Nghề đánh bóng lư đồng của ba
2022-03-05 01:10
Tác giả:
blogradio.vn - Bộ lư đồng trên bàn thờ gia tiên trong nhà được ba đưa xuống đánh bóng đầu tiên. Vừa thể hiện sự quan tâm, lòng thành kính với tổ tiên và cũng là cách ba mời chào mọi người.
***
Ba ngồi bên đường, bên cạnh là những bộ lư đồng màu ánh kim phản chiếu óng ánh. Tôi rảo bước lại gần, giọng lém lỉnh: “Lại bắt đầu mùa đánh bóng lư đồng rồi ba nhỉ?”. Ba nở nụ cười rạng rỡ, dẫu khuôn mặt vẫn còn lấm lem rỉ đồng: “Ừ… tết sắp đến rồi còn gì!”
Ba tôi vốn là thợ sửa xe đạp. Công việc sửa xe không phải lúc nào cũng bận bịu. Thế nên, cứ mỗi dịp tháng chạp về, ba lại tranh thủ thời gian để làm nghề tay trái, ấy là nhận đánh bóng những bộ lư đồng cho mọi người. Ba gọi vui đó là nghề bất đắc dĩ, nghề không chuyên. Nhẩm đi tính lại, công việc ấy gắn với ba tôi dễ cũng gần 20 mươi năm.
Với người Việt, hầu như gia đình nào cũng có đài rượu, bình hoa, lư đồng,… Đó được xem như những vật gia bảo thiêng liêng. Tết về, những vật dụng ấy lại được thỉnh xuống để làm mới. Nếu đài rượu, bình hoa thường được rửa sạch thì bộ lư đồng (hay còn gọi là đỉnh đồng, lư hương, chân đèn) lại thường được đánh cho sáng bóng. Lư đồng dùng để đốt hương trầm, tạo ra mùi thơm. Mùi hương trầm thể hiện lòng thành kính, sự thanh khiết, cao quý. Khói trầm giúp thanh lọc, hóa giải được hung khí, tăng thêm cát khí, đem tới sự hòa thuận, trí tuệ và tài lộc cho mỗi nhà.
Công việc đánh bóng những chiếc lư đồng của ba tôi bắt đầu từ những ngày đầu tiên của tháng chạp. Với cái máy mài, cục chất tẩy, chai dầu lửa, ít bột mì và bộ đồ bảo hộ lao động, với sự kiên trì, tỉ mẩn từ đôi tay khéo léo, ba luôn cố gắng để tạo cho sản phẩm bóng đều mà lại ít tốn thời gian. Không chỉ có ba tôi, ở quanh chợ huyện này còn có vài ba người thợ nữa cũng tranh thủ làm thêm như thế mỗi dịp tết về.
Để đánh bóng được một bộ lư đồng phải rất kì công. Ban đầu, ba ngâm lư đồng vào dung dịch xà phòng, dùng miếng kẽm chà xoong nồi để làm sạch bụi và vết bẩn. Sau đó, phơi lư đồng cho thật ráo. Tiếp theo, ba dùng dĩa kẽm chà sạch các vết bẩn ở các khớp, khe, rãnh chạm trổ; bôi dầu đồng lên chiếc lư thật đều rồi tiến hành đánh bóng.
Ba bảo, công việc đánh bóng lư đồng đòi hỏi người làm cần phải kiên trì và có sức khỏe dẻo dai. Đôi tay phải nhịp nhàng theo từng vòng quay của mô tơ để tránh làm lư đồng biến dạng; để các khe, rãnh, hoa văn trên lư đảm bảo độ sáng đều. Ba còn bật mí rằng, điều đặc biệt trong việc đánh bóng lư đồng là sau khi đánh bóng xong, lư phải được chà một lớp tinh bột sắn, sau đó dùng vải sạch lau chùi lại, có vậy mới không bị in dấu vân tay của người thợ.
Một số người vì muốn đốt cháy giai đoạn nên đã ngâm lư đồng vào nước axít loãng để tiết kiệm thời gian chà sạch bụi bẩn bám trên mỗi chiếc lư. Ba không làm vậy. Với kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, ba luôn hoàn thành từng công đoạn một cách tỉ mẩn, chỉn chu. Và năm nào cũng vậy. Bộ lư đồng trên bàn thờ gia tiên trong nhà được ba đưa xuống đánh bóng đầu tiên. Vừa thể hiện sự quan tâm, lòng thành kính với tổ tiên và cũng là cách ba mời chào mọi người.
Là một người có thâm niên trong nghề đánh bóng lư đồng, ba tôi tường tận đủ điều. Ba kể, lư đồng có nhiều loại: lư tròn, lư vuông, lư chữ nhật, lư trúc,… nhưng dễ đánh bóng nhất phải kể đến lư tròn, lư tứ giác. Còn nếu là lư trúc thì rất khó đánh, vì nó có nhiều hoa văn chạm trỗ tinh vi. Rồi nếu là lư đồng lâu năm, khi đánh bóng sẽ có màu vàng đậm; còn những bộ lư đồng mới đây thì lại cho màu sáng nhạt vì người ta pha sắt nhiều...
Mỗi một bộ lư đồng, tùy từng loại mà tính công đánh bóng khác nhau. Thường thì, ba lấy 20.000 đồng cho mỗi bộ. Ba ít khi lấy giá cao, dẫu có bộ lư đồng, để hoàn thành việc đánh bóng cũng phải mất tới gần cả tiếng đồng hồ. Tôi thắc mắc, ba cười bảo: “Người đánh bóng lư đồng cũng phải có cái tâm. Không chỉ đem may mắn cho gia đình mình mà còn cho những gia đình khác. Vả lại, đã nhận là cũng phải giữ uy tín, nếu không sẽ không còn ai nhờ mình làm nữa.”
Làm nghề đánh bóng lư đồng không những chịu độc hại vì luôn hít phải rỉ đồng mà còn xảy ra nhiều điều không như ý muốn. Đôi khi nhiều việc dẫn đến giao lộn hàng cho khách. Đôi khi tai hoặc đế của lư này lại gắn vào lư kia. Rồi có khi sơ xuất làm hỏng, làm mất, phải bỏ tiền túi ra đền cho khách... Đấy là chuyện mà những người bạn của ba kể lại mỗi khi cùng ngồi nhâm nhi chén trà, chén rượu. Chứ tính ba tôi vốn cẩn thận. Trước khi bắt đầu công việc, ba thường đánh dấu để tránh nhầm lẫn. Xong xuôi tất cả, ba lại để gọn trong mỗi chiếc túi chờ khách đến lấy… Có lẽ vì thế mà mỗi năm, khách đến nhờ ba đánh bóng lư đồng cứ nườm nượp. Đôi khi ngày thường, mỗi dịp gia đình có đám cưới, đám giỗ hay ở chùa, đình cúng lớn,… họ vẫn đến nhờ ba đánh bóng đồ.
Công việc đánh bóng lư đồng của ba kéo dài đến khoảng 27, 28 tháng chạp thì kết thúc. Khi đó, ba cũng được nghỉ ngơi để phụ mẹ chuẩn bị lo tết nhất cho cả nhà. Với ba, nghề đánh bóng lư đồng vừa là niềm vui vừa là một nghề tay trái góp phần đem đến cho gia đình tôi một cái tết ấm cúng hơn.
© Xanh Nguyên - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Tết này, tự dưng tôi thèm nồi thịt kho mình nấu | Radio Tâm sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu