Nghề nhà giáo
2022-07-29 01:10
Tác giả:
blogradio.vn - Người lái đò gầy còm ấy đã chèo bao nhiêu chuyến đò, tôi cũng không nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ đến những câu chuyện thi thoảng ông nổi hứng kể cho tôi nghe, những bài giải toán ông cho tôi xem, và những tiếng thở dài cùng với câu nói đầy hoài niệm "Bao giờ cho đến ngày xưa”.
***
Trời tháng mười se lạnh. Tôi vẫn nhớ như in cảnh hồi tôi còn bé, trên con xe máy Nhật đầy cũ kĩ, ông nội đưa tôi đi học và chở tôi về, bất kể nắng mưa. Ông nội chỉ là giáo viên dạy toán của một trường cấp hai tại một xã nhỏ và nghỉ hưu đã lâu lắm rồi, từ trước khi tôi biết bò, biết chạy. Tôi chỉ nhớ những năm hồi tôi còn bé, thỉnh thoảng tôi sẽ thấy vài anh chị học sinh đến thăm ông. Họ gọi ông một tiếng "Thầy".
Có lẽ đó chỉ là những cuộc gặp gỡ bất ngờ thôi, nhưng đều làm ông nội sửng sốt và vui mừng. Ông sẽ nheo mắt cố nhớ xem đó là ai, là học trò khóa nào năm nào của mình, và sẽ nở nụ cười. Nụ cười như khi nhớ về một thời xưa cũ.
Ông nội hay bảo "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Vậy mà ông lại chọn sư phạm.
Ngày xưa ở đâu cũng nghèo, làm gì có tiền cho con đi học, nói chi đến việc học làm nhà giáo. Nhà ông cũng không khá giả, cả nhà có ông được học hết cấp 2, sau này thì làm giáo viên của chương trình 7+3.
Thời đó học cấp 2 xong, thông qua tuyển chọn là có thể đi làm giáo viên được rồi. Ông kể về đồng lương giáo viên ngày xưa, 38 đồng 2 hào rưỡi một tháng, như tính từ người ta hay gán cho lương giáo viên, èo uột, còm cõi. Ông cứ vừa khâu quần áo, vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện thời ông còn dạy học.
Ông ba mươi đồng, bà ba mươi đồng, lại thêm việc quần quật làm may đến khuya, mới dành dụm đủ tiền để cho bố tôi và cô tôi đi học.
Ba mươi đồng ấy là hàng giờ giảng khô cả họng, lại còn cả đối phó với đám học sinh "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò". Ba mươi đồng ấy là những đêm thức để soạn giáo án, để rồi hôm sau gà gật trên lớp học.
Ông nội hay đùa, "Ông và bà làm may còn kiếm được nhiều hơn tiền lương giáo viên hồi đó." Nhưng ông vẫn dạy học, cho đến tận khi về hưu, cả khi nhà tôi đã khá giả. Có lẽ cái ông cần ở cái nghề này, không phải là vật chất, mà chỉ là những kỉ niệm mờ nhạt, những nụ cười đầy tinh nghịch của học trò mà thôi.
Ông nội hay sống trong những kỉ niệm. Ông thường kể tôi nghe về những người học sinh ông nhớ nhất trong quãng đời dạy học của ông, kể về những ngày nhà giáo hay mùng ba tết học sinh đến thăm giáo viên mà không có tiền mua quà cáp, cuối cùng được ông giữ lại nhà ăn cơm. Ông còn giữ một ít bài làm học sinh, màu giấy ố vàng và những nét chữ non nớt, nhưng ông quý tới nỗi thỉnh thoảng mới mở ra xem.
Ông nội là giáo viên nhưng ông cũng từng đi lính. Ông hay kể về những bữa cơm độn khoai sắn, hay hát những bài hát "Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây", và hay lấy những huân chương ra cho chúng tôi ngắm một cách đầy tự hào.
Ông nội đang làm giáo viên thì có lệnh tổng động viên cả nước. Ông thích kể cho tôi nghe về những lứa học trò của ông, có người cũng ra trận cùng thời, nhưng rồi mãi mãi đóng băng tuổi xuân của mình trên chiến trường. Ông kể về những người chiến hữu đã không còn trở lại nữa, kể về những lần hành quân liên miên vô tận tưởng chừng không có thể kết thúc.
Nhưng rồi ông lại trở về, làm một giáo viên dạy Toán bình thường ở xóm nhỏ, lại tiếp tục với đồng lương còm và những trang sách giáo khoa đã lật giở đến cũ mèm.
Ông hay bảo tôi "Làm giáo viên mệt lắm cháu ạ. Soạn giáo án, tập dượt trước khi vào lớp, thanh tra và kiểm tra, tất cả đều vô cùng áp lực. Lại thêm học trò nữa, chỉ lo rằng chúng nó không hiểu bài và không làm được bài thôi."
Nhưng tôi không thể quên được những lần ông giảng bài cho tôi, những lần ông chỉ tôi làm những bài toán khó, và chỉ cần nghe thấy câu "Cháu làm được rồi" là ông lại nở một nụ cười, và nói bông đùa rằng "Trình độ của ông chưa tụt nhỉ".
Những lúc ấy, ông như được sống lại trong không khí hồi còn dạy học, với tôi là đứa học trò duy nhất trong lớp ông dạy.
Cái nghề mà ông tôi gọi là "bán cháo phổi" ấy, ông lại rất mực quý trọng và gìn giữ. Ông cau mày và lắc đầu khi thấy những tin tức về tình trạng gian lận của học sinh hay hành xử không đúng mực của giáo viên, và càng buồn hơn khi biết được rằng nhiều học sinh, dù điểm đại học cao thực cao, nhưng vẫn thất bại trong việc vào được trường mình mong muốn.
Ông yêu quý trường học. Hồi trước khi tôi còn học tiểu học, khi chưa phải xa nhà cả chục cây và ông không thể đón đưa, ông rất thích đến xem trường tôi học. Mắt ông nhìn đăm đăm vào một cõi xa xôi nào đó, và đôi môi vẽ lên nụ cười đầy hoài niệm. Tới tận khi tôi phải kéo tay ông nhõng nhẽo đòi về, ông mới như tỉnh khỏi giấc mộng, sau đó nổ máy.
Ông nội hay bảo "Nghề giáo giống như chèo đò. Mỗi chuyến đò đều có khởi đầu và kết thúc, khách đi đò kẻ đến người đi. Chỉ có người lái đò là nhớ đến những vị khách của mình, dù tốt dù xấu, dù hay dù dở, đều là kỷ niệm đáng nhớ cả."
Người lái đò gầy còm ấy đã chèo bao nhiêu chuyến đò, tôi cũng không nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ đến những câu chuyện thi thoảng ông nổi hứng kể cho tôi nghe, những bài giải toán ông cho tôi xem, và những tiếng thở dài cùng với câu nói đầy hoài niệm "Bao giờ cho đến ngày xưa”.
© Tác giả ẩn danh - blogradio.vn
Xem thêm: Điều bố muốn nói với con gái | Family Radio
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.