Chị từng lỡ dở cả thanh xuân nhưng không ngừng bước về nơi hạnh phúc
2020-11-26 01:25
Tác giả: Quang Nguyễn
blogradio.vn - Trong những lần nhớ quê nhà da diết, chị ngước mặt lên trời đưa mắt hướng về phía xa xôi, nơi ấy có căn nhà của chị, có dáng mẹ già và hơi thở của chị từ lúc chào đời. Đó cũng là động lực luôn nhắc chị phải cố gắng nhiều hơn nữa dù nằm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chị lấy tay lau nước mắt rồi lặng lẽ nở nụ cười, nụ cười ấy đẹp như những cánh hoa nở trong vườn xuân.
***
Chị đưa mắt nhìn bầu trời, mây đen sẫm trời âm u báo hiệu sắp có một cơn mưa lớn đổ xuống nơi này trong chốc lát. Chị vội vàng lấy quần áo đang phơi ngoài sân vào nhà, lắc đầu với nỗi lo âu hiện lên trên gương mặt của chị.
Nhà chị vừa mới gieo lúa giống ngày hôm qua xong, nếu mưa thì những hạt lúa giống ấy sẽ hư và trôi đi hết. Chị ngồi bên chiếc bàn may, thở ngắn thở dài với nỗi buồn hiện trong đôi mắt xa xăm, cái dây thước đo còn mang lòng thòng trên cổ, và một đống vải để đó lỡ dở, chưa may xong để kịp giao cho khách hàng.
Chị sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo, tuy vất vả lam lũ hết ngày lẫn tháng nhưng bù lại chị đang sống trong một gia đình hạnh phúc đầy ắp tiếng nói cười, trong tình thương bao la của cha mẹ và các thành viên trong nhà.
Là chị cả, tuổi thơ của chị là cái bóng theo cha chân lấm tay bùn trên cánh đồng lúa, là tiếng rao của những mùa hè với một thau chuối chiên trên đầu để kiếm tiền nuôi em phụ giúp cha mẹ.
Đến lớn chị làm nghề may, chị chưa lấy chồng chỉ muốn sống vậy để lo cho cha mẹ và các em dù chị đã hơn 30 tuổi đầu. Là con gái nhưng chị không quần xinh áo đẹp, không son phấn trưng diện như bao nhiêu người con gái khác, chỉ đơn giản là chị muốn để cái tiền ấy cho các em mình ăn học.
Một buổi chiều, hoàng hôn ráng đỏ ngoài phía chân trời, đàn trâu nối nhau về trên con đường làng thênh thang, những tà áo trắng của các em học sinh bên chiếc xe đạp cũng vội vã về với tiếng nói cười rộn ràng cùng kể lại một ngày học ở lớp vừa xong.
Gia đình chị sum vầy bên mâm cơm tuy chỉ có những món đơn giản như canh chua, cá lóc kho tiêu nhưng sao nó ấm áp và ngon đến không thể tưởng. Chị chan canh chua vào cái chén của mẹ, rồi gắp cho cha khúc cá rồi nghẹn ngào nói.
“Cha mẹ ơi, con thấy nhà mình nghèo, thời buổi này kiếm tiền khó quá. Cha mẹ cho con sang nước ngoài đi làm nha”.
Cha nhìn chị thật lâu rồi nói.
“Sao lại sang nước ngoài hả con?”.
Mẹ cũng nóng lòng khi nghe con nói.
“Ở nhà may đồ cũng được mà, nhà mình cũng không thiếu thốn gì nhiều đâu, thôi ở nhà đi con”.
Thằng út ngẩn người ra với nét mặt đượm buồn.
“Bộ tính đi qua đó làm thiệt hả chị hai?”
Chị nhìn từng người thân rồi trả lời nhẹ nhàng.
“Phải chị sẽ đi”.
“Nhưng nào giờ chị đâu có xa”.
“Thì ai trong đời lại không có cái bắt đầu chứ út”.
Cha nhìn với gương mặt âu lo.
“Biết là cái gì cũng phải bắt đầu. Nhưng nước ngoài con có quen ai đâu mà qua”.
“Có con Hường con của cô Năm, nhà xóm trên đó cha, nó rủ con qua đó làm, mà sang đó làm cũng được nhiều tiền lắm. Con qua đó ở tạm với nó một thời gian khi nào ổn định cho sẽ ra thuê nhà riêng”.
Mẹ ngồi đó lắng tai nghe không sót lời nào từ chị.
“Vậy con tính bao giờ đi?”.
“Dạ, con sẽ đi xin phỏng vấn nếu đậu thì chờ lấy visa rồi đi”.
Cả nhà tiếp tục cùng ăn cơm, những gương mặt đều hiện một nét buồn rất thầm lặng như cái chiều phủ lên quê hương với cái nắng vàng lặng cô thôn trước mắt người tha hương.
Chị không dám nhắc nhiều đến chuyện đi làm ở tận nước ngoài vì sợ cha mẹ và em thêm lo lắng chẳng yên. Tưởng chừng không có gì xảy ra nhưng đêm đó lại là một đêm rất lạ lùng chưa từng có trong cái căn nhà của chị.
Đêm đã quá khuya mà cái đèn nhà chị nó sáng mãi, khác với mọi khi chỉ mới 9 giờ là đã đóng cửa tắt đèn đi ngủ, cha chị nằm đó, cái tay đặt lên trên trán nhìn lên trần nhà trong khoảng lặng mênh mông yên tĩnh của đêm khuya.
“Sao ông không ngủ đi, mà cứ nằm trở mình rồi đi tới đi lui mãi vậy, bộ có chuyện gì hả?”.
“Không có gì đâu, tại cái chân của tôi nó đau nên tôi không ngủ được, chứ không có chuyện gì hết”.
