Phát thanh xúc cảm của bạn !

Món quà lớn nhất

2023-01-17 01:20

Tác giả:


blogradio.vn - Đứa tranh cầm cặp, đứa cầm áo mưa, đứa còn chạy đến cầm tay Vân dẫn vào lớp. Ngoài trời, mưa vẫn rả rích. Trong lớp học, đôi ba chỗ tí tách từng giọt nước mưa dột xuống mặt bàn. Cả 5 đứa trẻ ngồi xích lại, truyền hơi ấm cho nhau bên những con chữ, con số, bên những câu thơ, bài hát rộn vang át đi tiếng mưa buồn bã ngoài trời.

***

Sáng sớm, mưa rơi tầm tã. Đoạn đường đến trường dài gần 10 cây số hiện dần ra trước mắt Vân. Đoạn đường chỉ toàn dốc, núi, quanh co và vắng vẻ đến rợn người. Cơn mưa đầu đông vẫn dằng dai. Cái lạnh của miền cao nguyên thêm mưa nặng hạt càng trở nên giá buốt. Vân mặc thêm chiếc áo khoác rồi thêm cả chiếc áo mưa, cái cặp xỏ quai cũng được cô đeo gọn bên hông. Xe máy đã được Pháp, chồng Vân dắt ra dựng sẵn ở một góc sân. Hơi lạnh phả vào mặt, vào chân, vào tay Vân tê tái. Thấy vợ đi dạy trường xa, phần vì thương vợ, phần vì lo lắng, quan tâm vợ, anh ngập ngừng:

- Mưa to thế này, liệu học trò có đến lớp không em? Hay là nghỉ một bữa cũng được.

- Hôm bữa em đến trễ gần cả tiếng đồng hồ vì xe bị hỏng giữa đường, vậy mà tụi nhỏ vẫn ngồi trong lớp chờ chứ không chịu về. Đoạn đường các em vượt suối, vượt đèo để đến lớp còn khó khăn hơn em đi xe máy từ nhà đến trường nhiều. Nếu em nghỉ sẽ tội lũ nhỏ lắm, chúng đều là những đứa trẻ nghèo nhưng ham học chữ, lại chăm chỉ nữa. - Vân quay về phía chồng, nhắc lại chuyện cũ rồi phân trần. Đôi mắt cô chất chứa sự cảm thông nhưng cũng đầy dứt khoát. Nghe vợ nói, Pháp không nỡ can ngăn nữa. Giọng anh nhẹ nhàng:

- Ừ, thôi em đến lớp đi. Em đi đường cẩn thẩn.

Chiếc xe máy cũ làm bạn với Vân dễ cũng đến mười năm. Chiếc xe hình như hiểu lòng khổ chủ thế nên nó cũng tận tụy, cần mẫn y như chủ của mình vậy. Đôi lúc vì quá mỏi mệt, nó sinh bệnh, hỏng hóc dọc đường. Những lúc đó, Vân chỉ còn biết thương nó, xuống xe và dắt bộ. Khi đến được trường thì cả người và xe lem luốc chẳng ai nhận ra. Thế mà, trải bao khó khăn, thiếu thốn, mười năm nay, cả người và xe vẫn kiên định bám bản, bám trường. Ai cũng bảo Vân dại. Cô chỉ cười bảo:

- Mình chỉ thiếu thốn về điều kiện công tác thôi. Còn các em học sinh nơi đây thì thiếu đủ thứ. Nếu mình bỏ đi, các em sẽ không được đến trường, không được biết đến con chữ nữa. Chỉ nghĩ thế thôi làm sao có thể bỏ đi cho đành. Vả lại, lũ trẻ sống chân thành lắm. Chính điều ấy đã níu giữ và tiếp thêm sức mạnh để Vân gắn bó với mảnh đất khó này dài lâu.

Ra trường, Vân dạy học ba năm ở trường điểm rồi được phân công về điểm lẻ ở vùng sâu dạy học. Những ngày đầu đi dạy, lớp chỉ lèo tèo vài học sinh. Phòng học thì tạm bợ, lụp sụp; bàn ghế thì ọp ẹp, xiêu vẹo. Cảm giác trống trải, hụt hẫng khiến Vân thấy nản lòng và muốn bỏ dạy. Nhưng rồi Vân lại tự nghĩ hãy cứ hi vọng vào một điều kì diệu. Và sự kiên trì, cần mẫn đã giúp cô có niềm tin để đến lớp đều đặn những ngày sau đó.

Trường Vân dạy, học sinh mỗi khối, mỗi lớp rất ít. Lớp nhiều nhất là 10 học sinh. Còn lại, hầu như lớp nào cũng khoảng 4 - 6 em. Các em đến trường ngày bình thường đã khó. Mùa nương rẫy, mùa măng rừng rồi mùa mưa, lớp học đôi lúc vắng tanh. Lớp Vân chủ nhiệm chỉ có 5 học sinh. Vân đã phải đến từng nhà, có khi vào tận nương rẫy để động viên các em quay lại lớp học. Qua những đoạn đường đèo dốc, đoạn đường suối nước chảy xiết, tay cô tay trò nắm chặt nhau cùng đi. Có khi, Vân phải cõng từng em vượt suối vì sợ các em sẽ gặp nguy hiểm khi đi một mình. Thấy cô tận tâm, nhiệt tình, học trò đứa nào cũng quý, cũng thương cô. Hành trình chinh phục con chữ của Vân và các em đong đầy thật nhiều niềm vui, nụ cười nhưng cũng bùi ngùi nhiều nỗi buồn, nước mắt. Hiểu và thông cảm với công việc của vợ, Pháp lo toan mọi việc, từ nhà cửa đến con cái để vợ yên tâm công tác. Đã rất nhiều lần, Pháp chứng kiến cảnh Vân rơm rớm nước mắt khi nói đến những gian khổ, khó khăn của học trò. Nhưng cũng vì nghị lực, sự ham học của những đứa trẻ bản nghèo ấy, Vân đã có thêm nguồn khích lệ, động viên để vững vàng bước tiếp.

Nghe tiếng xe máy của cô giáo vừa đến, tụi thằng Phín, thằng Lò, thằng Lìn, con bé Phàng, bé Uyển, cả 5 đứa học trò của Vân chủ nhiệm liền chạy ra đón. Trời mưa rét, vậy mà trước mắt Vân vẫn đầy đủ năm em. Những đứa trẻ chân đất, đầu trần, áo quần phong phanh, mặt mũi lem luốc, môi thâm tím, trên tay cầm bút, cầm sách vở, hồ hởi chạy ra cười nhỏn nhoẻn. Đứa nào đứa ấy vừa mừng rỡ vừa tỏ vẻ lo lắng. Chúng tranh nhau hỏi:

- Cô ơi, chúng em chờ cô nãy giờ! Chúng em biết cô sẽ đến mà.

- Cô có bị ướt không?

- Cô có lạnh không cô?... - Làm sao Vân có thể lạnh, làm sao có thể không đến lớp cho được khi những đứa trẻ ngoan hiền ấy đã miệt mài chờ Vân, đã tin tưởng và sưởi ấm lòng Vân đến thế. Mắt Vân rưng rưng. Giọt nước mắt nóng hổi hòa vào giọt mưa xua tan cái lạnh, ngỡ chỉ còn đọng lại hơi ấm yêu thương của tình cô trò nồng thắm. Hướng về những cặp mắt thân thương với bao thương thiết, giọng Vân nghẹn lại:

- Cô trò mình cùng vào lớp nào!

Tức thì đứa nào cũng rạng rỡ. Đứa tranh cầm cặp, đứa cầm áo mưa, đứa còn chạy đến cầm tay Vân dẫn vào lớp. Ngoài trời, mưa vẫn rả rích. Trong lớp học, đôi ba chỗ tí tách từng giọt nước mưa dột xuống mặt bàn. Cả 5 đứa trẻ ngồi xích lại, truyền hơi ấm cho nhau bên những con chữ, con số, bên những câu thơ, bài hát rộn vang át đi tiếng mưa buồn bã ngoài trời.

