Phát thanh xúc cảm của bạn !

img bài dự thi Chuyện ma bà tôi kể đổi thay như thế nào?

2022-12-31 01:20

Tác giả: Nguyễn Ngọc Nhi


blogradio.vn - Bà vừa kể, vừa nằm quạt tôi ngủ trên giường. Nhưng tôi không ngủ được mà mắt mở thao láo, nghe bà kể về ông và hồn ma của ông hết chuyện này sang chuyện khác. Hồn ma ông tôi trong chuyện của bà khiến tôi bâng khuâng khó tả. Vì có lẽ đó là lần đầu tiên tôi biết được ông ngoại mình là người như thế nào.

***

Bị bao vây bởi bóng tối khiến tôi cảm giác như chỉ có tôi và bà tôi giữa một khoảng vũ trụ trống rỗng. Nguồn sáng duy nhất là từ ngọn nến giữa hai bà cháu, và điều duy nhất tôi có thể nghe thấy là giọng bà tôi kể chuyện. Bà tôi ngồi ngay trước mặt mà tôi nghe cứ ngỡ giọng bà từ trên trời vọng xuống. Thoáng chốc, hai mắt bà lại liếc ngọn nến. Lúc bà đưa mắt nhìn tôi trở lại là lúc bà tiếp tục câu chuyện đang kể:

“Bà tách khỏi đám bạn ở đầu cầu, rồi đi bộ về nhà một mình. Đúng lúc đó, bà bắt đầu nghe thấy tiếng bước chân sau lưng,” bà tôi nói. “Cụ nói bà không bao giờ được nhìn lại, nên bà cứ nắm chặt tay lại và đi một mạch về nhà. Nhưng tiếng bước chân vẫn ở đấy, ngay sau lưng.” Đôi mắt bà sáng rực trước ngọn nến, cứ như thể chúng mới là thứ đang cháy. “Đó chính là hồn ma cô con gái ông hàng xóm. Con bé đấy mới năm tuổi đã chết do ngã xuống giếng, chết sớm quá, hồn ma không siêu thoát được. Tối nào đi bộ về nhà, nó cũng theo đằng sau.”

Tôi ngồi đó, hai chân tê cóng vì bắt chéo quá lâu. Ngồi nghe chuyện càng lâu, tôi càng bắt đầu có cảm giác sẽ có gì đó xuất hiện sau lưng mình nếu tôi quay lại nhìn. Nhưng như bà tôi đã nói, tôi không bao giờ nên nhìn lại, vì vậy tôi cố kìm nén nỗi sợ cho đến khi nhà tôi có điện trở lại.

Bà tôi thường kể chuyện ma khi chỉ có hai bà cháu. Thường bà hay kể trước khi hai bà cháu đi ngủ. Lần nào nhà tôi mất điện, bà cũng hứng lên kể chuyện ma cho tôi nghe. Bà tôi hay kể một câu chuyện hai, ba hoặc bốn lần, vì vậy chuyện nào tôi cũng nhớ như in. Điều thú vị là bà tôi tin rằng những con ma trong chuyện đều có thật. Trong tất cả câu chuyện đó, bà đều là nhân vật chính – và những con ma đều là do bà gặp hồi bà còn trẻ.

Chuyện ma bà kể lúc nào cũng khiến tôi sởn da gà. Mấy con ma trong chuyện của bà hầu như toàn chết oan chết uổng, ám ảnh tâm trí tôi đến nỗi lớn lên tôi vẫn phải để đèn đi ngủ. Nhưng sau khi ông tôi mất, những câu chuyện ma của bà tôi có một thay đổi lớn.

Tôi chưa bao giờ nghĩ người tôi coi như nữ anh hùng như là bà tôi lại đi sợ ma, cho đến khi diễn ra đám tang của ông tôi lúc tôi mười hai tuổi. Đám tang ông tôi diễn ra vào ban ngày, và diễn ra hơn một tuần. Đến tối, khi các pháp sư và mọi người ra về, chỉ còn bà tôi một mình trong nhà. Tối nào, bà cũng bắt một đứa cháu sang nhà bà ngủ qua đêm cho bà đỡ sợ. Và lần nào đi qua bàn thờ, bà cũng không dám nhìn ảnh ông vì bà cảm giác như ông đang nhìn chằm chằm lại mình. Nhưng việc tôi nhận ra bà tôi sợ ma không phải là sự thay đổi tôi muốn kể đến trong bài này. Cái sự thay đổi tôi muốn kể đến, là khi bà tôi đã hết sợ ma.

Tôi nhận ra sự thay đổi đó khi gia đình họ hàng tôi đốt vàng mã vào hôm cúng 49 ngày. Đứng trước đám lửa cháy nghi ngút giữa sân nhà, bà tôi đã tự tay thả vào lửa đôi giày ông tôi từng dùng, và nói:

Tôi gửi cho ông đôi giày, mong là bây giờ ông có thể đi lại được. Ông cố gắng tập thể dục giữ gìn sức khỏe, nghe không?

Tôi chợt nhận ra rằng đó là lần đầu tiên tôi nghe bà tôi nói với ông tôi những lời âu yếm đến thế. Thậm chí cả đời tôi chưa nghe thấy ông bà tôi nói chuyện với nhau bao giờ, trừ những câu từ ngắn gọn xã giao, như “đã ăn gì chưa?”, “ông dậy chưa?”...  Những lời bà nói bên ngọn lửa đốt vàng mã trong khoảnh khắc đó, tôi nghe thấy âu yếm biết bao, nhưng cũng buồn biết mấy.

Sự âu yếm đượm buồn đó chính là sự thay đổi tôi muốn nhắc đến, và nó xảy ra trong những câu chuyện ma của bà. Kể từ khi ông mất, chuyện ma bà kể tôi nghe chẳng còn thấy sợ. Vì từ lúc đó, những câu chuyện ma của bà toàn là về ông tôi.

Ngày xưa, hồi ông còn ngủ với bà một giường, ông hay “đánh bủm” xong chùm chăn che đầu cả ông lẫn bà, ngửi ghê không chịu nổi! Bây giờ ông chắc đang vui vẻ bên ông bà cố rồi… Bà cảm nhận được vậy. Ông không ở đây trong phòng này nữa, nhưng ông vẫn biết bà cháu mình đang làm gì, nói gì. Cháu nhớ nhé!

Bà vừa kể, vừa nằm quạt tôi ngủ trên giường. Nhưng tôi không ngủ được mà mắt mở thao láo, nghe bà kể về ông và hồn ma của ông hết chuyện này sang chuyện khác. Hồn ma ông tôi trong chuyện của bà khiến tôi bâng khuâng khó tả. Vì có lẽ đó là lần đầu tiên tôi biết được ông ngoại mình là người như thế nào.

Ông tôi đột quỵ từ hồi tôi mới sanh, phải sống thực vật kể từ đó. Cả đời, tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông, cũng ít được nghe kể về ông. Tôi chỉ gặp ông tôi vào những dịp Tết, và lần nào về tôi cũng thấy ông ngồi bất động ở góc nhà. Kí ức của tôi về ông là những lúc người lớn trong nhà dìu ông đi lại, bón cho ông ăn những món được xay nhuyễn, và dìu ông vào giường mỗi tối. Nói cách khác, tôi biết đến ông ngoại tôi qua những hành động cử chỉ mọi người trong nhà dành cho ông, chứ hiếm khi qua lời kể của mọi người về ông. Lần đầu tiên tôi biết đến ông qua những lời kể, lạ thay, lại là qua những câu chuyện ma bà kể về hồn ma của ông. Chuyện ma bà kể về ông tôi là lần đầu tiên tôi có thể hình dung ông tôi là một con người thân thuộc chứ không phải một bóng hình nào đó xa lạ.

Phải nhắc đến rằng cách bà tôi kể chuyện ma về ông tôi cũng khác với cách bà kể chuyện trước khi ông tôi mất. Bà không còn kể chuyện mỗi khi màn đêm buông xuống, hay khi nhà tôi mất điện; bà kể về hồn ma ông tôi mọi nơi và mọi lúc. Như là mấy lần ra đường, lúc tôi kêu bà mặc thêm áo kẻo rét, bà đều lắc đầu xua tay và nói:

Ngày xưa ông mày khỏe lắm, chẳng cần mặc áo mùa đông bao giờ. Bây giờ bà yên tâm ra đường có ông phù hộ cho sức khỏe, sống lâu gần bằng con cháu luôn nhé!

Bà tôi kể khiến tôi cứ ngỡ rằng ông tôi vẫn hiện hữu trong đời sống thực tại. Chuyện ma về ông tôi được bà đan xen lẫn chuyện về quá khứ của ông trong ký ức bà. Như là chuyện ngày xưa ông đi đánh giặc, lỡ giết nhiều mạng nên bây giờ bà lo hồn ma ông lởn vởn không có chốn về. Chuyện ngày xưa ông chịu rét giỏi, nên giờ ông phù hộ cho gia đình con cháu sức khỏe của ông hồi ông còn sống. Có lẽ bà tôi sợ quên đi mất kỉ niệm quá khứ về ông nên bà hòa chúng vào những câu chuyện về con ma ông của thực tại.

Tôi càng lớn, bà càng kể chuyện ma ít đi. Có lẽ vì do mọi người hay chọc bà là ma quỷ không có thật, nên chuyện ma của bà gần với chuyện cười hơn là chuyện ma. Nhưng cái không ai biết, đó là chuyện ma bà kể về ông tôi cho tôi biết được rất nhiều sự thật, và có những sự thật không đáng để cười chút nào. Một câu chuyện ma bà từng kể đã cho tôi biết được một sự thật rằng bà yêu ông, không có nghĩa là ông lúc nào cũng đối xử tốt với bà:

Ngày xưa ông ăn uống kén chọn, nấu gì cũng phải theo ý ông. Có lần bà nấu canh cà chua không đúng cách, ông cầm muôi đánh vào ngực bà mạnh một phát. Bệnh tim của bà cũng từ hồi đấy ra. Không biết bây giờ ông có bực bội trong người không, khi thấy bà làm gì sai mà không đánh hay nói gì được. Chỉ nhìn được thôi. Bà cháu mình thức khuya thế này, ông chắc cũng đang bực lắm.

Qua câu chuyện đó, tôi không những biết được một khía cạnh chưa từng được kể của ông tôi, mà tôi cũng biết được về sự thiệt thòi của bà hồi bà còn sống cùng ông. Lớn lên chút nữa, tôi nhận ra được rằng không chỉ có mình bà tôi phải chịu thiệt thòi. Giờ khá nhiều phụ nữ Việt Nam chịu bạo lực từ chồng, nhưng ít ai dám nhắc đến. Bà tôi chỉ dám nhắc đến sau khi ông tôi đã mất. Và dường như không muốn tôi nghĩ rằng bà đang trách móc ông, bà tôi đang kể dở chuyện ông ngày xưa bạo lực như thế nào bỗng nhiên “đánh trống lảng” sang kể về hồn ma của ông, một hình ảnh của ông mà tôi thấy gần gũi hơn rất nhiều. Mặc dù thế, tôi chưa bao giờ quên được những việc bà kể ngày xưa ông tôi đã làm với bà trong quá khứ. Chuyện ma của bà đã thay đổi tôi như thế: chúng cho tôi hiểu được rằng người lớn chẳng hoàn hảo hơn lũ trẻ con chúng tôi là mấy.

Khi đã trưởng thành và biết đi thăm nước ngoài, tôi học được rằng ma quỷ không chỉ hiện trong những câu chuyện của bà tôi; chúng chính là một phần của văn hóa Việt Nam. Hiếm khi tôi thấy có nước nào “chăm” cho những hồn ma chu đáo như nước mình. Ít có nước nào tổ chức tang lễ cho người đã khuất lâu ngày như nước mình, và xây nghĩa trang đẹp như nước mình. Nhưng dần dần qua nhiều thế hệ, thói “chăm” ma này đang thay đổi theo cách mà tôi cho rằng không đáng có. Thế hệ trẻ hiện nay đang dần nhìn nhận ma quỷ qua một góc nhìn khá hẹp. Hệ giáo dục hiện đại đã khiến họ kết luận rằng khái niệm ma quỷ là thứ nên vứt bỏ. Do đó, họ bắt đầu thờ ơ với việc tang lễ và cúng viếng, để rồi bây giờ ma quỷ chủ yếu chỉ hiện trong những bộ phim chỉ để hù dọa người coi. Đây là một sự thiệt thòi lớn cho giới trẻ, vì họ khi lớn lên sẽ mất đi kết nối với văn hóa nước nhà – một thứ văn hóa khiến họ trưởng thành hơn bằng cách giúp họ kết nối với thế hệ cũ, thế hệ bao gồm cả người còn sống lẫn người đã khuất. Để tôi kết nối với bà tôi lẫn người ông đã khuất của tôi, chỉ có chuyện ma tôi nghe bà kể mới làm được điều đó.

© Nguyễn Ngọc Nhi - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Cuộc sống ở nước ngoài qua lời kể của những người con xa xứ | Family Radio

Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.

Nguyễn Ngọc Nhi

Ngọc Nhi hiện đang là sinh viên đại học.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

back to top