Phát thanh xúc cảm của bạn !

Chẳng có gì hoàn hảo cho một cuộc đời

2016-11-02 01:17

Tác giả:


blogradio.vn - Ai cũng mong một cuộc sống hoàn hảo, giống như người đang yêu đời nhìn mọi thứ thấy cái cũng đẹp. Nhưng đâu có ai được như vậy!

***

Tôi vẫn nhớ rất rõ cái tuổi thơ ấy, tôi lấy những con búp bê tự làm bằng rơm rồi tưởng tượng ra những câu chuyện cổ tích, lấy những cái giẻ rách may áo cho nó, ấy vậy mà thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi ít nói và cứ lớn lên như vậy bên cạnh bà ngoại tôi. Bây giờ thì bà đã đi xa lắm rồi, nhưng kỷ niệm về bà thì nhiều lắm, thích nhất là được ngủ rồi gác chân lên bụng bà, khi bà đi ăn cỗ vẫn không quên lấy phần cho tôi nắm xôi. Cuộc sống giản dị và bình yên ấy cho đến bây giờ tôi thấy như những mảnh pha lê, ngắm những trong sáng của nó thì đẹp nhưng chạm vào thì lại vỡ tan.

Bố mẹ tôi chia tay nhau từ khi tôi lên ba. Tôi không hiểu được cảm giác thế nào đau khổ của sự chia ly, chỉ thấy rằng cái gốc nhãn ấy, bố mẹ tôi đứng mỗi người một nơi rồi ai cũng muốn ôm tôi vào lòng. Thế rồi họ cũng vẫn chia tay nhau. Tôi ở với mẹ còn bố tôi đi lấy người phụ nữ khác ngay sau thời gian đó. Mẹ tôi gầy đi nhiều, mẹ bảo với tôi rằng mẹ vẫn yêu bố nhiều lắm, chỉ có bố là ghét mẹ thôi. Mẹ đi làm ăn xa để tôi ở lại với bà ngoại, thỉnh thoảng mẹ có về thăm tôi.

Năm tôi lên tám tuổi mẹ tôi trở về, hai mẹ con tôi sống với nhau được một thời gian rồi cuối năm mẹ tôi đi lấy chồng. Ngày cưới mẹ tôi khóc rất nhiều vì cái cảm giác bị bỏ rơi, không biết nương tựa vào đâu. Nhưng khóc lóc có nghĩa lý gì, chẳng ngăn được hạnh phúc của mẹ.

Từ khoảng thời gian đó tôi sống lang thang vất vưởng, nhiều khi vào nhà ông ngoại ăn cơm, lúc này bà tôi đã mất rồi. Có khi lại ở nhà tự nấu cơm ăn, cơm trộn nước mắm sao mà ngon thế, có hôm tôi hái những quả khế chua đập dập ra rồi rán lên chấm nước mắm ăn cũng ngon tuyệt vời. Tôi vẫn sống một mình, buổi tối có ông ngoại ra ngủ cùng với tôi. Buổi sáng tôi đi học rồi buổi chiều về đi chăn trâu giúp cậu mợ.

Chẳng có gì hoàn hảo cho một cuộc đời

Ở trường học, tôi luôn bị các bạn chê là không có người dạy, họ bảo bố mẹ tôi không có để dạy bảo tôi, nhiều bậc phụ huynh vì sợ con họ chơi với tôi sẽ bị ảnh hưởng nên bố mẹ họ cũng cấm. Họ bảo chơi với tôi chẳng được cái gì, họ bảo “gần bùn nên sẽ rất tanh”. Tôi chẳng khác gì con hủi, sống và lầm lũi. Niềm vui của tôi là những câu chuyện cổ tích của những con búp bê tôi tự làm, khi thì bằng rơm, bằng len, bằng cây bèo thậm chí bằng những tàu lá chuối. Tôi tưởng tượng ra nhiều câu chuyện lắm, câu chuyện của những cô tiên trên trời, câu chuyện của vợ chồng đang cãi nhau, câu chuyện của ánh mắt thằng lớp trưởng đẹp trai… chỉ là tưởng tượng thôi mà, nghĩ sao chả được, không ai cấm.

Buổi tối hai ông cháu tôi nằm cùng nhau, tôi đọc cho ông những bài văn của tôi, có bài viết về bà đọc xong chắc ông cũng nhớ bà, ông nhét vào túi tôi 500 đồng, tôi vui lắm. Mỗi khi tôi được điểm cao ông thường động viên tôi bằng những đồng tiền lẻ ấy. Ông bảo: “Con phải học thật giỏi, có thể sau này sẽ trở thành bác sĩ hay cô giáo, lúc đấy sẽ chẳng ai khinh được con, bố con cũng sẽ tìm đến con, bộ dượng con cũng phải nể phục, bạn bè sẽ nhìn con bằng ánh mắt khác”.

Tôi không hiểu gì là sự cố gắng, nhưng tôi biết những lời ông nói là đúng và tôi sẽ thực hiện theo, tôi tự hứa với lòng mình thế! Ông thường đọc thơ cho tôi nghe, những bài ông tự sáng tác, rồi những câu chuyện cổ tích Thiên thai mà tôi nhớ mãi đến bây giờ: “Có hai chàng trai tìm được cõi tiên trở về rồi bị lạc lõng giữa cuộc đời….”. Tôi yêu môn văn từ ngày đó, những bài văn của tôi luôn được cô giáo khen là hay và tình cảm. Nhiều bạn trong lớp khinh tôi và nói là tôi sẽ chẳng làm được gì và đó chỉ là do tôi chép ở văn mẫu ra. Nhưng tôi mặc kệ, bản thân tôi thấy say mê là được, tôi hay viết theo cảm nhận và đôi khi bị nói là lan man nhiều, cô giáo đã đóng góp và gọt giũa cho tôi nhiều.

Tôi không học giỏi nhất lớp như các bạn lớp trưởng hay lớp phó khác vì môn toán của tôi không trội, tôi chỉ ngày đêm tưởng tượng và mơ mộng thôi. Ngày thi lên cấp 3 là một bước ngoặt. Vào được hệ A rất khó nhưng may mắn thay tôi lại vào được lớp chọn văn, ai cũng bất ngờ vì kết quả đó, họ nghĩ tôi hèn kém nên kết quả ấy không xứng đáng.

Tôi rất vui vì những bài văn của tôi luôn được cô giáo khen là có phong cách riêng, tôi thích cái cảm giác chỉ cần nhìn một chiếc lá rụng cũng đủ cho tôi viết thành một bài văn theo nhiều cách cảm nhận vui buồn khác nhau. Tôi vốn hay lầm lũi, sống khép kín và tủi thân nhiều nên tôi đồng cảm với những thân phận kém may mắn. Những bà cụ già vẫn còm cõi đi bán rau, những em bé phải ăn củ khoai sống qua ngày, hay những thân phận cô đơn giống như tôi. Cô giáo luôn hướng cho chúng tôi cách sáng tạo không theo khuôn khổ, vì thế tôi tha hồ tưởng tượng sự sáng tạo trong các bài văn của mình. Tôi được đi thi tỉnh, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, mặc dù tôi không có duyên với các giải thưởng nhưng tôi thấy mình rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, những bài văn trở nên hoàn thiện hơn.

Các anh chị sinh viên trở về trường trong ngày nhà giáo Việt Nam, tôi bắt đầu nhen nhóm ước mơ vào đại học. Tôi học thêm môn sử, địa để theo khối C, tôi biết nếu không vào được đại học thì mọi người sẽ cười chê tôi rất nhiều, tôi chẳng có nghề nghiệp gì và phải bấu víu vào ai để sống. Mẹ tôi vẫn gửi tiền cho tôi đi học, nhưng việc học thêm nhiều nên tiền sinh hoạt hằng ngày của tôi ít đi. Hằng ngày, tôi hái rau ở vườn làm canh, mua cá mắm thật nhiều để làm thức ăn cho đỡ tốn mua những thức ăn khác, thịt lợn là món ăn xa xỉ với tôi. Tôi nuôi thêm một con lợn và ngày ngày nấu cám cho nó ăn, buổi sáng tôi thường phải dậy rất sớm để nấu cám, công việc có vất vả hơn nhưng tôi rất ham thích công việc đó.

Chẳng có gì hoàn hảo cho một cuộc đời

Ngày thi đại học cũng đã đến, tôi khăn gói một mình lên Hà Nội đi thi. Tôi tìm đến nhà bác ruột ở nhờ. Tôi thích khoa văn của trường Đại học khoa học xã hội và nhân Văn. Tôi thấy khá tự tin về kiến thức của mình, tôi viết sử như một bài văn có mở bài, thân bài, kết luận, vì thầy giáo tôi bảo học lịch sử luôn là “ôn cố tri tân”, phải viết làm sao cho giống như trang sử hào hùng của dân tộc ta. Kì thi đại học kết thúc, tôi hồi hộp chờ đợi kết quả nhưng tôi trượt tồi làm không tốt môn Địa, tôi không đăng ký nguyện vọng 2 mà ôn thi tiếp năm thứ hai, tôi không nghĩ ước mơ của mình chỉ dừng lại ở đó.

Một năm ở nhà tôi nuôi lợn và tự ôn bài, một năm có 365 ngày, tôi quyết định mỗi ngày sẽ học thuộc lòng một bài học. Tôi lấy đó làm niềm vui thích của mình bởi tôi nghĩ làm sinh viên chắc sẽ thích lắm, được tiếp xúc với những kiến thức mới, được gặp gỡ bạn bè khắp các tỉnh. Những câu chuyện tưởng tượng về một tương lai tốt đẹp cứ vẽ ra trước mắt tôi mọi lúc mọi nơi, mặc dù không còn những con búp bê nữa.

Thế rồi 365 ngày cũng trôi qua nhanh chóng, tôi lại một lần nữa khăn gói lên Hà Nội đi thi. Lục lại trong đầu tôi có bao nhiêu kiến thức tôi phải thể hiện, một năm dùi mài kinh sử mà, tôi thấy tự tin lắm rồi.Nhưng… một năm nữa tôi lại trượt, tôi chẳng biết tại sao nữa, chỉ thấy rằng tôi mất hết niềm tin vào cái gọi là sự cố gắng. Tôi buồn mất một thời gian dài rồi quyết định nộp đơn nguyện vọng 2 vào trường đại học khác. Bây giờ thì tôi hiểu ra một điều học ở đâu cũng là học miễn là mình thực sự cố gắng và tâm huyết. Chúng tôi được các thầy cô giáo trang bị rất nhiều kiến thức, có nhiều bài học làm người sâu sắc, có lẽ những bài học đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời này.

Vậy là tôi đã vào đại học, thực hiện được ước mơ của mình, bạn bè ngày xưa nhận xét lại rằng chơi với tôi “gần bùn mà không tanh”. Bao nhiêu năm học hành, tôi không có bố mẹ ở bên kèm cặp , dạy giỗ như các bạn, bao nhiêu năm tôi đón giao thừa một mình… những khó khăn ấy khiến tôi mạnh mẽ hơn nhiều. Giờ đây, tôi đã có gia đình, một công việc tạm ổn cho một công ty nước ngoài, tôi đang mong chờ một đứa con trai sắp chào đời, hạnh phúc đang mỉm cười với tôi, tôi luôn trân trọng điều đó. Và con tôi sẽ được học nhiều bài học của tôi, sự khiêm tốn và biết vươn lên mọi hoàn cảnh, cho dù cuộc sống không đẹp như những ước mơ mà nhân loại vẫn thường nghĩ về nó…

© Thanh Nga Nguyễn – blogradio.vn

Có thể bạn quan tâm: Thèm lắm một bữa cơm nhà



Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Cung đàn vang khúc tình ca

Cung đàn vang khúc tình ca

Cũng như bản tỉnh ca thiết tha nhất, như muốn được gởi đến khắp nơi một ước mơ to lớn nhất và cũng đơn giản nhất của thầy và của toàn trường về một ngôi trường mới. Ước mơ đó đã được bày tỏ đã được bay xa trong lời ca tiếng hát trong tiếng đàn da diết của chính trái tim thầy

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

'Thiền' của Osho hay câu chuyện không thể lý giải bằng lời

Cuốn sách "Thiền" của Osho đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về thiền định, một con đường mà không phải lúc nào cũng dễ dàng để lý giải bằng lời nói.

Yêu xa

Yêu xa

Dù chỉ là một cuộc hẹn ngắn ngủi, nhưng mỗi lần được ở bên nhau, chúng tôi đều tận hưởng từng khoảnh khắc và tận dụng thời gian để tận hưởng hạnh phúc. Những kỷ niệm đẹp và những giây phút ngọt ngào ấy đã giúp chúng tôi cảm thấy động viên và tiếp tục bước đi trên con đường yêu xa.

Người có đáng kết giao hay không, chỉ cần nhìn vào thái độ của họ đối với 4 ĐIỀU này thì tỏ tường ngay

Người có đáng kết giao hay không, chỉ cần nhìn vào thái độ của họ đối với 4 ĐIỀU này thì tỏ tường ngay

Cổ nhân có câu: “Hổ báo không thể cưỡi, lòng người cách một tầng da bụng”.

Lũ trẻ của rừng núi

Lũ trẻ của rừng núi

Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi mẹ tôi tại sao học sinh lại quý mẹ như thế, tôi chỉ nhìn chăm chăm vào khung cảnh viễn tưởng mà mình tạo ra, mà quên mất mẹ tôi đã cống hiến biết bao nhiêu năm tháng ròng rã cho những búp măng non trẻ ấy.

Rồi một ngày...

Rồi một ngày...

Không một ai trong chúng ta có thể chấp nhận nổi người thân ra đi ngay trước mắt mình, và bây giờ thì tôi cũng vậy! Tôi cũng sợ mất bố, tôi cũng sợ mất mẹ và tôi cũng sợ một ngày nào đó, mình trở thành mồ côi...

Tình khi say

Tình khi say

Tình yêu là gì mà anh nhớ em thế Tình yêu là chi mà lòng say nhanh quá

Lời hứa tháng mười (Phần 5)

Lời hứa tháng mười (Phần 5)

Cô cứ nghĩ mình đã quên được tất cả và có thể sẵn sàng mở lòng với một mối quan hệ mới, nhưng hóa ra tận sâu bên trong, cô đang trốn tránh chứ không phải đối diện và quên được chúng. Cô có thật sự xứng đáng với người con trai này không?!

Người thông minh dùng nguyên tắc

Người thông minh dùng nguyên tắc "7-3" trong đối nhân xử thế, nhờ vậy cuộc đời sóng yên biển lặng

Trong đối nhân xử thế, những bí mật quan trọng vẫn nên được che giấu và không để người khác biết.

back to top