Cay cay mùa khói đồng
2017-01-06 00:17
Tác giả:
Mùa hè, cái nắng như đốt. Nắng làm cho con người ta bứt rứt trong người. Ngồi ăn cơm mà cứ như chịu cực hình. Cái quạt cây dù đã bật hết công suất mà có làm giảm cái nóng đi được xíu nào đâu. Những giọt mồ hôi cứ chảy dài trên mặt tôi và thằng Tường. Mẹ tôi giục:
- Thằng Tường cởi cái áo ra cho mát, sao nhìn mày nóng nảy vậy!
Thằng Tường quay qua tôi hỏi với cái giọng như đấm :
- Có nên cởi không anh?
- Nếu mày chịu nóng tốt thì cứ mặc. Tao chịu.
Tôi nói tay đưa lên trán gạt giọt mồ hôi đang trực rơi. Thằng Tường cúi cái đầu xuống, hai tay kéo hai bên vạt áo kéo luồn cái áo qua đầu. Nó bỏ sang bên cạnh chỗ ngồi.
- Ôi đã !
Nó như trút bỏ được cái gì nặng nề
- Tao tưởng mày vẫn trung thành với cái mốt ngày hè của mày chứ Tường?
Thằng Tường được cái chịu nóng tốt hơn tôi. Tôi thì cứ hè đến là cởi trần cho mát, nó thì luộm thuộm. Có lần tôi thắc mắc:
- Mày không thấy nóng hả Tường?
- Nóng chứ. - Nó nói tỉnh bơ.
-Thế sao mày còn mặc cái áo dài luộm thuộm vậy? Tao nhìn mày mà còn rùng mình đấy!
- Thì cũng nóng mà ngại, không dám như anh. - Nó nói đầy ẩn ý.
- Mày ngại cái gì? Con trai cởi trần có gì mà ngại.
- Ngại con Thúy nhà bà Tư. - Nó sát sát vào tôi. Tôi đẩy nó ra
- Thôi xin mày, mấy cái tuổi đầu bày đặt ngại ngùng ở đây. Mà cái loại vừa xấu lại dốt như mày không đáng để nó để ý đâu, ảo tưởng quá Tường à!
- Anh cứ khinh em, để rồi xem!
Nó bỏ đi ra phía sau nhà, chắc nó ra chỗ cái võng dưới gốc cây vối để nằm nghỉ trưa. Chỗ đó là chỗ lý tưởng vào những ngày nóng như thế này. Cũng là chỗ mà chỗ hai thằng hay tranh giành nhất, chỉ có một cái võng mà thằng nào cũng muốn nằm hóng mát nên suy ra cũng là chỗ ăn đòn nhiều nhất của mẹ tôi. Nhưng hôm nay thì không, tôi nhường cho nó. Tôi ra ngoài hiên ngồi, cái nóng như thiêu bỗng chốc làm tôi rợn người, hơi nóng từ ngoài sân lan gần tới ngưỡng cửa. Tôi tưởng tượng bây giờ mà ra giữa sân rồi dù có chạy ùa vào thì cũng thấy choáng váng. Nhưng chẳng cần tưởng tượng làm gì vì hiện thực ngay trước mắt rồi. Tôi lấy cái nón là của mẹ tôi đội lên đầu, đi đôi dép lê và cầm cái tang lúa trên tay để đi làm nhiệm vụ sau tiếng giục của mẹ tôi từ trong nhà:
- Thành đi tang lúa đi nha!
Bước chân thật nhanh, tôi cầm cái tang đẩy lấy đẩy để làm sao cho đến cuối sân là tôi phóng nhanh ra chỗ thằng Tường để hóng mát. Cái lưng tôi đã ướt đẫm, bàn tay cũng trơn ướt, tôi phải lau vào quần rồi mới tiếp tục. Chân thì ngứa ngày vì thóc bám vào nhưng không giám cúi xuống để gãi vì tôi chấp nhận bị ngứa còn hơn là để mặt phải hứng chịu hơi nóng từ mặt sân và từ lúa. Cả người nhễ nhại mồ hôi. Làm xong tôi ra chỗ thằng Tường thở hồng hộc. Thằng Tường vẫn nằm mà chưa ngủ:
- Đi tắm đi anh Thành?
