Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ông bà tôi đã qua rồi những ngày giông bão

2021-10-23 01:10

Tác giả: Hạ Linh


blogradio.vn - Tôi giờ chỉ mong cầu cho mình có nhiều thời gian hơn nữa để có thể chăm sóc ông bà nhiều hơn, khiến họ cười nhiều hơn, mãn nguyện nhiều hơn. Tôi đã làm rất tốt rồi có phải không. Đôi khi trong cuộc đời, chúng ta toàn phải tự an ủi mình bằng chính nỗi đau của mình là như vậy.

***

Tôi năm nay 24 tuổi, đồng nghĩa với việc tôi đã được lớn lên trong vòng tay yêu thương của nội suốt hơn 20 năm trời ròng rã. Nghe thật lê thê và nặng trĩu có phải không, nhưng mà không đâu, với tôi đó là một chuỗi ngày với những ký ức đẹp, thật sự rất đẹp mà dù có vài chục năm trôi qua đi nữa thì nó vẫn đẹp theo như đúng sự ban sơ của nó.

Mẹ tôi rời đi khi tôi bập bẹ biết nói, tôi quấn lấy bà cho đến năm 7 tuổi, đi học xa nhà vào năm 14 tuổi, trong tôi lúc ấy và có lẽ cho đến bây giờ bà là cả nguồn sống.

Nhớ hồi tôi lên lớp 6, có một đề văn với yêu cầu “Hãy kể về mẹ của em”, tôi loay hoay mất vài phút vì trong tôi lúc ấy chẳng có ký ức nào về mẹ. Vậy là tôi đành thú thật với chính đề bài rằng, tôi chỉ biết bà là mẹ của tôi thôi. Kết quả là bài văn đó được 10 điểm, và được cô đọc lên cho cả lớp cùng tham khảo. Tiếc là tôi đã không giữ được bài văn điểm 10 ấy để có thể lưu lại phần nào ký ức hạnh phúc của ngày hôm đó.

Chắc hẳn các bạn sẽ thắc mắc, tôi có buồn mẹ hay không? Nói không thì là nói dối, nhưng nói có thì thật thương cho mẹ. Nhưng kể từ khi sự nhận thức của bản thân đi vào giới hạn của trưởng thành, thì tôi càng thương mẹ nhiều hơn. Chắc hẳn ngày đó mẹ cũng khổ nhiều lắm, mà có người mẹ nào lại chẳng thương con, chỉ có những đứa con nhỏ dại chưa đủ sức để hiểu hết được thứ tình cảm thiêng liêng ấy mà thôi. 

me_-_012

Thật ra mẹ không bỏ tôi đâu, khi rời xa cha tôi, mẹ vẫn mang tôi đi, đi xa lắm, nhưng mà nội tôi bắt về đó, tại vì nội thích con gái và tại vì nội thương tôi nữa. Nội tôi dùng nửa đời người để nuôi cha tôi cho đến ngày yên bề gia thất, và dùng nửa đời còn lại để lo cho tôi từng miếng cơm manh áo, cho đến ngày tôi nghiêng đầu nhận tấm bằng cử nhân kinh tế trên khán đài. Tôi có cảm giác mình nợ nội là nợ cả tận hai cuộc đời.

Ký ức thời bé trong tôi là những buổi sáng 5 giờ ông nội phải ăn cơm với đường cát trắng pha nước ấm để đi phóng lúa, đi gánh dưa hay đi cuốc đất, còn bà thì đi làm ở vựa ve chai. 

Họ làm tất cả những việc mà mọi người xung quanh thuê mướn để có thể trang trải cho ba miệng ăn. Để rồi mỗi chiều tối khuất bóng người, tôi thấy ông trở về trên người đầy rơm rạ, quần áo lấm bùn, trên tay đôi khi là một cái trứng vịt, một trái ổi hay là một con cá mà ông bắt được ngoài đồng. Còn bà tôi thì mang về cho tôi những món đồ chơi từ vựa ve chai, đôi khi chỉ là một tấm ni lông có các bong bóng khi bóp vào nó kêu tách tách, vậy mà nó lại là cả một bầu trời tuổi thơ của tôi ngày ấy.

Được vài năm như vậy thì bà đổ bệnh, chẳng đi làm được nữa, mọi gánh nặng đổ về phía ông. Tôi nghĩ có lẽ vì thế mà ông cũng áp lực nhiều, tôi thấy ông uống rượu nhiều hơn, khi say ông hay chửi đời, chửi người, suy cho cùng cũng là chửi cái sự khinh khi bạc bẽo mà người đời dành cho ông, cho gia đình ông, rồi có khi ông còn khóc nữa. 

Mỗi lần nhìn thấy dáng ông liêu xiêu trong mưa gió giữa cánh đồng, nhìn thấy sự đau đớn mệt mỏi từ bà, nhìn cảnh hai bà cháu phải núp dưới gốc cây vú sữa cạnh bờ ao vì sợ nhà sập. 

ong_-_ba_123

Nhìn thấy sự xem thường mà người đời dành cho ông, cho bà,cho chính ngôi nhà có ba con người mang tâm hồn trống trải này, tôi lại ước mình có thể lớn thật nhanh, có thể làm mọi điều để cho ông bà có được những bữa cơm ngon và những chuỗi  ngày nghỉ ngơi vô thời hạn.

Đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi phải cố gắng, thật ra tôi không giỏi, tôi cũng chẳng thông minh. Thứ tôi có, chỉ là sự chăm chỉ với khát vọng thay đổi cuộc sống của gia đình mình. 

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mà mỗi cuối năm học tôi có thể khoe với nội rằng điểm phẩy của tôi đứng đầu lớp và cầm về cho nội những tấm bằng khen để nội đóng nó vào cột nhà, mà đến tận bây giờ mỗi lần nó rớt xuống nội lại đóng lên, và coi nó như một niềm tự hào của nội khi ai đó nhắc về tôi vậy. 

Tôi chưa một ngày quên nụ cười hạnh phúc của ông nội, thậm chí là chưa một lần. Về sau này, thay vì nhắc về tôi với cái tên “Con nhỏ đen đen, bị cha mẹ bỏ”, thì họ thường gọi với cái tên mỹ miều hơn “Ông ba Nhân có đứa cháu học giỏi”, miệng đời đôi khi là một nhát dao khiến con người ta đau xé ruột gan, nhưng rồi cũng có ngày nó trở thành một làn nước mát, phải không.

À mà thiết nghĩ nó sẽ chẳng mát đâu, nếu con người ta trở nên tồi tệ đi, trở thành một đứa trẻ hư hỏng, chơi bời lêu lỏng, thì liệu họ có can trường mà ban phát cho bạn một biệt danh nào đó mỹ miều hay chăng.

Ngày tôi thi đỗ vào một trường trung học phổ thông tư thục xa nhà cả trăm cây số, ôm suất học bổng toàn phần, cùng với ước mơ, nhiệt huyết đang rực cháy trong tim, tôi rời quê hương mà trong lòng đầy giông bão, nội tôi khóc nhiều, còn tôi phải đợi cách nhà tầm 2 km thì mới dám nức nở, thói quen này đến giờ vẫn vậy. 

ong_-_ba_34

Ngày tôi đi, nhà tôi chẳng có nỗi một bữa cơm tử tế, nhà có khô, nhưng không có dầu, nó nghiệt ngã cũng như cái cách mà tôi đến với thế giới này vậy, cha mẹ ban cho hình hài, còn nhân phẩm thanh cao thì tự mình tạo lấy. Giờ nghĩ lại, đứa trẻ ngày đó thật sự rất mạnh mẽ. 

Tôi đã từng hỏi, nếu được chọn thì liệu tôi có chọn đến với thế giới này không? Lúc ấy chính tôi lại chẳng có lý do nào để từ chối cả, vì ở thế giới này có hai phận người khổ cực, họ khổ cả vật chất lẫn tâm hồn, nếu mà có thể đến đây để mang lại cho họ ít nhiều niềm vui nhỏ bé, thì hà cớ chi tôi lại khước từ.

Và rồi ngày tôi có thể tự tạo ra đồng tiền từ sức lao động của mình cũng đến. Tôi đi làm sớm hơn ngày tốt nghiệp hơn 10 tháng, tôi luôn cho đây là một ân huệ mà ông trời đã ban tặng cho mình. Chỉ có điều công việc mà tôi đang làm lại không phải là ước mơ, là tín ngưỡng là kì vọng mà tôi hằng ấp ủ. 

Tôi đã từng ước mình có thể trở thành giáo viên dạy Văn để có thể đem hết thảy những mỹ từ cao đẹp trên cuộc đời này mà gieo giắt vào tâm hồn bọn trẻ về tình yêu thương và sự công bình. Cao xa hơn là được làm trong ngành công tác xã hội, để có thể đi đến nhiều nơi, giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh, như để thể hiện sự biết ơn mà trước đây cuộc đời này đã ưu ái cho tôi vậy. Nhưng ngày tôi nhận kết quả thi đỗ vào ngành công tác xã hội, tôi lại không có đủ một sự can đảm nào để theo đuổi nó cả. 

Năm đó tôi 18 tuổi và tôi đã tự tát vào mặt mình bằng một câu nói “Mày muốn giúp đỡ người khác, trước hết mày phải có tiền, còn nếu không hãy câm miệng, và hãy thôi nói về những ước mơ”. Vậy đó, chính tôi đã khước từ nó, để rồi mỗi tan tầm, tôi lại nước mắt ngắn dài nuối tiếc, có khi còn nghĩ, sau này nội ổn hơn, liệu mình có thể làm lại không? Nghe thật phi lý, nhưng âu cũng là duyên nợ, cũng là ước mơ, mà ước mơ thì làm gì có phí, thế thôi, ước được ngày nào cứ hay ngày ấy.

ong_-_ba_09

Đôi khi tôi nghĩ, mỗi cá thể đến với thế giới này đều mang một sứ mệnh riêng của nó. Mọi thứ đều có một sự sắp đặt, cốt là để con người ta trưởng thành, không bằng cách này thì cách khác, ai rồi cũng phải lớn lên và làm đẹp cho cuộc đời này mà phải không. Nhưng mà suy cho cùng thì cho đến bây giờ tôi đã mãn nguyện rất nhiều rồi, tôi có thể tự lo cho bản thân, có thể lo cho ông bà ít nhiều. 

Đâu đó có thể khiến ông bà hãnh diện và vui lòng, ông đã thôi những ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sức khỏe của bà thì cũng tốt hơn so với ngày trước. Giông bão ngày nào có lẽ đã tạnh đi nhiều, cũng đã đến lúc nhường chỗ cho ban mai được rót vào những tâm hồn kia những điều an yên mà đáng ra họ đã được nhận sớm hơn. 

Tôi giờ chỉ mong cầu cho mình có nhiều thời gian hơn nữa để có thể chăm sóc ông bà nhiều hơn, khiến họ cười nhiều hơn, mãn nguyện nhiều hơn. Tôi đã làm rất tốt rồi có phải không. Đôi khi trong cuộc đời, chúng ta toàn phải tự an ủi mình bằng chính nỗi đau của mình là như vậy.

© Hạ Linh - blogradio.vn

Xem thêm: Không điều gì quý giá hơn hai tiếng “gia đình”

Hạ Linh

Đôi khi trong cuộc đời, người ta toàn phải tự an ủi chính mình bằng chính nỗi đau của mình...

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top