Phát thanh xúc cảm của bạn !

Tôi thật sự rất cô đơn, cũng rất sợ cô đơn

2020-08-09 01:30

Tác giả: Chu Phương


blogradio.vn - Tôi cũng muốn có người cùng nói chuyện, đi dạo phố, đi mua sắm, đi ăn,… Không nhất thiết phải là người yêu. Có những lúc tôi thấy người ta có một hội bạn thân chơi cùng nhau, tôi lại cực kì hâm mộ và thèm muốn.

***

Tôi không muốn về nhà.

Có lẽ ai cũng đều muốn trở về với gia đình, trở về nơi được gọi là nhà. Nơi đó có người chờ đợi họ, nơi đó có những món ăn ngon, có những tiếng cười vui vẻ.

Tôi đã nhiều lần tưởng tượng cảnh tượng ấm áp đó sẽ xuất hiện trong căn nhà của mình. Tôi muốn mỗi lần trở về lại được bé lại, quên hết mọi áp lực và khó khăn ngoài kia. Dù có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn luôn có một nơi để về, vẫn có người mong đợi sự trở về của tôi.

Nhưng tất cả chỉ là một giấc mơ. Mỗi lần trở về nhà, tôi đều mang một chút tâm trạng háo hức, vui vẻ, nhưng rồi sau đó lại tràn ngập thất vọng. Mỗi lần trở về lại một lần cãi nhau, lại một lần khóc, lại một lần ra đi với suy nghĩ sẽ không trở về nữa.

Tôi và mẹ tôi, từ trước đến giờ, chưa bao giờ hợp nhau, chưa bao giờ hiểu nhau. Mẹ tôi không phải là một người phụ nữ dịu dàng, mỗi lần nói chuyện với con cái đều là dáng vẻ càu nhàu, chửi mắng hoặc là so sánh. Thời gian và sự nghèo khổ đã thay đổi bà ấy, tôi biết. Chẳng ai sinh ra mà đã thường cau có như vậy cả. Mẹ tôi có lẽ cũng đã từng là một người con gái dịu dàng, hiền lành, giống như bà ngoại. Từ khi tôi nhận thức được mọi thứ, từ khi tôi bắt đầu nhớ được những chuyện đã từng xảy ra với mình trong quá khứ, tôi nhớ nhất chính là câu nói: “ Mày xem con nhà người ta kìa, có ai như mày không?...”. Lúc đầu tôi còn gân cổ cãi lại: “Thế thì mẹ đi mà nuôi con nhà người ta, nuôi con làm gì?”. “Mày mà là con gà thì tao mang mày đi bán từ lâu rồi, loại ăn hại như mày giữ lại cũng chẳng được tích sự gì”. Cứ như vậy hai mẹ con lời qua tiếng lại. Những câu nói đó cứ như mũi dao sắc nhọn đâm vào trái tim của một đứa con gái mới lớn như tôi. Tôi đã từng rất hận bà ấy. Tôi nghĩ, đợi một ngày tôi trưởng thành rồi, tôi sẽ đi khỏi căn nhà này, đi thật xa, không thèm trở về để không phải gặp lại bà ấy nữa.

Sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi lên Hà Nội học Đại học. Từ đó đến nay đã ba năm rồi, số lần tôi trở về thật sự rất ít, một năm không tới ba lần. Tôi chỉ trở về vào dịp lễ Tết hay dịp thật sự quan trọng. Nếu như không có việc gì, thì tôi giống như người tàng hình, biến mất khỏi thế giới của người khác vậy. Tôi cũng không gọi điện thoại về nhà. Nhiều lúc thật ra tôi rất muốn gọi, cầm điện thoại lên rồi lại thôi. Tôi sợ gọi rồi lại phải nghe những câu nói càu nhàu kia, lần nào cũng vậy, tôi đã nghe chán rồi. Tôi tưởng khi tôi đã lớn hơn, đã tự kiếm được một công việc để nuôi sống bản thân, ít nhất là không phải chết đói giữa Hà Nội đông đúc này, thì mẹ tôi sẽ bớt chì chiết tôi một chút. Dù sao tôi cũng đã bắt đầu trưởng thành, bà ấy cũng nên cho tôi một chút mặt mũi. Nhưng không! Bà ấy mãi mãi coi thôi như một đứa trẻ không bao giờ lớn, mỗi lần tôi xuất hiện là bà ấy sẽ mắng còn hay hơn hát. Câu nói làm tôi tổn thương nhất chính là: “Mày chỉ biết nghĩ đến bản thân mày thôi, mày không biết thương bố thương mẹ, không biết nghĩ cho cái nhà này…”. Tôi sao lại không biết thương bà ấy chứ? Tôi biết bà ấy rất thương tôi, rất yêu tôi, nhưng không có nghĩa là bà ấy có thể nói ra những lời làm tổn thương tôi như vậy. Những lúc như vậy tôi thường không nhịn được mà cãi lại bà ấy, cũng dùng những lời lẽ cay nghiệt nhất để làm tổn thương bà ấy. Nói xong, nhìn biểu cảm thất vọng, buồn bã trên gương mặt mẹ, tôi rất hối hận, nhưng rồi lần sau lại tiếp tục tái diễn. Cứ như vậy, chúng tôi luôn làm người mình thương nhất phải chịu tổn thương bằng tình thương mà mình cho là đúng.

Tôi một mình sống ở Hà Nội ba năm. Chính tôi cũng không biết, làm thế nào mà tôi có thể sống qua được ba năm này. Từ khi tôi còn nhỏ, phương thức giao tiếp trong gia đình tôi đã rất kì quái. Mọi người không bao giờ nói lời yêu thương nhau, mỗi lần mở miệng đều là những câu nói có lực sát thương lớn, không khí trong gia đình tôi lúc nào cũng như Thế chiến Thứ Hai, chưa bao giờ có một điểm dừng. Lúc đầu, tôi cũng không cảm thấy có gì kì lạ, nhưng sau này lớn hơn một chút, chứng kiến nhiều gia đình ở ngoài đời và trong phim ảnh, tôi mới biết hóa ra một gia đình bình thường chính là như vậy: Cả nhà quây quần bên mâm cơm, cười cười nói nói, chuyện trò rôm rả, gắp thức ăn cho nhau. Còn gia đình tôi nhiều lúc thiếu điều chỉ muốn quăng luôn mâm cơm.

Một phần vì nguyên nhân này mà tính tình của tôi cũng có chút (mà không, phải là rất nhiều chút) không được bình thường. Tôi cực kì nóng tính, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, hay tự ái, không kiên nhẫn, tự ti, ích kỉ và hay đố kị với người khác. Nói tóm lại tính cách của tôi cực kì tồi tệ. Khi nhận thức được tính cách của mình, tôi cũng rất muốn sửa, nhưng cứ có chuyện xảy ra ngoài ý muốn là tôi lại không kiểm soát được, thường xuyên lỡ nói những lời không hay, sau đó lại tự trách và dằn vặt bản thân rất lâu.

Tôi ở một mình, một phần nhỏ vì tôi thường hay hát (mặc dù hát không hay lắm), thích mở nhạc to, đọc sách thì hay đọc to thành tiếng, rất phiền hà người khác, một phần lớn là do tính cách của tôi nên tôi có rất ít bạn, nhấn mạnh lại là rất ít, hầu như không có. Ở Hà Nội ba năm, tôi vẫn không có nổi một người bạn thân. Những lúc ốm đau chỉ có thể nằm một mình trong phòng rên rỉ, không ai hỏi han, chăm sóc.Tôi đã từng quen một người bạn trai gần một năm, sau đó chia tay, anh ấy có người khác. Tôi không thể trách người ta, bởi vì phần lớn là do tính cách của tôi có vấn đề. Thời gian quen người đó, tôi hoàn toàn dựa dẫm, mỗi khi tôi ốm người đó sẽ mua thuốc và mua cháo cho  tôi, sẽ bón cho tôi ăn. Vậy nên khi chúng tôi chia tay, tôi cực kì hụt hẫng, bởi vì từ đó tôi lại phải tiếp tục cuộc sống một mình ở một  thành phố vừa quen, vừa lạ, không người thân, không bạn bè. Sau khi chia tay, mỗi lần ốm hay đau dạ dày, tôi đều nằm một mình rên rỉ, suy nghĩ lung tung, khóc, không uống thuốc, cũng không ăn uống gì. Tôi căn bản không muốn ở một mình, tuy đôi khi cảm thấy ở một mình rất thoải mái, nhưng nếu có một người tình nguyện ở bên cạnh bạn, khi ở bên cạnh người đó bạn vẫn cảm thấy thoải mái và được thả lỏng bản thân, thì đó mới thật sự là sống. Tôi chỉ là đang tồn tại một cách vô nghĩa mà thôi.

Thật ra, tôi thật sự rất cô đơn, rất sợ cô đơn. Tôi hay nói chuyện một mình, không phải kiểu nói nhỏ, thì thầm, mà nói rất to giống như đang nói chuyện với người khác. Khi đó tôi cảm thấy rất thoải mái, giống như có người đang nghe tôi nói, nghe tôi tâm sự, tôi như trút được gánh nặng trong lòng. Tôi cũng muốn có người cùng nói chuyện, đi dạo phố, đi mua sắm, đi ăn,… Không nhất thiết phải là người yêu. Có những lúc tôi thấy người ta có một hội bạn thân chơi cùng nhau, tôi lại cực kì hâm mộ và thèm muốn. Không biết mọi người có từng đi ăn một mình hay chưa, có từng đi mua sắm một mình, đi vệ sinh một mình, làm gì cũng một mình hay chưa? Tôi chính là kiểu người làm gì cũng một mình như vậy, cứ thui thủi như tự kỉ. Con gái thường hay làm gì cũng rủ nhau làm, đến đi vệ sinh cũng phải đi cùng nhau mới chịu. Lúc trước tôi không hiểu, cho rằng như vậy thật phiền phức, nhưng chính tôi mới là đứa phiền phức và kì quái.

Mẹ tôi vốn không biết tôi ở Hà Nội ba năm đã làm những gì, đã trải qua những chuyện gì, tôi chỉ nói với bà ấy, tôi đi học bình thường và có một công việc làm thêm, cụ thể như thế nào thì tôi không nói. Giá như tôi có thể như những người con gái khác, có thể dễ dàng nói ra câu: “Con yêu mẹ!”. Giá như tôi cũng có thể vô tư như những người con gái khác, nhào vào lòng mẹ làm nũng: “Con đói rồi, mẹ làm món ngon cho con ăn có được không?”. Giá như tôi có thể gọi điện cho mẹ và nói: “Con mệt rồi, nhớ mẹ rồi!”, sau đó sẽ nhận được một câu trả lời: “Vậy thì về với mẹ, không làm nữa. Con gái mà, cố gắng như thế để làm gì!”.

Tôi thật sự rất yêu bà ấy, cũng rất muốn trở về. Tôi không muốn một mình nữa, không muốn tự mình chịu đựng nữa. Tôi cũng rất hối hận đã nhiều lần làm mẹ tổn thương, tôi biết bà ấy thật sự rất vất vả, rất mệt mỏi, vì tôi mà hy sinh thanh xuân và sức khỏe. Tôi sẽ sống tốt, sẽ không để bà ấy phải lo lắng. Nhưng tôi cũng hy vọng, bà ấy có thể bao dung cho những lỗi lầm của tôi, hiểu cho quyết định và lựa chọn của tôi. Hy vọng mỗi khi trở về, tôi có thể có được an yên, vui vẻ. Hy vọng tôi có thể cất cao giọng gọi: “Mẹ ơi, con về rồi!”. Hy vọng nhà của chúng tôi, thật sự là “nhà”.

Khi viết ra những dòng này, tôi đã khóc, tay run rẩy cầm tờ khăn giấy lau nước mắt. Mẹ tôi từ cửa đi vào, không biết bà ấy có nhìn thấy hay không. Lát sau tôi ra sau nhà thì thấy bóng lưng bà ấy đang mang một cái sọt đi làm, bóng lưng thật sự nhỏ bé và cô đơn. Mỗi lần tôi nói câu: “Sau này con không thèm về cái nhà này nữa!”, bà ấy hẳn đã đau lòng lắm. Con xin lỗi, mẹ!

© Chu Phương - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Càng trưởng thành càng cô đơn | Radio Tâm Sự

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Thủ đô yêu dấu

Thủ đô yêu dấu

Ước mơ của tôi là được đến thủ đô Thủ đô dấu yêu bốn ngàn năm văn hiến

Tình yêu của đất

Tình yêu của đất

Hay tôi có thể nói một cách khác đi, tình yêu của đất cũng chính là tình yêu của tất cả những người dân đất nước tôi dành cho quê hương này, dành cho đất nước của chúng tôi.

Phù sa

Phù sa

Một hình ảnh chỉ vừa được nói lên chỉ vừa được nhắc đến đã làm người ta nhớ ngay đến những người nông dân, làm người ta nhớ ngay đến và nghĩ ngay đến hình ảnh những cánh đồng những cây lúa với sức sống dạt dào và mãnh liệt nhất.

Sóng

Sóng

Cô thích sóng cứ như vậy, lúc thật êm êm hiền hòa lúc thật vút cao gào thét. Nhưng cho dù sóng có như nào thì sóng muôn đời vẫn nằm trong lòng biển, êm ái và thân thương, trìu mến ngày đêm vỗ về cùng với biển.

Tập lớn

Tập lớn

Hụt hẫng, buồn bã và lo sợ, tôi chẳng muốn lớn nữa, không muốn xa ba mẹ, xa chỗ ở thân quen gắn với tôi từ lúc lọt lòng, nhưng tôi cũng hiểu đã đến lúc mình bắt đầu hành trình của những chuyến đi xa. Mình phải lớn lên thôi.

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Khi mục tiêu trở nên cụ thể, chúng ta có cơ hội định rõ hướng đi của mình và không còn bị lạc lõng trong mê cung của những ý tưởng mơ hồ.

Những con sóng

Những con sóng

Nếu ngày nay biển không có sóng Thì biển muôn đời chẳng có màu xanh

Xúng xính là em

Xúng xính là em

Khi tôi lớn lên, tôi biết thế nào là mặc đẹp, tôi biết khao khát được mặc đẹp, được rong chơi đây đó để được khoe vẻ đẹp của những gì tôi đang mặc.

Nơi tôi sinh ra

Nơi tôi sinh ra

Hải Dương nơi tôi sinh ra Nơi đồng lúa chín Vị ngọt phù sa

Cách thành công của người thích an nhàn

Cách thành công của người thích an nhàn

Trong cuốn "1% nỗ lực", tác giả Hiroyuki chia sẻ câu chuyện thành công khác thường của mình, đưa ra một góc nhìn mới về sự nỗ lực và hạnh phúc.

back to top