Dấu Chân Online 22: Kinh hoàng văn hóa rượu Hà Giang
2011-07-08 17:39
Tác giả: Giọng đọc: Radio Online Team
Không đi thì chẳng thành quê
Muốn lên Lũng Cú, muốn về Khau Vai
Trước khi khoác túi lên cao nguyên, tâm trí tôi chỉ vỏn vẹn mấy câu thơ của anh bạn phóng viên báo Văn Hóa. Và thêm nữa, hình ảnh của một thị xã vùng biên xinh đẹp, nằm vắt vẻo hai bên bờ sông Lô; hình ảnh của những cô sơn nữ e thẹn nép mình bên vạt ngô bên đường. Nhưng còn có những điều tôi chưa biết về hình ảnh của một Hà Giang lè nhè tiếng sông Lô, liêu xiêu đôi nhịp cầu Yên Biên và lụt chìm trong thứ nước mà người đời thường gọi tục là rượu.
Phong cảnh thiên nhiên Hà Giang (Ảnh: Báo Phú Thọ)
Bữa cơm của tôi ở Hà Giang có điểm lý thú riêng của nó: Sáu chai rượu cho ba thằng. Thực ra là hai thằng và một ông. Nhưng đã là người Hà Giang thì khi đã vào mâm, ông, thằng…như nhau tuốt. Cơm có thịt gà, mướp xào và măng chua, toàn dạng mồi tốt cả. Nhưng đến chén thứ ba của chai thứ hai thì ông già thằng bạn đã bê nhầm bát nước mắm. Thằng bạn tôi lè nhè triết lý: “Đời người, ngẫm ra, lúc say mới là tỉnh. Còn lúc tỉnh thì nhìn quốc lại hóa ra gà”. Nhìn tôi nhấp nhấp chén rượu, nó mắng ngay: “Mày bỏ cái thói tiểu tư sản thành thị rởm ấy đi. Người Cao Nguyên (Hà Giang) chúng tao ăn rộng, nói dài, uống cạn. Đấy là bản sắc,…nó tự do, phóng khoáng. Tao về thành phố nghe tiếng chó sủa lách nhách, không chịu được”. Chai thứ tư được mở nắp. Cuộc khẩu chiến về các loại rượu ngon bắt đầu. Ông già líu ríu: “Tao đi từ Nam ra Bắc, từ rừng xuống biển, chưa thấy đâu ngon bằng rượu Quản Bạ (Hà Giang)”. Lại cười: “Nếch-cà phê-cờ lát sích. Vứt!Bia bọt với Sam Phanh hay Dôn diếc uống chỉ tổ nhạt mồm”. Thằng bạn tôi cũng gật gù: “Có thế thật, tao cũng nếm thử Làng Vân với Bắc Hà rồi. Vớ vẩn cả”. Ông bố đổ tọt chén thứ ba của chai thứ tư vào miệng, vỗ đùi ông con: “Mày được, tao thưởng cho một chén. Thằng bạn tôi khoan thai uống chén rượu thưởng, bảo: “Mày không biết chứ. Hà Giang, thực ra là tên tự của dòng sông rượu. Cố uống đi cho vui”. “Rượu là tinh của gạo đấy! Cháu ạ!”.Ông già thằng bạn chỉ mời được câu cuối như thế rồi từ từ gục xuống.
