làm thủy điện phía đầu nguồn (biên giới Việt Trung) nên đã đỏ lại càng đỏ hơn. Khu phố chợ giờ có đông vui tấp nập hơn nhờ những cửa hàng trang hoàng đầy ánh đèn điện nhấp nháy cùng vô số hàng hóa được mang lên từ miền xuôi xen lẫn những quầy hàng bày bán đặc sản miền núi như Cam sành Bắc Quang, chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì, gạo Xín Mần, Yên Minh. Nghe cha tôi kể, trước kia khu vực cầu Yên Biên rất thanh bình với những hàng cây cổ thụ đứng sừng sững dọc hai bờ sông, nơi đây cũng là chỗ buộc Ngựa của những chàng trai cô gái xuống chợ mỗi ngày cuối tuần. Những năm 60, giao thông ở Hà Giang vẫn còn khó khăn, mọi việc đi lại, thồ hàng đều trên yên Ngựa và cầu Yên Biên - nơi hò hẹn của những đôi trai gái xưa chính là "Cầu Thanh Niên" trong bài hát của nhạc sỹ Thanh Phúc.

Tết năm nay, Hà Giang lên Thành phố, tôi về mà ngỡ ngàng với việc chính quyền cho làm lại toàn bộ vỉa hè của tất cả các con phố trong nội thành nhờ tiền dự án chỉnh trang đô thị được phê duyệt. Đành rằng là làm đẹp, đành rằng là nâng cấp, đành rằng là có tiền của Nhà nước cho nhưng sao tôi cứ thấy xót xa, tiếc nuối bởi mới hai năm trước đây, cả khu phố nhà tôi vừa mở cuộc vận động nhà nước và nhân dân cùng làm, tất cả các tuyến đường đều được lát đá đỏ au, nhiều nơi vết xi măng vẫn còn mới và đẹp vô cùng. Vậy mà nay lại bì cày xới, đào tung lên và làm lại. Tôi thầm nghĩ, số tiền ấy sao không cho dân nghèo, những vùng xa xôi hơn, họ còn khổ cực lắm, tết chả có cơm ăn, áo mặc, nhiều gia đình không có nổi 50 nghìn lo tết nhất cho con. Lại thấy mình lẩn thẩn.

Tết này, con phố nhỏ nhà tôi cũng đẹp hơn, lộng lẫy hơn. Tất cả các hàng cây hai bên đường được trang hoàng bằng đèn mầu xanh đỏ, nhấp nháy giống như đường Điện Biên Hà Nội những ngày Đại lễ. Ai đã từng lên Hà Giang đều nhận thấy, từ nhiều năm nay, những lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trước mỗi nhà dân trên địa bàn tỉnh lỵ cũng như trung tâm các huyện, thị dù ngày lễ tết hay trong cả những ngày thường. Cột cờ được làm theo một mẫu chung thống nhất, sơn hai mầu trắng, đỏ. Đó cũng là một dấu ấn riêng của Hà Giang so với các vùng miền khác.

Đặc biệt, khi đến với Hà Giang, du khách không thể không đặt chân lên Lũng Cú, đỉnh cực Bắc tổ quốc. Trên bản đồ Việt Nam, Lũng Cú được coi là chóp nón đầy kiêu hãnh, nơi mà “cúi mặt sát đất, ngẩng mặt sát trời”. Hiên ngang ngự trên bầu trời là lá cờ Tổ Quốc. Lá cờ có chiều ngang 9m2, rộng 6m2, tổng diện tích là 54m2 (con số tượng trưng cho 54 dân tộc anh em của Việt Nam) 54 mét vuông. Lũng Cú cách trung tâm huyện Đồng Văn 25 km, cách thị xã Hà Giang 154 km.

Nhắc đến Lũng Cú, bỗng dưng, tôi lại ước được đến một bản làng xa xôi nào, cùng đồng bào vùng cao đón Xuân trong không khí của lễ hội với muôn ngàn điều lý thú, được đánh yến, ném còn hay tập thổi khèn lá, khèn môi, được nhảy quanh đống lửa và hát những làn điệu dân ca của người Mông, Dao, Tày, Giáy, Lô Lô, Pu Péo...

Một Mùa Xuân mới đã về…

(Dấu Chân Online 39 chuyển thể từ bài viết cùng tên của bạn đọc Hà Linh Ngọc)

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

 Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909

Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908

Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907

Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906

Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905

Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904

Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903

Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902

Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Hôn lễ của em | Blog Radio 901

Bên trong ai cũng có một vài vết thương, có kẻ biến vết thương thành một sự hiểu biết. Có người lại biến vết thương thành một nguyên nhân, sinh ra một vết thương mới đau hơn…

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Em như ánh sao trời | Blog Radio 900

Không có một tình yêu nào là vĩnh hằng cũng chẳng có lời hứa nào gọi là mãi mãi, chỉ là con người ta thích tin vào những điều đó chỉ là nhất thời để rồi một đời đợi chờ.

back to top