Phát thanh xúc cảm của bạn !

Gã gàn dạy học

2021-01-03 01:05

Tác giả:


blogradio.vn - Gã có giấc mơ sư phạm từ hồi còn nhỏ, chẳng lí tưởng cao xa như mang lại lớp học cho trẻ em nghèo khó hay vâng lời cha mẹ đi đúng con đường…, chỉ đơn giản là gã muốn được làm thầy, muốn được “dạy đời” thiên hạ.

***

Có bao giờ bạn nghe về một gã gàn mà làm một thầy giáo chưa? Hẳn là chưa nhỉ? Vậy có bao giờ bạn nghe về một gã gàn mà muốn được làm thầy giáo chưa? Chuyện đó hẳn là chuyện thường rồi. Và có lẽ bởi vì tôi quen một người như hắn nên trong tâm trí tôi lúc ấy mọi gã thầy trên đời này hẳn đều gàn dở, vì ngay cả một kẻ gàn như gã mà được làm thầy thì ai mà làm thầy chẳng được?

Gã là thằng bạn chí thân của tôi kể từ ngày hai đứa tôi còn đỏ hỏn, rồi cái mối quan hệ thân sinh cũng thân thiết với nhau thì cứ phải nói tôi với gã thân thiết chí chóe suốt cả ngày. Gã có giấc mơ sư phạm từ hồi còn nhỏ, chẳng lí tưởng cao xa như mang lại lớp học cho trẻ em nghèo khó hay vâng lời cha mẹ đi đúng con đường…, chỉ đơn giản là gã muốn được làm thầy, muốn được “dạy đời” thiên hạ.

Nghe thì có vẻ gã có vẻ xấu, nhưng kì thực cũng bởi một phần tính gã vốn thẳng, mà ở cái xã hội như giờ, chẳng còn những hiệp sĩ như trong mấy phim kiếm hiệp mà má gã hay coi đi cứu nguy độ thế nên gã muốn thay người lớn sau này trừng trị những kẻ ức hiếp người khác mà thôi. Được cái, gã khác người, khác ở chỗ hễ gã muốn làm gì là gã sẽ làm cho kì được, và một khi gã hạ quyết tâm thì đừng nói là tốn bao nhiêu năm, và gặp phải thất bại như thế nào gã cũng sẽ không bỏ cuộc giữa chừng. Xét cho cùng một người như gã, cũng giỏi, cũng có chí hướng, nếu làm thầy ở một trường làng thì cũng không có gì là quá.

Cái “tính gàn” của gã bắt nguồn từ cái lối suy nghĩ của gã. Tôi nhớ ngày hai đứa còn nhỏ, hay để dành tiền ăn sáng để đi ra đầu làng thuê mấy cuốn truyện tranh từ cái tiệm sách mới mở rồi lăn vô ụ rơm mà đọc, gã đã hay nói những câu dở người. Đang đọc truyện thế nào gã lại hỏi:

- Nếu được làm một vị thần mày thích làm thần nào?

- Tao á? Thần lửa, oai phong lẫm lẫm, không thì thần sấm cũng được, tao sẽ cho phóng sét xuống hết lũ thằng Di dám đánh tao hôm bữa.

- Thế á? Tao lại muốn làm tử thần.

- Kinh! Mày thích “đoạt mạng” người ta thế á?

- Không, vì tao thấy ông ấy là một vị thần tội nghiệp. Chẳng đau khổ nào hơn nhìn cảnh chia ly, mà cảnh đó lại do chính tay mình làm.

Thế đấy, một thằng nhóc mới tám tuổi đầu lại đi “cám cảnh” truyện tranh về một thế giới giả định nào đó mà một con người tự tạo ra. Lớn lên một chút gã lại có cái sở thích dở người hơn: gã thích đóng cảnh một người nghèo. Nhà gã không giàu nhưng cũng đủ sống, đủ tiền trang trải cho cả mấy anh chị gã lên phố học. Ngày đó ở quê tôi mà được lên phố học nghĩa là nhà đó dư dả lắm rồi. Thế nhưng những năm cuối cấp hai gã lại học đòi đi làm thêm, tí tuổi đầu, gã đã theo bác Ni xóm trên đi chở gạch, khuân bê như người phu thứ thiệt, hí hửng dắt tôi đi ăn kem vì vài đồng lương còm cõi thậm chí không bằng tiền tiêu vặt mà mẹ gã cho.

- Mẹ mày mà biết là nọc mày ra đánh chết. Ăn sung mặc sướng không chịu tự nhiên đi phu.

- Tự nhiên hôm qua tao đọc được cuốn sách kia, tao thấy ông tác giả sao trải nghiệm hay thật, muốn viết được như vậy hẳn cũng trải nghiệm dữ lắm. Nên tao đi làm thử.

Chỉ đơn giản là gã muốn thử cái cảm giác như người ta mà thôi. Đọc một cuốn sách thay vì khâm phục tác giả có thể tưởng tượng ra nội dung gã lại muốn trải nghiệm cái cảm giác đó hơn.

Rồi gã học sư phạm thật, tốt nghiệp và được làm một thầy giáo làng thật. Sinh viên sư phạm thì ra làm thầy giáo, cái đó chẳng có gì đáng nói, nhưng ở cái làng mà một “ông giáo” mang tiếng gàn đi dạy thì mấy ai mà đi học. Tốt nghiệp trường trên phố với tấm bằng giỏi hẳn hoi, gã được giữ lại trường, nhưng gã lại từ chối rồi về cái xóm nhỏ mà gã lớn lên để xin việc. Mấy ai được bằng giỏi mà về lại chốn quê nên cái trường làng vỏn vẹn ba bốn lớp nhận được đơn của gã mừng húm, vội phân công dạy mấy lớp liền. Có điều với cái lối suy nghĩ khác người từ nhỏ của gã thì xóm này ai cũng thấu nên dẫu dân quê vốn không kén chọn cũng bắt đầu học đòi những nhà trên phố đi lựa thầy. Ban đầu người ta kiến nghị đổi thầy, trường thiếu người phải giải thích dữ lắm, sau, không đổi được họ cho con nghỉ hết để ra điều kiện. Gã lại bắt đầu như một ông thầy mất việc. Tôi cám cảnh:

- Mày giỏi nhưng ai biết được đâu, thôi quay lại trường cho rồi. Làm ở trường đại học vừa oách mà vừa xứng tài, có tương lai hơn mấy cái trường này.

- Nói thế đâu được, mục đích ngày xưa tao đi học chỉ để về đây dạy, chưa làm được thì tao không muốn bỏ.

Nói thế mà gã không bỏ thật, gã đi từng nhà vận động học. Nhà nào đưa ra lí do bận việc đồng áng người ta làm không xuể thì gã xắn tay vào làm phụ, nhà nào lấy lí do thiếu tiền không có tiền học thì gã lại làm đơn xin trường miễn giảm… thậm chí có nhà chê bai học thức của gã, gã chỉ cười:

- Hồi nhỏ thì cháu gàn thật nhưng nay thì không chắc đâu ạ, hay bác cứ để con bác học hai ba hôm, nếu nó quyết định nghỉ thì cháu không cản.

Ấy thế mà chẳng ai bỏ được gã một khi đã được gã dạy. Dần dần cái xóm nhỏ, nghe gã vận động dữ quá cũng cho vài đứa đi học lại, rồi tiếng nọ đồn tiếng kia, bảo gã dạy được lắm, lại nhiệt tình chứ không cà rù như mấy thầy cô dạy buồn ngủ, mấy đứa nhỏ lại ham đi học cho bằng bạn bằng bè thế là vòi ba mẹ cho đi học lại.

Thế là trường chẳng mấy chốc mà lại kín người, cái hay của thôn quê là thế: cứ một đồn mười là chỉ một tiếng tốt cũng lan đi xa. Mà tôi công nhận gã cũng nhiệt tình và biết lắng nghe học sinh nên nhiều học sinh hay tâm sự với gã, nói một lần là gã nhớ. Như có cô bé bữa trước khóc tu tu trên lớp vì mẹ bệnh, hôm sau đi học đã nghe gã hỏi thăm: “Thế mẹ em thế nào rồi? Đỡ chưa?” làm cô bé thấy mình được quan tâm đứng giữa sân khóc òa. Hay như mấy đứa con trai vốn quậy đánh nhau ù té, trầy lên trầy xuống. Lũ nhóc vốn vô tâm cứ để vết thương thành thẹo, gã lại đi tìm mua được hộp dầu bắt đè đầu ra xức:

- Này mấy anh nhóc, chẳng phải có thẹo là chiến tích lẫy lừng đâu nhé. Bây giờ thì mấy anh hãnh diện, rồi sau này mà lớn lên, muốn mấy cô theo mà mấy cô thấy mấy anh toàn thẹo thọ thì có mà chạy đằng trời.

Bông đùa là thế nhưng mấy anh nhóc lại nghe theo thật. Rồi chuyện gia đình học sinh như thế nào, gã đều lắng nghe và nhớ để nếu trong khả năng có thể gã có thể giúp đỡ. Giong như hồi nhỏ, khi cái gàn của gã là cứ thích sống trong hoàn cảnh của người ta, thì nay, có lẽ vì hiểu được hoàn cảnh ấy nên gã càng nhiệt tình.

Cách dạy học của gã cũng như vậy, đâu dễ gì được băng giỏi rồi được giữ lại trường, gã dạy học sinh không phải bằng cách tiếp nhận của một người ở lứa tuổi của gã mà ở vị thế của chúng, để có thể dạy chúng cách tiếp thu tốt nhất. Cách dạy đó đôi khi rất mệt với gã, vì giống như phải “thâm nhập” vào đầu óc của chúng nhưng lại giúp biết chúng nghĩ gì và cảm nhận gì. Xét cho cùng, với một thầy giáo dạy văn như gã, đó vẫn là cách tốt nhất. Và với phần lớn những người học văn bây giờ, khi tất cả văn chương đều chỉ theo khuôn mẫu thiếu tính sáng tạo thì việc khơi gợi trí óc học sinh là điều cần thiết.

Rồi tôi bắt đầu bận rộn với cuộc sống riêng đi công tác biền biệt ít về làng, không còn theo dõi gã gàn năm đó của tôi sống như thế nào nữa, cho tới ngày chắc cũng độ chừng mấy năm sau tôi về lại thăm quê, tôi lại gặp gã. Gã vẫn thế có điều trên mũi bắt đầu sắm thêm cặp kính cận dày cộp trí thức. Sau lưng gã có đeo theo một đứa nhỏ trong khi gã cứ như một tài tử đang ngồi ghế đẩu đọc kính giữa sân.

- Chào thầy giáo, mới không gặp mấy năm mà khác quá nhỉ? Ra dáng giáo viên hơn rồi đấy!

Gã nhìn thấy tôi mừng rỡ, rồi nhẹ nhàng kéo tay đứa nhỏ ra, hớt hải chạy lại:

- Gớm, mày đi đâu mấy năm biền biệt giờ lại về? Khổ, ra dáng gì cho cam, đọc sách miết nó cận mày ạ

- Ủa thằng cu nào thế? Con mày à? Cưới hồi nào? Chẳng thấy thiệp!

- Nào phải, đứa học sinh. Trường mới mở thêm lớp, nó cứ hay sang chơi.

Tôi đứng tần ngần. Đây có phải cái gã gàn suốt ngày huyên thuyên những điều khó hiểu đấy không, nay nó đã làm thầy và được nhà trường tin tưởng giao cho nhiều lớp hơn. Thậm chí nhìn cái cách mà học sinh ôm lấy hắn, nhìn cái cách hắn ân cần với chúng, tự nhiên thấy vai trò của một người thầy mà theo như cái cách gã gàn ấy hiểu ấm áp vô cùng. Đương ngồi buổi trà với gã đột nhiên gã bật dậy:

- Thôi chết, cơm trưa, mày ở lại ăn với tao nhé?

Bỗng từ đâu có tiếng với tới:

- Thầy, thầy! Lại nhà em nhé, bố em có phần thầy mớ rau lang sáng mới đào.

Gã bật cười “ơi” một tiếng rõ to rồi kéo tay tôi:

- Cứ quên mãi, lơ đãng lắm. May được phụ huynh thương rồi thi thoảng cho mớ rau, con cá. Ở quê mà, tình làng nghĩa xóm.

Có vẻ gã gàn của tôi không chỉ được học sinh thương mà còn được bậc cha mẹ tin tưởng. Thực không biết gã đã làm như thế nào nhưng đột nhiên tôi lại thấy tự hào về gã. Nghĩ gì tự nhiên tôi quay ra trêu gã:

- Thế có ai gọi mày là thấy giáo gàn không?

Làm cả hai đưa bật cười.

© Lê Hứa Huyền Trân - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Làm người khó nhất là thấu hiểu chính mình | Góc Suy Ngẫm

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

back to top