Tôi đi học - có những con người như hạt giống trong ta...
2021-08-03 01:24
Tác giả: Gấu
blogradio.vn - Tôi lần lượt trải nghiệm 4 năm sinh viên của mình và âm thầm so sánh với 4 năm sinh viên của thầy. Đôi lúc cũng có giống, đôi lúc cũng có khác, đôi lúc cũng có khi tôi yếu lòng, vấp phải những chông gai, nhưng tôi và “thầy Ký thời sinh viên” ấy đã cùng nhau vượt qua.
***
Mỗi khi nhắc đến thầy Nguyễn Ngọc Ký, ai ai cũng sẽ nghĩ ngay đến nghị lực phi thường, tinh thần vươn lên vượt khó của thầy qua tác phẩm “gối đầu giường” của nhiều thế hệ - tự truyện “Tôi đi học”, với tên nguyên bản là “Những năm tháng không quên”.
Cuốn “Tôi đi học” được xuất bản đầu tiên vào năm 1993, cũng là cuốn tự truyện mà thầy đã bắt đầu viết từ khi bước vào giảng đường Đại học năm 1966, kể về quãng thời gian 12 năm đèn sách ở lớp học vỡ lòng và trường phổ thông khi xưa, đã tạo nên tiếng vang lớn và trở thành tác phẩm bán chạy ở nhiều nơi. Về sau này, thầy còn viết thêm một cuốn tự truyện khác là “Tôi học Đại học” nhằm kể lại thời gian 4 năm học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, vì chiến tranh nên phải sơ tán về vùng rừng núi Thái Nguyên và quá trình thầy viết nên cuốn tự truyện “Tôi đi học”. Khó khăn chồng lấp khó khăn, việc học Đại học bình thường đã gian nan vất vả là thế. Ấy vậy mà thầy Ký lại còn học Đại học trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc với điều kiện không được đủ đầy như bao người. Thế mà thầy vẫn mạnh mẽ, cố gắng vượt qua để rồi khi đêm đến, lại ngồi cặm cụi viết thư tay trải hết bao nỗi lòng đến bố mẹ ở quê.
Sau đây là một vài đoạn trích từ lá thư tay của thầy mà tôi cảm thấy rất tâm đắc và mong muốn chia sẻ đến mọi người:
“Thưa bố mẹ vô vàn kính nhớ của con! Người xưa nói “xảy nhà ra thất nghiệp”. Với con điều này càng nan giải. Thiếu đôi tay, thiếu đi sự chủ động trong mọi sinh hoạt, mọi thứ phải nhờ người khác… Nay xa nhà, xa quê hương hàng mấy trăm cây số, giữa chốn núi rừng hiểm trở, bạn bè lạc hoắc, con không khỏi những phút xao lòng, bối rối, đôi lúc tưởng không lối thoát… Trăng hạ tuần nhô cao giữa hai ngọn núi chăm chắm nhìn con. Con cứ bồi hồi tưởng tượng như đó là ánh mắt dịu hiền của mẹ đang vời vợi dõi theo với bao lo lắng thắt lòng cho con nơi núi rừng xa xôi muôn trùng cách trở những ngày đầu tiên xa nhà, xa vòng tay yêu thương của bố mẹ, giữa bốn bề không quen biết trong hoàn cảnh đôi tay không bình thường… Song như bố mẹ đã nghe con kể đấy, từ ngày tạm biết quê nhà lên trường đến nay, hầu như không ở đâu và không lúc nào con không gặp người tốt. Ở hiền gặp lành. Ông trời có mắt. Bố mẹ vẫn dạy con thế mà! Vậy bố mẹ cứ yên tâm về con, đừng lo lắng gì nhiều mà tội cái thân già là con buồn lắm đó.”
Từng dòng thư đầy xúc động mà thầy Ký đã gửi đến đấng sinh thành của mình quả thật là giàu cảm xúc và thấm đẫm từng câu chữ. Và không chỉ kể về bản thân, thầy còn kể về những người đã giúp đỡ, đã hỗ trợ mình hết lòng dù chưa từng quen biết trước đó. “Có những con người như hạt giống trong ta”, họ gieo nên mầm sống yêu thương, những mầm sống xanh tươi, khơi dậy nên sức sống mãnh liệt và động lực thúc đẩy ta sống tốt hơn mỗi ngày.
Rồi đến cả những mẩu chuyện kể về việc sơ tán trường học về rừng núi thế nào, việc học tập ở giảng đường Đại học thời ấy ra sao, và cả tinh thần chiến đấu của những thanh niên thời ấy thế nào, theo khẩu hiệu “xếp bút nghiên theo việc quân cơ” (có những người bạn của thầy, khi gần đến ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp vẫn ghi danh tình nguyện đi nhập ngũ), lời dặn dò về việc “Nhớ cảm ơn bác lái xe” của bác Phạm Văn Đồng… đến cả việc đón Tết xa quê và cảm xúc mong mỏi nghe giọng Bác Hồ đọc thơ chúc Tết qua đài radio thế nào,… Tất cả, tất cả những cảm xúc đó, bạn đều có thể cảm nhận một cách chân thực nhất khi bạn cầm quyển tự truyện “Tôi học Đại học” trên tay.
À còn một điều rất thú vị mà tôi phát hiện ra qua cuốn tự truyện “Tôi học Đại học” của thầy Nguyễn Ngọc Ký là ở “Chương 28. Tập làm chiến sĩ”, thầy dành để kể về đợt học quân sự của thời sinh viên. Rất chân thực, rất nghiêm túc, điều đó khiến tôi không khỏi tự hào rằng đến tận ngày nay, sinh viên chúng tôi vẫn còn được tham gia đợt học quân sự, được trải nghiệm các cảm giác vất vả sau 1 tháng quân sự hoá. Và hơn bao giờ hết, chúng tôi thấm nhuần tư tưởng: “Rèn luyện thân thể, xây dựng quân đội! Rèn luyện thân thể, BẢO VỆ TỔ QUỐC!”. Và cả loại cảm xúc rất riêng khi được chọn đề tài làm khoá luận và bảo vệ thành công khoá luận tốt nghiệp của mình.
Tôi nhận được cuốn sách này khi tôi vừa chập chững bước vào giảng đường Đại học năm đầu tiên. Và cứ thế từng ngày, tôi trưởng thành hơn qua những trang tự truyện của thầy. Tôi lần lượt trải nghiệm 4 năm sinh viên của mình và âm thầm so sánh với 4 năm sinh viên của thầy. Đôi lúc cũng có giống, đôi lúc cũng có khác, đôi lúc cũng có khi tôi yếu lòng, vấp phải những chông gai, nhưng tôi và “thầy Ký thời sinh viên” ấy đã cùng nhau vượt qua. Nhiều lúc gặp khó khăn, thầy Ký vẫn luôn nghĩ rằng: “Đúng là thiếu đôi tay, mình như con thuyền giữa phong ba lại thiếu bánh lái. Sự nguy khốn bất cứ lúc nào cũng có thể hiện hữu”. Nhưng lại ngay lập tức lấy lại tinh thần ngay như việc đưa mắt nhìn ngắm lên bầu trời, thấy tàu chạy đến đâu thì vầng trăng chạy theo đến đó như muốn nói rằng: “Cậu cứ yên tâm! Tôi luôn theo từng bước chân của cậu đấy! Cậu không bao giờ cô đơn!”. Và quả thật đúng như vậy, tôi cũng như thầy Ký, tôi không bao giờ cô đơn. Bên cạnh tôi cũng có những người bạn tôi xem như là tri kỷ, những người thầy người cô mẫu mực và gia đình thân thương luôn đồng hành cùng tôi. Cứ như thế, mỗi khi chịu quá nhiều áp lực của cuộc sống, đến nỗi không thể chịu thêm được nữa, tôi liền tạm gác lại tất cả, về với gia đình hay trút nỗi lòng tâm sự với những người bạn đồng hành, tự nạp thêm năng lượng cho bản thân để có thể vững vàng bước tiếp những chặng đường tiếp theo của cuộc đời.
Rất mong với những dòng cảm nhận ngắn ngủi này, tôi đã phần nào truyền cảm hứng để bạn tìm đọc tác phẩm “Tôi học Đại học” của người thầy giáo đầy nghị lực Nguyễn Ngọc Ký. Mong bạn sẽ có nhiều trải nghiệm mới mẻ và đầy ý nghĩa với tác phẩm này.
© Gấu - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Tôi chọn tuổi trẻ bước về phía trước l Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu