Phát thanh xúc cảm của bạn !

Má ơi, con sẽ trở thành cô giáo

2021-11-20 01:25

Tác giả: Cow


blogradio.vn - Ngày hôm ấy, trong lớp học ấy, có cô gái với ước mơ nghề giáo được đong đầy, ủ ấm trong tim để rồi những năm tháng sau này đứng trên bục giảng vẫn còn vang xa những thanh âm huyền diệu xuyên qua từng miền ký ức.

***

Nắng khẽ rớt lên vai, chảy tràn xuống mặt sân lóng lánh như óng suối vàng rực rỡ, rồi vô tình vuốt ve, len lỏi vào từng thớ da, hong lên cái mùi nồng nồng của hơi đất. Sao hôm nay trời lại gắt gỏng thế nhỉ, cứ như cô con gái đang hờn dỗi, nũng nịu với người mình yêu.

Trước hiên nhà, mấy sạp bánh phồng mới quét được má phơi đều tăm tắp, nhờ gió đưa hương mà thơm thơm hơi nếp sữa, lâu lâu tôi lại lén má bẻ một góc ăn cho đỡ thòm thèm. Má nói nắng lớn thì chừng nửa ngày là khô hết à, cũng sắp đến Tết rồi, má phơi mấy cái, mốt nướng đem vô lớp cho tụi học trò ăn. 

Trong xóm vẫn rộn lên tiếng cười đùa, tiếng xe đạp lách cách từng vòng của mấy đứa trẻ đến lớp trên con đường đất nhấp nhô đá, mấy bông hoa mười giờ tuần trước tụi nhỏ trồng nay cũng đã hé mở từng búp, mặc cho đám cỏ thì cứ teo héo, ủ rũ.

Nay má đi chợ trưa, má nói đi chợ ghé trường dạy xíu rồi về, dặn tôi ở nhà trông cửa nẻo. Không biết má có mua cái bảng đen mới chưa nữa, vài hôm trước trời mưa lớn, tạt vô lớp ướt luôn tấm bảng, làm nó nổi liền mấy cục u, tụi nhỏ không viết chữ lên được. Má nói để chờ trời ráo, má kêu cha tôi chở lên chợ huyện, mua cho tụi nó cái bảng mới. 

À, còn con Muối, hôm bữa nó khóc với tui, nói cô giáo nhỏ ơi, má con nói đợi đến hai tháng nữa bán rơm mới có tiền mua vở nhưng các bạn con đều có vở để luyện viết hết cả rồi. Tui vuốt tóc, véo má con nhỏ, nói thôi, bà đừng khóc nữa, khóc xấu đó, để tui vô nhà lấy cho bà hai cuốn vở, ráng đợi hai tháng nữa, má bà về mua cho bà thêm mấy cuốn vở bìa màu. 

Thương con nhỏ dữ lắm, cha má nó bán ghe rơm ở ngoài sông cái, gửi nó lại cho bà ngoại chăm sóc. Hai bà cháu lủi thủi thương nhau, tháng nào cha má nó bán xong sớm, thì cả nhà có cơm cá, cơm thịt, còn được vụ nào không may, rơm ướt thì tháng đó coi như đành chịu cảnh ăn rau luộc chấm tương.

co_-giao_1

Con nhỏ cũng ngoan, chịu khó, nó nói nó gắng học để mốt có thật nhiều tiền, để cha má nó không phải lênh đênh trên sông, mà về ở cùng luôn với hai bà cháu nó. Có hôm, tôi rủ nó ra bờ sông, ngồi xếp con gà bằng lá dừa cho nó, nó ôm tôi mà thủ thỉ, mốt cô đi học rồi cô về cô dạy cho tụi con nha, con thích được cô dạy lắm. 

Tôi chỉ cười mà không nói gì, rồi lặng lẽ nhìn nó. Có lẽ đặc quyền quan trọng nhất của những người thầy cô giáo trên đời này chính là được phép mở đường và quyết định tương lai cho tụi nhỏ...

Đúng là nắng to đến vỡ cả đầu. Bình thường buổi nào tụi nhỏ học, tui cũng hay đi bộ lên trường, vô quét dọn, chuẩn bị đồ cho má dạy, nay bị má bắt ở nhà, tôi lại thấy buồn. Mấy đứa nhỏ lớp 4, lớp 5 ể ả vác tập sách đến trường trong cái túi nilon nhỏ, tụi nó vừa đi, vừa lon ton trốn nắng như những con chuột nhắt đang bị mèo săn đuổi. Thấy tôi ngồi lặt rau, tụi nhỏ lúm xúm réo.

“Cô giáo đang làm gì đó? Sao nay cô không đến lớp dạy tụi con?”

Đó là mấy đứa nhỏ mà tôi thường hay dạy kèm trong xóm. Tôi thích đi dạy học, mà má không cho, nên chỉ đành lẽo đẽo xin theo má lên trường phụ má dạy cho mấy bé đọc chữ, cũng có khi tụi nó đi ngang thấy tui rảnh là quẹo vô hỏi bài hay nhờ tôi dạy viết. 

Dạy tụi nhỏ học tuy cũng vất vả, mà sao tôi thấy vui, tụi nó học ngoan, dễ thương và cưng nữa. Tụi nhỏ đi học được cái kẹo, cái bánh hay cái gì nhỏ nhỏ, xinh xinh là tụi nhỏ giấu, dành dụm đem về, nói để dành cho cô giáo nhỏ, có đứa còn nhặt đầy cả túi bàng chín vàng đem về cho tui, nhìn thì đẹp vậy, chứ ăn là nó chát chúa luôn. Tôi thấy vậy chỉ cười tít, nói cho tôi chi trời ơi, lo học hành chăm chỉ là tôi vui rồi. 

Theo má đi dạy riết, tụi nó đâm ra mến tôi, hôm nào không thấy tôi đến, má nói tụi nhỏ buồn “Tụi con thương cô và cũng thương chị nữa”. Nghe mà ấm lòng ghê vậy đó.

Hồi còn nhỏ, tôi mê làm cô giáo lắm, tôi muốn được giống má, muốn được cầm thước dài chỉ từng chữ trên bảng dạy tụi nhỏ đọc. Tôi thường hay lén má, canh lúc má đi chợ, chơi trò cô giáo một mình, cô giáo là tôi, và học trò chính là những cái ca, cái phích. Cứ thế, cô giáo nhỏ chăm chỉ dạy học trò làm toán, viết chữ,... Có hôm, má biết chuyện, má cười cười la tôi nguyên một ngày "Hèn gì, tự nhiên má thấy dạo này mấy cái ca, cái phích nhà mình đột nhiên biến đâu mất".

Rồi một bữa má đang nấu canh, tui chạy qua ôm má, lí nhí nói.

“Má ơi má, sau này con học sư phạm, ra làm cô giáo nghen”

“Thôi cô nương ơi, đừng có giống cha má, học sư phạm nghèo lắm. Vất vả, cực khổ mày có chịu nỗi không đó con”.

co_-_giao_3

Má tui kể, má ngày trước thích học hóa, định rằng sau này làm giáo viên dạy hóa, ai dè bà ngoại mày không cho, nói mua đồ thí nghiệm đắt lắm, nhà lại đông anh em, nên má cũng đành từ bỏ. Rồi má theo học bên bưu điện, bà ngoại mày cản má, trường học xa nhà tốn nhiều kinh phí. Cuối cùng, má quyết học sư phạm, ra làm giáo viên dạy Văn luôn. Tới giờ nghĩ lại, má cũng thấy bất ngờ. Chắc do có duyên, có nghiệp với nghề giáo. Cha tôi cũng giống như má, đang học bên kinh doanh thương mại quốc tế gì đó, rồi cha thích sư phạm, chuyển hướng qua học rồi trở thành giáo viên tiếng Anh. 

Cha má gặp nhau, cưới nhau và về dạy ở một trường gần biển. Má nói lúc đó lương nghề giáo chính là gạo, muối, đường, bột ngọt. Có thiếu thứ gì là cha tôi liền chở ra chợ đổi gạo lấy thức ăn hay đồ dùng sinh hoạt về sử dụng. Lương nghề giáo khi ấy còn bèo bọt, cha má thương nhau, đỡ đần nhau, có muối ăn muối, có mắm ăn mắm. Nhưng mà cũng vui lắm con ơi, buổi sáng cha má dạy học sinh, buổi đêm dành để dạy phổ cập kèm người dân học chữ. Dần dần, cha má thân thuộc với nơi này, thân quen với tiếng biển ngày đêm luôn vỗ, thân với những con người gần gũi, chân phương. 

Họ thương cha má dữ lắm, không phải tiền bạc, của cải gì nhiều, mà là chỗ tấm lòng, là ở cái chân thành của họ. Những hôm mùa dưa chín, cha má nhận không biết bao nhiêu là dưa, có khi ăn dưa thay cơm luôn cũng không chừng. Nhiều khi má thấy ngại, thấy thương cho họ, bởi cha má khó khăn, nhưng họ cũng đâu dư dả, giàu có gì hơn mình. 

Má còn nhớ, lúc đẻ con ra, cha má phải đến trường đi dạy, gửi con cho bác Tư, con quậy phá, quấy khóc suốt, vậy mà ổng cưng, thương như con gái ruột, cha qua rước về mà trên tay con còn ôm theo mấy trái dưa tròn lủng lẳng. Rồi có bữa, gia đình mình thiếu gạo, mấy cô đem gạo qua cho má nấu, má không nhận, họ nói thầy cô nhận đi, thầy cô dạy học ở chỗ tụi tui, tụi tui thương còn không hết. 

co_-_giao_4

Nghề giáo nghèo tiền bạc, nhưng giàu tình thương quá phải không má? Tôi ôm má, ngồi khóc ướt hết cả áo của má. Con thương tụi nhỏ quá làm sao đây hả má? Con không chọn giáo viên, thì cũng chẳng biết mình nên chọn gì nữa. Tiền bạc có thừa, nhưng nếu con không thích thì hạnh phúc cũng đâu tròn vẹn đâu má. Con thương cha với má, con cũng biết cha má nghĩ cho con, thương cho con. Nhưng mà má ơi, cuộc đời này dài rộng như vậy, sao có thể biết trước được sự "giàu có" nên tìm kiếm ở nơi nào? Vất vả hay an nhàn cũng chẳng còn quan trọng nữa, bởi con đã tìm thấy được niềm vui trong ánh mắt, trong từng tiếng cười của lũ trẻ, trong từng tiếng ê a, trong từng nét chữ ngoằn ngoèo, trong cái đáng yêu, dễ thương của từng gương mặt bé nhỏ. 

Cha má vốn không muốn tôi học sư phạm, nhưng cũng không ngăn cấm ước mơ của tôi, má nói má khổ được rồi, không muốn tôi phải khổ giống cha má đâu. Nhưng mà thích thì cha má cũng có cấm được đâu, thôi sao cũng được, con gái của má, muốn học gì má cũng cho, miễn đó là lựa chọn của con, con quyết định theo và hứa với má là không bao giờ được từ bỏ nó nghe con. 

Trước ngày đi thi, má kéo tôi vô buồng dúi cho tui mấy chục ngàn tiền lẻ, má buồn buồn nói, tao có nhiêu đây hà, cho mày đem theo mai đi thi mua bánh ăn đó, rồi má kể.

“Bữa trước, cậu có điện về hỏi thăm xem mày định thi ngành gì. Cha nói nó thi sư phạm, cậu la um sùm. Rồi con biết cha nói sao không, ổng la, nó con tôi, chứ có phải con chú đâu mà chú cản. Trời đất, tao nghe ổng nói mà tao ngồi cười không”.

“Cha má có tin quyết định của con không? Có khi nào con lựa chọn sai không má?”

“Sai là như thế nào? Đúng là như thế nào hả con? Lựa chọn ước mơ cũng giống như nấu một bữa cơm vậy, điều dễ khiến người ta phải tập trung chính là hình thức trình bày của món ăn nhưng để đánh giá chất lượng thì phải chờ xem nó ngon hay dở. Cái đáng chú ý, chính là quá trình con thực hiện nó như thế nào, đã tạo nên được những gì, đã thay đổi mọi thứ ra sao. Làm gì có ai biết được sự lựa chọn của mình là đúng hay sai? Bữa cơm con nấu có thể sẽ không ngon tuyệt mĩ, nhưng nó phải ăn được, cũng giống như khi con đã chế biến nó rồi, thì đừng chế biến chúng thành thứ mà người ta đem đi bỏ”. 

co_-_giao_1

“Con có vui không? Có hạnh phúc không? Có thấy hối tiếc không? Nếu đáp án là "Không" - thì dù đúng hay sai cũng không phải là thứ khiến con đáng bận tâm nữa. Giáo viên không phải là sự lựa chọn hàng đầu của cha má, nhưng cha má đã không tiếc nuối bất cứ điều gì, hơn 20 năm trôi qua, nếu đã không yêu thích, nếu đã muốn từ bỏ thì sao lại có thể đeo đuổi đến tận bây giờ”.

Con gái à, cha má chỉ có cô con gái duy nhất chính là con. Dù rằng ước mơ của con là gì đi nữa cha má nhất định cũng sẽ ủng hộ và cổ vũ cho con. Cuộc đời này, cha má đã định sẵn con đường cho con từ lúc chào đời, nhưng bước đi trên đoạn đường nào thì chính con mới là người được quyền quyết định.

Ngành nghề nào cũng là đáng quý, đáng trọng, nhưng mong con dù cho khó khăn, gian khổ cũng đừng dừng bước, có vất vả thế nào cũng phải vượt qua. Con sẽ là người tiếp theo, nối tiếp cha má, mở cánh cửa cuộc đời cho tụi nhỏ về sau, cô giáo nhỏ - mong con hãy sống hết mình, luôn mỉm cười hài lòng với con đường mình chọn.

Ba tháng sau, tôi đậu đại học, lên thành phố vừa học, vừa dạy kèm để đỡ đần phụ cha má. Bốn năm sau, cô gái ngày ấy lại quay về quê mình, với vai trò là một cô giáo thực sự. Còn nhớ ngày đầu tiên đi dạy, má vô phòng thấy tôi ngồi soạn giáo án, má rủ rỉ với tôi, má mua cho con khúc vải màu tím hoa cà, bữa đi chợ, má thấy đẹp quá nên đặt may cho mày cái áo dài luôn. 

“À, còn cuốn sổ điểm má mua còn mới lắm, má cất trong tủ để dành cho con nè. Trước hôm con về, con bé Muối có ghé qua thăm cha má, nó còn gửi tặng cái cặp sách, nó nói nhớ cô giáo nhỏ quá, cô đi lâu mà sao chưa về. Con nhỏ giờ lên lớp bảy rồi, nó học giỏi và được thầy cô thương lắm”.

uoc_-mo

Mãi sau này khi nhớ lại, tôi thấy lòng mình nao nao, bùi ngùi. Nhớ cha má quá. Tui được chuyển lên dạy ở tỉnh vì xa nhà, nên chỉ về thăm một, hai lần trong tháng, rồi lại băng băng chạy lên tiếp. Mà tính ra thời gian trôi nhanh quá, mới đây mà hoa phượng rực đỏ cả mấy mùa, nắng cũng đã nhạt dần vị nồng oi ả, mưa cũng đã bớt gầm gừ nóng giận mà trở nên dịu dàng. Từng lớp học trò bước qua, từng vết sờn trên bảng đen ngày một nhiều cũng chính là dấu mốc cho cô gái mơ mộng như con ngày ấy giờ đã thành một cô giáo.

Dòng thời gian đã lặng lẽ trôi đi, để lại dưới mặt nước trong vắt, dịu ngọt ấy là dư âm những tình cảm thân thương của má. Thế hệ mai sau, con hứa rằng sẽ ươm mầm nuôi dưỡng, bàn tay này sẽ giúp tụi nhỏ vẽ nên những ước mơ.

Ngày hôm ấy, trong lớp học ấy, có cô gái với ước mơ nghề giáo được đong đầy, ủ ấm trong tim để rồi những năm tháng sau này đứng trên bục giảng vẫn còn vang xa những thanh âm huyền diệu xuyên qua từng miền ký ức.

"Lớn lên, lớn lên, lớn lên

Con làm gì?

Con làm thi sĩ

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn”.

© Cow - blogradio.vn

Xem thêm: Chỉ chân thành là không đủ | Radio tình yêu

Cow

Cuộc sống không phải là một cuốn tiểu thuyết ngôn tình, nhưng nếu dùng trái tim khi đọc tiểu thuyết ngôn tình để nhìn cuộc sống, chẳng phải sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều không?

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Tương tư

Tương tư

Ơ kìa em sao nỡ để tình anh Chưa bước tới đã muôn phần lận đận Sao chỉ mới nhìn thôi em đã giận Và tiếng yêu thôi em chẳng nhận lời

Bình minh trên phố

Bình minh trên phố

Khi ánh bình minh vừa ló dạng, Phố nhỏ bừng tỉnh trong sương mai. Ánh nắng vàng rơi từng giọt nhẹ, Làm bừng sáng những ước mơ dài.

Lời má dạy trên mảnh đất Miền Tây chất phác

Lời má dạy trên mảnh đất Miền Tây chất phác

Ở vùng quê này, người ta sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa. Họ có thể không giàu có về vật chất, nhưng lòng họ luôn đầy ắp sự chân thành và nghĩa tình. Má dạy con rằng, dù sau này có đi xa, có thành đạt, con vẫn phải giữ lấy tấm lòng chân chất đó.

Hồi tưởng về tuổi thơ tôi

Hồi tưởng về tuổi thơ tôi

Đôi khi tôi tự hỏi bản thân sao giờ lại bỏ mặc người bạn thiên nhiên gắn bó thân thiết thuở nhỏ của mình, từ những cơn mưa rào rạt rơi lộp bộp trên mái tôn làm mát dịu bầu không khí tới những tán lá râm mát đã che chở tôi khỏi cái nắng tháng 6 oi ả.

Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép

Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép

Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép, để ghép được thì cả hai mảnh đó phải hợp nhau chứ không phải giống nhau. Và muốn tìm được cái hợp nhau thì rất khó, muốn ghép lại được với nhau thì cần phải có thời gian.

Ba ơi ba đâu rồi?

Ba ơi ba đâu rồi?

Ba mẹ của anh chị tin anh chị đấy, rất mực vững chãi nữa đấy nhưng thời hạn để thực hiện lời hứa của anh chị là bao lâu vậy? Là một năm? Là năm năm? Hay cả cuộc đời để tranh giành những thứ của cải vật chất phù hoa kia...

Hối tiếc

Hối tiếc

Giọt lệ rơi trên má, ướt nhòe gương mặt, Nỗi niềm hối tiếc, đắng cay chẳng vơi. Thời gian trôi qua, như giấc mộng xa vời, Để lại bao tiếc nuối, trong lòng bồi hồi.

Lối ra trong sương mù

Lối ra trong sương mù

Những buổi sáng bên bờ biển, nơi tôi có thể chạy nhảy và vui đùa cùng những đứa bạn nhỏ trong xóm, là những lúc tôi cảm thấy như được sống trong một thế giới khác, một thế giới không bị ảnh hưởng bởi những cơn bão tố trong gia đình.

Ngày yên…

Ngày yên…

Mặc cho gió thổi bay làn tóc rối, chúng thủ thỉ thù thì với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nói cho nhau nghe những điều sâu kín. Người ta nói tuổi học trò là tuổi mộng tuổi mơ đâu có sai tí tẹo nào.

Thay đổi - sự thú vị của thanh xuân

Thay đổi - sự thú vị của thanh xuân

Sự thay đổi vốn dĩ luôn diễn ra trong từng phút, từng giây của cuộc đời mỗi người. Nhưng có lẽ nó chỉ thú vị và đáng yêu nhất ở năm tháng thanh xuân.

back to top