“Vậy để tôi lấy dầu tha cho ông nha”.
“Thôi không có gì đâu, bà ngủ đi”.
“Nào giờ tôi chưa bao giờ thấy ông như vậy đâu”.
“Không có gì đâu”.
“Có phải ông buồn vì con nó sắp đi xa không?”.
“Không buồn sao được, nào giờ nó có đi xa bao giờ, huống chi tận ở nước ngoài. Nhưng nhà mình thế này thì biết làm sao hơn”.
“Ông nghĩ vậy nè cho nhẹ nhàng, nó là con gái rồi sau này nó đi lấy chồng thì cũng đâu có ở đây”.
“Bà so sánh vậy sao được, nó qua nước ngoài kia mà, thì lấy thì nó cũng ở vòng vòng đây chứ đâu mà xa xôi”.
“Tôi cũng không muốn nó đi, nhưng không biết làm sao, nhà mình thì thiếu nợ quá nhiều, rồi đây thằng út chuẩn bị lên thành phố học tùm lum thứ tiền”.
“Nhắc tới thấy tội cho con nhỏ, cực gì mà cực từ nhỏ cho tới lớn, lớn rồi mà không hết cực. Thôi thì để nó đi thử coi sao, chứ ở nhà may vá cũng không bao nhiêu đồng”.
“Vậy thì ông yên tâm ngủ đi”.
Mẹ đi ra tắt đèn rồi trở vô nhưng sao hai vợ chồng già không thể nào yên giấc được, dù biết chị chưa đi, ngày mai mới bắt đầu đi phỏng vấn. Mẹ cha cứ nói chuyện về cuộc đời của chị và ngủ thiếp đi từ lúc nào chẳng hay.
Tầm 10 ngày chị đã sang nước ngoài. Ngày chị đi, cha cứ ra trước ngõ đứng trông mặc dù thừa biết chị đang ở rất xa xôi, không thể về ngay lúc này, cứ như thời bé thơ chị đi học cha trông chị về vậy. Dần dần mẹ cha cũng quen với cái sự vắng bóng của chị trong căn nhà.
Qua bên đó 3 năm sau chị cũng gặp được một người tâm đầu ý hợp rồi kết duyên trăm năm, nhưng cái hạnh phúc cũng sớm vỡ tan tành khi chị nhận ra người chồng quen với những thói hư tật xấu ăn chơi lêu lỏng, không có sự quan tâm nào dành cho chị nơi đất lạ quê người, ngay cả việc chị đi sinh con cũng một mình tự đi, tiền bạc thiếu thốn, lại nằm trong bệnh viện chỉ có một mình.
Cuộc đời chị trăm thứ cay đắng nghiệt ngã nhưng đôi chân chị vẫn đứng vững vàng trước bất cứ cơn bão nào. Chị không cho phép mình ngã, vì khi ngã rồi con chị sẽ bơ vơ, gia đình chị nơi quê nhà sẽ không biết sống thế nào khi chị chính là nguồn thu nhập chính.
Chị vẫn cười an yên dù cho có bất cứ chuyện gì. Từ lúc ly hôn chị sống vậy nuôi con, nhiều khi nhớ nhà, nhớ gia đình ở quê, chị có đứa con thủ thỉ cũng vơi đi phần nào.
Cha chị bị bệnh ở quê nhà đang điều trị tại một bệnh viện ở thành phố. Chị trở về nhìn mặt cha lần cuối cùng, đến một tháng sau chị đã mồ côi cha vĩnh viễn, cha chị ra đi êm xuôi, ước nguyện được nhìn mặt con gái lần cuối cùng của cha đã thực hiện được.
Đến bây giờ cuộc sống của chị đã cân bằng yên ổn nhờ vào năng lực và sự cố gắng không ngừng nghỉ từ chị. Chị vẫn như thuở nào, tóc vương chút nắng chiều của quê hương và giọng đặc quánh tiếng quê, hơi thở mùi hương đồng nội như thuở còn nằm nôi ầu ơ tiếng ru của mẹ.
Những cái vất vả khó khăn mà trước kia chị mang giờ nó đã đi qua, đổi lại là một tương lai yên bình của sau này. Một con người có trái tim độ lượng, bỏ quên bản thân mình ở đâu đó mặc kệ, nhưng bản thân của người khác thì chị luôn luôn ghi nhớ như một trách nhiệm bắt buộc, đó cũng là tính cách của chị đã có từ trong bụng mẹ.
Chị là người sống tình cảm bằng lòng nhân nghĩa luôn chịu nhiều tổn thất và thương đau của cuộc đời, biết vậy nhưng chị vẫn cam tâm sống thật với con người mình.
Cuộc đời chị như cánh chim phiêu du bay xa khắp phương trời, bay không ngừng nghỉ, đôi khi đôi cánh ấy mệt mỏi muốn dừng tìm chỗ đậu nghỉ ngơi bình yên nơi tàng cây quê nhà, nhưng vì chưa tìm đủ thức ăn để đem về tổ ấm, nên đôi cánh ấy cứ bay mãi miết, mặc giông bão vây quanh.
Trong những lần nhớ quê nhà da diết, chị ngước mặt lên trời đưa mắt hướng về phía xa xôi, nơi ấy có căn nhà của chị, có dáng mẹ già và hơi thở của chị từ lúc chào đời. Đó cũng là động lực luôn nhắc chị phải cố gắng nhiều hơn nữa dù nằm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chị lấy tay lau nước mắt rồi lặng lẽ nở nụ cười, nụ cười ấy đẹp như những cánh hoa nở trong vườn xuân.
© Quang Nguyễn - blogradio.vn
Xem thêm: Chị tôi là thợ vá hạnh phúc
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu