Ông bà - nơi bình yên của tuổi thơ tôi
2022-01-08 01:25
Tác giả: littleturtle
blogradio.vn - Từ nhỏ tôi đã sống với ông bà nội, sống trong một căn nhà gỗ nhỏ thôi nhưng ấp áp trên một ngọn đồi ở Đà Lạt. Có những ngày thơ tôi mải rong ruổi trong những cánh rừng thông đến tối mịt, không bận tâm rằng mình phải sớm về nhà cho đến tận khi ông phải cầm đèn pin đi tìm. Để rồi tôi lại trở về căn nhà gỗ với màu đèn vàng ấm áp, phảng phất mùi bánh quy nướng của bà.
***
Tháng 12 - tháng của những cơn gió đông mang theo sự lạnh lẽo, thổi vào tâm hồn con người một chút gì đó phải chăng là nỗi cô đơn? Có những khoảnh khắc đã trôi qua từ lâu mà khi ta đủ chín chắn để nhìn lại mới kịp cảm thấy nuối tiếc.
Dường như cũng đã lâu rồi tôi không được cảm nhận hơi ấm của tình thân, sự quan tâm của những người mình yêu thương. Giữa lòng thành phố, tôi chợt cảm thấy mình như nhỏ bé hơn, thu mình lại, đôi lúc trong giấc mơ lại cứ chìm đắm trong những kí ức đã từ rất lâu, cái ngày còn thơ bé vô lo vô nghĩ khi mà ông bà tôi còn sống.
Từ nhỏ tôi đã sống với ông bà nội, sống trong một căn nhà gỗ nhỏ thôi nhưng ấp áp trên một ngọn đồi ở Đà Lạt. Có những ngày thơ tôi mải rong ruổi trong những cánh rừng thông đến tối mịt, không bận tâm rằng mình phải sớm về nhà cho đến tận khi ông phải cầm đèn pin đi tìm. Để rồi tôi lại trở về căn nhà gỗ với màu đèn vàng ấm áp, phảng phất mùi bánh quy nướng của bà.
Tôi lớn lên trong sự yêu thương và che chở của ông bà nội, ba mẹ tôi ly hôn từ khi tôi mới được năm tuổi bởi vì chung sống không hòa thuận, ba đi làm ăn xa rồi cũng có thêm một gia đình nhỏ,hàng tháng vẫn mang quà về cho tôi và tiền phụ cấp về cho ông bà. Mẹ tôi thì đi bước nữa với người đàn ông khác, đến tận bây giờ khi đã trưởng thành tôi cũng chỉ gặp riêng hai người đã sinh ra tôi vỏn vẹn có năm lần. Nhưng tôi không hề cảm thấy mình bất hạnh bởi vì ông bà nội luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho tôi, rằng dù cuộc đời có khó khăn và cay nghiệt thì vẫn luôn có vòng tay ấm áp đón chờ tôi trở về.
Thời còn trẻ, ông nội vốn là một thầy giáo có tiếng ở trong vùng. Học trò của ông đều là những người rất thành đạt về sau này. Có những người hay thỉnh thoảng ghé thăm nhà và mang tặng ông những bức tranh quý mà họ sưu tầm được. Tuy đã từng đào tạo ra nhiều thế hệ tài giỏi nhưng ông chưa bao giờ ép buộc tôi phải trở nên thật xuất sắc.
Ông kiên nhẫn chỉ cho tôi từng phép toán, từng ý văn và cả những câu hỏi kì quặc về mọi thứ xung quanh. Ông để tôi vui chơi thỏa thích và luôn bảo tôi rằng chỉ cần làm hết sức mình có thể, mỗi con người đều có một khả năng nhất định và phải để cho bản thân thật thoải mái mới có thể làm tốt được. Có lẽ vì thế mà tôi chưa bao giờ hiểu được cảm giác của những đứa trẻ bị cha mẹ ép buộc học hành và đặt nặng vấn đề thành tích.
Mỗi ngày tan trường trở về với ông bà là một niềm háo hức lớn lao, ông nội sẽ ngồi lắc lư trên chiếc ghế lười bằng mây đợi ở trước nhà còn bà thì sẽ chuẩn bị sẵn cho tôi một cốc sữa ấm kèm chút bánh ngọt. Ông sẽ hỏi tôi về những điều đã xảy ra ở trường hôm ấy, về những điều đọng lại trong tôi sau khi kết thúc một buổi học. Nếu được điểm tốt, ông sẽ dẫn tôi đi chơi ở phiên chợ cuối tuần. Những điều tuy giản đơn thôi mà mỗi khi nhớ lại tôi lại ước ao muốn trở về cái ngày còn thơ để lại được yêu thương như thế.
Nội tôi là một người mê cái đẹp, ông hay tìm mua những chậu cảnh bé xinh để ở trong nhà còn tự tay trồng một vườn hoa nhỏ trước sân. Cạnh bụi hoa hồng là mấy bông cẩm tú cầu tròn xinh, nổi bật là hoa cúc vàng ông trồng dọc theo hàng rào, trước cửa nhà ông còn treo thêm hai giỏ lan Hồ Điệp được ông chăm sóc rất cẩn thận.
Ông còn là một người rất mê tranh, ngoài những bức tranh ông bỏ tiền túi ra mua còn có vài bức được người bạn thân là họa sĩ vẽ tặng. Mỗi khi rảnh rỗi ông lại say mê kể cho tôi nghe về nguồn gốc và nội dung chúng mặc cho sự thờ ơ và ngái ngủ của đứa cháu, vừa kể vừa đưa tay mân mê mấy cái khung tranh với ánh mắt có vẻ tự hào lắm.
Tuy không mấy hứng thú với những tác phẩm nghệ thuật ấy nhưng tôi thích nhìn ngắm ông như vậy, ngắm hình ảnh của một người đàn ông đã đi đến chặng cuối của cuộc đời nhưng vẫn còn theo đuổi mấy thú vui tao nhã, biết chăm hoa, biết ngắm tranh và biết cách để cho tâm hồn mình thư thái.
Ông có mối tình đẹp như trong chuyện cổ tích với bà. Ông kể rằng bà là tình đầu và cũng là tình cuối, là người con gái mà ông đã theo đuổi suốt năm năm trời. Liệu ngày nay có bao nhiêu người đàn ông chịu chờ đợi để nhận được một cái gật đầu của người phụ nữ mình thương trong một khoảng thời gian dài như vậy?
Ngày xưa bà là người con gái đẹp nhất vùng, biết bao nhiêu chàng trai và cả những cậu thiếu gia nhà giàu theo đuổi, thế nhưng bà chỉ để ý và nhận lời yêu của một anh giáo thật thà và hiền lành chính là ông tôi. Tình yêu của hai người đẹp đến mức bây giờ nhớ lại tôi vẫn cười thầm và có chút ghen tị.
Sống hơn mười lăm năm với ông bà nhưng tôi chưa một lần cãi vã, có chăng chỉ là những giận hờn vu vơ khi ông quên tưới chậu dâu tây của bà hay việc bà dùng khăn lau khung tranh của ông để lau bàn nhưng bà lại giận ngược. Ông luôn là người chủ động xin lỗi trước bằng việc cùng rủ tôi vào rừng để hái những bông hoa tam giác mạch bé xinh, đến hàng len quen thuộc để mua một cuộn về tặng cho bà. Tôi tự hỏi sao tình cảm của hai người lại đẹp đến vậy, có lẽ là do sự hy sinh, nhường nhịn mà có vẻ ông là người yêu nhiều hơn, cho đi nhiều hơn.
Thế nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng vận hành theo cách mà ta muốn. Có những điều mà ta yêu quý, giữ gìn nhưng lại bị số phận lấy đi trong thoáng chốc, dù có bằng cách nào cũng không thể níu lại. Bà tôi vốn bị bệnh hen suyễn, mỗi khi trời chuyển đông hơi thở của bà lại nặng nề hơn. Tuổi càng cao bệnh tình lại càng trở nặng, những thứ thuốc trước giờ bà luôn uống dần dần hết tác dụng.
Có những ngày ông không thể rời giường của bà, luôn đảm bảo rằng căn phòng của bà luôn kín gió và ấm áp. Ông nấu món cháo nấm mà bà thích, luôn động viên an ủi bà và ôn lại những kỉ niệm khi xưa để động viên. Dù đang bệnh nhưng bà vẫn cố mỉm cười để trấn an ông, ông cũng cười đáp lại nhưng ánh mắt thì không thể giấu nổi sự lo lắng.
