Cuộc sống xung quanh tôi
2022-03-24 01:20
Tác giả:
blogradio.vn - Tôi còn biết nói gì đây, không chỉ riêng cô ấy mà tôi biết còn rất nhiều người khác cũng bị y vậy, họ đặt ra kế hoạch và bao dự định tốt đẹp, rồi đùng một cái, dịch tới làm tất cả thay đổi hết, phải dừng lại, phải dậm chân tại chỗ, thậm chí là thất bại hoàn toàn hay phá sản như cô bạn tôi vừa nói, nghe mà đau đầu quá
***
Khi người ta có thể sống chậm lại, người ta có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ về tất cả những gì đã qua mà trước đây với một ngày cứ hai mươi bốn tiếng đồng hồ, với rất nhiều người, trong đó có tôi, cứ xoay tròn với gia đình với công việc, đến nỗi chưa có lúc được dừng lại, được ngoái nhìn.
Tôi nhận quyết định nghỉ hưu vào đúng thời điểm dịch bùng phát rộng đợt thứ tư trong cả nước, đúng tuổi và đúng theo các quy định. Mọi người trong cơ quan tổ chức một buổi tiệc chia tay nhỏ cho tôi, nhưng họ nói chỉ làm cho có lệ thôi, vì tôi nghỉ việc không phải là không gặp nhau nữa, vì họ sẽ còn đến nhà tôi chơi dài dài, vì tôi còn phải cố vấn cho họ trong công việc dài dài. Tôi viết nguyên văn những gì họ nói:
“Chỉ có một thay đổi duy nhất, là tôi không đến cơ quan mỗi ngày mà thôi”
Tôi cảm động trước tấm chân tình của họ, những người bạn đồng nghiệp với đủ mọi lứa tuổi đã từng bên tôi bao ngày tháng. Nhưng rồi họ cũng giống tôi ngay sau đó, nghĩa là làm việc online tại nhà.
Cả thành phố nơi tôi sống như chìm vào một sự tĩnh lặng, khắp các ngả đường dường như đều bị chặn lại bởi những dây chắn và dòng chữ bảo vệ vùng xanh, nói thật là từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa từng thấy bao giờ cái không khí im lặng bao trùm lên toàn thành phố đến kinh khủng vậy.
Trước đó tôi đã hối hả đi siêu thị mua thực phẩm dự trữ cho cả nhà, dù chú tổ trưởng dân phố đã thông báo sẽ phát phiếu đi chợ sau đó nên bà con đừng quá lo lắng. Con gái nhỏ của tôi trong kia kịp bay về vì trong đó đang là tâm dịch của cả nước.
Tôi và những người thân trong đại gia đình của tôi không còn gặp trực tiếp nữa, chỉ nhìn nhau và nói qua lap qua điện thoại mà thôi. Những mẩu chuyện rất nhỏ mà tôi sắp viết ra đây là tôi được nghe được thấy và được người thân của tôi kể lại, tất cả làm tôi cứ bồn chồn nôn nao muốn được viết ra, không phải chỉ để mọi người cùng biết, vì tôi nghĩ ở bất cứ đâu trong cả nước mình cũng sẽ có những chuyện tương tự vậy, mà là để ghi lại một khoảng thời gian không thể nào quên.
Đúng vậy, mãi mãi không thể nào quên.
Tôi viết theo mạch cảm xúc và nỗi nhớ nên những mẩu chuyện có thể không theo thứ tự thời gian, chỉ biết là tất cả đều bắt đầu từ đợt dịch thứ tư
…
Vì má tôi chỉ có một mình nên gần như mỗi ngày tôi đều ghé qua cho má uống thuốc rồi ăn uống, giờ thì không được nữa, chỉ nhắc má qua điện thoại. Có một hôm tôi thấy sốt ruột nên phóng xe về xem má ra sao, và chủ yếu là để tiếp tế thức ăn cho má nhưng tôi đã bị chặn lại cách nhà tôi không xa. Một anh công an hỏi tôi đi đâu rồi anh ta giải thích:
“Mời chị về địa phương nơi má chị đang sinh sống xin giấy chứng nhận người già cả đau yếu, có giấy xuất trình thì chị mới được đi”
Hỡi ôi, vậy tôi có cánh để bay đến đó chắc, nếu mấy anh không cho tôi qua.
Vậy nhưng nói gì cũng thua, không được là không được.
Tôi vẫn biết họ làm vậy là muốn tốt cho tôi, cho bao người khác nữa, rằng họ đang làm đúng theo chỉ thị nhưng tôi vẫn bực bội. Suy nghĩ thực trong tôi lúc đó là:
Mấy thằng oắt con mà đòi giảng bài đòi lên lớp cho chị hả?
Tôi quay về và gọi cho con trai, may mắn là con tôi cũng là công an nên dễ dàng giúp tôi xong việc lần đó.
…
Tôi gọi cho nhỏ em để hỏi nó hôm qua đi tiêm vắc xin sao rồi, có thấy sốt hay đau nhức gì không, nhưng tôi bất ngờ khi nghe nó trả lời:
“Dạ em có tiêm đâu, em đến nơi rồi đi về”
“Vậy là sao, chị không hiểu?”
“Vì quá đông chị ơi, em thấy cả biển người ở đó, dù các bác sĩ đã làm việc hết công suất mà vẫn không xuể”
“Tất cả đều phải vậy mà, em phải chịu khó đợi chứ”
“Em không thích đợi, và vì em có nguyên tắc riêng của em”
“Nguyên tắc gì?”
“Dạ nguyên tắc đó là, cô đơn nó diệt covid, và em đều sát khuẩn họng mỗi ngày bằng nước muối sau ba bữa chính nên chị yên tâm. Thôi để mọi người tiêm xong hết đi, em sẽ tiêm sau cùng”
“Sau cùng là khi nào, lỡ khi đó hết vắc xin thì sao.” - Tôi bực quá la lớn trong điện thoại vậy mà lại nghe giọng nó cười ở đầu dây bên kia
“Sức đề kháng em tốt lắm, em tự tin với điều đó, rồi em sẽ tiêm trong nay mai mà”
Tôi nghe mà điên gan, nó vốn là đứa gan lì ngang ngạnh nhất nhà, nó cứ làm theo ý nó, không ai nói được. Nhưng đúng là vào cái hôm ăn tất niên ở nhà nó, tôi mới biết nó đã tiêm hai mũi rồi, còn mũi thứ ba là phải sau tết. Nó còn nói như khoe:
“Em đi tiêm sướng lắm, địa điểm ngay gần nhà chỉ cần đi bộ thôi, mà em thấy các bác sĩ toàn chờ người đi tiêm thôi, em nghe mấy bác sĩ cứ liên tục nói lớn ‘Có ai tiêm không, xin mời vào’. Nhưng mọi người còn đang bận điền thông tin ngoài các bàn kê phía ngoài”
“Em tiêm văc xin nào?” - tôi hỏi
“Dạ, cả hai mũi đều là fizer”
“Vậy là tốt rồi, còn mũi thứ ba nữa, nhớ đi tiêm đừng quên”
“Dạ vâng, hôm em tiêm mũi hai, cái anh phụ trách lấy và trả thông tin có gọi tên em thật lớn, anh ta muốn xác nhận có phải em tiêm mũi hai không, vì những người đi tiêm hôm đó đều là mũi ba, rồi tất cả không hẹn mà cùng quay nhìn em khi đó, em đọc được trong ánh mắt họ câu này: ‘Bả làm gì mà giờ này mới tiêm mũi hai, trong khi mọi người tiêm mũi ba hết rồi’”
Cả đại gia đình đang ngồi quay tròn bên bàn ăn nhà nó đều bật cười lớn.
…
Một buổi chiều tôi đang tưới cây trước sân thì nghe được cuộc nói chuyện của hai anh em nhà đối diện với nhà tôi. Tôi ngạc nhiên vì nghe giọng nói cô ấy, vì lâu lắm rồi dù là hàng xóm nhưng tôi có thấy cô ấy đâu, vì cô ấy làm việc ở trạm y tế của phường.
Thì ra anh cô ấy đến chơi, thấy cô ấy đang loay hoay dọn nhà, anh ấy bèn chọc em gái mình.
“Sao giờ này lại dọn nhà mà không đi làm, phải biết hy sinh cho Tổ quốc chứ?”
Nghe vậy cô ấy liền đổi giọng và đổi cách xưng hô, cũng hài hước không kém:
“Dạ thưa cha, con hy sinh nhiều nhiều tháng lắm rồi cha, công việc đang vơi bớt nên chiều nay con được off một buổi, con phải dành cho gia đình con nữa thưa cha”
Cả hai anh em họ cùng cười to ơi là to làm tôi bên này cũng bật cười theo. Tôi biết tính cô ấy và rất thích, cô ấy luôn truyền đến mọi người một niềm lạc quan và nhiều tiếng cười, làm bao mệt nhọc cứ như vơi bớt đi, cứ như tan biến hết.
Theo tôi biết, tất cả các trạm y tế của các xã phường đều làm việc đến chín mười giờ tối là chuyện bình thường từ khi có dịch. Câu chuyện của hai anh em họ làm tôi nhớ đến một bộ phim ngắn khoảng sáu mươi phút tôi đã được xem trên truyền hình, trong đó đã quay lại toàn bộ công việc của một kíp trực đêm của một bệnh viện trong những ngày có dịch. Cả ca trực vừa đi, vừa chạy, vừa nói, vừa làm, ở đó không còn khái niệm của ngày và đêm nữa, họ chỉ còn đau đáu một suy nghĩ duy nhất trong đầu, làm sao cho người bệnh thoải mái nhất, an toàn nhất.
Bộ phim ngắn đã làm biết bao người xúc động mãnh liệt, tôi tin chắc như thế.
Bộ phim tên “Ranh giới sinh tử”.
…
Một buổi chiều khác tôi vừa chạy xe về đến đầu ngõ thì nghe được cuộc hội thoại của hai bé đang học tiểu học, một bé trai và một bé gái, cả hai đều đang học lớp ba.
Bé trai nói trước:
“Bà có biết biến thể Delta là gì không, mà cô Yến bị dương tính rồi đó, bà có tiếp xúc với cô không, nếu có thì làm ơn tránh xa tui ra”
Giọng bé gái cũng không vừa, rắn rỏi y như giọng người lớn:
“Tui không quan tâm biến thể, tui chỉ biết mẹ tui nói tui âm tính là đủ. Mẹ tui bảo âm tính là tốt, còn dặn tui cứ bước ra khỏi nhà là phải đeo khẩu trang vào”
“Bà phải nói thật đó nhen, nói dối là chết xuống bị Diêm vương cắt lưỡi đó”
“Tui mà thèm nói dối, hôm qua tui còn nhắc cô Vân phải nhớ đeo khẩu trang vào, vì tui thấy cô ấy ra khỏi nhà mà không có khẩu trang. Tui chơi cầu lông với ba tui đây, không thèm nói chuyện với ông nữa”
“Khoan đã, cho tui chơi với, tui tin bà rồi”
Tôi chỉ còn biết tủm tỉm cười trước những câu nói rất thật và vô tư của hai bé, con nít bây giờ lớn rất nhanh trong suy nghĩ, thông minh và nhanh nhạy hơn cái thưở con nít của tôi ngày nào. Tự nhiên tôi nhớ câu này:
“Ra đường hỏi người già, về nhà hỏi con nít”
…
Hai mẩu chuyện nhỏ tiếp theo sau đây lại liên quan đến cô em ngang bướng của tôi. Một hôm nó gọi tôi và nói:
“Chị ơi, cái lap của em bị hỏng rồi, mà nó biết chọn thời điểm để hỏng ghê, bây giờ toàn thành phố vắng lặng, cửa đóng then cài, em chỉ còn biết khóc thôi”
“Em xài đỡ điện thoại vậy”
“Điện thoại làm gì được đây, cái lap giống như đôi tay của em, không có nó em cảm giác em bị mất đi đôi tay rồi”
“Phải chịu khó thôi, vì tình hình đang căng lắm, chị nghe nói phải cả tháng nữa các chốt mới được dỡ bỏ hết”
“Dạ vâng, em đã gọi điện cho bệnh viện máy tính, họ nói họ cũng đóng cửa rồi, khi nào mở lại họ sẽ gọi em. Còn một chuyện này nữa chị ạ, chuyện này vừa rất quen vừa rất lạ với em”
“Lại chuyện gì nữa?” - tôi ngạc nhiên
“Có một bác lớn tuổi ở phường vừa đến nhà em lúc nãy, bác nói mời em lên ủy ban phường nhận tiền trợ cấp. Bác nói cả khu phố có năm người được nhận, trong đó có em”
Tôi cười lớn
“Vậy là vui rồi, em lên nhận chưa?”
Giọng cô em tôi trầm hẳn lại
“Em không nhận, em cảm ơn nhưng nói với bác rằng chắc có sự nhầm lẫn nào đó, rằng có nhiều người còn khó khăn hơn em bội phần, em muốn nhường lại cho người cần nhất”
Tôi lặng đi, thấy tiếng cười của mình vừa rồi sao vô duyên đến vậy.
Em tôi nói tiếp:
“Là má và chị đã dạy em, từ lúc nhỏ đến giờ
“Chị hiểu, em làm chị rất vui”
“Khi chị phát một tấn gạo cho những người nghèo khổ trong âm thầm lặng lẽ, chị đã nghĩ gì lúc đó thì em cũng nghĩ giống chị, có rất nhiều người cần sự sẻ chia vật chất thiết thực hơn em gấp trăm nghìn lần”
“Sao em biết chuyện đó, ai đã nói?”
“Chị đừng quan tâm, em biết vì đơn giản em là em gái của chị”
Tôi chỉ muốn được ôm em mình ngay lúc ấy, lần đầu tiên tôi thấy nó không cứng đầu và khó ưa nữa.
“Còn chị, chị làm vì trái tim chị thôi thúc chị phải làm.”
Tôi thấy nước mắt nó rớt xuống rồi nó tắt điện thoại thật nhanh.
…
Có một người shipper chạy xe vào khu phố nhà tôi, anh ta nhìn thấy tôi đang đặt túi rác trước nhà nên dừng lại hỏi địa chỉ, tôi thấy trên tay anh ta là một cái bánh kem và một bó hoa lớn rất xinh, chắc là sinh nhật của ai, tôi đoán. Nghe anh ta hỏi tôi biết là nhà ai rồi, nhưng chị hàng xóm bên cạnh lại chép miệng.
“Đang dịch bệnh tùm lum mà bày đặt sinh nhật này kia, họ có làm quá lên không vậy, nghe chướng tai gì đâu”
Tôi giật minh, chắc là chỉ tổ chức trong nhà thôi mà, chắc chị ấy nghĩ là nhều người còn khó khăn dữ quá nên sinh nhật trong lúc này là một điều gì đó xa xỉ và không phù hợp lắm. Tôi hiểu ý chị là vậy, chỉ lo nhà hàng xóm nghe được lại phiền, rồi lại cãi nhau thì mệt.
…
Cháu tôi chuẩn bị cưới vợ, và lần đầu tiên trong đời tôi cầm trong tay cái thiệp cưới đặc biệt nhất. Đó là thiệp báo tin chứ không phải thiệp mời, vì ngoài phần tên hai họ và tên cô dâu chú rể còn dòng chữ được in đậm ngay ở vị trí trung tâm.
“Vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, gia đình chúng tôi không tổ chức tiệc ở nhà hàng, xin chân thành cáo lỗi đến mọi người”
Một đám cưới mà chỉ vỏn vẹn có mười người kể cả cô dâu chú rể, nhưng tôi tin chắc tất cả những ai cầm tấm thiệp ấy đều sẽ xúc động.
…
Một cô bạn của tôi, không thân lắm, gọi điện nhờ tôi giới thiệu dùm người mua xe, vì theo cô ấy, tôi có nhiều mối quan hệ và quen biết rộng. Cô ấy nói:
“Chị ơi, tại em quá tự tin, mấy năm trước làm ăn ngon ơ nên em tính chỉ cần sau hai năm em sẽ trả hết được nợ, nào ngờ vừa mua xong thì dịch tràn đến, mà cứ mỗi lúc một lớn hơn không biết đến bao giờ mới hết dịch. Hai vợ chồng em cứ nhìn bốn chiếc xe đắp chiếu nằm đó mà ngổn ngang trong lòng, trong khi lãi cứ chồng lãi mỗi ngày”
Tôi trấn an cô ấy
“Em cứ bình tĩnh đã, trước mắt em tự xem khả năng của hai vợ chồng có thể chịu đựng được đến đâu, vì sắp tới chắc chắn văc xin sẽ được phủ rộng khắp trong cả nước thì cuộc sống sẽ trở lại nhịp sống bình thường, khi đó xe của em sẽ hoạt động lại được mà. Chị không rành kiểu kinh doanh của em nhưng tinh hình sắp tới là vậy, còn phải sống chung với dịch nhưng tất cả được tiêm văc xin thì sẽ an toàn hơn”
“Tụi em bàn kỹ rồi chị nên quyết định bán, chỉ cần huề vốn là em mừng lắm rồi, chị biết ai có nhu cầu thì giới thiệu giúp em với”
“Chị không hứa, để chị xem đã nhé, chị sẽ gọi em sớm nhất có thể”
“Dạ em cảm ơn chị, chỉ cần bán được để trả hết vốn và lãi cho ngân hàng là vợ chồng em nhẹ người, chứ cái kiểu này em rầu thúi ruột luôn, coi như kế hoạch làm giàu của em bị phá sản, ngày nào mở mắt ra cũng thấy chữ lãi to đùng trước mặt, em mệt mỏi quá”
Tôi còn biết nói gì đây, không chỉ riêng cô ấy mà tôi biết còn rất nhiều người khác cũng bị y vậy, họ đặt ra kế hoạch và bao dự định tốt đẹp, rồi đùng một cái, dịch tới làm tất cả thay đổi hết, phải dừng lại, phải dậm chân tại chỗ, thậm chí là thất bại hoàn toàn hay phá sản như cô bạn tôi vừa nói, nghe mà đau đầu quá.
Dịch ơi là dịch.
Những lối thoát nào có thể thì mọi người đã sử dụng, còn tôi, tôi vẫn rất thích câu nói của Thủ tướng:
“Muốn mở cửa, phải thần tốc vắc xin”
…
Đúng là phải một năm tôi mới gặp lại cháu tôi, nó gầy đi dữ quá, tôi ngồi nói chuyện cùng nó mà hai dì cháu không hẹn mà cứ hướng ánh nhìn về phía cây mai nhà tôi. Giọng cháu tôi nghe phấn khởi làm sao.
“Cây mai nhà dì đẹp quá, một năm kinh khủng đã qua rồi phải không dì. Con tin chắc là sẽ không còn bị cách ly như vậy nữa”
Tôi biết nó muốn nhắc đến chuyện gì, khu ký túc nơi nó ở đã xuất hiện đến mười mấy ca FO, vậy là tất cả sinh viên đang ở đó bắt buộc phải tự cách ly tại phòng không được ra ngoài. Khi tôi gọi điện hỏi thăm nó nói tình trạng đó kéo dài đến ba tháng trời, buổi sáng thì cứ mì gói mà xơi, trưa và tối thì có người để cơm trước phòng nhưng cơm quá dở nó không nuốt nổi. Nó bảo những ngày tháng đó con chỉ ăn đủ bữa chứ không đủ chất dì ơi, nhưng biết làm sao khi toàn thành phố đang chốt chặn khắp nơi, đang là tâm dịch của cả nước.
“Nhưng trường rất quan tâm đến sinh viên, dì nghe nói tụi con được hổ trợ trái cây, khẩu trang, rồi được tiêm vắc xin đầy đủ, dì rất mừng”
“Dạ đúng vậy, nhưng suốt ngày trong phòng con thấy ngộp thở, chỉ mong các bạn con khỏe lại để tất cả tụi con cùng khỏe”
Không phải chỉ mình cháu tôi, mà tôi đi đâu cũng nghe mọi người nói vậy, như là một nhận xét hiển nhiên cho một năm sắp sửa trôi qua.
Một năm kinh khủng.
…
Còn nhiều lắm những câu chuyện khác, nhưng viết ra sẽ rất dài nên tôi xin được kết thúc ở đây. Hiện tại tôi thấy mọi người đã tự tin rất nhiều nhờ được tiêm đủ ba mũi vắc xin, cuộc sống dường như đang trở lại guồng quay của nó. Tình hình dịch bệnh vẫn được thông báo rộng rãi đến người dân mỗi ngày nhưng sự lo lắng đã giảm xuống rõ rệt, xung quanh tôi đang bừng lên một niềm tin, một hy vọng rất lớn vì ai cũng hiểu cần chung sống an toàn với dịch và chiếc khẩu trang phải luôn đồng hành trên mọi nẻo đường ngược xuôi là được.
Tôi ngước lên nhìn bàn thờ nhà tôi, hoa trái bánh ngọt và mâm cơm cúng giản đơn tôi vừa nấu xong. Năm nào cũng vậy, tôi cúng cơm ông bà ba ngày tết cổ truyền, đứng trước bàn thờ thắp cây nhang thoang thoảng mùi hương, cầu mong sức khỏe và sức mạnh đến với tất cả.
Tết vẫn đang xung quanh tôi, cuộc sống vẫn đang xung quanh tôi, và những khó khăn vẫn còn đó như muốn giục giã mọi người khắc phục và vượt qua.
Có tiếng con tôi đang gọi tôi dưới nhà, hình như có khách đến. Tôi đi vội xuống cầu thang mỉm cười cảm ơn con, thấy thương lắm lời chúc con dành cho tôi ngày đầu năm:
“Mẹ ơi, năm mới con chúc mẹ khỏe mạnh, con chỉ mong vậy thôi”.
© HẢI ANH - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Blog Radio: Anh không phải người duy nhất cần em | Bản Full
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu