Bố ơi, cả nhà luôn yêu bố
2023-04-04 01:20
Tác giả:
Dũng Lặng
blogradio.vn - Bố ơi, nếu một cách kì diệu nào đó mà bố biết được bài viết này, bố hãy nhớ “Con yêu bố nhiều lắm, bố hãy ở mãi với mẹ con con nhé”.
***
Tôi là một cậu con trai của một gia đình sáu người: bố, mẹ, ba người chị gái và tôi - con trai út và cũng là cậu con trai duy nhất trong nhà. Hôm rồi, nhân một ngày rảnh rỗi, tôi đã quyết định vào kho và dọn dẹp lại tập sách thời học sinh của mình. Biết bao là thứ tôi đã từng rất trân quý thời ấy, nhìn lại mớ hỗn độn trong kho như thể nhìn lại chặng đường 12 năm học của mình, tôi bất chợt mỉm cười và phần nào cũng tự thán phục bản thân “mình đã từng giỏi như thế sao”.
Sâu tận trong góc căn nhà kho chật chội, một cái hộp to khoảng độ bằng bốn cuốn sách giáo khoa chồng lên nhau, đóng đầy bụi và đang lấp ló như đang chờ tôi tìm thấy, bên trong đó là một xấp giấy toàn là những đoạn văn, bài văn mà tôi đã từng viết. Hồi ấy tôi thích học văn lắm, chỉ cần là văn tôi viết, bất chấp điểm cao hay thấp, tôi đều đem về và cất giữ vào trong chiếc hộp đó. Tiện tay tôi ngồi lật ra và đọc lại những áng văn ấy, và tôi đã phát hiện ra một điều, có lẽ phải đến độ tuổi đủ lớn như thế này tôi mới có thể nhận ra được…đó là trong tất cả các bài tôi viết về chủ đề “Gia đình”, các đoạn văn, bài văn trả lời cho câu hỏi “Trong gia đình, ai là người em yêu thương nhất? Ai là người em sẽ nhớ nhất khi xa nhà?” thì câu trả lời của tôi chưa bao giờ là bố.
Thời cấp một, tôi đã viết những đoạn văn với những câu chữ đầy thơ ngây, đầy hồn nhiên về mẹ. Mẹ là người cầm tay tôi viết chữ “a” đầu tiên trong bảng chữ cái, mẹ mỗi ngày dậy sớm để nấu đồ ăn sáng cho tôi đi học, mẹ là người dỗ dành tôi khi tôi nhõng nhẽo òa khóc vì một lý do không đâu, mẹ là người cho tôi món đồ chơi mà tôi yêu thích thật sự là một góc nhìn của một đứa trẻ, đơn giản phải không? Lớn thêm chút, lên cấp hai, suy nghĩ của tôi vẫn còn non nớt lắm, nhưng cũng sâu sắc hơn phần nào, tôi cũng viết về mẹ, nhưng là viết về những mệt mỏi mà mẹ đã trải qua từ khi có tôi, tôi nhìn thấy được mẹ cực khổ như thế nào khi chăm sóc cho tôi, tôi nhìn thấy được mẹ đã hy sinh rất nhiều thứ của mẹ để lo cho tôi.
Có lẽ càng lớn, càng chín chắn hơn, ai cũng sẽ có những suy nghĩ trưởng thành hơn phải không? Vì thế mà lên cấp ba, tôi không còn viết về mẹ như tôi đã từng viết nữa, mà tôi đã nhìn thấy và viết về những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ, tôi nhận ra mẹ đã không còn trẻ nữa, tôi nhận ra đòn roi mẹ đánh tôi không còn đau như trước, và tôi tự biết bản thân mình đã trưởng thành và tự biết mình phải làm gì để trả ơn cho mẹ.
Đấy, một hành trình học văn dài đằng đẵng của tôi chỉ toàn viết về mẹ, hình ảnh của mẹ trong tôi đến tận bây giờ vẫn luôn rất đẹp cho dù thời gian có trôi, có nhẫn tâm như thế nào. Thế nhưng, bố tôi đâu? Tôi cứ ngỡ lên cấp ba là tôi đã rất trưởng thành rồi, đã nhìn nhận được tất cả mọi thứ trong cuộc sống rồi, nhưng có một thứ tôi vẫn chưa nhìn ra được ở thời điểm ấy, đó là tình thương của bố dành cho tôi.
Có lẽ đến tận hôm nay tôi mới nhận ra tình yêu thương to lớn ấy của bố, một tình yêu thầm lặng của một người trụ cột gia đình. Những hôm tôi tập viết chữ, bố tôi không rảnh để cầm tay tôi mà viết, ông ấy phải bươn chải ngoài kia để kiếm tiền về cho gia đình, kiếm cái ăn cái mặc cho vợ cho con. Mỗi sớm thức dậy, bố cũng chẳng có thời gian mà ngồi ăn sáng cùng tôi, bố phải sửa soạn đi làm từ rất sớm rồi.
Chiếc xe hơi đồ chơi tôi vẫn hay chơi, cũng chính là do bố mua, bố mua về rồi tiện tay đưa cho mẹ chứ không đưa thẳng cho tôi. Để cho tôi mạnh mẽ như một người đàn ông thực sự, để cho tôi biết trưởng thành, bố cũng không rảnh mà dỗ dành tôi một cách dịu dàng như mẹ khi tôi đang khóc, lúc ấy tôi đã nghĩ bố thật vô tâm, tôi đã nghĩ bố chẳng hề thương tôi. Những hy sinh của mẹ mà tôi đã nhìn thấy khi lên cấp hai, là những điều mà tôi tận mắt chứng kiến, tôi chứng kiến những giọt mồ hôi mẹ rơi, tôi chứng kiến mẹ ngủ gục trong lúc đang canh nồi cá kho nấu dở, tôi chứng kiến được hầu như tất cả về mẹ để rồi tôi chỉ viết về mẹ mà thôi. Thế nhưng, tôi nào có biết, lúc mẹ tôi đang đổ mồ hôi khi làm việc nhà, bố tôi cũng đang đau đầu vì công việc ở công ty, lúc mẹ tôi ngủ gục trong bếp, bố tôi lại đang phải đứng nghe lời nhiếc mắng của cấp trên, của khách hàng về công việc. Tôi không nhìn thấy, không có nghĩa là không có, tôi không thấy được bố tôi đã phải khổ cực như thế nào, tối về nhà bố cũng chẳng than thở một câu, vẫn chỉ là nét mặt đầy nghiêm khắc như mọi khi thôi.
Một người trụ cột, một người đàn ông gánh vác cả một gia đình trên vai có lẽ phải như thế, bố không bao giờ tỏ ra dịu dàng trước mặt tôi, ông luôn nghiêm khắc và cứng nhắc, bố cũng chẳng bao giờ tỏ ra mệt mỏi hay yếu đuối, đó là bố, mọi điều bố làm đều vì gia đình và vì tôi, người con trai duy nhất của bố. Da của bố cũng đã bắt đầu xuất hiện những vết đồi mồi, khi bố cười cũng đã xuất hiện những vết chân chim, thậm chí còn nhiều hơn cả mẹ, tôi nhận ra không chỉ mình mẹ, mà bố cũng đã già rồi, đúng ra tôi nên nhìn thấy điều này sớm hơn, tôi nên yêu thương bố nhiều hơn mới phải.
Tôi viết những dòng này, không phải vì tôi không còn yêu mẹ nữa, mà là vì bấy lâu nay, tôi đã quên mất rằng bố tôi vẫn còn đang ở đó, ngay sau lưng tôi, là một chỗ dựa vô cùng vững chắc cho tôi, và tôi tự cảm thấy mình cần phải yêu thương bố nhiều hơn.
Bố đã lớn tuổi rồi, chẳng biết khi nào sẽ không còn ở bên tôi nữa, nên tôi chỉ biết trân trọng từng phút giây bên bố mà thôi. Những bạn trẻ ngoài kia ơi, nếu các bạn còn đang phân vân tình yêu của mình dành cho bố mẹ, thì hãy suy nghĩ thật nhanh đi nhé, mọi thứ mà bố mẹ bạn đã và đang làm, dù là các bạn có nhìn thấy hay không, cũng đều là vì các bạn cả đấy.
Bố ơi, nếu một cách kì diệu nào đó mà bố biết được bài viết này, bố hãy nhớ “Con yêu bố nhiều lắm, bố hãy ở mãi với mẹ con con nhé”.
© Dũng Lặng - blogradio.vn
Xem thêm: Chưa một lần bố nói yêu con nhưng ...
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Đợi
Thú thật với mày là bây giờ tao chẳng cảm thấy gì trong lòng cả, đau cũng không mà buồn cũng không. Tao chỉ thấy… hình như ở ngực trái tao bị khoét mất một mảng khá lớn đấy.

Vẫn là chính mình
Tôi làm gì cũng chẳng ai quan tâm, bệnh đau cũng một mình phải chịu đựng. Mọi người đâu biết rằng tôi là con người, cũng có cảm xúc và làm sao chịu đựng nổi biết bao nhiêu chuyện xảy đến như vậy. Anh đã làm tôi bắt đầu thay đổi và suy nghĩ tích cực hơn.

Nếu một ngày không còn Mẹ
Nếu một ngày không còn mẹ Cơm nhà không còn nóng Cá nhà chẳng còn ngon Trong nhà không có mẹ Chỉ có gió ngoài hè.

Mất bao lâu để quên một người, và phải mất bao lâu mới có thể quên đi sự phản bội?
Một ngày, anh cầu xin cô cho anh gặp cô lần cuối, anh quỳ xuống trước mặt cô và xin lỗi. Anh xin lỗi vì anh hèn nhát, xin lỗi vì đã làm khổ cô, anh xin lỗi vì đã không thể ở bên cạnh cô được nữa. Và rồi, một tuần sau anh đi phát thiệp mời cưới.

Lời hứa cuối cùng
“Giữ lấy nhé, em cần hơn anh mà.” Anh nói rồi quay lưng bước đi dưới cơn mưa, bỏ lại cô với sự ấm áp bất ngờ len lỏi trong tim.

Thanh xuân của tôi
Cô và cậu ấy vẫn đi về cùng nhau, vẫn ngồi học cùng nhau ở cái bàn học bên cạnh cửa sổ của cô, thi thoảng vẫn cãi nhau chí choé, giận dỗi nhau như vậy. Nhưng cô không để ý là giờ mỗi lần cãi cọ nhau, cậu ấy ít đôi co với cô hơn, thường im lặng và cũng là người luôn sẽ làm lành trước với cô.

Đánh mất tình yêu
Cuộc sống như thế làm sao có hạnh phúc được hả anh? Bởi thế nên làm sao em có thể đặt niềm tin vào tình yêu được. Trên thế gian này, có mấy ai từng hạnh phúc trong tình yêu đâu. Cả những người yêu và bên nhau hơn mười năm nhưng rồi cũng chia tay.

Mùa đông không anh
Hôm nay, em một lần nữa xâm phạm kí ức của hai ta, lật từng tấm ảnh cũ, em ngắm nhìn gương mặt quen thuộc, nụ cười anh vẫn vậy, ánh mắt vẫn luôn ấm áp và những cử chỉ dịu dàng… vẫn ở đó nhưng em và anh không còn cạnh nhau nữa.

Hạnh phúc riêng của mẹ
Tại sao con lại ích kỉ không quan tâm tới cảm nhận và suy nghĩ của mẹ. Rồi con nhận ra khoảng cách giữa mẹ và con dần lớn hơn là khi mẹ quyết định đi bước nữa cùng chú ấy.

Những lời chưa kịp nói: Một mối tình tuổi trẻ
Tôi không bao giờ quên cảm giác ngày hôm ấy – vừa hồi hộp, vừa hạnh phúc. Gặp gia đình cô ấy, nhìn thấy nơi cô ấy sinh ra và lớn lên, tôi như cảm nhận được sự ấm áp của một gia đình, như được trở về quê hương của chính mình.