Mấy hôm nay mưa lớn. Con đường đến trường của bọn trẻ lại càng khó đi hơn. Chúng mới chỉ là những cô bé cậu bé lên 9, lên 10 tuổi. Những tấm áo mưa mỏng mảnh khoác lên những tấm thân nhỏ bé làm bạn với lũ trẻ ngày ngày đến trường học chữ rách te tua, lỗ chỗ những miếng vá, dù được ba mẹ chúng khâu lại cẩn thận cũng tự bung đường chỉ và phập phồng theo gió. Vậy mà tinh thần học tập của bọn trẻ khiến Vân vô cùng nể phục. Nhất là câu chuyện của thằng bé Phín. Cha mẹ Phín nghèo. Một buổi đến lớp, một buổi Phín lại đi hái rau rừng về cho mẹ bán kiếm tiền đong gạo. Thế mà nó chưa vắng học một buổi nào trong suốt ba năm nay. Vân nhớ có hôm trời mưa như trút nước. Những tưởng sẽ chẳng có cô cậu học trò nào đến lớp, vì Vân đã dặn chúng hôm trước rằng, nếu trời mưa to, lớp sẽ tự nghỉ ở nhà, hôm khác cô sẽ dạy bù. Ai ngờ Phín vẫn đến. Quần áo nó ướt sũng, tay cầm mấy cuốn vở được bọc cẩn thận trong cái túi ni lông. Toàn thân nó run cầm cập vì lạnh. Đứng trước Vân, miệng nó lắp bắp, đôi hàm răng va đập vào nhau nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui.

- Trời mưa to, sao em không ở nhà?

- Em biết cô sẽ chờ bọn em nên em đã đến lớp mặc cho trời mưa to.

Lúc đó, Vân chỉ biết chạy ra ôm lấy cậu học trò chăm chỉ, hiếu học và để nó đứng lặng im trong vòng tay ấm áp của mình.

Từ phía con đường xa xa nơi đầu dốc, từng dáng người nhỏ bé đang đội mưa đi tới. Thằng Lò, thằng Lìn con bé Phàng đi một mình. Riêng Uyển, cô bé nhỏ tuổi nhất lớp thì được ba của nó cõng trên lưng. Anh Hoen, ba của Uyển đặt con bé xuống cửa lớp, nhìn Vân, giải thích:

- Trời mưa nhưng con bé vẫn cứ đòi đi học cho bằng được. Bảo nó nghỉ, nó không chịu. Nó nói, đến lớp học cái chữ với bạn với cô vui lắm. Nghỉ một bữa là quên hết chữ. Nó cứ nằng nặc đòi đi, tôi đành cõng con đến. - Uyển nhìn ba nó cười tủm tỉm. Nó liếc nhìn cô giáo Vân rồi lại nhìn ba, bảo:

- Ba thấy chưa, trời mưa vậy nhưng cô vẫn chờ chúng con đến lớp. Nếu chúng con mà nghỉ học thì tội cô lắm. Cả bọn nhìn nhau rồi lại cùng Vân vào lớp.

Buổi sáng của một ngày đặc biệt. Trời quang đãng. Nắng xuyên qua từng ngọn đồi, tán cây, kẽ lá hong khô những giọt mưa đêm qua vẫn còn sót lại trên cỏ cây hoa lá. Lớp học của Vân hôm nay khác hơn mọi ngày. Những nụ cười tươi tắn, những câu nói dí dỏm, những câu chuyện ý nghĩa cứ thế bung tỏa. Nhất là có thêm cả những bó hoa rừng đủ màu sắc rực rỡ trên tay mỗi đứa học trò. Chúng tặng cho Vân, người mà chúng yêu quý và vô cùng khâm phục. Rồi đứa tặng Vân bài thơ. Đứa hát bài hát mà Vân thích nghe nhất. Đứa lại chọn điệu múa của dân tộc mình để múa tặng,… Chúng còn thay nhau chúc Vân những điều tốt đẹp. Chúng không quên nói với Vân hãy mãi mãi ở đây với chúng khiến Vân chỉ biết gật đầu thay lời đáp lại. Thằng Phín lém lỉnh nhất lớp. Nó nhìn Vân hỏi:

- Cô ơi, trong số những món quà chúng em tặng, cô thích nhất món quà nào ạ? - Vân xoa đầu cậu học trò, trìu mến nhìn từng đứa, mỉm cười:

- Món quà nào các em tặng, cô cũng đều thích. Nhưng món quà lớn nhất với cô chính là tình cảm chân thành và tinh thần ham học của các em.

© Xanh Nguyên - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Chúng ta ai cũng than thở mệt mỏi vì toan tính quá nhiều | Góc Suy Ngẫm

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

back to top