Uống rượu ngô tại chợ phiên
Hai ngày lê la quanh thị xã với Nguyễn Trọng Tuyên, tôi “cho chó ăn chè” tới sáu bận. Người hao đi ít nhất ba kg. Đâu cũng uống rượu. Từ cửa quan đến nhà dân. Ai cũng uống rượu. Từ đàn ông đến đàn bà, từ người già đến con trẻ. Người Hà Giang có dáng đi liêu xiêu. Rượu Hà Giang chảy từ Nhà Trắng chảy xuống sông Lô. Tôi ngờ rằng một hớp nước sông Lô cũng đủ làm cho người ta đỏ mặt, người kém tửu lượng có thể đi bằng bốn chân. Dạo quanh thị xã chỗ nào cũng thấy các ông thần tửu, các bà thần tửu nốc rượu thay cơm, cười nói hò hét vang trời. Dường như rượu là một phần của văn hóa ẩm thực, là một nửa số máu trong huyết quản của người Hà Giang. Buổi tối ngày thứ hai phải dầm mình trong “văn minh rượu”, tôi quyết định xin tá túc tại báo Hà Giang. Nói thực, dạ dày tôi bằng cái chén con, hai phát “pác phân pác” (100%) là đủ để đi Hoàn Vũ không vé khứ hồi. Nhưng có lẽ mạng tôi đã đến ngày mạt vận, 24 giờ đêm, thằng bạn bên đài Phát thanh – Truyền hình lôi chân, dí vào mặt tôi một can rượu tổ bố, lè nhè: “Ngủ là chết trong đời một ít! Dậy!Dậy!”. Xung quanh đã có vài ba ông thần tửu mặt vừa xám, vừa tái, vừa đỏ chờ đợi. “Lệ” của dân văn, dân báo Hà Giang thế là quý lắm. Rượu rót ra. Một thi sĩ ôm đàn hát: “Đời không thuốc lá, chè đắng, rượu cay đâu phải là đời…”. Chất giọng lâm ly hơn Chế Linh, nào nùng hơn Hăm Lét. Một văn nhân cao hứng: “Đời là một biển rượu, một núi thịt chó và là một cánh đồng bát ngát rau thơm…”. Lại bảo, trong đời có lẽ sướng nhất là thằng cha Lý Bạch, vừa là “tiên thơ”, vừa là “tiên tửu”. Lại than: “Nghĩ nhiều khi như Lưu, Nguyễn ngày xưa, hay chí ít cũng là Chí Phèo…cũng sướng”.
“Bầu cạn rượu, đường xa thêm…”Vứt, thằng Tuyên cáu – Tay Tân Linh này làm thơ “gửi Hà Giang” mà chưa biết gì về Hà Giang. Hà Giang mà cạn rượu có mà bằng sông Lô cạn nước”. Nom đám bạn văn, bạn nghề uống rượu, tôi liên tưởng đến hai từ “hũ chìm”, lại liên tưởng tới câu: “Rượu đổ hang chuột”. Người Hà Giang uống rượu ở bất cứ đâu, vì bất cứ lý do gì. Rượu để suy ngẫm về vị đắng của cuộc đời. Rượu để say men nồng tình yêu. Rượu để xuống cơ sở. Rượu để thêm phần can đảm mà vỗ ngực với đời. Rượu để thẩn thơ, bên hoa, dưới trăng…Nói hay: Thưởng rượu; nói dở: Phạt rượu; Không nói: Cũng rượu. Tôi nghe trong gió Cao nguyên cũng có mùi của rượu. Các ông bạn tôi sau giai đoạn “Rượu uống rượu” đã chuyển sang giai đoạn cuối “Rượu uống người”. Tay thi sĩ khóc dấm dứt. Tay phê bình văn học tủm tỉm cười với cái đầu gối của mình. Còn hai ông nhà báo thì nhìn nhau thân ái, mặt mũi sát khi đằng đằng. Từng nghe chuyện một ông thần tửu sau “ba say chưa chai” cứ thế tồng ngồng ngoài đường. Vợ lôi về, quát: “Không biết xấu hổ à!”. Ông thần này đáp: “Đứa nào nhìn tớ thì nó xấu hổ, tớ xấu hổ đếch gì”. Quanh bàn rượu Hà Giang có thể viết được một luận thuyết hoặc một cuốn như “Những người thích đùa”, với đầy rẫy những chuyện bi hài. Nhưng đấy là chuyện của người Kinh, còn người dân tộc thì sao?
Ngày trước, ta thường đến một làng kia, vừa bước chân vào thì chếnh choáng, nghiêng ngả, mờ mịt, lu bù, trông giời như thấp, trông đất như cao. Mặt trời mặt trăng thì không có ánh sáng. Mắt ta mờ, tai ta ù, tâm thần ta u mê, thân thể ta mệt nhọc. Ta mới hỏi người rằng: “Đây là đâu?”. Người đáp: “Đây là nơi vui say, sẵn của ngon bùi, tha hồ ăn uống, chẳng phải giữ gìn. Tục truyền là Làng Say. Sách người xưa chép thế, tôi đọc và ngờ rằng sách viết về cái làng Mèo Suối Đồng (Vị Xuyên – Hà Giang).
Nguyễn Trọng Tuyên dẫn tôi thẳng vào gặp già bản chứ không phải vào UBND (Lệ làng là thế). Sau khi làm ba bát rượu gọi là lễ chào hỏi (cũng vẫn lệ làng), mắt tôi đã trông thấy bốn hay tám ông già làng ngồi trước mặt mình. Mâm dọn lên. Thịt mỡ to bằng bàn tay, dày cỡ bao diêm, và tất nhiên, không thể thiếu rượu. Người dân tộc thẳng thắn và bộc trực. Đã uống là phải uống bằng bát. Đã nâng là phải cạn. Bây giờ mới đến phần công việc. Các chức sắc làng xã vừa gắp, rót, nhai, uống vừa phàn nàn. Thú thực, lúc này tôi đã để rơi công việc xuống dưới đáy bát, tai nghe láng máng. Đại khái là: “Đồng bào khổ lắm. Đá nhiều lắm. Đói lắm. Lúa không sống nổi. Gà lợn không biết đẻ. Ngô thì hay bị (hình như là khỉ) ăn mất. Khổ lắm. Trẻ em làng Mèo học trong một mái lán (đồng bào vẫn gọi là trường). Cô giáo từ Vị Xuyên lội suối, băng rừng vào dạy buổi đực buổi cái. Hỏi: “Sao lại thế?”. Đáp: “Lương được trả bằng rượu với thịt lợn, chỉ tổ béo ông chồng. Chán lắm. Chả thiết”. Trẻ con dân tộc rất vô tư. Có đến năm bảy đứa “khỏa thân” đến lớp.
Cái nguyên nhân của sự nghèo khổ ở đâu? Có phải vì rượu? Có thể do nhà báo quá vô tư hoặc quá vô tâm. Nhưng cũng dễ hiểu, bởi lẽ, riêng tôi, 8 giờ đồng hồ ở Suối Đồng đã mất đến 3 tiếng uống rượu, ba tiếng say rượu (thế thì đồng bào mới vỗ tay khen: thằng người kinh tốt bụng thực lòng). Hai giờ “hoạt động nghiệp vụ” tôi chỉ đủ sức đi thăm một gia đình và bốn lò nấu rượu. Rượu ở đây thì vô biên cương. Rượu ngô có, rượu sắn có, rượu gạo có. Men lá có. Men gạo có. Men Tàu cũng có. Chàng Hơ – Mông chỏ lò cười hềnh hệch: “Uống đi, rượu tao nhiều lắm, ngon lắm. Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu mà”. Tôi nhìn lại mình. Hai ngày ở Hà Giang, thành bợm đến nơi rồi. “Ngưu tầm ngưu…” Thảo nào tay Hơ – Mông này nhận tôi làm tri kỷ, muốn đãi đủ ngàn chén cho xứng với danh hiệu dân say ở Làng Say. Hỏi: Một ngày nấu được mấy lít? Đáp: Hai chục. “Cả làng có bao nhiêu người?”. “Gần trăm”. “Có bao nhiêu lò nấu?” .”Bảy lò”. “Đem bán xa không?”. “Từ đây lên nhà Sùng” (Nhà già làng). Lạy chúa tôi. Có lẽ một tay bợm người Germany uống bia một năm cũng chỉ bằng thằng trẻ con Suối Đồng uống rượu một tháng. Các nhà làm sách Guiness hẳn đã không biết đến một Làng Say.
Một lò nấu ruợu ngô của người dân tại Quản Bạ - Hà Giang (Ảnh: Ẩm thực Việt)
Không, tôi không còn gặp hình ảnh của những chàng trai Mông thổi khèn, múa dẻo, làm nương giỏi, không gặp hình ảnh của những thiếu nữ Mông xoà ô che nắng, tay nắm đuôi ngựa, che chở và yêu thương những ông chồng thần tửu. Hình ảnh ấy đẹp quá nhưng chỉ có trên phim thôi.
Hà Giang là tỉnh nghèo, nghèo lắm. Chỉ toàn là đá.
Quê hương tôi tự nó đã cao rồi
Gần mặt trời mà thiếu nắng quanh năm
Và gió nữa quanh năm gào thét
Đá thì lởm chởm nhọn sắc
Một vùng mênh mông xám lạnh rợn người
Cao Xuân Thái, một thi sĩ của Cao Nguyên đã viết như thế. Ông sinh ra từ đá và rượu. Tôi đã từng chứng kiến cảnh những bà mẹ gìa, những em bé phải gùi đất lên cao, xếp vào từng hốc đá cho hạt ngô có chỗ nảy mầm. Gùi đất đè nặng xuống đôi vai già nua. Đá nhọn sắc cào rách những bàn chân trần thơ bé. Hạt ngô, cây lúa sinh ra nhọc nhằn trên đá, trên mồ hôi của biết bao thế hệ con người sinh ra và chết đi trong cùng cực lầm than. Trên tay tôi hạt gạo mang dáng giọt mồ hôi, hạt ngô đỏ bầm màu máu. Tôi sinh thời đã mang trong mình ít máu Lưu - Nguyễn, tuy chưa đến mức là đệ tử Lưu Linh nhưng cũng có lúc dám tự hào mà đỏ mặt với đời. Vậy mà đến đất say, tự thấy mình chưa xứng được liệt vào hàng bưng bê sách tráp. Sống gần tuần mà như chưa biết đến Hà Giang. Thôi thì đành viết về cái say có vị đắng của cuộc đời và sự vô tâm của người đời.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho chúng ta
Những đau đớn hằn vết trong trái tim anh đều do em cả. Em không mong mình sẽ là người khâu vá lỗ hỏng ấy, chỉ mong anh hãy quên em và đừng yêu em thêm nữa. Tình yêu này không nên tồn tại. Buông bỏ là lựa chọn tốt nhất cho cả hai chúng ta.
Trả Lại Anh Cho Cô Gái Khác | Radio Tâm Sự
Sau chia tay, có ai không bi luỵ lẫn tổn thương… chẳng qua chúng ta chỉ khác nhau ở thời gian chữa lành mà thôi. Có người cần một tháng, có người cần một năm, có người cần thời gian đủ lâu và có kẻ chấp nhận dùng cả một đời để học cách quên đi một người.
Người cũ chỉ nên nghĩ, không nên nhớ | Blog Radio 909
Ngày hôm đó chúng ta đã nói sẽ luôn nhớ tới nhau, sẽ giữ trọn vẹn trong tim mối tình của năm tháng ấy. Nhưng anh biết không, mỗi người chúng ta ai rồi cũng đều khác, lời hứa năm đó cũng chỉ là tên gọi khác của lời tạm biệt mà thôi.
Vì em là một món quà - Phần 2 | Blog Radio 908
Dây xích sắt trượt dài trên thanh chắn cửa, rít lên một tràng âm thanh chói tai, kết thúc bằng tiếng đáp đất nặng trịch. Trời lặng gió, áng mây vắt ngang qua ngọn cây, trong đêm tối không trăng không sao, chiếc lồng đèn cũ phủ một lớp bụi mỏng
Vì em là một món quà - Phần 1 | Blog Radio 907
Mưa rơi, làm hình bóng anh trong mắt cô mờ đi, gương mặt điển trai sau màn mưa trắng chẳng rõ đang vui hay buồn. Mưa vẫn không ngừng xối lên thân ảnh liu xiu của anh, lớp áo sơ mi trắng dính vào da lộ ra vết sẹo dài chạy dọc theo cánh tay khẳng khiu.
Bạn đã đánh đổi điều gì để trưởng thành? | Blog Radio 906
Bạn chính là chủ nhân của cuộc đời mình. Tương lai ra sao, do bạn định đoạt. Đừng để năm tháng trôi qua, trong bạn chỉ toàn là tiếc nuối.”
Điều em muốn là bình yên và tĩnh lặng | Blog Radio 905
Đôi khi, sự ra đi của người khác là lí do để ta nhìn lại mình. Nhìn lại những gì mà bản thân đã cư xử. Có phải vì ta chưa đủ trưởng thành? Có phải vì ta vẫn còn quá cảm xúc và bi kịch hoá mọi thứ?
Nếu bạn độc thân, hãy cứ tận hưởng điều đó | Blog Radio 904
Nếu bạn độc thân, hãy tận hưởng điều đó. Độc thân không có nghĩa là chưa đủ tốt để yêu. Độc thân nghĩa là chưa có ai đủ tốt để được bạn yêu.
Đi tìm phiên bản tốt nhất của chính mình | Blog Radio 903
Muốn ngắm bình minh, phải dậy thật sớm. Muốn tạm biệt ngày tàn, phải vẫy chào hoàng hôn. Hạnh phúc của mình nên tự mình nắm lấy...
Trái tim em có nhiều vết xước | Blog Radio 902
Một giấc mơ dang dở dấy lên trong lòng tôi một sự hiếu kỳ với dáng vẻ của hạnh phúc. Nếu bước qua lằn ranh giữa quá khứ và hiện tại, tôi sẽ thấy được điều, có phải kết cục sẽ vẹn tròn hơn không.