Dù đó là nuối tiếc nhưng con vẫn luôn yêu ba thật nhiều
2016-12-14 01:05
Tác giả:
Ba đã xa mẹ con con thật rồi, đó là điều mà con không hề muốn chấp nhận. Mỗi lần nhìn di ảnh của ba, con đều ao ước được ôm cổ ba, được nghe thấy tiếng ba như ngày xưa.
Từ nhỏ đến lớn, con chưa từng phải tận mắt chứng kiến sự ra đi nào của người thân. Con nhớ đã từng nói với ba: “Con rất may mắn vì đến giờ vẫn chưa phải trải qua nỗi đau như người thân họ đang gánh chịu”. Nhưng con không thể ngờ rằng, con lại phải chứng kiến sự ra đi của ba nhanh và sớm đến thế, lại phải trải qua nỗi đau đớn, mất mát to lớn đến thế!
Ba không cho con một khoảng thời gian để chuẩn bị tâm lý gì hết. Ba có biết không, lần đầu tiên nghe tin ba bị bệnh con không lường hết được sự nguy hiểm của nó, vì con đã không được biết hết toàn bộ sự thật. Một tháng điều trị ở nhà, mỗi ngày ba và con đều nói chuyện với nhau, ba ăn uống vẫn tốt, ngủ vẫn được, con luôn hi vọng với sự tĩnh tâm và quyết tâm điều trị của ba, sức khỏe của ba đang tốt lên từng ngày. Nhưng cái ngày tái khám đến, chính tai con phải nghe bác sĩ phán ba một cái án rất nặng, nặng đến mức con phải nhờ bác sĩ nhắc lại lần thứ hai mới có thể nghe và hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Tim con co thắt, nghẹn thở, nhưng con không rơi một giọt nước mắt, sắc mặt không một chút biến đổi, vì ngoài cánh cửa kính kia ba đang nhìn con không một chút lơ là. Con còn bình tĩnh thảo luận với bác sĩ cách nói dối ba, con đã chọn câu nói an toàn rằng: “Bác sĩ nói bệnh của ba cần tiếp tục điều trị, bệnh đã được kiểm soát, nhưng chưa tốt hơn do đó cần kiên trì hơn nữa”. Khi con kể lại phán quyết mà bác sĩ đã nói với mẹ, mẹ đã khóc, lần đầu tiên giọt nước mắt của mẹ rơi xuống mặc dù mẹ đã cố gắng nuốt ngược chúng vào trong nhưng không thể...

Một tháng sau, ba xuống cân, gương mặt gầy hơn rất nhiều và tóc cũng bạc đi. Tại nhà chờ của bến xe, ba mẹ con và em đã nói chuyện rất nhiều chuyện. Bây giờ nhớ lại đó là cuộc xum họp cuối cùng của gia đình mình. Con với ba cùng thảo luận nhiều vấn đề. Con xin ba được nghỉ việc về bên cạnh chăm sóc cho ba. Nhưng ba một mực không chịu, ba không muốn con gái mất đi công việc tốt hiện tại, ba nói: “Con về nhà sống cùng gia đình là điều ba mong muốn nhất, ba sợ con một mình bên ngoài lủi thủi sẽ sinh bệnh, lại không ai lo lắng cho con nhưng con không được vì ba bệnh, hay với suy nghĩ phụ giúp gia đình mà về, chí ít con phải tìm được một công việc tốt gần nhà, lúc đó về với ba là tốt nhất”. Tiễn ba mẹ lên xe, con với em cũng nhau ngồi lại quán nước, không hẹn mà nước mắt cùng rơi, chị em quyết định nhanh chóng sắp xếp công việc để được về bên ba sớm nhất. Đoạn đường dài từ Sài Gòn về Đồng Nai, nước mắt con hòa cùng nước mưa mặc sức rơi không ngừng...
Nhiều người trách rằng tại sao sức khỏe của ba như vậy con không bỏ công việc về chăm sóc ba? Nhưng hơn ai hết con hiểu tính cách của ba, hiểu cái ba cần bây giờ là gì, con cật lực tìm kiếm công việc, liên lạc với tất cả bạn bè ở nhà để mong sao nhanh chóng tìm một lý do hợp thức chuyện về nhà với ba. Nhưng đúng một tuần sau ngày tái khám ba mẹ nói con, hãy sắp xếp về nhà nhanh nhất có thể... Đầu con rối loạn, sức khỏe chuyển xấu như thế nào mà ba lại chấp nhận để con về nhà như vậy?
Con nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và về nhà. Sau một đêm con thức trắng, con lên công ty sắp xếp và rời khỏi chỉ trong một tiếng đồng hồ. Lẳng lặng xếp đồ đạc lên xe máy về nhà. Đi được nửa chặng đường thì mẹ gọi điện, và với cái kỹ năng trời sinh của mẹ, con không cần nói mẹ cũng biết con đang ở đâu. Con cứ thế bình tĩnh, từ từ chạy qua 200 cây số về nhà. Vừa dừng xe ba đã bước lại ôm con như mọi lần, nhưng cái ôm lâu hơn và mang lại một thứ cảm xúc rất khó diễn tả bằng lời. Con và ba nhìn nhau cùng mỉm cười.
Tuy rằng ba đã gầy đi, sắc mặt có tiều tụy hơn trước, nhưng nó cũng đang được cải thiện. Con không biết là vì tinh thần hay lý do gì ba ăn được thêm một chút, da mặt hồng lên một chút. Hai mươi sáu năm làm con, nhưng những ngày chăm sóc ba con mới được làm một số việc cho ba: cùng mẹ lo cho ba từng bữa ăn, đưa cho ba từng ly nước, ly thuốc. Ba biết không, mỗi lần xoa bóp cho ba, thấy ba từ từ đi vào giấc ngủ, gương mặt hiền từ, con đã không thể ngờ rằng, cái việc làm nhỏ nhoi ấy, giấc ngủ ngắn ngủi ấy của ba đối với con lại ý nghĩa đến vậy...
Con không thể nào quên được buổi tối hôm đó, ngày thứ chín khi con trở về nhà, ba gọi con qua phòng tiếp tục xoa bóp. Tiếng gọi “con gái ơi” quen thuộc làm con một phát đứng dậy chạy ngay qua, ngồi bên chiếc võng của ba. Con, mẹ và ba cùng nhau nói chuyện, cùng bàn về bài thuốc mới. Ngày mai mẹ sẽ làm cho ba uống, ngày mai sẽ tiếp tục với cuộc chiến đấu ấy, cuộc chiến mà mẹ và con luôn sát cánh bên ba, em trai dù ở xa nhưng cũng đang sắp xếp công việc một tuần nữa trở về nhà. Con vẫn tin rằng với sự kiên trì, tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm chiến đấu của ba, ba nhất định sẽ nhanh chóng khống chế được bệnh tật. Con không thể ngờ rằng đó là cuộc nói chuyện vui vẻ, đầy hi vọng cuối cùng của chúng ta.

Ba biết con hối hận thế nào không, giá như sau khi nghe ba nói về phòng ngủ, con đã ở lại. Giá như con được bên cạnh ba đêm đó... Dù là lúc đau nhất, yếu nhất ba cũng không cho mẹ khóc, ba sợ con sẽ buồn khi nghe thấy. Ba biết tim con đau như thế nào khi nghe mẹ kể lại câu nói đó không?
Sau lúc mê man vì thuốc, ba đã nói con nhắc nhở em phải đi cẩn thận, sau khi biết em đi xe đò về ba gật đầu yên tâm. Ba luôn nói với mẹ và con là ba đang cố gắng, ba tỏ ra không vui khi mẹ, con mà mọi người rơi nước mắt, ba động viên: “ Đừng sợ, ba không sao, chỉ tại đêm qua không ngủ được với lại đau quá”. Nhưng rồi ba cứ lịm dần, lịm dần đi. Trong ba luôn là sự cố gắng. Nhưng con cảm nhận được, sau khi nhìn thấy em về bên cạnh ba đã dần dần gục ngã. Ba đã không thể gắng gượng dặn dò mẹ con con bất cứ điều gì. Cho đến lúc xe cứu thương đưa ba về nhà, nằm trên chiếc giường quen thuộc, ba không một lần mở mắt, hơi thở trở nên ổn định, nhẹ nhàng, gương mặt bắt đầu thư giãn... Mười hai tiếng từ lúc cơn đau bắt đầu, ba đã vĩnh viễn ra đi... với gương mặt như đang ngủ say, bình yên và hiền từ...
Ba biết không, sự ra đi của ba làm cho rất nhiều người đau lòng, họ đến đứng bên ba trách mắng. Họ trách ba đau bệnh mà không chịu nói, không để mọi người biết mà ra thăm.
Ba biết không? Ba luôn là niềm tự hào, là sự kiêu hãnh của con và em. Bạn bè nhiều đứa ghen tỵ với con vì ba đó. Ba nuôi con, cho con đi học thành tài, nhưng kiến thức của một anh nông dân như ba thật con không thể nào sánh nổi. Con tưởng như cái gì ba cũng biết, việc gì ba làm cũng đều rất chỉn chu, chăm chút. Từ cái cây ba trồng, cái vườn ba chăm, cái nhà ba xây cho đến những lời dạy ba dành cho con và em.
Ba đã luôn yêu mẹ và thương chị em con cho đến cuối cùng, ba mãi mãi là niềm tự hào của mẹ con con. Con thật sự cảm thấy rất hối tiếc, có rất nhiều chuyện con chưa kịp làm cho ba, có rất nhiều lời con chưa kịp nói với ba, có rất nhiêu... Giá như con biết trước có lẽ bây giờ đã không phải nuối tiếc như thế này, bạ ạ!
© Cherry – blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

3 tư duy khiến phụ nữ âm thầm nghèo đi từng ngày: Càng tiếc tiền, càng chẳng bao giờ giàu
Mặc dù đọc rất nhiều bài về tiết kiệm, lối sống tối giản, cách chi tiêu thông minh nhưng càng đọc, tôi càng nhận ra: Chỉ biết tiết kiệm từng đồng không khiến chúng ta giàu lên. Trái lại, có những tư duy sai lệch âm thầm "rút cạn" túi tiền của phụ nữ, khiến họ suốt đời mắc kẹt trong nỗi lo tài chính.

Chỉ là quá khứ mà thôi
Đôi khi, chia tay không phải là kết thúc mà nó là khởi đầu cho cuộc tìm kiếm hạnh phúc thật sự của bản thân bạn. Có thể bạn sẽ phải đau khổ trong một thời gian nhưng nỗi đau rồi sẽ vơi đi nếu bạn chấp nhận nó.

Tiếng thở dài
Cứ mỗi độ tháng tư sang lại chạnh lòng nhớ anh hai! Nhớ luôn những anh trai làng đã ra đi không bao giờ trở lại, khác với lời hứa hẹn khi đất nước hòa bình sẽ trở về như trong thư đã viết. Bây giờ đã hòa bình thế bóng dáng các anh đâu khi quê hương vẫn đợi! Cha Mẹ già còn chờ trông?

Tôi bén duyên cửa Phật nhờ có bà
Tuổi thơ tôi có “thâm niên” chăn bò đến gần cả 10 năm. Và trong khoảng thời gian “dằng dặc” ấy, dẫu ngày nắng hay mưa, đông hay hè,… có khi chỉ thoáng chốc, có khi nguyên cả buổi chiều, chẳng ngày nào, tôi không có mặt ở bên bà.

30! Có quá già để bắt đầu lại từ đầu?
Đối với chúng ta, những con người bình thường, sinh ra trong một gia đình bình thường thì học chính là con đường nhanh nhất, dễ đi nhất để chúng ta thay đổi số phận.

Đi qua bao đau thương - hạnh phúc mãi chung đường
Thì ra, ranh giới giữa tình yêu không nằm ở giàu nghèo, không nằm ở danh phận hay định kiến. Mà nằm ở việc chúng ta có đủ yêu thương để bước tiếp cùng nhau, có đủ dũng cảm để không buông tay—dù là trong những ngày nắng đẹp hay giữa cơn bão tố cuộc đời.

Yêu lành - Học cách buông bỏ trước khi biết thế nào là tình yêu
Trong cuốn sách này, Tiến sĩ Charlotte Kasl đã kết hợp những kiến thức tinh hoa giữa triết lý Phật giáo và tâm lý học phương Tây để cung cấp cho độc giả một “hướng dẫn sử dụng” tình yêu tập trung vào sự chân thành và chánh niệm.

Con là người lính hôm nay
Chị cũng đã chờ anh suốt bao tháng ngày dài, từ khi còn là người con gái thanh xuân, từ khi còn là cô gái với sắc xuân phơi phới cho đến bây giờ mái tóc chị đã điểm màu tóc bạc và cả những dòng nước mắt đã âm thầm chảy mãi trên gương mặt đã bị thời gian lấy đi tuổi trẻ. Chị vẫn mòn mỏi chờ anh trong hy vọng, rồi trong vô vọng, mà chị vẫn chờ.

Tách trà hoa...
Thời gian ở bên nhau, cái khoảnh khắc tôi thích nhất chắc là mỗi cuối ngày, được ngồi cạnh anh, cầm trong tay tách trà ấm, thỏ thẻ với nhau đôi điều về cuộc sống, về công việc. Cái ban công bình yên, vừa đủ chỗ cho cả hai, nhưng... trớ trêu thay, đó chỉ là câu chuyện tình của quá khứ.