- Mày không ngủ trưa à?
- Nóng thế này sao ngủ được, nằm cũng chẳng yên nữa là.
Tôi ngồi bệt xuống tàu lá chuối trên mặt đất. Thoáng nhìn lên đầu nó:
- Tóc mày bạc rồi kìa Tường. Mày già hơn tao rồi.
- Bạc đâu mà bạc. Cháy nắng đấy. - Nó thanh minh.
- Tao đùa mày thôi. Mà tại mày chứ ai, nắng mà đi đâu cũng không chịu đội mũ, tóc đỏ như râu ngô rồi ai thèm để ý mày nữa.
- Anh đó!
Nó lườm tôi còn tôi nhìn nó cười đắc trí. Tôi hỏi
- Thế giờ đi tắm ở đâu Tường?
- Ngoài bà nội chứ đâu!
- Điên! Mày tính ra đó tắm bùn à. Nước sông mùa này cạn hết rồi. Mày không thấy nắng rẽ hết đất à
- Ừ nhỉ! - Nó đưa tay lên gãi gãi cái đầu.
Thằng Tường là thằng lạc quan nhất mà tôi biết. Mẹ tôi hay bảo mai kia thằng Tường nó sướng hơn tôi. Lúc đầu tôi cũng ức lắm nhưng dần tôi thấy điều đó cũng đúng, thằng Tường học không giỏi như tôi nhưng tôi thấy nó chẳng suy nghĩ gì cả, chẳng bao giờ tôi thấy nó buồn, nó vô tư cả ngày. Đó, ngay cái chuyện đi tắm sông vào mùa này mà nó cũng nghĩ ra được thì tôi phục nó. Nói là sông nhưng nó chỉ là con ngánh để cho nước ra vào đồng, cũng giống như cái rạch dưới miền Tây vậy, mùa này thì chỉ còn ít nước. Ra đó để “luộc” chân thì còn được.
Mùa này cái gì cũng ngao ngán hết, cái nắng bỏng rát thì ai cũng sợ, học sinh thì ngán vì phải đạp xe tới trường trên những con đường trải đầy rơm rạ. Con đường rơm từ nhà đến trường làm những bàn chân mệt mỏi. Cái cảnh mà học sinh dừng xe lại để lấy rơm cuốn trong bánh xe đã như thường lệ và mấy lần tôi cùng thằng Tường cũng phải dừng lại giữa cái nắng chang chang để bôi trơn chon con ngựa sắt rồi mới tiếp tục thẳng tiến được. Nhưng nói gì thì nói điều chúng tôi ngán nhất vẫn là khói. Tôi vẫn nhớ những mùa khói về là lúc thằng Tường chạy hết góc này tới góc khác. Nó cuống cuồng còn hơn khi tìm chỗ trốn lúc chơi trò năm, mười mà nó là đứa chạy trốn sau cùng vậy. Nó ép mặt vào góc tường. Hai tay đưa lên bịt kín lấy mặt nhưng được một xíu nó lại buông tay ra vì ngợp thở
- Anh hai. Đóng cái cửa vào đi.
Nó quay sang phía tôi giục mà như quát. Tôi thấy mắt nó sưng sưng, mặt thì méo xệch đi.
- Mày không thấy tao đã đóng hết rồi còn gì. Còn mấy lỗ thông gió đó, mày giỏi thì trèo lên mà bịt lại. Tôi ức chế, nạt lại nó vì mắt tôi bây giờ cũng đang cay cay.
Khói lan vào trong nhà mỗi lúc một dày hơn, dù đã đóng cửa đấy nhưng nhà tôi thì tìm ra mấy cái lỗ thì đâu có gì khó, bịt lại hết thì nóng mà hở ra thì khói bay vào, tôi nghĩ đó đúng là bài toán nan giải. Càng về chiều thì khói lại dày đặc do người dân có thói quen “hun khói” nhau vào buổi chiều mát, nhà tôi thì bốn xung quanh là cánh đồng nên được khói “ưu ái” nhiều hơn. Tội nhất vẫn là đứa bé bên nhà hàng xóm cứ giờ này là tôi nghe thấy tiếng nó khóc nhiều hơn, khóc không phải thiếu sữa mà khóc vì khói. Ngay từ sớm, khi mà những đợt khói còn thưa thớt tôi và thằng Tường đã chạy vào nhà đóng kín cửa, vậy mà cũng chẳng thể tránh khỏi được, khói lan ra từ mọi ngóc ngách, từ những khe hở nhỏ nhất.Thằng Tường đứng dậy, nãy giờ nó ngồi xổm chỗ góc tường. Nó chạy và qua tôi, cái giọng hậm hực:
- Khói gì mà khói vậy không biết?
Đúng là trong hoàn cảnh này các câu hỏi của thằng Tường trở nên khờ khạo làm sao, khói từ rạ ngoài cánh đồng chứ còn khói gì nữa. Nhưng ngay cả tôi cũng chẳng thèm đáp lại nó, hai mắt đang cay xè, nước mắt không thành giọt mà cứ lan qua hai gò má vì hai bàn tay cứ quyệt qua quyệt lại. Sống mũi cay và sụt sùi, tôi cũng bịt mắt lại như thằng Tường khi nãy. Bỗng một tiếng cạch lớn, phát ra ở hướng thằng Tường, một tiếng cạch ẩn sau sự tức giận của Tường
- Mày làm gì vậy Tường? Tôi he he mắt nhìn qua làn khói, thằng Tường đang gí sát mặt vào cây quạt duy nhất trong nhà. Tôi nhận ra ngay tiếng cạch vừa rồi là tiếng bật quạt, không cần đến gần tôi cũng cảm nhận được nó đang bật hết công suất của chiếc quạt. Thấy nó có vẻ ngồi im thoải mái, tôi cũng chạy lại để hưởng thụ cùng nó
- Cho tao ké với!
Tôi ngồi xổm như nó, nó tránh qua một bên, hai thằng thi nhau hứng những đợt gió, tôi có cảm tưởng như mình sắp chết đuối mà vớ được chiếc cọc để bám vào, nhưng ai mà ngờ nó lại là chiếc cọc bám đầy rêu chứ. Tôi nhìn thằng Tường, những giọt nước mắt đã khô đi, chỉ còn lại là hai con mắt đỏ hoe. Đỏ hơn và khóc nhiều hơn khi mẹ tôi quất liên tục vào cái mông đầy đặn của nó lúc nó ăn trộm mận nhà ông Tư và bị ông bắt được. Nước mắt khô đi một cách khó chịu, còn đọng lại trên khuôn mặt đen sạm của hai thằng là cái gì đó dính dính, sền sệt, nó làm da mặt căng ra có cảm giác như sắp bị nứt nẻ khi mùa đông về vậy. Gió từ cây quạt làm cho khói mỗi lúc một quẩn hơn, dần dần khói làm phạm vi được bảo vệ của hai anh em tôi bị thu hẹp lại. Cái mùa này đã phải gánh cái nóng của nắng, vừa phải hứng chịu những đợt khói như thế này thì thật không quá khi gọi nó là một cực hình ở dạng nhẹ.
Cái mặt của thằng Tường giờ cũng không còn sát vào cái quạt nữa mà đã xê ra một đoạn, tôi biết chính cái gió đó làm mắt nó se cay và nhòe lại
- Mày đi đâu đấy Tường?
Tôi gọi với sau lưng nó khi nó đứng lên và chạy, kèm theo là tiếng đẩy cửa. Tôi cũng đứng dậy tắt quạt vì không thể chịu nổi sự ngột ngạt này thêm được nữa. Tôi cũng biết nó đi đâu, nó vẫn thường làm thế mọi ngày khi khói về, tôi thì luôn lẽo đẽo theo sau nó, nó chịu nóng tốt hơn còn tôi thì lại chịu khói tốt hơn nó. Tiếng rít từ cái giếng bơm bị han gỉ, mỗi lúc một gấp gáp hơn, tôi chạy ra tới.
- Thôi để tao!
Tôi cầm lấy tay cần bơm và bơm nhanh. Ngoài này khác với trong nhà, khói đặc quánh, đến nỗi chẳng thể nhìn sang nhà bên cạnh được, một phần cũng do sự chịu đựng của con mắt bị giới hạn trong mấy giây khi mà làn khó bay trực tiếp vào và làm nó nhắm lại. Khói và sương có cái gì đó giống nhau, tôi nhớ những đợt sương mù dày đặc khi tôi có chuyến lên Đà Lạt cùng gia đình, cùng màu đấy, cũng mờ ảo nhưng khói thì rõ nét hơn, khói làm nước mắt phải rơi còn sương thì làm con người ta co ro lại vì rét, khói làm hại sức khỏe còn sương muối thì hại mùa màng.
Thằng Tường úp cái mặt nó xuống chậu, hai tay gạt lấy gạt để nước bắn tung tóe lên mặt, sau nó ngụp lặn luôn xuống đáy chậu rồi đứng lên để nước chảy ướt hết người, nó lắc mạnh cái đầu làm nước bắn xung quanh và sang cả người tôi. Tôi khẽ đẩy nó và ra lệnh
- Đến lượt mày đấy! Bơm đi!
Tôi cúi xuống rửa cái mặt, tôi cũng ngụp lặn như thằng Tường, một cảm giác thật đã. Thằng Tường cứ sờ soạng, như lúc đang chơi bịt mắt bắt dê vậy, nãy giờ mà tôi chưa nghe thấy tiếng nước chảy. Có lẽ nó không muốn mở mắt ra, nó muốn lưu giữ cái khoảnh khắc tốt đẹp này mãi mãi cho đến khi hết mùa khói. Tôi cũng không thúc giục nó mà cứ ngụp đầu xuống tận hưởng hơi nước mát lạnh đang xoa dần cái vị cay của nước mắt.
Rồi mùa khói cũng hết, cánh đồng trở nên quang đãng hơn bao giờ hết, chỉ còn trơ lại toàn gốc rạ. Tôi ngồi trên con đường đất, con đường ra nhà nội, con đường của những lần chơi cỏ gà, con đường giữa cánh đồng mênh mông trải dài dường như vô tận. Mùa này hoa đồng nội nở vàng ươm hai bên đường, tôi thả mình vào không gian quang đãng, thả hồn theo những cánh diều đang chao lượn trên bầu trời, và xa xa vẫn là những đốm lửa và những làn khói cuối cùng của ngày mùa, những làn khói yếu ớt bay lên và mất hút trên nền trời.
Chúng tôi xa quê, đi cùng gia đình vào vùng kinh tế mới trong tận miền Nam, có về quê thì cũng chỉ về vào dịp tết. Bởi vậy lâu rất lâu rồi chúng tôi chẳng được đón cái nắng đến cháy da của miền Bắc, không còn được thấy bóng dáng của những đứa học trò đạp xe trên những con đường trải đầy rơm rạ, không được nghe tiếng ve dưới những tán phượng già, đỏ rực những hoa. Và chẳng biết đến bao giờ mới được về cái tuổi thơ ấy để được đón cái mùi khói ấy.
Bỗng chốc tôi nhìn xa xăm và mắt mình như nhòe lại. Tháng năm của nước mắt học trò, thắng năm nước mắt của khói.
© Phai Chút Tình – blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.