Thời gian bà bệnh không khi nào ông có được khoảnh khắc nghỉ ngơi thực sự, ông chỉ ngủ những giấc rất ngắn và luôn túc trực như để bảo vệ tình yêu của mình. Rồi ngày ấy cũng đến, bà mất khi tôi tròn mười lăm tuổi, một góc trong tâm hồn tôi trở nên vụn vỡ khi người bà thân yêu bỗng chốc không còn xuất hiện nữa.
Không còn những món ăn ngon đặc trưng mà chỉ bà mới nấu được, không còn bàn tay dịu dàng khéo léo đan cho tôi những chiếc khăn len khi đông về. Nhưng có lẽ nỗi buồn của tôi sẽ chẳng bằng một phần nghìn thứ cảm xúc mà ông nội đang phải chịu đựng.
Cả thế giới có lẽ đang sụp đổ trước mắt ông mà không có một thứ gì có thể chống đỡ nổi. Người phụ nữ đã cùng ông đi hơn hai phần ba cuộc đời giờ đây không còn cùng bước tiếp được nữa, dù ông có muốn tặng bà một bó hoa xinh, một cuộn len bé nhỏ cũng không thể nữa. Những ngày bà mới mất, nỗi buồn như một thứ bóng tối bao trùm lấy ông, ông sống như người mất hồn, gương mặt thất thần còn ánh mắt thì lúc nào cũng như đang nhìn về một nơi rất xa.
Ông buồn bã quên cả ăn uống, chẳng màng quan tâm đến những bức tranh thường ngày ông rất nâng niu. Có lúc tôi lén nhìn ông ngồi ở góc phòng của bà, lấy chiếc khăn tay bà may cho để thấm những giọt nước mắt lặng lẽ. Lần đầu tiên tôi thấy ông như vậy và cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình thật vô dụng khi không thể làm một điều gì thực sự có ý nghĩa để làm vơi đi nỗi buồn của ông.
Tôi thường theo ông đến thăm mộ của bà, ông hay mặc chiếc áo mà bà may, không khi nào quên hái thêm một bó hoa tam giác mạch - loài hoa mà bà thích nhất. Trên con đường mòn nhỏ để trở về nhà mỗi khi thăm mộ, ông luôn im lặng, cố nén những hơi thở dài còn ánh mắt thì trĩu nặng một nỗi buồn khó tả.
Mỗi lúc rảnh rỗi, ông thường đem cuốn album cũ để trên giá sách ra để ngắm, những tấm hình đã phai màu dần theo thời gian như một thứ thuốc diệu kì giúp xoa dịu nỗi đau tinh thần cho ông, ông bảo rằng ngắm hình của bà giúp ông đỡ nhớ bà hơn và có cảm giác rằng ở nơi xa bà vẫn luôn dõi theo ông, mong ông có thể sống lạc quan hơn, sống thay cho phần còn lại của bà. Tôi cũng luôn có một ý niệm rằng những người thân yêu cho dù đã mất đi nhưng ở nơi nào đó vẫn luôn dõi theo và cầu mong những người ở lại sống thật hạnh phúc.
Ngày qua ngày, ông dần quen với sự thiếu vắng bóng hình của bà trong căn nhà gỗ đã từng đầy ắp kỉ niệm. Để vơi đi nỗi buồn, ông làm cho mình bận hơn bằng việc mở một lớp học miễn phí cho những đứa trẻ nghèo không có tiền đi học ở thị trấn. Ông đem những cuốn sách giáo khoa cũ kĩ từ trong cái hòm nhỏ dưới gầm giường ra phủi bớt bụi để tặng cho những đứa trẻ ấy.
Khi lớp học đã đông hơn và thiếu một lượng lớn sách vở, ông đem bán một vài bức tranh mà mình đã nâng niu từ lâu để có tiền mua sách cho bọn nhỏ. Học sinh trong lớp không có một lứa tuổi nào nhất định, có đứa mới 7 tuổi đã phải nghỉ học do nhà quá nghèo, đứa thì đã 10 tuổi nhưng chỉ mới học hết sách lớp một.
Điểm chung ở những đứa trẻ ấy là đều rất chăm chú khi nghe ông giảng bài, ánh mắt sáng lên long lanh đầy hồn nhiên như đang được tận hưởng một niềm vui mới lạ. Lớp học của ông tuy nhỏ thôi nhưng tràn ngập tình yêu thương và tiếng cười, những câu chuyện cổ tích diệu kì mà ông kể cho chúng nghe lúc giải lao, ở nơi ấy ông sống lại trong cái nghề thời còn trai trẻ và vẫn luôn cần mẫn, nhiệt tình như khi xưa.
Tôi đã từng cực kì không thích trẻ con cho đến khi ông mở lớp học ấy. Ông làm cho tôi nhận ra rằng có những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh rất thiếu thốn, cần được yêu thương và bù đắp nhiều hơn, không nên ghét chúng bởi vì chúng còn ngây thơ và chưa hiểu chuyện.
Nhìn cách ông giảng bài một cách tận tụy như vậy thực sự khiến tôi cảm động, ông dành một phần còn lại của cuộc đời để trao đi những yêu thương và làm việc mà không phải ai cũng sẵn lòng làm. Liệu mai này khi trưởng thành tôi có thể trở nên tốt đẹp được bằng một phần nhỏ của ông thôi? Thật hạnh phúc và tự hào làm sao khi tôi có một người ông đáng kính như vậy.
Lên cấp ba, tôi phải xuống trung tâm thành phố để tiếp tục việc học. Dù không muốn xa ông nội, xa căn nhà gỗ nhỏ thân yêu nhưng tôi buộc phải ở lại ký túc xá trong trường vì đoạn đường đi khá dài. Tôi luôn mong chờ những ngày thứ bảy cuối tháng để được về với ông nội, để được thấy cái cảnh ngọn đồi và rừng thông cứ rõ dần ngay trước mắt, xa xa là căn nhà gỗ với ống khói đang nhả ra từng đợt nghi ngút.
Mỗi lần về nhà ông đều nấu món bò hầm mà tôi yêu thích, pha một bình trà lài và đốt một ngọn nến thơm làm bầu không khí thêm ấm cúng. Khoảnh khắc ấy tôi chợt thấy tâm hồn mình bình yên đến lạ, mọi mệt mỏi và phiền não đều tan biến nhường chỗ cho cảm giác thư thái.
Tôi ngồi đó và lắng nghe ông kể những chuyện đã xảy ra khi tôi không ở nhà, về những đứa học trò đã tiến bộ như thế nào, kể thêm về một bức tranh hay một chậu hoa ông mới được tặng gần đây. Đôi lúc tôi lại nghĩ vẩn vơ trong đầu “Liệu mình còn được bên cạnh ông bao lâu nữa?”. Vẫn là nụ cười hiền hậu và ánh mắt trìu mến đó nhưng giờ đây thời gian đã để lại trên gương mặt ông nhiều nếp nhăn hơn, lấy bớt đi sức khỏe và sự minh mẫn thường ngày.
Trong một lần vô tình tôi đã thấy trong nhà xuất hiện những lọ thuốc mà xưa nay chưa từng có, gặng hỏi thì ông chỉ nói rằng gần đây ông chỉ bị cảm nhẹ chứ không sao cả. Tôi thừa hiểu ông chỉ muốn cháu trai mình không phải lo lắng khi ở xa nhà nhưng điều đó lại cứ làm tôi bồn chồn không yên, vì thế mà tôi phải nhờ những người hàng xóm xung quanh thi thoảng sang thăm ông để có an tâm hơn.
Một điều khiến tôi day dứt đến tận khi đã là một cậu sinh viên năm cuối đang bảo vệ luận án tốt nghiệp là cái lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi làm cho ông thất vọng. Tuổi 16, 17 còn nhiều điều mới lạ chưa khám phá đã khiến tôi vấp ngã. Phải chăng việc một thân một mình ở chốn phố thị lạ lẫm đã khiến tôi sa ngã đến mức dường như đã đánh mất bản thân mình trong khoảnh khắc? Tôi đã bị một đám con trai rủ rê hút thuốc, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ thắng được cái ham muốn phút chốc ấy nhưng lời khiêu khích của bọn chúng khiến tôi không thể bình tĩnh được. Dần dần tôi tham gia vào cả những cuộc đua xe hay trốn học đi chơi điện tử. Mọi thứ trở nên không thể kiểm soát, từ một đứa trẻ ngoan hiền nay tôi đã biến thành một cậu thiếu niên chỉ biết chơi bời, bỏ bê trường lớp.
Kết quả học tập của tôi ngày càng tồi tệ, một tuần chỉ đi học có mấy buổi buộc nhà trường phải liên hệ với người thân. Việc tôi tham gia đua xe và hút thuốc lá cũng bị thầy giáo chủ nhiệm phát hiện, dù tôi có cầu xin đến mức nào thầy cũng cứng rắn thông báo cho ông nội biết. Ngay sau đó tôi đã nhận được điện thoại của ông, ông không hề quát mắng hay nóng nảy mà chỉ nhẹ nhàng bảo rằng “Về nhà đi cháu”.
Tôi trở về ngọn đồi thân quen trong tâm trạng rối bời, không biết rằng thái độ của ông sẽ như thế nào khi nghe tin động trời như vậy. Lạ lùng thay ngôi nhà gỗ vẫn yên bình như thế, vẫn là ánh đèn vàng cùng hương thơm dìu dịu của ngọn nến thơm. Ông tôi vẫn ngồi đó và đợi tôi về, dang rộng vòng tay ôm tôi vào lòng.
Có lẽ trong đời chưa một lần nào tôi khóc to như vậy, khóc nấc lên từng hồi, nước mắt nước mũi cứ trào ra trông thật thảm hại, tôi nhận ra rằng bản thân đã tồi tệ đến mức nào, rằng dù ông vẫn yêu thương tôi nhưng trong lòng ắt hẳn có phần buồn bã và thất vọng. Hôm ấy ông không hề trách mắng tôi mà chỉ ôn tồn bảo “Tuổi trẻ phải có những va vấp thì mới là tuổi trẻ, quan trọng là sau những lần ấy cháu phải biết tự đứng lên thật vững chãi trên đôi chân của mình. Dù là ông hay ai khác cũng không thể mãi mãi ở bên để bảo ban cháu được”. Từng lời nói của ông, thái độ ôn tồn mà sâu sắc ấy như khắc ghi vào trong tâm khảm của tôi mãi mãi về sau, nhắc nhở tôi rằng bản thân phải sống thật kiên cường, mạnh mẽ và biết làm chủ cuộc đời mình.
Vài tuần sau cái ngày mà tôi đỗ vào ngôi trường Đại học mà mình mơ ước, biến cố lớn nhất trong cuộc đời đã xảy ra, ông nội tôi đã từ giã cõi đời sau quá trình chống chọi với bệnh tật và tuổi tác. Tôi như chết lặng khi nghe tin ấy, dù có ai nói với tôi sự thật trăm nghìn lần đi chăng nữa tôi cũng không muốn tin. Trong phút chốc mọi thứ xung quanh như tối sầm, thế giới như trước mắt tôi như khựng lại trước sự ra đi của người mà tôi thương yêu nhất.
Ông tôi mất trong sự tiếc thương của những đứa học trò nhỏ, trong nỗi buồn không nên lời của những người bạn già và như mang đi cả một phần linh hồn của tôi. Khi ấy tôi nhận ra rằng bản thân đã quá may mắn khi có một người ông đáng kính như vậy, một người mà cả cuộc đời chỉ biết cho đi mà không cần nhận lại, luôn hy sinh cho những điều tốt đẹp ở xung quanh.
Cuộc đời quả thật là vô thường, không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Liệu rằng ngày đó tôi không ham chơi lêu lổng, không làm ông phiền lòng thì ông có ở lại với tôi lâu hơn? Nếu có một chiếc vé thần kì đưa tôi trở lại khi xưa dù chỉ một ngày thôi thì có phải đánh đổi bằng bất cứ thứ gì tôi cũng chấp nhận. Nhưng có lẽ điều đó chỉ có thể xảy ra trong giấc mơ, cuộc sống hiện tại vẫn luôn tiếp diễn, luôn hối hả. Dù ông bà không còn ở bên tôi nữa nhưng tôi tin rằng ở trên thiên đàng hai người sẽ vẫn luôn dõi theo và tiếp thêm động lực cho tôi trên hành trình sau này.
© littleturtle - blogradio.vn
Xem thêm: Không điều gì quý giá hơn hai tiếng “gia đình”
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.