Cảm ơn những người ‘chèo đò’ đưa đất nước đến tương lai
2020-11-20 09:50
Tác giả: Mèo Lilu
blogradio.vn - Mẹ tôi là một người thầy điển hình của thế hệ sau giải phóng, tất nhiên, những thầy cô giai đoạn ấy đều cũng đã nghỉ cả, bà để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu về lòng yêu nghề và trái tim nhiệt huyết của một người làm nghề “chèo đò đưa đất nước đến tương lai”.
***
Một ngày nhà giáo Việt Nam cách đây đã lâu, tôi đọc lại được những dòng này trên màn hình soạn thảo bài phát biểu trong ngày nhà giáo Việt Nam của cô bạn tôi – người từng là học sinh chuyên văn.
Cả bố mẹ bạn đều là nhà giáo và giờ tới lượt cô bạn tôi cũng đứng trên bục giảng. Bất giác, tôi mỉm cười, nghề giáo vốn dĩ cao đẹp và thiêng liêng vô cùng như vậy.
Không phải đơn giản mà người giáo viên được gọi là “người giáo viên nhân dân” nghe nó gần gũi như anh bộ đội cụ Hồ ngày xưa vậy
Hơn 10 năm xa mái trường, ký ức của tôi về những người thầy, người cô đã đi qua cuộc đời cả 17 năm đèn sách đến giờ vẫn rõ mồn một như hôm qua.
Trường lớp của tôi xưa núp dưới những chùm phượng đỏ, hàng hoa keo lá chàm vàng rực mỗi độ hè, là tán lá bàng già xanh mát cả góc sân trường nhuốm rêu và cả tiếng hát trong vắt nhưng giọt nắng vút lên trời xanh thu tháng 9 của cô Thanh Hoa “Loài hoa ấy, bài ca ấy, đẹp như em, người giáo viên nhân dân, tâm hồn em, tươi mát xanh như bóng lá bàng, trái tim em đỏ rực hồng như hoa phượng vĩ”
Ngày mẹ còn trẻ, ngày mẹ còn để tóc xoăn và làm công tác đoàn ở trường, mẹ hay hát bài này, giọng mẹ kiểu giọng gió, cao vút và bắt chước theo tông của cô Thanh Hoa. Mẹ là người thầy đầu tiên của tôi ở trường.
Mẹ nghiêm khắc và rất khó tính. Mỗi sáng thứ 7, mẹ ngồi soạn giáo án bên cửa sổ, tôi phải ngồi tập viết hoặc làm toán. Mỗi ngày 5 bài toán và 5 trang tập viết, làm xong mới được đi chơi. Những ngón tay bé xíu cứ viết sai liền bị vụt bằng cây thước gỗ 20cm mờ cả từng khấc đánh dấu.
“Nét chữ là nết người”, mẹ bảo thế, và tất nhiên, đó là lý do khiến tôi cứ phải tập viết cho “nên người” đến sưng tay mỗi ngày.
Thành quả là 5 năm cấp I, tôi đi thi vở sạch chữ đẹp, năm nào cũng nhất, nhưng rồi đến giờ, chữ không được mẹ rèn, con chữ cũng như người vội vã chạy theo cuộc đời, cũng ngổn ngang như gà bới.
Nhưng nhờ có mẹ, mà tôi học rất khá toán. Những năm cấp I, cấp II, cấp III tôi đều đi theo chuyên toán. Mẹ bảo: học toán để hiểu được logic, và biết cách tư duy mạch lạc.
Lời mẹ văng vẳng như mới hôm qua. Tự dưng lòng bần thần, cuộc đời mình 16 năm mài đũng quần trên ghế trường lớp, không, là 17 năm chứ, tôi đi học lớp 1 những 2 năm, biết bao người thầy đã đi qua cuộc đời. Thơ xưa vẫn gọi là bao chuyến đò ngang mà thầy cô là người lái đò đưa bao lớp học sinh tới bờ tương lai.
Những thầy cô chủ nhiệm, hoặc thầy cô dạy môn chính, tôi vẫn nhớ kỹ gương mặt từng người, cách dạy của từng người, và cả từng tiết học mà thầy, cô lên lớp.
Đa phần các thầy đều khó tính, như mẹ tôi hồi xưa, nhưng hơn cả là sự yêu nghề, yêu trò; có yêu nghề mới hiểu nghề, mới tìm mọi cách để học sinh hiểu được thông điệp khô khan trong sách vở.
Tôi nhớ thầy giáo dạy văn năm xưa, những lời đầu tiên khi thầy bước vào lớp chính là:“văn chương là thứ thanh lọc tâm hồn”.
Quả thế, thầy truyền cho cả đám học sinh lớp toán biết thế nào là những cái lãng mạn trong thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch, về những nét đẹp của quê hương đất nước trong thơ văn Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, về những cái oai hùng, những khúc tráng ca của lịch sử qua thơ văn qua những bài thơ của Trần Quốc Tuấn, Á Nam Trần Tuấn Khải …
Tôi nhớ thầy giáo dạy Đại số, thầy hay dậy quá giờ vì cả thầy, cả trò đều ham, thầy thích những bài toán bằng thơ toàn âm T hoặc nhưng bài đố mẹo.
Tôi nhớ thầy dạy Lý trẻ măng. Thầy hay dỗi khi lớp ồn, riêng lớp thầy chủ nhiệm, những thanh niên tè bậy bị thầy bắt đi xách nước tưới gốc cau giữa tiết 5 lúc 11 rưỡi trưa.
Thầy dậy Đại số năm cấp 3 thì đẹp trai, hay kể chuyện cười và luôn hỏi: Còn ai có cách giải khác nữa không? Kết quả là bao giờ 1 bài toán cũng có tới 5,6 cách giải mới đóng lại.
Thầy dạy Sinh học thì chuyên sâu quá môn giáo dục giới tính. Giờ giảng nào của ông thầy cũng có ít nhất 2/3 thời gian về giáo dục giới tính khiến cả lớp ôm bụng cười ngặt. Nhưng khi thầy dậy về di chuyền để ôn thi thì dễ hiểu vô cùng.
Cuộc sống vội vã khiến bao mùa tựu trường đã đi qua, lần nào về quê, tôi cũng đi qua trường xưa, ngó vào gốc cây đa cổ thụ nơi sân tập thể dục, ngó vào bãi đất trống trước kia suốt ngày lê la đi tìm cỏ gà ở sân trường cấp II. Một chút buồn.
Lâu lắm rồi 20/11 tôi không về thăm thầy cô giáo cũ, nhưng gương mặt từng người tôi vẫn chưa quên, vẫn nhớ rõ những giờ giảng của thầy, nhớ cả những kỷ niệm đẹp thầy để lại. Thực sự đến giờ tôi mới hiểu rõ, những khắt khe, khó tính của các thầy cũng là để mong trò trưởng thành. Và niềm vui lớn nhất với các thầy có lẽ cũng chính là nhìn những đứa học trò của mình trưởng thành, thành người có ích cho xã hội.
Năm nay lại vừa qua ngày khai giảng. Sáng ra tôi chuẩn bị đi làm nhìn từ ban công tầng 7 xuống sân trường tiểu học, những em nhỏ khăn đỏ phấp phới, các cô giáo mặc áo dài đứng cạnh học sinh lớp mình trong buổi chào cờ.
Trong trời thu, gió thu, những hàng phượng đung đưa vất xuống đường túm lá vàng rực.
Hình ảnh ấy sao mà đẹp thế, và tôi chỉ mong nó mãi đẹp như vậy, như trời thu và như giấc mơ từ ngàn xưa của dân tộc Việt, những người con mang sức mạnh trí thức đi xây dựng tương lai.
Một thế hệ học sinh như tôi, mới đi qua 1/3 cuộc đời, nghĩa là chưa đến 2 thập kỷ mà sao đã thấy nền giáo dục đổi thay nhanh quá.
Tôi nhớ thầy tôi, cô tôi, những người giáo viên nhân dân cương chính, yêu nghề rồi cũng sẽ tới lúc nghỉ tay chèo mà thôi đưa những lứa trò qua sông, những thầy cô giáo trẻ sẽ là tương lai của nền giáo dục.
Mẹ tôi là một người thầy điển hình của thế hệ sau giải phóng, tất nhiên, những thầy cô giai đoạn ấy đều cũng đã nghỉ cả, bà để lại cho tôi một ấn tượng rất sâu về lòng yêu nghề và trái tim nhiệt huyết của một người làm nghề “chèo đò đưa đất nước đến tương lai”. Cảm ơn mẹ, cảm ơn thầy cô, những người thầy của thế kỷ cũ – thế kỷ XX.
© Mèo Lilu – blogradio.vn
Xem thêm: Con trở về thăm lại người thầy xưa
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Đi tìm sự bình yên bên trong chính mình
Minh Anh, một cô gái trẻ với khát vọng thành công, đã bước vào thế giới đầy cám dỗ ấy. Ban đầu, chỉ là những hình ảnh lung linh, những khoảnh khắc được dàn dựng kỹ lưỡng. Cô tự nhủ, chỉ cần theo đuổi sự hoàn hảo này, cô sẽ chạm tới đỉnh cao. Nhưng khi ánh hào quang từ những lượt thích và bình luận ngập tràn, Minh Anh không ngờ mình đang dần bị cuốn vào vòng xoáy không có lối thoát.
Nếu yêu anh là một ván cược thì kết quả nào cho em? (Phần 3)
Và có lẽ đây chính là tấm ảnh mà mình tâm đắc nhất. Trong bức ảnh, mười ngón tay đan chặt vào nhau, anh ôm bó hoa mà mình tặng còn mình thì cầm tấm bằng tốt nghiệp của anh.
Bạn thân
Bởi thế không biết có bao nhiêu đứa con gái thầm thương nhớ trộm cậu và thư tình luôn được gởi đến cho cậu. Và tớ cũng không ngoại lệ, nhưng tớ được may mắn hơn người khác ở chỗ là tớ vừa học chung lớp vừa là bạn cùng bàn của cậu.
Mùa thu xa anh
Nắng ngập ngừng trên những ô cửa lặng im Mùa đã về, hanh hao màu cây cỏ Gió heo may từng cơn se sắt lạnh Một khung trời thâm thấp lại mờ sương.
Nếu yêu anh là một ván cược thì kết quả nào cho em? (Phần 2)
Đúng là dòng đời đưa đẩy, bản thân sẽ chẳng thể nào biết trước ngày mai ra sau, tương lai như thế nào. Ngày ấy chỉ vì đôi phút ngẫu hứng lại khiến mình rẽ hướng mà thay đổi nguyện vọng theo học Hà Nội. Mọi thứ từ ngày đó cứ chệch ra khỏi quỹ đạo vốn có của nó.
Bão lòng hay bình yên - lựa chọn ở chính ta
Nhưng và rồi mình nhận ra được một điều rằng dù có như thế nào mình vẫn phải tiếp tục sống, mình không được từ bỏ bản thân bởi đó là điều tồi tệ nhất trên đời này.
Duyên - Phận
Cậu thật đẹp, thật khác biệt với tất cả mọi người, có phải vì cậu quá khác biệt nên ngay từ đầu vốn dĩ cậu đã không thuộc về tớ, đúng không?
Muốn hạnh phúc, hãy nhớ rõ bí quyết: "Cộng vào nửa đầu, trừ đi nửa sau"
Đôi khi, tìm được hạnh phúc trong cuộc đời, chúng ta không cần làm phép nhân chia phức tạp, mà chỉ cần làm phép cộng trừ là đủ.
Nếu yêu anh là một ván cược thì kết quả nào cho em? (Phần 1)
Có lẽ đến chính bản thân mình không biết ngày hôm đấy mình khác lạ thế nào. Mãi sau này khi tâm sự mẹ mới nói mình rằng đó là lần đầu mình kể về một người con trai với giọng điệu hào hứng như thế với mẹ.
Tuổi trẻ vượt bão - Chẳng bao giờ là quá muộn để sống với đam mê
Những năm tháng tuổi trẻ, bạn phải vượt qua rất nhiêu thử thách. Việc nắm bắt được cơ hội chính là kết quả của sự chuẩn bị dài lâu của chính bản thân bạn. Cuốn sách này là những tâm sự chân thành từ tác giả, để bạn đọc trẻ có thể mạnh mẽ hơn cho những quyết định hiện tại, và cho cả một tương lai rực rỡ.