Phát thanh xúc cảm của bạn !

Thương quá tuổi thơ ơi!

2020-04-11 01:25

Tác giả: Trang Hương


blogradio.vn - Sinh ra từ miền quê Bắc Trung bộ, tuổi thơ của tôi đã gắn liền với đồng ruộng, nương khoai. Cái lứa tuổi đầu 9X tôi được sống một cách bình dị nhất, để đến khi trưởng thành bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống, nhiều lúc nhớ lại thấy thương đến lạ.

***

Ngày đó, tôi lên 7 tuổi. Bố phải vào Nam để lập nghiệp còn mẹ vừa mới sinh thằng em út, tuổi thơ của tôi từ đó trở nên bận rộn hơn bất cứ lúc nào. Nhà neo người, bố lại ở xa, một mình mẹ tôi vừa phải làm ruộng vừa phải nuôi con nhỏ, hình như chưa lúc nào mẹ tôi được nghỉ ngơi. Ngày mẹ mới sinh thằng em, tôi vui ra mặt, lúc nào tôi cũng muốn hôn nó, muốn nắm bàn tay nhỏ xíu của nó, thậm chí tôi nằng nặc đòi nghỉ học để ở nhà với nó và tất nhiên ý muốn điên rồ đó của tôi không được chấp nhận.

Trường cấp 1 của tôi chỉ cách nhà khoảng 1km nên tôi được mẹ đặc cách cho đi xe đạp. Mỗi sáng đi học, dù rất sung sướng với việc được đi xe đạp cùng với mấy đứa ở trong làng, nhưng khi dắt xe ra ngoài cổng kiểu gì tôi cũng phải chạy vào cắn nhẹ vào má thằng em tôi một cái. Và tất nhiên cái tật ăn vạ của thằng em tôi khiến tôi luôn bị mẹ mắng.

 Tuổi thơ của tôi quá đẹp, quá hồn nhiên nhưng ở thời điểm ấy tôi chưa đủ cảm xúc để đón nhận. Tôi còn nhớ, hồi đó ở quê, nhà tôi là một căn nhà tranh ba gian, vách được làm bằng đất rạ (đất trộn với rạ lúa thành một hỗn hợp đặc sệt), không phải chỉ nhà tôi mà hầu như tất cả những ngôi nhà ở làng tôi đều được dựng như vậy. Phía sau nhà tôi là nhà con Thương, nhà hai đứa chỉ cách nhau một cái bờ rào, nó bằng tuổi tôi. Bố nó mất khi nó 4 tuổi, nhà có ba mẹ con, nó còn một người chị gái hơn tôi và nó 2 tuổi. Về sau khi có thằng em, tôi ghen tỵ với nó kinh khủng vì nó được đi chơi thỏa thích còn tôi đi đâu cũng phải “cắp” theo thằng em bên hông. Chính vì điều này mà đã có nhiều chuyện dở khóc dở cười mà bây giờ khi đã trưởng thành tôi đã cất giữ nó thành kỷ niệm cho riêng mình.

Trẻ con ở quê thì không có gì để chơi, ngoài những thứ sẵn có, thời của bọn tôi, nông thôn thì làm gì có nhà bóng, xích đu, tàu lượn,...như trẻ con bây giờ. 6,7 tuổi như chúng tôi có đứa phải làm đủ việc: chăn trâu, trông em, nấu cơm, thậm chí đến mùa còn phải ra đồng phụ bố mẹ, nhất là mùa reo mạ, đứa nào đứa nấy mặt mũi lấm lem bùn đất. Vậy mà vui, lúc nào cũng cười như rang ngô.

 Ở làng Bình của tôi, ngoài con Thương bằng tuổi tôi, còn có con Hiên, thằng Bến, con Hạnh,... Nhắc đến thằng Bến, tôi không nhịn được cười. Nó bằng tuổi bọn tôi nhưng thân hình thì nhỏ hơn hẳn, miệng lúc nào cũng lở hai bên mép, nói chuyện liến thoắn cả ngày, đặc biệt nước bọt của nó luôn trực trào ở môi, nhìn bẩn không chịu được. Nhà nó có 3 anh em, mỗi đứa cách nhau 1 tuổi, bố mẹ nó đặt tên lần lượt là Thuyền, Đậu, Bến, nghe bố mẹ nó nói đặt tên như vậy cho cuộc đời của 3 anh em nó sau này được bình yên, không phải gặp sóng gió gì.

Thằng Bến cũng là em út trong gia đình giống như con Thương, cứ hễ rảnh là nó lại lân la đến nhà bọn tôi để chơi. Tôi nhớ có lần chơi đánh khẳng, không biết đầu đuôi thế nào con Thương vung mạnh tay, cái khẳng bay trúng vào đầu nó, đau quá nó khóc la làng và tuyên bố không chơi với bọn tôi nữa. Cái thằng vừa khóc nó vừa bỏ chạy, cái tướng loắt choắt, quần lúc nào cũng vá trước vá sau, có hôm còn mặc cả quần lủng đít. Thấy nó khóc, tôi với con Thương sợ nó về mách với bố mẹ, lo thì lo thật nhưng khi nhìn thấy nó mếch mếu chạy về thì tôi với con Thương không nhịn được cười. Cả buổi chiều hôm đó, tôi với con Thương cứ thấp thỏm. May sao, thằng Bến nhìn vậy mà chơi thật quân tử, nó đau thế mà không thèm mách ai. Tưởng nó sẽ ghét không đến chơi nữa, nhưng chiều hôm sau tôi với con Thương đang loay hoay với trò ô ăn quan thì thấy nó xách một chùm trái Nhót đến, miệng lại cười toe toét và tất nhiên nước bọt ở mép nó vẫn nhiều như thường ngày.

Kế bên làng tôi là làng Lâm, nói là làng thì nghĩ sẽ cách xa nhau lắm, nhưng ở nhà, mẹ tôi chỉ cần ra bên hông cái giếng, kiểng chân lên là đã thấy làng Lâm. Tôi là con gái, nhưng thích chơi trò của mấy đứa con trai. Nhảy dây, ô ăn quan,... tôi chơi chỉ để chiều ý con Thương, chứ thật tình tôi cũng không thích thú gì.

Tháng 6, nắng như lửa đốt, vậy mà trưa nào tôi cũng rình cho mẹ ngủ rồi lén trốn ra làng Lâm chơi đá bóng với thằng Tới, thằng Kỳ, thằng Thanh,... Mẹ tôi khi thức dy phát hiện ra tôi đã tẩu thoát, bà tức lắm, nhiều lúc tôi nghĩ bà chỉ còn thiếu điều phát rồ lên vì tôi. Ngày trước, khi đi tìm mẹ tôi lúc nào cũng cầm một cái roi lăm lăm trên tay, nhìn thấy là tôi muốn quéo chân lại, nhưng cũng phải chạy cho nhanh, không thì no đòn. Từ khi bác Cả nhà tôi làm cho mẹ cái thang, mẹ tôi đã không thèm đi tìm tôi, mà bắc thang lên cây mít đứng gọi tôi í ới, đến độ cả làng Bình, làng Lâm, ai cũng biết.

Có hôm tôi nhanh chân chạy về thì thấy mẹ vẫn ngồi chót vót trên cây mít, sẵn lấy dái mít ăn luôn. Đó là những ngày tôi còn thảnh thơi, khi mẹ tôi chưa sinh thằng em út. Đến lúc mẹ sinh nó rồi, tôi cũng biết điều, ngậm ngùi ở nhà trông nó, chỉ trừ những ngày bà ngoại ra ở cùng, thì kiểu gì tôi cũng phải trốn đi cho bằng được.

Ở quê, cứ đến mùa gặt lúa, rạ lúa lại đầy đường. Mấy đứa bọn tôi đi học là khổ nhất, phải còng lưng, gò bụng đạp cái xe cà tàng đến trường, nó phải lâu gấp đôi thời gian so với những ngày thường. Thế nhưng mùi rơm rạ khiến chúng tôi rất thích, nó dễ chịu vô cùng, đó là một mùi thơm đặc biệt mà đến bây giờ tôi nghĩ không có bất kỳ loại nước hoa đắt tiền nào có thể sánh được. Đó là mùi thơm của sự vất vả, cần cù, chịu thương, chịu khó của những con người chất phác, hiền lành và hơn thế đó còn là mùi của quê hương, của tình làng, nghĩa xóm, của cả tuổi thơ của những đứa trẻ lên 6, lên 7, như tôi, con Thương, thằng Bến và những đứa khác nữa.

Thằng em tôi càng ngày càng lớn, đến lúc nó được một tuổi thì tôi với bọn con Thương cũng lên tám. Mấy bác hàng xóm cứ xuýt xoa vì mẹ tôi tốt sữa nên thằng em tôi ú nần, người nó toàn ngấn, nghe được khen tôi cũng mát mặt, mũi cứ phập phồng, nhưng chỉ thoáng thôi, vì so với tôi cõng hoặc bế nó đi chơi là cả một vấn đề. Tôi 8 tuổi nhưng chỉ được cái chiều cao, mẹ tôi thường gọi tôi là “con cò hương”, tôi nghĩ “con cò hương” này chắc nó phải gầy gò lắm, có khi còn gầy hơn cả tôi nên mẹ tôi mới hay ví von tôi với nó. Bây giờ tôi không nhớ được lúc đó thằng em tôi nặng bao nhiêu, tôi chỉ biết hai bên hông của tôi đã bị chai lì, mãi đến năm tôi 15 tuổi tôi mới thấy nó được nhẵn nhụi.

Quay lại những trò chơi của mấy đứa chúng tôi ngày đó, ngoài đá bóng, đánh khẳng, nhảy dây, ô ăn quan, trốn tìm, đất nhồi...thì cái trò bắn súng bằng quả bời lời là cái trò tôi khoái chí nhất. Nó là một loại súng thục được làm bằng ống tre nhỏ, dài khoảng 20cm - 30cm, cái chui của nó phát ra tiếng nổ được làm bằng thanh tre vót giống chiếc đũa. Tôi là một “tay cừ” khi làm và chơi loại súng này nhưng thay vì tự vót thanh tre thì đũa ở nhà tôi lần lượt ra đi một cách bí ẩn mà mẹ tôi không hiểu lí do vì sao. Theo trí nhớ của tôi, hạt bời lời to bằng đầu đũa, mọng nước, và khi đưa vào nòng súng thục nó có khói. Đến mùa, bọn thằng Tới, thằng Thanh, thằng Kỳ lại vào làng tôi, tất nhiên là để chơi súng bời lời và không thể thiếu con Thương, thằng Bến, con Hiên.

Tôi nhận nhiệm vụ làm súng cho tụi nó và bọn nó có trách nhiệm trông thằng em tôi, dỗ cho nó không được khóc. Đứa nào cũng háo hức xem súng của ai kêu to hơn, và mùa bời lời này có l là kỷ niệm tôi nhớ nhất trong tuổi thơ của mình.

Trong đám bọn tôi, thằng Tới là đứa lớn nhất, nó hơn bọn tôi một tuổi nên cái gì nó cũng dành, cũng muốn hơn. Con Thương là đứa nhút nhát, hiền lành nên luôn bị thằng Tới bắt nạt, thậm chí có khi còn bị nó giật đồ chơi. Trong lúc tôi đang lúi húi xem thằng em tôi nó nhét cái gì vào miệng thì thằng Tới với con Thương thi xem súng của đứa nào kêu to và vang hơn. Tất nhiên súng của con Thương lúc nào cũng kêu to hơn của thằng Tới, lí do vì nó có “quân sư” là tôi. Thằng Tới tức quá xô con thương ngã và cướp luôn cây súng của nó, thằng Tới chắc có l dùng hết sức nên con Thương bị ngã, đập đầu vào cục đá, chảy máu và bất tỉnh. Tôi đang đứng gần đó, thấy con Thương bị vậy, sẵn cái súng trong tay tôi thục một cái thật mạnh, hạt bời lời nổ vang, xì khói, không hiểu sao nó trúng vào ngay đuôi mắt của thằng Tới, nó bịt một mắt, khóc om xòm chạy một mạch về nhà.

Thằng Bến thấy con Thương nằm bất động, nó hoảng quá, bế phắt con Thương chạy vào nhà, tôi không hiểu tại sao một đứa nhỏ thó như thằng Bến lại có thể làm được điều phi thường ấy. Mẹ con Thương và mẹ tôi, một người đạp xe, một người ngồi sau bế con Thương đưa lên trạm xá, phải ba ngày sau nó mới được về nhà. Còn thằng Tới, sau phát súng bời lời kinh hoàng từ tôi, nó cạch mặt không chơi với tôi nữa, chỉ cần lệch một tí nữa thôi là hạt bời lời chui vào con ngươi mắt nó, suýt nữa thì bị mù. Việc làm con Thương bị ngất, thằng Tới vừa bị đau mắt vừa bị mẹ nó đánh cho một trận tơi bời, tôi cũng không ngoại lệ, chỉ mỗi con Thương là thoát nạn.

Sau mùa bời lời ấy, tôi với con Thương vẫn quấn quýt chơi với nhau, chỉ là tôi ít khi trốn ra làng Lâm như hồi trước. Thằng em tôi ngày một lớn nên sáng nào tôi cũng phải chở nó vào bà ngoại gửi rồi về đi học, chiều lại lạch cạch đón nó nên thời gian cũng không có nhiều. Tuy nhiên những trò chơi bất h của chúng tôi vẫn “hoạt động” khi có cơ hội, thằng Bến hôm nào không phải đi chăn trâu lại la cà lên chỗ nhà tôi. Ước mơ lớn nhất của thằng Bến là sau này lớn lên sẽ lấy được con Bích lớp trưởng, ngồi bên cạnh lớp nó, mặc dù lúc đó chúng tôi chưa thể hiểu được “lấy” là như thế nào. Thằng Tới ghét tôi, thấy mặt tôi là nó quay ngoắt đi ... Cứ thế tuổi thơ của chúng tôi trôi qua với nhiều cảm xúc khác nhau...

Năm tôi 12 tuổi, bố tôi quyết định đưa cả nhà vào Nam sinh sống, lúc đó tôi là người vui nhất, mẹ tôi thì lưu luyến vì phải xa ông bà, cha mẹ, anh em,... Ngày tôi đi, con Thương khóc sưng húp hết cả mắt, thằng Bến lại mang cho tôi chùm Nhót, tôi hứa sẽ viết thư và sẽ về thăm bọn nó. Lúc tôi ngồi trên xe ca, quay lại nhìn tụi nó, tôi thấy có đứa giống thằng Tới đang thập thò ở gốc cây Thị nhìn theo, nhưng tôi không dám chắc chắn là nó. Tôi đi được một năm mới viết thư về cho con Thương, hỏi thăm ở quê và kể cho nó nghe cuộc sống mới của tôi. Vài tháng sau, tôi nhận được thư nó, nó kể thằng Bến vẫn lên nhà nó chơi, nhưng nó không còn đòi lấy con Bích nữa, lí do vì sao thì con Thương không biết. Nhà tôi giờ có người ở làng Sim chuyển đến ở rồi, mấy cây bời lời bị chặt bỏ và con Thương sang năm mẹ nó gửi xuống trường huyện học... Cuối thư con Thương viết: “ À, tao nói cho mày nghe cái này, thằng Tới nó bảo tao nói với mày, nó hết ghét mày rồi...bọn tao nhớ mày lắm, mày nhớ giữ gìn sức khỏe và về thăm bọn tao nghe”.

 Lời hứa của mấy đứa trẻ con nếu không được bố mẹ cho phép thì làm sao dám thực hiện. Đến năm 20 tuổi, khi tôi đã trở thành một đứa sinh viên năm 2, tôi mới được bố mẹ cho về quê thăm quê. Suốt cả một chặng đường, tôi chưa biết nếu gặp chúng nó tôi sẽ phải làm gì. Về nhà ông bà ngoại được một ngày, ngay hôm sau tôi đã về nhà cũ của mình. Vào nhà con Thương, thấy nó đang làm cỏ cho đám cà pháo, thấy tôi nó khóc òa, tôi cũng không thể kìm lòng được. Hai đứa ôm nhau cùng khóc. Tối hôm đó tôi được ngủ lại nhà con Thương, thằng Bến, cả thằng Tới cũng đến, chúng tôi ngồi cạnh nhau, kể cho nhau nghe rất nhiều chuyện và cả lời xin lỗi muộn mà gần 10 năm trước chúng tôi chưa kịp nói. Tất cả như ùa về, tuổi thơ của chúng tôi, đã ở bên cạnh nhau đều trở thành hồi ức đẹp...

Ngày tôi trở lại vào Nam, cũng là lúc con Thương, thằng Bến xuống huyện làm, chỉ mỗi thằng Tới ở nhà. Chia tay, chúng tôi hẹn ngày gặp lại. Thằng Bến lại xách cho tôi chùm Nhót, nhưng lần này nhiều hơn và được gói trong túi ni lông cẩn thận, con Thương nhét cho tôi mấy quả thị. Chúng tôi đã lớn và không còn xưng mày - tao như hồi bé. Tối trước khi tôi đi, thằng Tới đến chơi, mang cho tôi một thứ mà tôi không thể ngờ đến, đó là cái súng bời lời nó giật của con Thương ngày đó và còn lại là cái mà tôi làm cho nó. Nó ấp úng mãi mới nói được: “Tới....Anh....Anh xin lỗi. Em sẽ về nữa, đúng không?”. Không biết sao lúc đó tôi xúc động vô cùng, nước mắt tự nhiên lăn dài, cái xiết tay thật chặt của nó, khiến tôi chợt nhận ra, mình đã thật sự trưởng thành.

Chiếc xe đưa tôi đi bắt đầu lăn bánh, hình ảnh của những trò chơi kỷ niệm, của thằng Bến, thằng Tới, con Thương, con Hiên...., lại hiện ra rất rõ trong tâm trí tôi, cái nắm tay thật chặt của thằng Tới, liệu có đủ mạnh mẽ để tôi gọi nó nột tiếng “anh” hay không...!?

Sếu

© Trang Hương – blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Tao với mày về với tuổi thơ đi! | Thơ Radio

Trang Hương

Thích viết

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Chuyện tình như mơ

Chuyện tình như mơ

Viết làm gì một nỗi niềm riêng Màu giăng lối ta đi trong niềm nhớ

Anh người em từng thương

Anh người em từng thương

Em chưa kể câu chuyện cũ cho anh nghe vì em biết khi kể lại nhưng chuyện cũ lại khơi về quá khứ lại khiến mình tự trách và buồn nhiều hơn. Kể ra rồi cũng chẳng thay đổi được gì cả, nếu có chắc mình đã tua đi tua lại chuyện ấy hơn trăm vạn lần rồi. Chuyện của anh cũng thế thôi…

3 tháng đầu năm chỉ là

3 tháng đầu năm chỉ là "nháp", kể từ tháng 5, 3 con giáp này bứt phá trong công việc, tình tiền song hành thuận lợi

Trong thời gian tới, những con giáp này có cơ hội lấy lại những gì đã mất.

Lấm tấm cơn mưa

Lấm tấm cơn mưa

Cô nghĩ hoa có thể làm được như vậy, những cánh hoa mong manh dịu dàng quá đỗi kia và cả vô số những hạt nước li ti được đọng lại trên đó sẽ nhắc người ta về những điều thiện lương của cuộc sống. Sẽ nhắc người ta về tình yêu thương giữa con người và con người với nhau trong cuộc sống

Ôm trọn một vòng tay

Ôm trọn một vòng tay

Chị cứ ngồi vậy mà ôm con trong lòng, chị nâng niu bàn tay đôi chân con, thăng bé đã mười mấy tuổi và con đã cao lớn hơn so với chị nghĩ. Vậy là cuối cùng ông trời cũng nghe được tiếng chị gọi ngày đêm, ông trời cũng thấu hiểu được nỗi lòng chị mòn mỏi chờ mong con.

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Cậu biết không, tớ đã đứng trước gương hàng trăm lần, rồi tự tưởng tượng trước mặt tớ là cậu. Và tớ sẽ nói hết cho cậu biết rằng tớ đã thích cậu nhiều như thế nào. Nhưng khi thực sự bắt gặp ánh mắt cậu, bao lời văn mà tớ đã chuẩn bị như bốc hơi mất chẳng còn lại gì

Tiếng lòng anh

Tiếng lòng anh

Thơ hát nhỏ nhỏ trong miệng, cô nghe như những âm điệu thiết tha nhất từ chính trái tim anh đang truyền từng nhịp từng nốt qua tim cô.

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Những cuốn sách này ít nhiều làm thay đổi bản thân người nghệ sĩ, giúp họ xoa dịu nỗi đau và là niềm cảm hứng để họ tạo nên những kiệt tác.

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Để chờ đón những ngày nghỉ lễ thật tuyệt vời, hãy xem dự báo cuộc sống của 4 con giáp này có gì thay đổi bất ngờ.

back to top