Mệt mỏi vì phải làm người lớn, hãy nhắm mắt và nhớ lại tuổi thơ
2020-05-02 01:20
Tác giả:
blogradio.vn - Dù bây giờ, thời gian trôi nhanh cuồn cuộn, có mấy ai còn nhớ tuổi thơ đâu! Nhưng xin hãy nhớ, nhớ để biết tận sâu trong lòng còn chốn bình yên, còn nơi để tìm về. Hãy nhắm mắt lại, nhớ về tuổi thơ, rồi khi mở mắt ra, ta thấy đời vẫn đẹp dù còn nhiều khó khăn, không như ý muốn.
***
Tháng Ba. Cái nóng của đất trời miền Nam được điểm thêm bằng sắc vàng ươm của nắng. Việc học hành, việc làm đôi lúc khiến người ta bị cuốn theo dòng xoáy tất bật của cuộc sống để rồi chẳng biết mình đang cần gì, muốn gì và mình phải làm gì trong cuộc đời này. Thế nên, khi ta vấp phải khó khăn lại buông xuôi, mặc cho bản thân gục ngã vì mệt mỏi. Những lúc ấy chỉ muốn quay về cái thuở êm đềm của tuổi thơ, muốn được lắng lòng để nghe mọi âm thanh làng quê thanh bình, yên ả. Nhưng rồi chợt nhận ra mơ là thế, ước là thế nhưng khoảng cách giữa hoài niệm và cuộc sống thực tại lại không cùng. Con người lại tỉnh mộng và thay vì chìm vào hụt hẫng, sao ta lại không vin vào tuổi thơ để có sức mạnh đứng lên?
Thế nên, tôi tiếc quá những ngày tuổi thơ trong cuộc đời mình. Không biết tôi đã đi qua những tháng ngày ấy từ lúc nào. Có lẽ tuổi thơ là miền đất xa xăm, nơi tôi đã từng đi qua nhưng lại vô tình không nhớ rõ, để giờ cay đắng nhận ra sẽ không bao giờ có lại được nữa. Lòng… bỗng thấy nghẹn ngào. Nhớ khi trước, bà thường nói tuổi thơ là cái tuổi con nít, tuổi của những tháng ngày ăn ngủ không biết lo lắng, suy tư chuyện đời. Ngày còn nhỏ, mỗi lần khi nghe bà nói thế, chị em chúng tôi đều ước không bao giờ lớn lên, cứ nhỏ mãi để được đùa vui thỏa thích. Rồi, bà mỉm cười hiền hậu, xoa đầu chúng tôi và nói những lời hiền từ: “Cha tụi bây, con nít phải ăn nhanh chóng lớn, để còn phụ giúp gia đình chứ!”.
Tuổi thơ đã trôi đi với biết bao kỉ niệm đẹp. Giờ thì những gì đã qua cũng còn nhớ đó, nhưng nỗi nhớ ấy cũng đã loang màu theo thời gian, không còn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Tôi nhớ mình đã từng chơi trò đánh trận giả, hái hoa lau chạy trên đường đê, nhớ những ngày trưa nắng cùng các bạn trong xóm hái khóm kèo nèo phơi nắng để mong được uống chén nước kèo nèo mẹ nấu, nhớ những lúc trèo lên cây điều chơi trò bán quán,… Dù trong tôi giờ đây mọi thứ dường như chỉ còn mang máng nhớ. Trong biển kí ức mênh mông, con người ta vẫn luôn ngụp lặn để mong tìm được những mảnh tuổi thơ đã mất, nhưng biết phải tìm đâu khi thời gian luôn làm mờ phai kỉ niệm.
Kí ức tuổi thơ của tôi luôn có những chiều chạy theo mấy đứa bạn đi thả diều ngoài cánh đồng. Cánh diều ngày ấy được làm từ mấy thanh tre vót nhỏ, uốn cong, vài tờ giấy tập dán bằng cơm nguội, gắn thêm sợi chỉ mảnh… vậy mà diều vẫn vươn cao trong những chiều lộng gió. Rồi những trưa đi học về, chúng tôi tụ tập chơi u, trò chơi tuổi thơ mà mỗi khi nhớ lại sao thấy mình vô tư quá. Đám trẻ chúng tôi chia làm hai phe: con trai và con gái. Tiếng “u…..u…u….” cứ ngân vang theo nhịp chạy, người chơi cố sức tìm để kéo được bạn nào bắt về phía sân mình. Chơi mãi, bọn con trai lúc nào cũng thắng vì chúng khỏe hơn. Nhưng con gái chúng tôi cũng rất mạnh mẽ, luôn làm đám con trai trầy trụa trước khi chiến thắng. Giờ nghĩ lại, tất cả luôn là những kỉ niệm đẹp trong lòng mỗi đứa.
Có lúc, tôi đứng nhìn khóm lục bình bấp bênh theo làn nước dưới con kênh quê mình. Nhìn những cánh cò đậu trên bờ ruộng ven sông Tắc, tôi lại mơ về xa xưa, nơi tuổi thơ tôi trôi qua nhẹ êm như nhịp thở, ngọt ngào và ấm áp như câu chuyện cổ tích bà ngoại kể cho chị em tôi mỗi khi mẹ vắng nhà tần tảo khom lưng gieo mạ thuê, làm cỏ mướn. Tôi còn nhớ những ngày mẹ đi làm. Chị em chúng tôi, sau giờ học về, ăn cơm xong, lại chạy ra vườn chơi trò bán quán. Chị hai 14 tuổi. Tôi khi ấy được 10 tuổi. Bi Anh được 9 tuổi. Bi Em chỉ mới lên 5 tuổi. “Chị hai sẽ bán bánh mì nhé!”, sau tiếng thông báo dễ thương ấy, chị lấy dao nhỏ cắt thân cây lục bình. Chị vốc nắm cát đựng trong cái gáo dừa. Chị lại loay hoay bẻ trái của một cây cỏ làm ớt. Chị nhanh nhẹn như một người bán hàng thực thụ. Thằng Bi Em còn nhỏ, chị xếp ngồi bên cạnh để không đi lung tung quanh ao, nguy hiểm.
Tôi được chị chọn làm người mua hàng và phụ trách hái dây bòn bon trang trí. Bi Anh được chị phân công trèo hái mận, hái khế chua, hái cả trái điều nữa. Xong việc, chúng tôi bắt đầu chơi. Tôi lui cui trang trí cái quán, quên bẵng việc hái lá vú sữa làm tiền. Đến khi cần, không có, chị hai không bán bánh mì cho. Tôi nhanh chân chạy đi hái lá trong lúc Bi Anh hoàn thành nhiệm vụ, được chị hai cho một ổ bánh mì lục bình. Bi Anh đứng chờ, cười thích thú. Bi Em còn nhỏ nên được chị hai cho chùm mận. Nó ngồi ăn ngon lành, nhưng trái nào cũng bị nó cắn dở dang. Tôi và Bi Anh thường nói nó đúng là con nít.
Chị em chúng tôi thương nó lắm, vì Bi Em nhỏ nhất, nó lại được mẹ cắt cái kiểu tóc búp bê. Tóc nó đen, dài ôm xuống cái má bầu bĩnh làm cho khuôn mặt nó thêm tròn, đáng yêu lắm. Bà và mẹ luôn dặn chúng tôi trông nom nhau vì vườn nhà có nhiều ao. Chị hai cẩn thận nên bảo nó ngồi trên cái bao đã trải sẵn. Dù đôi lúc, nó vẫn chạy đi lung tung làm chị hai phải thét lên, kêu nó quay lại. Lúc đó, Bi Em líu ríu về chỗ cũ mà mặt buồn thiu.
Nhiều lúc, chị hai tin tưởng cho nó đi cùng tôi hoặc với Bi Anh để tìm hái trái cây về vừa ăn, vừa chơi tiếp. Khi ấy, nó lót tót đi phía sau tôi, nói chuyện tíu tít. Nhưng cũng có lúc, nó giận vì chỉ ngồi một chỗ, không được chơi, nó khóc. Đúng lúc mẹ đi làm về trưa. Thế là chúng tôi bị ăn đòn vì chạy ra vườn mà không chịu đi ngủ. Nhưng không phải chỉ vì thế mà chúng tôi bị mẹ đánh. Ngoài việc ấy, còn có nhiều nguyên nhân khác. Đó là chị hai lấy dao nhọn chơi, tôi không mang dép, cái áo của thằng Bi Anh dính dầy mủ điều.
Thế rồi, mỗi đứa một lỗi nhỏ cộng với lỗi trốn ngủ trưa, chúng tôi phải khoanh tay xếp hàng, bị mẹ mắng. Mẹ cho phép mỗi đứa chạy đi tìm cái roi của riêng mình. Chúng tôi sợ nhưng phải nghe theo lời mẹ, chạy đi kiếm. Chị hai lấy cái cây ván gỗ treo trên vách nhà, cái cây thường ngày mẹ phạt chúng tôi. Tôi thì chọn cây củi mù u khô dưới bếp. Bi Anh đi lâu nhất, nó tất tả chạy về, mặt còn lấm tấm mồ hôi và tay cầm cây roi phướng, loại cây còn có tên gọi khác là râm bụt. Nó cẩn thận chọn cây phướng nhỏ và lột sẵn vỏ màu xanh ở ngoài, còn trơ lại cái cây màu trắng, nhỏ xíu. Mẹ hỏi nó tại sao chọn cây roi phướng. Nó trả lời trong sự run sợ: “Dạ, để mẹ đánh con không đau”. Thì ra, nó đã nghĩ roi càng nhỏ thì khi bị đánh sẽ ít đau hơn. Nhờ sự vô tư trong việc chọn cây roi của nó mà mẹ cười, không đánh chúng tôi nữa.
Hôm ấy, chúng tôi “thoát nạn”. Chị em chúng tôi xin lỗi mẹ và đi ngủ. Bi Anh không khóc nữa, nó chạy ra cái lu rửa mặt cùng chúng tôi, nó mỉm cười như vừa lập được công lớn. Mà đúng là công lớn thật, vì với chúng tôi, mỗi khi bị ăn đòn là cả bọn sợ đến phát khóc. Mẹ tắm cho Bi Em trong khi chị hai, tôi và Bi Anh lần lượt đi thay đồ, rửa chân, mang dép. Xong xuôi, chúng tôi trèo lên cái ván gỗ, nằm xuống. Chị hai và tôi lớn hơn nên lúc nào cũng nằm ngoài cùng, ở giữa, Bi Anh và Bi Em nằm. Mẹ bật cái ra-đi-ô cũ, đúng 1 giờ trưa, chương trình FM có ca nhạc cải lương. Chúng tôi vừa nghe, vừa râm ran nói chuyện. Mẹ ở sau nhà, giặt đồ cho chị em tôi. Lâu lâu, mẹ lại nhắc chừng, kêu chúng tôi im lặng để ngủ. Mẹ phải nhắc bao nhiêu lần, chúng tôi không thể nhớ. Chỉ biết một lúc sau, tiếng nói chuyện dần im, chỉ còn lại những bản vọng cổ ngọt ngào, ru chúng tôi chìm sâu vào giấc ngủ.
Tuổi thơ tôi luôn có những ngày êm đềm cùng chị em, bạn bè nhưng cũng có cái vất vả, nhọc nhằn của cuộc đời mẹ. Lấy chồng khi 20 tuổi, đời mẹ là nhưng chuỗi dài hi sinh thầm lặng vì gia đình. Cuộc đời mẹ đầy ắp những gian nan mà sóng gió cuộc đời thổi đến. Mẹ tần tảo sớm nắng chiều mưa, ngược xuôi với những lần ngoài đồng, những khi trong xóm, những lúc về nhà. Trong cuộc mưu sinh vất vả, mẹ lặn lội như thân cò cần mẫn. Tôi cảm ơn cuộc đời vì trong kí ức tuổi thơ và cả bây giờ tôi vẫn luôn có mẹ. Tôi biết mình hạnh phúc. Mẹ luôn ở bên cạnh và luôn dõi theo mỗi bước tôi đi bằng ánh nhìn trìu mến.
Chiều nay, khi ánh nắng hắt lên những tia vàng vọt cuối ngày trên ngọn cây dừa, khi mùi cơm trên bếp nhà ai vừa chín tới thoảng bay theo gió khiến tôi nhớ quá tuổi thơ tôi. Tự nhiên thèm một củ khoai lang luộc nóng hổi, thèm được cùng chị hai, Bi Anh và Bi Em trộm ít thóc của gia đình quăng vào bếp để nổ thành cốm mà ăn, thèm được trèo tuốt lên cây mận sau nhà phất phơ cành theo gió, ngồi trên một nhánh cây, đung đưa, vắt vẻo, vừa ăn, vừa hóng mát,… Giật mình, nhận ra, tuổi thơ của chúng tôi giờ đây xa lắm.
Tôi miên man những dòng cuối tháng ba mà chợt ước được quay về miền kí ức. Dù bây giờ, thời gian trôi nhanh cuồn cuộn, có mấy ai còn nhớ tuổi thơ đâu! Nhưng xin hãy nhớ, nhớ để biết tận sâu trong lòng còn chốn bình yên, còn nơi để tìm về. Hãy nhắm mắt lại, nhớ về tuổi thơ, rồi khi mở mắt ra, ta thấy đời vẫn đẹp dù còn nhiều khó khăn, không như ý muốn. Xin đừng để bản thân dễ dàng gục ngã giữa cuộc đời. Hãy nhớ rằng ở cái ngày xa xưa ấy ông bà, cha mẹ đã vất vả, bươn chải nuôi gia đình, đã thương ta hết lòng, hết dạ, và khi đó, mình đã mong được lớn lên biết bao. Thì hà cớ gì, ta lại buông xuôi, bỏ cuộc chỉ vì bây giờ ta đã lớn?
© Đặng Nguyễn Hoàng Linh – blogradio.vn
Xemt hêm: Cho tôi hỏi lối nào về tuổi thơ?
Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu