Tết trọn vẹn - thứ xa xỉ không mua được bằng tiền
2024-03-06 18:35
Tác giả: Phan Cố Gia
blogradio.vn - Chúng ta thường than phiền sao ba mẹ rảnh thật điện thoại hoài cho chúng ta nhưng chúng ta không biết rằng, còn được nghe lời hỏi thăm, được nghe lời phiền trách của đấng sinh thành, được tự do thoải mái tự tại ung dung với thế giới ngoài kia là nhờ chúng ta còn họ bên cạnh.
***
Cái thuở còn bé thơ chưa bộn bề lo toan, cái tuổi mà cùng đám bạn chạy nhảy sau những giờ tan trường, rồi cùng nhau ngồi quanh nồi bánh chưng đêm 29 tết, cùng nướng bánh phồng mì. Tí kỉ niệm nhỏ vậy mà vui, quây quần chia sẻ cho nhau mọi thứ, người người chan hòa trong không khí rộn ràng đón một mùa xuân mới về. Thích nhất cái cảm giác, mà chỉ có bọn thiếu thốn chúng tôi mới hiểu được: năm mới được Tía Má mua cho đúng một bộ quần áo mới, cảm giác sướng rân người mà những năm đủ đầy không tìm lại được. Muốn ăn dưa hấu, muốn được đến chợ, muốn ăn bánh mứt phải chờ tết về. Tết là kỳ vọng, là niềm khát khao, tết như mang theo cả niềm ước mơ của bọn chúng tôi vì được lớn lên, được vùng vẫy, được nhìn thấy thế giới bao la ngoài kia. Vậy đó,...
Những kí ức năm nào cứ như chuông đồng hồ báo thức đến hẹn lại lên, chợt từ đâu ùa về, độc chiếm lấy suy nghỉ của tôi trong những ngày mùa đông ở Nhật.
Tôi xa gia đình tự lập từ năm 18 tuổi, bắt đầu từ những năm đó về sau này đón giao thừa bên gia đình chợt nên xa xỉ với riêng tôi. Có những lần tôi ăn tết cùng các anh, chị, em trên tổng đài điện thoại, có những lần tôi ăn tết cùng các bạn công nhân lò gốm thời sinh viên. Cũng có đôi lần tôi ăn tết cùng bọn trẻ người dân tộc ở Lâm Đồng và 10 năm trở lại đây là những cái tết xa tận Nhật. Tôi bảo vui rằng: “Mình thật hạnh phúc khi một năm được ăn tết hai lần, một lần là tết dương lịch và một lần tôi tự đón tết của riêng mình”.
Khi cái lạnh tháng chín bắt đầu kéo về, rồi cái se se lạnh của Việt Nam qua những từ ngữ miêu tả của Má tôi đậm chất nông dân miền Tây: “Má phải mặc áo ấm rồi đó hai, sáng lạnh không muốn ra đường, năm nay lạnh quá hai ơi. Má mới mua mấy cây hoa vạn thọ về trồng trước sân nhà nè hai, con nhớ không hai xưa con thích loài hoa này đó hai”.
“Má tính năm nay tụi con về đông đủ, rồi cả nhà cùng ngồi quây quần ăn cơm đoàn viên, Má có gói ít đoàn bánh, nấu nồi khổ qua tụi con thích, nồi kho riệu.”
“Nội con bảo nấu nồi bắp cho năm mới làm ăn chắc ăn như bắp.”
“Tía năm nay tóc bạc hói cả đầu đó hai.”
...
“Hai con sắp xếp thời gian về tết được không hai?”
“Thằng tư bận quay phim tận miệt U Minh Hạ, còn thằng ba cũng bận đến chiều 29 mới về được.”
“Vậy hả Má, để con nhắc tụi nó về sớm với Má nha.”
“Con có gửi ít tiền dùng ngày tết, Má nhớ may cho nội mấy bộ bà ba dùm con. Đôi giày Tía cũ rồi nên đổi giày mới.”
“Ùm... Tiền Tía nhận được nhưng Má với Tía bây có để dành tiết kiệm được chút ít, tiền cũng cần mà không cần nhiều, ngày ăn ba bữa, rau nhà trồng, gà thả vườn. Cần là cần con cái về ngồi cùng mâm cơm thôi... Xưa biết vậy để một thằng ở nhà hủ hỉ buồn vui.”
“Ủa sao Má xưa không sinh nhiều nhiều con tí?”
“Mồ tổ mày, sinh có 3 đứa mà còn không có gạo ăn, chạy gạo từng ngày. Nhớ đợt con bệnh, có cái quần jean mới Tía bây bán để chạy tiền thuốc.”
.....
“Ùm con bận không về được... Xin lỗi nội dùm con.”
“Má nấu mấy món ngon đợi con về cùng ăn nha hai. Năm sau về nha hai. Má chờ...”
Cuộc gọi ấy vậy mà kết thúc.
Tôi chợt thấy nghẹn bờ môi, đau nhói lòng, lúc đó nếu được chắc tôi cũng mua một vé máy bay về ôm Má vào lòng và nói: “Nhỏ hai của Má năm nay về ăn tết cùng Má rồi nè”. Mở điện thoại đâu bài nhạc xuân vang lên câu hát “con biết bây giờ Mẹ chờ em trông nhưng nếu con về…”
Bôn ba xuôi ngược chúng tôi quên dần quên nỗi nhớ nỗi lo nỗi buồn của Má, nhưng Má chưa lúc nào QUÊN sở thích món ăn từng đứa. Chúng ta thường than phiền sao ba mẹ rảnh thật điện thoại hoài cho chúng ta nhưng chúng ta không biết rằng, còn được nghe lời hỏi thăm, được nghe lời phiền trách của đấng sinh thành, được tự do thoải mái tự tại ung dung với thế giới ngoài kia là nhờ chúng ta còn họ bên cạnh. Vậy mà dăm ba năm dăm ba lần tim ta không có chỗ cho họ. Và cũng dăm ba lần họ phải ngồi chờ điện thoại chúng ta gọi về hỏi thăm.
Năm nào cũng vậy cứ đến 23 tháng chạp, tôi biết ở một làng quê bình dị cũng có một đôi vợ chồng già đang ngồi chùi bộ lư đồng và hai ông bà đang cãi nhau làm cách nào cho bộ lư được sáng. Đi làm cỏ rồi trang trí quét tường vôi cho những ngôi mộ tổ tiên, thắp nén hương lên bia mộ chuẩn bị mâm cơm rước Ông Bà. Mấy cây mai xung quanh nhà chuẩn bị bung nụ… Tiếng gọi nhau đi chợ í ới của Chị Hai, Cô Tư ngoài đầu ngõ, Nội với bộ áo bà ba sẫm màu, miệng thì nhai trầu móm mém, ngồi trước nhà rồi chợt đi đi lại lại ngóng đàn cháu về và hỏi to rằng: “Sao giờ này mà tụi nhỏ chưa về vậy vợ thằng sáu?”
Má trả lời: “Tụi nó chưa được công ty cho nghỉ Má ơi, Má yên tâm năm nay tụi nó nói về đầy đủ mà”. Rồi cứ than là thời gian sao chạy chậm, thế là Tía nói: “Má cứ lo bò trắng răng”. Tôi biết Tía Má buồn lắm tại không nói ra, nuôi cho chúng nó lớn, cho ăn cho học, cho đi đây đi đó và cuối cùng là đi dăm ba năm không về quê ăn tết một lần. Nhà có ba đứa con mà, đứa thì Tết bận cùng đoàn phim đi quay tận miệt Cà Mau á, đứa thì có gia đình rồi nhưng làm công ty đến tận đêm giao thừa mới được về, đứa thì ở vùng trời Tây phải ngồi máy bay mất 6h mới về tới Việt Nam. Vậy đó, thế là năm nào cũng lo, cũng trông, cũng chờ và 10 năm nay chưa có ngày nào gọi là ngày đoàn tụ gia đình cho đầy đủ ấm cúng. Ba Má cũng biết không trách tụi nhỏ được, chỉ nói thầm: “biết sao giờ”. Người lớn thường giấu nỗi buồn vào trong, thế giới của bọn con là bao la thế giới, của Tía Má chỉ có bọn con.
“Tía nó ơi, năm nay con Hai không về được”, tôi biết chắc Má sẽ nói câu đó với Tía. Biết từ trước nhưng Má vẫn buồn, vẫn muốn con mình về ăn tết một lần, muốn được nấu những món ngon cho nó ăn. Thời gian cứ trôi và năm nào nhà tôi cũng với một vở kịch diễn lại vào những ngày cuối năm: gọi điện thoại hỏi tụi con ngày về, rồi chờ rồi buồn rồi tự an ủi nhau rằng lớn cả rồi. Khi Bạn ở nhà thời gian là của Bạn và của gia đình, khi Bạn đi làm: trách nhiệm, thời gian không còn là của Bạn. Ở xa không thể nói bay về là bay về được, nói nghỉ là nghỉ. Đôi khi nói ra nhưng cũng chỉ biện luận cho cái không về và không về chính là không về.
Tết hạnh phúc an lành là cái tết còn ông bà cha mẹ bên cạnh, là cái tết đơn giản cùng gia đình ngồi quanh nồi bánh chưng chờ thời khắc giao thừa. Là được nhìn vết chân chim nơi khóe mắt Má, nhìn mái tóc pha màu sương bạc của Tía, là được nhìn nội nhai trầu miệng đỏ như son. Tui ước gì mình có thể níu kéo thời gian chạy chậm lại để được về bên họ. Thời gian ơi hãy chỉ dừng ở tuổi thơ, để con được làm con nít trong vòng tay mẹ chẳng phải trường thành, bon chen.
Xuân năm trước hẹn mùa xuân tới,
Xuân năm này lại hẹn đến xuân sau.
...
Tuyết rơi trắng xóa bên cầu,
Mùa xuân đất khách ai sầu hơn ai./.
(Trích: Xuân Đất Khách. Tác giả: Bác Viễn Châu)
Trân trọng rồi lại trân trọng!!!
Cảm ơn các bạn đã chọn bài đọc của tôi giữa hàng trăm bài viết hay ngoài kia.
© PhanCoGia - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Mỗi Người Xuất Hiện Trong Đời Ta Đều Có Lý Do | Radio Chữa Lành
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Là vì em yêu anh
Em đã từng nghĩ rằng anh chỉ đến với em do cảm xúc nhất thời mà thôi. Chỉ sau vài tháng, anh sẽ nhận ra em không như những gì anh mong đợi thì anh sẽ tự rời xa em nhanh thôi. Vậy mà đã bao năm trôi qua, anh vẫn bên cạnh em như ngày nào.
Chuyện ngày mưa
Sau này lớn hơn chút thì tôi mới biết rằng, ai cũng có cuộc sống của riêng mình và người ta cũng không có quá nhiều thời gian để bận tâm đến bạn đâu; hơn hết bạn phải sống vì bạn chứ đâu thể để ý ánh mắt người ta nhìn mình được.
Đất và nước
Nhưng nước ở đây, nước ở cái giếng nhà ông lại có thêm điều này nữa, đó là nước còn cho ông còn cho gia đình ông sự quyện chặt của tình thân của tình thương con người với nhau.
Mùa thu vắng em
Vắng em rồi khung trời cũ quạnh hiu Anh thẫn thờ nhìn mùa thu vừa tới Nơi em đi là nơi xa vời vợi Nhớ em nhiều anh biết phải làm sao.
Người thầy đầu tiên
Khi nhận ra một đứa trẻ phát triển hành vi bị lệch lạc người ta sẽ tìm thấy nguyên nhân đầu tiên chính là bố mẹ đã không theo dõi, quan tâm sát sao và đúng thời điểm với con cái mình.
Hành trình cô độc của một bộ máy trên sao hỏa
Chỉ có âm thanh của chính nó – tiếng bánh xe lăn trên cát, tiếng động cơ hoạt động – là những âm thanh duy nhất robot có thể nghe thấy. Trên hành tinh không sự sống này, robot trở thành kẻ độc hành trong vũ trụ rộng lớn.
Anh yêu Đất nước, anh yêu em
Từ lời nói ngọt, từ nụ cười ánh mắt hay cả những cái nhíu mày khó coi của em đều khiến chàng trai trẻ bồi hồi, xao xuyến. Tình yêu anh dành cho cô ấy ngày càng lớn lên, chỉ đứng sau tình yêu anh dành cho tổ quốc.
Tự hào và yêu thương: những suy nghĩ về cộng đồng LGBT+
Tại sao chúng ta không thể mở rộng lòng mình, chấp nhận sự đa dạng và yêu thương mọi người như họ vốn là? Nếu bạn đã từng yêu, bạn sẽ hiểu rằng tình yêu không có giới hạn, không có ranh giới. Vậy tại sao chúng ta lại đặt giới hạn lên tình yêu của người khác?
Đừng xấu hổ vì hoàn cảnh sinh ra ta
Bà không biết con có nhìn lại rồi dõi theo từng bước chân đi của bà không? Nhưng bà chỉ biết rằng bà vẫn âm thầm dõi nhìn theo con bước vào lớp học cùng với các bạn.
Mẹ còn trong trái tim con
Mẹ còn trong trái tim con Còn trong hơi thở, mỏi mòn tháng năm Còn trong sâu kín nỗi buồn Còn trong vạt nắng chiều buông nhạt nhòa.