Đi nhặt hạt mưa rơi
2020-04-12 01:20
Tác giả:
Thảo Vy
blogradio.vn - Thời gian giống như con dao hai lưỡi, nó khiến tôi quên những thứ không muốn nhớ và làm mờ, xoá nhoà đi những thứ tôi chưa bao giờ muốn quên. Vậy nên tôi luôn đi nhặt nhạnh những hạt mưa để giữ lại, những hạt mưa kí ức, những hạt đã chảy qua con suối nhà ngoại và mang những hạt mưa đó gột rửa nỗi ân hận của mẹ tôi.
***
Ba giờ chiều, khi đang trên đường về phòng, tôi nhận được một cuộc gọi từ Tuyền:
- Alô! Ngoại tao tự nhiên bị mệt. Tao với mấy dì phải đưa ngoại vô bệnh viện. Chắc tao ở thêm mấy ngày nữa mới lên lại nên sắp tới đi thực tập có gì mày tự sắp xếp nha.
Gác máy, tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài câu chúc ngoại nó mau khỏe. Ba mẹ mất từ sớm, Tuyền sống với ngoại nó từ nhỏ, nên đối với nó bà ngoại là cả bầu trời. Trong trí nhớ của tôi, ngoại Tuyền là một cụ bà đẹp lão mê hát cải lương và nấu món cà ri ngon tuyệt. Vài hôm nữa, chắc tôi cũng sắp xếp thời gian về thăm ngoại của Tuyền.
Mười rưỡi đêm, âm báo Messenger vang lên, là từ Tuyền: Ngoại nó không qua khỏi. Mới cách đây khoảng một tháng, tôi sang nhà, ngoại nó còn cười khoe tôi mấy tấm hình chụp cháu bà lúc nhỏ, vậy mà bây giờ… sao đột ngột quá. Vậy là Tuyền đã mất đi bầu trời, còn tôi thì mất đi chốn bình yên nơi đất khách. Đêm đó tôi không ngủ được vì mãi nghĩ về chuyện của Tuyền, làm bạn nó hơn bốn năm cũng là ngần ấy năm tôi quen ngoại nó. Sau thẳm trong lòng mình, tôi luôn coi cụ như bà của mình, vì cụ cũng giống ngoại tôi, yêu thương cháu mình hết mực.
Năm đó tôi sinh non, mới bảy tháng đã đòi ra ngoài. Sau này mẹ kề lại, lúc đó tôi chỉ bằng chai nước suối, may mắn lắm mới sống nổi. Chắc vậy nên bao nhiêu tình thương ngoại đều dành hết cho tôi. Thuở đó, gia đình còn nghèo lắm, vì cuộc sống mưu sinh mà ba và mẹ mỗi người ở một nơi. Mẹ tôi phải đi làm suốt nên phần nhiều thời gian tôi đều ở với ngoại. Nhà tôi và nhà ngoại cách nhau xa, trong trí nhớ của tôi là phải đi thẳng qua 800 cái số nhà, quẹo phải hai lần tới nhà bà Tư bán tạp hóa, chạy ngang qua ba vườn chè là tới nhà ngoại.
Hằng ngày tôi đều cùng ngoại ra vườn. Vườn nhà ngoại không lớn lắm nhưng cũng đủ để in cái bóng lưng còng nhấp nhô của ngoại. Ngoại tôi trồng nhiều loại rau và cả bầu, bí nữa, một phần trồng để ăn, một phần dùng để bán. Tôi chẳng thể nào quên được, ngoại có mùi rất đặc trưng mà khi đó tui cảm thấy khá “kì cục” mà ngoại hay nói là mùi của người già: Đó là sự hăng nồng của trầu quyện với mùi đất.
Ngoại trải qua hai lần đò nhưng cuối đời lại chọn sống một mình. Không phải vì mẹ tôi, mấy dì hay mấy cậu không muốn ngoại về ở cùng mà chắc bà hiểu con mình còn không nuôi nổi cháu, thì lấy gì lo cho bà. Ngoại không muốn trở thành gánh nặng và ngoại cũng muốn những năm tháng còn lại sống trong căn nhà mà cả đời đã gắng bó. Tôi nhớ mình hay chơi đùa với con Lu dưới tán cây phượng tím trong vườn, tán cây lớn che cả một khoảng trời, che mát luôn cả tuổi thơ tôi.
Cạnh nhà ngoại có một con suối chạy ngang, hai bên bờ mọc rất nhiều cây bình bát như một bức tường dày, ngăn tôi lại mỗi khi tôi muốn xuống đó nghịch. Đến khi trái chín là tôi sẽ được ăn món bình bát dầm đường đá, đó cũng là lúc tôi nghe được mẹ cằm ràm: “Nhà đã không có nhiều tiền mà bà ngoại xài đường tốn quá”. Thời gian sau đó, mỗi khi ăn bình bát là hai bà cháu tôi luôn có hai phần, phần ngọt cho tôi, phần không ngọt là của ngoại. Tôi cũng đã từng thắc mắc hỏi ngoại tại sao, ngoại đáp nhẹ tênh vì ngoại già rồi, mà người già không thích ăn đồ ngọt. Câu trả lời đơn giản đó đã theo tôi rất lâu, lâu đến nỗi nó ăn sâu trong tiềm thức tôi và trở thành điều hiển nhiên trong tâm trí.
