Chiếc hộp son của nội
2022-06-23 01:15
Tác giả: Bắc Duyên
blogradio.vn - Cũng là một ngày xuân, sau khi tin Hà Lam của nội tôi mất, ba tôi đem chiếc hộp son ra, thắp nén nhang trên bàn thờ, khấn điều gì đó tôi chẳng rõ, rồi đốt từng cuốn nhật ký, từng tấm ảnh úa màu của Nội, vài giọt nước mắt của ba rơi xuống “Nếu đã là quá khứ, con đành phải chôn vùi nó thôi ba ạ”.
***
Những ngày cuối đời, nội gọi ba tôi lại bên, trao lại một chiếc hộp gỗ màu đỏ thẫm với một chiếc khóa được mạ vàng có khắc chữ Son ở trên, chỉ bảo rằng đến khi nào ông yên nghỉ mới được mở ra và chẳng trăn trối thêm điều gì nữa.
Sau tang lễ của nội, ba tôi mới mở chiếc hộp ấy ra. Trong ký ức của tôi, chiếc hộp màu đỏ thẫm ấy tuy cũ mèm nhưng rất đặc biệt và không kém phần sang trọng với hoa văn hình phượng màu vàng nổi trên lớp gỗ sơn bóng đỏ thẫm, tôi đã từng nghĩ chắc ở trong đó là tài sản gì đó quý giá lắm, chẳng hạn như một hũ vàng giống trong những câu chuyện cổ dân gian mà nội vẫn hay kể tôi nghe lúc nội vẫn còn.
Suốt những ngày sau đó, tôi cứ lẽo đẽo chạy theo ba hỏi xem trong chiếc hộp đó là gì mà sao Nội lại cất giấu kỹ đến vậy. Ba nghiêm khắc nhìn tôi “Chuyện của người lớn trẻ con không được để tâm”. Tôi sợ nên cũng chẳng dám hỏi thêm điều gì, chỉ biết những ngày sau đó, không khí trong nhà tôi nặng nề lắm, cái đau buồn sau mất mát vì sự ra đi của Nội cứ dai dẳng cùng với bí mật nào đó ẩn chứa đằng sau chiếc hộp kia.
Tôi đã từng lấy can đảm hỏi mẹ “Trong đó chứa gì vậy mẹ?”.
Mẹ lặng lẽ khước từ nhìn vào ánh mắt của tôi “Trong đó là cả một vùng ký ức của một thời trai trẻ, là những bí mật mà chỉ những người đàn ông mới hiểu được nhau”.
Tôi lặng thinh, trong đầu nảy ra vô số những câu chuyện, chả nhẽ hồi trẻ Nội từng làm gì có lỗi lớn lắm hay sao, hay là Nội từng làm gì phạm pháp hay là tôi đã tưởng tượng ra vô số kịch bản nhưng rồi lại tự vấn mình “Không thể nào, nội mình vốn cương trực, giản dị thì làm gì có chuyện”.
Một chiều xuân sau một năm ngày nội mất, bên ngoài lất phất mưa phùn, mẹ tôi trong bếp ngâm nga vài câu thơ của Nguyễn Bính nghe thật buồn.
“Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay…”.
Một cái tết lạnh lẽo không phải vì những cơn gió xuân ngoài kia chẳng đủ ấm áp mà bởi năm nay gia đình tôi chẳng còn nghe tiếng đằng hắng và giọng nói già nua của nội. Tôi ngồi bó gối trên chiếc ghế đẩu, đọc cuốn tiểu thuyết đang dở, chú mèo già cuộn mình lười biếng cọ đầu vào tôi. Ba ngồi bên cạnh, viết cái gì đó, nom chăm chú lắm.
Một vị khách đến chúc tết, ba lật đật gấp vội cuốn sổ rồi ra tiếp chuyện. Tôi loanh quanh trong phòng, ngó ngang qua cuốn sổ của ba và sự tò mò khiến tôi lật từng trang giấy. Đó không phải là cuốn nhật ký, ba tôi chỉ đang ghi lại một vài địa danh, một vài chức sắc, cùng với những mốc thời gian của những năm tháng ông tôi còn tham gia cách mạng vùng núi phía Bắc.
Tôi dừng lại trước vài cái tên lạ lẫm và bất giác ngờ nghệch tại sao những cái tên đó liên quan tới một người “Hà Lam”, đây chẳng phải là tên của cô tôi sao. Cho đến cuối cùng, những khúc mắc trong tôi như được đáp lời, một tấm hình đậm màu thời gian, vài vết xước, vài vệt trắng nhòe qua bộ quân phục của nội thời trẻ, cạnh là một cô gái, tầm mười tám đôi mươi, đôi mắt to tròn đen láy trong chiếc áo dài trắng, khung cảnh là một buổi văn nghệ ở căn cứ địa Việt Bắc. Phía sau những dòng chữ nắn nót chẳng thể nhìn rõ, tôi chỉ có thể nhìn thấy tên của người ký gửi, thời gian và địa điểm.
“Tuyên Quang, ngày yêu tháng nhớ năm thương. Ký tên: Hà Lam”
Tôi chạy ù vào bếp, hỏi mẹ “Người yêu cũ của ông Nội tên Hà Lam đúng không mẹ?”
Mẹ giật nhẹ người “Làm sao con biết, con đọc trộm nhật ký của ông nội đúng không?”
“Con thấy tấm hình kẹp trong cuốn tập của ba kìa”.
Mẹ kéo tôi lại nói nhỏ vì sợ bà tôi trong buồng nghe thấy. Hóa ra trước khi ông bà tôi lấy nhau, ông tôi từng yêu thắm thiết một cô gái tận Tuyên Quang, hai người quen nhau trong suốt những năm tháng chiến tranh. Có lẽ vì lúc cưới bà tôi vì còn thương cô ấy nên mới đặt tên cho con gái đầu của nội là Hà Lam như để lưu giữ ký ức về một chuyện tình thuở thanh xuân của mình. Mẹ tôi bảo “Nếu theo những bức thư mà ông tôi nhận được từ cô ấy thì hình như hai người có với nhau một đứa con gái”.
Tôi giật mình “Ông nội tệ quá mẹ nhỉ.
Mẹ nhìn tôi “Ừ con thấy tệ lắm đúng không?”. Rồi bỏ tôi ngồi lại nhìn trời mưa ngoài kia, với sự thất vọng về người đàn ông mà tôi vô cùng kính trọng.
Bà tôi thì vẫn vậy, vẫn nhớ về ông, một người chồng, một người cha mẫu mực, một người đàn ông chuẩn tắc, nghiêm nghị và giàu lòng yêu thương. Sau này có lần tâm sự với ba, tôi mới hiểu, có lẽ những gì mà ông tôi làm thời đó là đúng đắn – chí ít thì nó đúng với bà nội tôi, với bố tôi và với các cô, các chú. Dù suốt cả phần đời còn lại ông đã phải gói ghém những hoài niệm ấy, cất chúng và khóa chặt chúng trong chiếc hộp son kia, nhưng trước khi nhắm mắt có lẽ “Hà Lam” vẫn còn khắc khoải trong lòng ông.
Mấy năm sau đó, ba tôi cũng tìm gặp được cô gái của Nội. Bà đã có một gia đình với ba người con trai, rất hạnh phúc và mỹ mãn. Bà chối bỏ về việc có với ông tôi một đứa con gái, bà bảo với ba tôi “Thời trẻ ai cũng từng lầm lỡ, nhưng nếu ông ấy đã quyết định từ bỏ tình yêu đó thì chắc cũng có lý do. Đó chẳng phải là anh bây giờ sao. Đau cũng đã đau rồi, khóc cũng khóc rồi, Tôi đã tha thứ cho bố anh từ bức thư cuối cùng tôi gửi cho ông ấy.
Ba tôi hiểu ý, nên cũng không đến gặp bà thêm lần nào nữa. Nhưng cả ba mẹ tôi và cả tôi vẫn mãi hoài nghi về sự chối bỏ đứa con gái của bà. Có lẽ cho đến lúc ông nội tôi không còn trên cõi đời này, thì sự dày vò của Hà Lam vẫn cứ âm ỉ ở trong gia đình tôi.
Cũng là một ngày xuân, sau khi tin Hà Lam của nội tôi mất, ba tôi đem chiếc hộp son ra, thắp nén nhang trên bàn thờ, khấn điều gì đó tôi chẳng rõ, rồi đốt từng cuốn nhật ký, từng tấm ảnh úa màu của Nội, vài giọt nước mắt của ba rơi xuống “Nếu đã là quá khứ, con đành phải chôn vùi nó thôi ba ạ”.
Trời trở chiều, mưa xuân vẫn lất phất trên những nụ đào hồng nhạt chưa kịp nở, gió xuân lành lạnh len lỏi vào trong những câu thơ mẹ tôi vẫn hay ngâm.
”Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày.
Anh ạ, mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây”.
Đem cả những ký ức trôi dần vào quên lãng,
Quảng Bình, Tết 2011
© Bắc Duyên - blogradio.vn
Xem thêm: Không điều gì quý giá hơn hai tiếng “gia đình”
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.