Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những con đường in bóng cha

2016-08-26 01:26

Tác giả:


blogradio.vn - Những con đường mà cha đã từng qua dù không có một cái tên cụ thể nào, nhưng thấm đẫm mồ, nước mắt và những nhọc nhằn chưa bao giờ cha nói. Bàn chân cha đã đi qua tất cả những gian nan để lái chuyến đò chở cuộc đời con vượt qua giông bão cuộc đời. Những con đường con qua dường như không ghập ghềnh, không chông chênh, bởi những con đường ấy có dấu chân cha, có bóng hình cao cả của cha.

***

Với con, mỗi con đường đời đều bình yên khi có cha bên cạnh.

Những con đường mà cha đã từng qua, có những nơi cây cỏ, gai góc mọc khắp lối, có những nơi sỏi đá kín bàn chân, có những nơi nhuộm nắng hè bỏng rát, có cả những nơi phủ sương lạnh buốt đêm đông... Những con đường ấy dù không có một cái tên cụ thể nào, nhưng thấm đẫm mồ, nước mắt và những nhọc nhằn chưa bao giờ cha nói. Bàn chân cha đã đi qua tất cả những gian nan để lái chuyến đò chở cuộc đời con vượt qua giông bão cuộc đời. Những con đường con qua dường như không ghập ghềnh, không chông chênh, bởi những con đường ấy có dấu chân cha, có bóng hình cao cả của cha.

Tuổi thơ con gắn liền với hình ảnh của cha, của những phút đầu tiên con tập lẫy, tập bò, những lúc hai đầu gối non nớt của con lem nhem vì nền đất, hai bàn tay con đen nhẻm vì đủ thứ bụi bẩn quanh nhà, cha là người xuýt xoa, rửa ráy cho con. Rồi đến những bước chân chập chững, liêu xiêu chưa vững, những bước chân đầu tiên ấy của con luôn có cha bên cạnh, đó là khi cha đưa những ngón tay thô ráp, xương xương của mình ra để con nắm lấy tập đi, đó là khi con men theo thành giường để tập những bước ít ỏi cha cũng không quên đứng đó dõi theo, đếm từng bước con đi... Những bước đi đầu tiên ấy không thể thiếu tiếng cười, niềm hạnh phúc và những bước chân cha luôn bước bên con.

Khi con biết tự mình bưng bát cơm, tự mình cầm chiếc thìa nhỏ bé để ăn cơm cũng là khi rất nhiều lần con làm vỡ chén bát, cha vẫn vậy, không bao giờ quuát mắng hay giận dữ, chỉ lặng lẽ nhặt những mảnh vỡ quanh con và dặn dò con cẩn thận. Khi con bắt đầu biết đến thứ gọi là “lớp học”, biết đến người được gọi là “cô giáo”, biết đến những người bạn đầu tiên chơi với nhau một cách thật hòa nhã... cha cũng là người dắt con đi. Bước chân cha đồng hành cùng con mỗi sáng đến lớp, cha dắt con qua những con đường làng trải sỏi gồ ghề, cha kể con nghe những câu chuyện cổ tích mà ở lớp cô chưa kể, cha xua đi nỗi sợ hãi và bỡ ngỡ trong con những ngày đầu vào lớp... Và cha lại đón con mỗi buổi chiều khi lớp đã tan, con nhớn nhác nhìn theo những chiếc công nông chạy xình xịch ngoài đường và đợi cha, đối với con, cô bé bốn tuổi khi đó thì hình ảnh của cha với đôi chân trần còn dính bùn đất, đôi ống quấn xắn vội không được chỉnh trang, đôi tay gầy guộc dang rộng khi thấy con, tất cả như một vệt hằn trong trí nhớ mà con chưa và có lẽ là không bao giờ quên. Và cứ thế, cái thuở “ê a” của con với những con chữ đầu tiên luôn có cha là bạn, là thầy!

Những con đường in bóng cha

Đôi chân trần của cha đã đi tưởng như không chút đau đớn biết bao năm, cha dường như không giành cho mình dù là một đôi dép thật mới thật đẹp, vậy mà khi ánh mắt con hau háu nhìn những đứa trẻ con hàng xóm tập đi xe đạp, cha đã không ngần ngại tích góp những cân thóc cuối vụ, những đồng tiền mà cha vẫn dành dụm sau mỗi buổi chợ, lặn lội tìm mua cho con một chiếc xe đạp cũ. Chiếc xe đạp ấy là tài sản đầu tiên mà con thấy quý đến vậy, một chiếc mini đã cũ, đã han rỉ một vài chỗ, chiếc giỏ xe đã hơi xộc xệch, nhưng nó là món quà đầu tiên cha tặng con. Vậy là sau những ngày dắt tay con qua từng con đường nhỏ, cha lại lại cùng con bên chiếc xe đạp, cha bế con lên chiếc xe nhỏ bé, cha cặm cụi một tay đỡ yên xe, một tay lái để con lạch cạch đạp những vòng đầu tiên. Có khi con mệt, cha lại nhấc con ngồi phía sau rồi chở con lòng vòng dạo chơi đây đó, những lúc ấy con thấy gió mát của những cánh đồng thổi vào mặt mát lịm và cùng cha nghêu ngao một vài câu hát dù có những bài cha chưa kịp thuộc lời, những tiếng cười của cha và con khi đó khiến cho con cảm thấy đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời.

Bởi chỉ khi đó con mới thấy đôi bàn chân cha được bình yên đến vậy, đôi bàn chân ấy xoay theo những vòng xe thoăn thoắt, đón những luồng gió mát lùa qua, trong phút giây ấy, đôi bàn chân cha không phải dầm dưới những lớp bùn sâu ngập mắt cá, đôi bàn chân ấy không phải lê la dưới sân thóc bỏng rát ngày nắng mà hong đi hong lại, đôi chân trần ấy cũng không phải lội dưới lớp đất đá lởm chởm mà cuốc xới để trồng thêm vài cái cây... Có lẽ những nhọc nhằn thường ngày khiến cha quên mất những giây phút thảnh thơi ấy khi cùng con đạp xe, nhưng với con đó là hạnh phúc!

Lớn dần lên, con muốn mình tập quen dần với những nhọc nhằn của cha, con theo cha ra đồng những ngày nghỉ hè. Con mặc cả với cha từ tối hôm trước rằng cha phải gọi con dậy từ sáng sớm để đi cùng cha. Vậy là con đã có những buổi cùng cha ngồi trên chiếc xe bò, đi dưới lớp sương sớm lờ mờ, miệng còn ngáp ngủ, mắt còn lim dim uể oải. Theo cha rồi mới thấy vì sao đôi chân cha lại chai sần, đen đúa, đôi tay cha lại thô ráp, nhăn nheo đến vậy. Thử hỏi rằng đôi chân nào có thể trắng trẻo khi hàng ngày nó thấm những lớp sương lạnh, rồi ngập trong bùn, dẫm lên đất sét, bước vội trong lớp nước ngả màu vàng để theo cho kịp những đường cày, hoặc cứ trần trụi mà dẫm lên những gốc rạ còn sót lại sau những mùa gặt... Và đôi tay nào có thể mềm mại cho được khi mà từ sáng sớm tới tối khuya không ngừng nghỉ, có khi là cắt những lượm lúa vàng ươm, có lúc là cấy những nhánh mạ nhỏ xanh dưới cái nắng tháng sáu bỏng rát, có khi là sàng sẩy những thúng lúa để gom về những bao thóc mẩy căng, có lúc lại cặm cụi tranh thủ bắt cho con bữa cua, bữa cá thật tươi những ngày mưa lũ ngập bờ sông... Cha bảo những việc ấy “đơn giản” lắm, nhưng những ngày theo cha con mới thấm những nhọc nhằn dưới bàn chân, trong đôi tay, trên đôi vai và khuôn mặt cha. Khuôn mặt quanh năm rám nắng ấy, đôi vai áo sờn bạc ấy, đôi bàn tay thô ráp ấy và đôi bàn chân chai sạn ấy... tất cả đã nuôi con lớn khôn.