Nhiều năm sau đó, có lần tôi xem một chương trình ti vi và hỏi lại mẹ tôi về chuyện này. Mẹ nói có người già nào mà không thích ăn ngọt và câu chuyện bình bát dầm đường đá lần đầu tôi biết được tường tận, biết được vì sao người già không thích đồ ngọt và hiểu luôn cái nghĩa đau đớn đầy xót xa của từ “giá như”. Đã nhiều lần tôi nghe từ mẹ: “Giá như ngày xưa điều kiện tốt như bây giờ hay giá như ngày đó bớt lo làm đi một chút …” Tôi luôn biết mẹ tôi luôn tự trách bản thân mình vì đã không chăm sóc tốt cho ngoại.
Ngoại bị gãy chân trong một lần bước xuống cầu thang, lúc ấy với sự bất lực của một đứa trẻ, tôi ôm Lu khóc vì tôi mới hiểu ra từ “già” không phải là tính từ, mà là một sự hiện hữu. Gia đình tôi đưa ngoại về nhà chăm sóc, ngoại phải nằm một chỗ. Ngoại hay lén mẹ cho tôi phần quà vặt của mình, có khi cũng là vài ngàn tiền còn lại sau khi tôi đi mua trầu cho ngoại. Giữa tôi với ngoại thoả thuận một bí mật khi làm những chuyện đó là “không nói cho mẹ biết”. Sau đó ba làm ăn thua lỗ, gia đình đã nghèo giờ thêm kiệt quệ. Ngoại về nhà dì cả ở, lúc đi ngoại nói nhỏ với tôi “Ngoại để cho con một quả táo, một bánh bông lan với mấy ngàn tiền lẻ. Con ăn rồi giấu tiền đi, để dành, muốn ăn bánh thì mua. Đừng để mẹ biết rồi mẹ la”.
Khoảng ba năm sau, một tối tôi đang chơi cờ với chị, ba tôi chạy về nhà chở tôi cùng chị qua 800 cái số nhà, quẹo phải hai lần tới nhà bà Tư bán tạp hóa, chạy ngang qua ba vườn chè tới nhà ngoại để gặp ngoại lần cuối. Con Lu lúc đó đã bị người ta bắt mất, bông hoa phượng tím cuối cùng cũng rụng, ngoại thì ra đi, kết thúc một đời người.
Năm nay Tây Nguyên vào mùa mưa rồi, từng cơn mưa dai dẳng như trút nước, trắng xoá từng vườn trà. Nhìn ra cây bình bát sau nhà, tôi lại thực hiện lời hứa với ngoại “không nói cho mẹ biết”. Tôi giấu mẹ về nỗi nhớ ngoại vì tôi biết sự ra đi của ngoại tôi đối với mẹ cũng chẳng phải dễ dàng gì. Nhiều năm qua như vậy rồi nó vẫn như ngọn lửa cháy âm ỉ không dứt, biết bao cơn mưa rồi và tôi tự hỏi phải thêm bao cơn mưa nữa mẹ tôi mới nguôi ngoai.
Những hạt mưa từ trên cao rơi xuống đất, chảy ra suối, ra sông rồi hoà với nhau ra tận biển. Đôi khi tôi tự hỏi đối với những hạt mưa còn lại thì chúng sẽ đi đâu, hay bốc hơi về lại trời. Thời gian giống như con dao hai lưỡi, nó khiến tôi quên những thứ không muốn nhớ và làm mờ, xoá nhoà đi những thứ tôi chưa bao giờ muốn quên. Vậy nên tôi luôn đi nhặt nhạnh những hạt mưa để giữ lại, những hạt mưa kí ức, những hạt đã chảy qua con suối nhà ngoại và mang những hạt mưa đó gột rửa nỗi ân hận của mẹ tôi.
Thanh minh trong tiết tháng ba, hôm nay trời không mưa. Trăng vừa đủ sáng, vừa đủ tròn cũng vừa đủ đẹp. Tôi lại cùng các chị nghe mẹ kể lại những câu chuyện xưa:
Mấy chục năm vẫn trôi qua
Trời đất vẫn vậy
Con người đổi thay.
© I.V Lê – blogradio.vn
Xem thêm: Cuộc đời nhiều ngã rẽ như vậy, cho tôi hỏi lối nào về tuổi thơ?
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Tuổi 18 - Những điều đặc biệt
Tuổi 18 là tuổi của những ước mơ lớn. Ai cũng có một đích đến, một khát khao, một con đường riêng để theo đuổi. Có người ước mơ trở thành bác sĩ, có người muốn làm nhà báo, có người chỉ đơn giản muốn tìm kiếm một cuộc sống bình yên. Dù là gì đi nữa, tuổi 18 luôn tràn đầy nhiệt huyết và sự quyết tâm.

Trở về với đúng nghĩa của chữ YÊU
Chúng mình yêu nhau nhẹ nhàng, cho đi tình yêu và đặt hạnh phúc của đối phương lên trên. Chúng mình làm những thứ mà chúng mình nghĩ đối phương sẽ hạnh phúc mà chẳng bao giờ nghĩ đến việc người kia có làm lại đối với mình không, nên chúng mình không bao giờ phải suy nghĩ nhiều.

Tháng Ba đã đến rồi…
Buổi chiều hôm đó, họ nói với nhau nhiều chuyện không đầu không cuối. Những câu chuyện đan xen giữa hương cà phê, màu đỏ rực của hoa gạo, và ánh mắt anh trầm tĩnh mà sâu xa.

Phố cũ lặng thinh, ta lạc mất nhau rồi
Có một ngày phố cũ có đôi ta Bước chân quen cũng ngại ngùng bỏ lỡ Người qua vội, chẳng ai còn bỡ ngỡ Ta với ta giữa khoảng trống không người.

Lời chưa nói
Tớ với cậu bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều hơn rồi không biết từ lúc nào mà tớ đã thầm cảm thấy hơi thích cậu. Đã nhiều lần tớ thấy tớ thật ngu ngốc, sao lại có suy nghĩ kì quặc ấy, nhưng rồi những cử chỉ quan tâm tớ của cậu làm tớ bị nhầm tưởng.

Chấn động lợi ích của việc đọc sách thường xuyên: Ngoại hình thăng hạng, da dẻ hồng hào, khí chất ngút ngàn!
Không chỉ giúp nâng cao kiến thức, việc đọc nhiều sách còn có thể mang lại nhiều lợi ích đặc biệt mà không phải ai cũng biết.

Những ngày chênh vênh
Những buổi chuyện trò với nhỏ bạn tuy ít nhưng luôn khiến mình suy nghĩ nhiều. Mình thấy chênh vênh ghê gớm, nhưng rồi thì lòng mình cũng chững lại, để biết rằng mình cần phải làm gì.

Lời hẹn của con
Cho con được thêm lần nữa tự hào con là con của mẹ, con của một bác sĩ tận tậm tận lòng với mọi người. Con là con của ba, một chiến sĩ bộ đội đang canh gác ngoài biên cương xa xôi.

Tình yêu của mẹ
Đến bây giờ tóc của mẹ đã điểm bạc sương pha Các vết chân chim hằn đầy đôi mắt mẹ Năm ngón tay run không còn như thời son trẻ Vai mẹ gầy con bỗng thấy xót xa

Lời yêu
Tôi vẫn thường nghe một câu nói như này tuổi 17,18 ấy cái gì cũng có chỉ không có đủ dũng khí để nói thích một người. Đúng vậy, mãi cho đến khi sắp tốt nghiệp tôi vẫn không bày tỏ lòng mình với cậu ấy. Khi đó vào bữa tiệc chia tay cuối năm tôi ngồi cách cậu ấy không xa chỉ biết lặng lẽ ngắm nhìn cậu.