Những con đường in bóng cha

Khi con lớn hơn là lúc con biết rõ hơn đến ngày Quốc tế lao động, con đã nghĩ đến ngày đó cha cũng sẽ được nghỉ ngơi như bao người khác, con đã mong cha sẽ đưa con đi chơi như bao bạn bè khác, nghe lũ bạn học kể về dự định ngày nghỉ cùng bố mẹ, con đã mong mỏi biết chừng nào. Nhưng với cha, ngày đó dường như không được biết đến, và đó cũng là ngày cha quyết định đi làm xa nhà, cha bảo cha sẽ cố gắng để sang năm mua chiếc tivi màu cho con xem. Vậy là đúng vào ngày mà người ta vẫn nghỉ ngơi thì cha lại xách túi quần áo xếp vội vài bộ, đeo đôi dép tổ ong quen thuộc và bắt xe đi làm. Ngày ấy, con đã ghen tị biết bao khi thấy những bạn cùng lớp được đi chơi cùng bố mẹ, con đã thầm trách cha tại sao đến cả một ngày nghỉ cha cũng không giành cho con, nhưng cha biết không, chính một chút “vô tâm” ấy đã khiến con thương cha biết chừng nào. Cả cuộc đời cha dường như chưa một ngày nghỉ ngơi thực sự, con biết rằng sau chuyến đi ấy cha sẽ lại bắt tay ngay vào công việc, đôi chân cha sẽ lại trần trụi mà dẫm lên những đống gạch ngổn ngang, những đống vôi vữa dính nhoe nhoét, rồi lại trèo lên những tầng nhà cao ngất mặc trời nắng như rang khô mọi thứ, và đôi tay cha lại thoăn thoắt với những viên gạch, với con dao xây. Có lẽ những lúc ấy cha chỉ nghĩ đến những món quà có thể mua cho con sau một vài tháng xa nhà hay là chiếc tivi mà con vẫn mong ước chứ không quan tâm đến làn da đang bỏng rát vì nắng, cũng chẳng để ý đến lớp mồ hôi đang túa ra trên mặt, trên lưng... Sức chịu đựng của cha khiến con mỗi lần nghĩ đến đều thấy nghẹn lòng, hình ảnh của cha là thứ hình ảnh mà với con nó chỉ có thể tồn tại trong tâm trí chứ không bất kỳ ai có thể vẽ lên được, bởi lẽ cha dường như không khi nào đứng yên.

Càng lớn lên, thời gian con được gần bên cha càng ít và những nhọc nhằn trên đôi chân cha càng nhiều. Ngày con đi thi đại học, cha cũng bên con như những ngày đầu tiên con vào mẫu giáo, cha đèo con ra thành phố bằng chiếc xe máy cũ, cha lo cho con từng bữa ăn, từng cốc nước, cha đứng đợi con mấy tiếng đồng hồ ngoài cổng trường thi dưới cái nắng tháng 7 mà không một tán cây nào có thể che nổi sự gắt gao của nó. Cha cứ kiên nhẫn như vậy mà không một lời than thở, không một ánh mắt khó chịu nào, cha thậm chí không uống một cốc nước lạnh nào bên đường chỉ vì nghĩ rằng số tiền uống nước đó đủ để mua cho con một nắm xôi vào sáng hôm sau... Cha là vậy, cứ lặng thầm như một chiếc bóng không tên, nhưng với con, cha vĩ đại hơn bất cứ điều gì trên đời.

Những con đường in bóng cha

Bốn năm con sống cuộc sống sinh viên là bốn năm con thấy thật dài, con xa cha, xa những nhọc nhằn, lam lũ thường ngày con vẫn thấy, xa khuôn mặt khắc khổ của cha, xa bàn tay khỏe khoắn, xa đôi vai vẫn gồng gánh sớm chiều, xa đôi chân trần không ngại sương gió, xa mùi mồ hôi nồng nồng, khen khét... Đó là khoảng thời gian con thấy thiếu thốn thật nhiều: thiếu những tiếng cha gọi buổi sáng, thiếu những bữa cơm thơm lừng mùi cá rô đồng mà con thích, thiếu những buổi tối mất điện quanh quẩn bên cha nghe cha kể chuyện đồng áng, thiếu tiếng ho hắng, trằn trọc của cha những đêm khuya.

Có những lần cha tranh thủ lên tận trường thăm con, cmang theo một vài cân gạo quê, vài bó rau hái từ sáng sớm, mấy quả dưa mà con thích... Có lần cha mang cho con một vài thứ đồ dùng mới, có khi là chiếc áo mới mua, có khi là đôi giày, có khi là cả chiếc mũ, chiếc ô... vì cha sợ con gái tiết kiệm ngại sắm sửa, nhưng có những thứ mà con thấy rất hiếm khi cha mua mới đó là chiếc áo của cha, chiếc quần đã sờn gấu còn dính vài bông cỏ may chưa kịp nhổ, đôi dép đã ố vàng. Những lúc ấy, con chỉ nhìn cha mà nghẹn đắng cổ. Mọi thứ ở nhà cha đều giành dụm chỉ với một lý do đợi con về, mỗi lần về với cha con lại thấy mình bé lại, con lại được ăn những thứ con thích, lại được theo cha ra đồng, lại được cha làm cho chiếc cần câu rồi lê la cả buổi quanh những con mương, lại được theo cha đi soi cua buổi tối, lại được ngồi trước hiên nhà nhìn cha cho lũ vịt, gà ăn... Đối với con, một đứa trẻ vốn chưa bao giờ biết đến bánh trung thu trong những chiếc hộp đẹp đẽ, chưa một lần trong đời tổ chức một bữa tiệc sinh nhật, cũng chưa bao giờ được mặc những chiếc váy thật đẹp, thật đắt tiền... nhưng những ngày tháng bên cha, những gì cha giành cho con khiến con cảm thấy mình “ giàu có” biết chừng nào.

Mọi thứ trên đời có thể thay đổi, có thể trôi đi với thời gian, có thể cũ kỹ, già nua và khô khan đi, nhưng có một thứ trong con nó luôn luôn mới mẻ, ấm áp và dường như bao nhiêu năm qua chưa khi nào nó nguội lạnh, khô khan, đó là tình yêu cha giành cho con. Nó ấm áp như bếp lửa mà cha vẫn nhóm lên mỗi sớm, mỗi chiều, nó tồn tại trong con như bóng hình cặm cụi của cha vẫn ngả ở mọi ngõ ngách trong ngôi nhà, trên mỗi con đường, bờ mương, thửa ruộng... và cả con đường đời mà con đi, trên con đường ấy, mỗi bước con đi đều in bóng cha!

© Hoàng Hằng – blogradio.vn

Có thể bạn quan tâm: Thèm lắm một bữa cơm nhà





Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Lời hứa tháng mười (Phần 2)

Lời hứa tháng mười (Phần 2)

Cuộc hẹn chụp ảnh này, Phong cảm thấy có chút mong chờ. Khi bạn được gặp người tạo ra thứ bạn thích, trong bạn đã tồn tại một sự ngưỡng mộ về tài năng con người đó. Phong nghĩ mình nên kết bạn với anh chàng thú vị này.

Yêu “Nhạt

Yêu “Nhạt" nhưng “Lành"

Mình cố gắng nói ít đi, làm nhiều hơn. Kết quả là cách mình trả lời cho câu hỏi “Có yêu không?" Bởi mấy ai chấm điểm quá trình, cái cuối cùng chúng ta quan tâm chẳng phải là đích đến tròn, méo, vuông vức ra sao đúng chứ?

Năm mới xinh tươi

Năm mới xinh tươi

Trong bao bước chân nhẹ êm trên những con đường vắng Năm mới vừa đi qua với giao thừa rộn rã

Hai đầu ngọn sóng

Hai đầu ngọn sóng

Bảo thấy gia đình em rất giống một bài hát mà em hay nghe là “Ở hai đầu nỗi nhớ”, nhưng Bảo lại muốn thêm vào là gia đình có đến ba đầu nỗi nhớ lận. Vì mẹ luôn trong bệnh viện và quay cuồng với những ca cấp cứu với những bệnh nhân còn ba ở ngoài tận khơi xa, chỉ có mỗi Bảo ở nhà và luôn ngồi vào bàn ăn một mình.

Mùa đông dang dở

Mùa đông dang dở

Em nhớ hoài mùa đông năm ấy Mùa đông có anh một mùa đông có anh Em nhớ hoài mùa đông năm ấy Anh bên cạnh em và bên em suốt con đường

Lời ước hẹn

Lời ước hẹn

Anh có còn nhớ lời ước hẹn cùng em Lời ước hẹn năm xưa anh đã nói Lời ước hẹn trong một ngày đông cũ Khi cơn gió đông về cứ buốt lạnh tim em

Cho con cả bầu trời

Cho con cả bầu trời

Chị nói là mẹ sẽ cho con cả bầu trời này trong đó có vô vàn tình thương của mẹ gởi theo con, để ở một nơi thật xa con sẽ luôn có mẹ, luôn có tình thương của mẹ bên cạnh, và con sẽ được ấm áp được bình yên dù không có mẹ bên cạnh.

Ngày ta gặp nhau

Ngày ta gặp nhau

Anh có đếm những ngày xuân lặng lẽ Khi cả anh cả em đều cùng ngóng trông nhau Khi bao xuân qua ta cứ mãi đợi chờ Vì những niềm vui vẫn cứ còn dang dở

Nhân vật

Nhân vật "thức tỉnh" và thể loại bi kịch

Việc các tác giả xây dựng những nhân vật "thức tỉnh" có lẽ giúp người xem nhìn nhận khái quát về nhân vật sớm hơn, cũng tạo nhiều cảm xúc hơn khi xem, đọc kịch. Nhưng đồng thời cũng giúp bi kịch đi sâu hơn, khi những nhân vật đó đã hoàn thành "sứ mệnh" của mình.

Ngày toàn thắng

Ngày toàn thắng

Rồi một buổi sáng chị mở bừng mắt khi tiếng cô phát thanh viên trên đài liên tiếp đưa tin về những cuộc rút quân của giặc Mỹ, chị Nhành thấy vui như mở cờ trong bụng. Chị cứ ôm chặt con vào lòng và gọi tên anh, nhưng chị không thể biết được ngày nào là chính xác anh quay về bên chị.

back to top