Cậu học trò nhỏ giúp tôi thêm yêu nghề giáo
2021-02-27 01:05
Tác giả: Nguyễn Như Hoa
blogradio.vn - Thấm thoát 20 năm trôi qua, cậu học trò nhỏ ngày ấy của tôi, giờ đã là một người đàn ông sống chững chạc, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Mỗi lần cô trò gặp nhau, tôi lại thấy niềm vui như vẫn còn ở lại trong trái tim mỗi người.
***
Trong những năm tháng làm công tác chủ nhiệm tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Có những lúc ngập tràn niềm vui, hạnh phúc khi học sinh giật giải nhưng cũng có lúc thấy buồn khi học sinh chưa ngoan. Một kỷ niệm đã theo tôi suốt những năm tháng dạy học mà mỗi khi nghĩ về nó tôi lại nhớ đến em - cậu học trò nhỏ .
Năm 1996, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 3, thuộc trường Tiểu học TC 2. Hằng ngày tới lớp, tôi phải đi hơn chục cây số, đường rất khó đi, mưa thì trơn, nắng thì bụi. Tôi phải dắt chiếc xe đạp đi trên chiếc cầu tre cũ kỹ ấy, nỗi khiếp sợ đôi khi làm tim tôi thót lại. Không ít lần, tôi chán nản.
Lớp 3 của tôi có 30 học sinh. Mỗi em có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết đều có mức sống trung bình. Trong số đó, có một cậu bé, vóc người nhỏ nhắn, thân hình gầy guộc, nước da đen sạm với khuôn mặt lúc nào cũng buồn luôn ám ảnh tôi nhiều nhất, em học sinh ấy tên là H.
Hàng ngày, H đi học muộn hơn các bạn, nhiều buổi trễ giờ. Trong lớp thường không tập trung nghe giảng hay lơ đãng. Chính vì vậy mà sức học của em đuối hơn các bạn. Thái độ của em đã làm tôi không ít lần phiền lòng nhắc nhở, nghiêm khắc cũng có, mềm mỏng cũng nhiều nhưng cũng không thay đổi được là bao. Em sống khép kín, giờ ra chơi thường hay ngồi tại bàn, không ra chơi cùng các bạn. Điều đó càng khiến tôi muốn tìm hiểu thêm hoàn cảnh về em.
Qua tìm hiểu, tôi được biết gia đình em thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhà có năm anh chị em, em là con thứ ba trong gia đình. Bố em làm ruộng, mẹ thường hay đau ốm phải đi viện, bà nội già yếu.
Một buổi sáng, đi qua chợ, tôi nhìn thấy em đang đứng bán rau cho mẹ. Trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả với cậu học trò nhỏ hiếu thảo ấy. Một lần, trong một tiết Toán, khi tôi đang say sưa giảng bài, thì H bỗng kêu đau bụng, tưởng là em cũng thường đau như các bạn, tôi lấy lọ dầu ra xoa nhẹ vào vùng rốn và hai thái dương cho em nhưng cơn đau vẫn không giảm. Tôi lo lắng hỏi:
“Trưa nay em có ăn gì lạ không?”.
Em nhăn nhó trả lời.
“Em chỉ ăn cơm với nước mắm thôi cô ạ”.
Vì lúc đó đang còn trẻ, kiến thức y khoa còn thiếu nên tôi ít nhiều cũng thấy lúng túng. Nhìn em mỗi lúc một đau hơn, khuôn mặt đỏ bừng, mồ hôi lấm tấm trên trán, tôi nhờ một đồng nghiệp trông hộ lớp, rồi vội vàng đèo em đến trạm xá. Sau khi bác sĩ Bình thăm khám cho em, ông chẩn đoán có nhiều khả năng H bị viêm ruột thừa cấp và yêu cầu phải đưa đến viện gấp.
Tôi lại vội vã đạp xe hộc tốc đưa em về nhà, để bố mẹ đưa em đi. Mồ hôi ướt đầm lưng áo tôi, phần vì mệt, phần vì rất lo lắng cho em.
Con đường về nhà em nhỏ hẹp, quanh co, ngồi sau tôi, thỉnh thoảng em lại rên lên những tiếng khe khẽ, chắc là em cũng cố kiềm chế cơn đau để tôi bớt lo lắng. Còn tôi thì vừa ra sức đạp, vừa hỏi.
“Sắp đến nhà mình chưa em?”.
Em cố gắng trả lời.
“Cô đi thẳng, rẽ phải một đoạn, rồi rẽ trái thêm một đoạn nữa thì …”.
Tai tôi ù lên vì mệt và lo lắng, còn con đường tới nhà em cứ như xa tít tắp vì vài ba lần hỏi mà vẫn chưa đến. Cho tới khi em reo lên khe khẽ “Nhà em kia rồi, cô ơi”.
Trước mắt tôi hiện ra một căn nhà tranh, vách đất, đôi vùng thủng lỗ chỗ. Vội vã bước vào nhà, tôi nhìn thấy một cụ già nằm ốm mệt trên chiếc giường tre, trong nhà chẳng có đồ đạc gì có giá trị. Thấy tôi, cụ ngồi dậy thì thào.
“Chào cô giáo”.
Rất may, bố em có nhà. Tôi nói nhanh về tình trạng bệnh của em. Bố em cũng vội vàng đi sang nhà hàng xóm để nhờ đèo em ra viện gấp. Tôi nhìn theo em, cho đến khi xe đi khuất, rồi mới trở lại trường.
Trên đường trở lại trường tôi bỗng thương đôi bàn chân trần nhỏ bé, non nớt của cậu học sinh còi cọc ấy phải đi qua mỗi ngày, hết bán rau giúp mẹ xong, lại vội vã tới trường. Tôi bỗng tự trách mình sao vô tâm với em vậy. Nước mắt của tôi cứ trào ra cho đến khi tới lớp.
Tối hôm đó tôi đạp xe ra viện huyện để thăm em, tôi được biết em đã được chuyển lên viện C để mổ gấp. Tôi vội vã đạp xe lên viện C .Đến phòng cấp cứu, nhận ra em đang nằm thiêm thiếp ngủ, khuôn mặt xanh xao, gầy gò sau ca mổ. Không kiềm chế được cảm xúc của mình, tôi ôm lấy em và khóc. Nếu hôm đó tôi chỉ chậm một chút thôi thì đã không cứu được em rồi.
Từ hôm đó, đều đặn, vài ba ngày tôi lại đến thăm em, bón cháo cho em ăn, tâm sự với em chuyện ở lớp và động viên em cố gắng điều trị để sớm trở lại với cô cùng các bạn.
Đến lớp, tôi nói chuyện về hoàn cảnh của em với các bạn; khuyên các em phải tích cực giúp đỡ H trong thời gian tới để em được hòa đồng, vui vẻ khi tới lớp. Còn tôi, cũng tự hứa với bản thân mình, phải quyết tâm bồi dưỡng kiến thức cho em. Gần 20 ngày sau, em được ra viện và tới lớp. Các bạn ùa reo chào đón H, quây quần bên em hỏi đủ mọi chuyện, khiến em rất xúc động và thỉnh thoảng nhìn tôi với ánh mắt biết ơn. Cũng từ ngày đó, em không còn ngồi lẻ loi đơn độc trong mỗi giờ ra chơi, cũng không còn lơ đãng nhìn ra ngoài ô cửa sổ mỗi khi tôi giảng bài.
Tôi đã tranh thủ từng phút giây lên lớp để bồi dưỡng, kèm cặp cho em, thương em như người thân của mình. Sức học của em bật lên trông thấy, em dần dần tự tin hơn, hay cười, hay nói. Thấy tâm trạng của em tốt dần lên mỗi ngày, tôi coi đó như phần thưởng lớn nhất trong nghề giáo của mình. Hằng ngày chỉ thấy em đến lớp mãi một bộ quần áo, tôi trích trong số tiền lương ít ỏi của mình, mua tặng em một bộ quần áo mới, khiến em rất thích thú.
Từ đó, con đường đặc quánh bùn đỏ và chiếc cầu tre lắt lẻo không còn là nỗi ám ảnh khiếp sợ trong tôi. Trong tâm trí tôi, 30 cặp mắt ngây thơ của các em, luôn luôn có một động lực mạnh mẽ thúc giục bước chân tôi tới trường. Tôi thầm cảm ơn các em, nhất là H đã truyền cho tôi ngọn lửa thiêng liêng của tình thầy trò, truyền cho tôi lòng nhân ái, biết sống quan tâm và yêu thương mọi người.
Thấm thoát 20 năm trôi qua, cậu học trò nhỏ ngày ấy của tôi, giờ đã là một người đàn ông sống chững chạc, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Mỗi lần cô trò gặp nhau, tôi lại thấy niềm vui như vẫn còn ở lại trong trái tim mỗi người. Hôm nay, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nghề giáo cũng được nhìn nhận dưới nhiều lăng kính khác nhau, nhưng tôi tin phần lớn những thầy cô giáo đều muốn truyền ngọn lửa yêu thương tới các em học sinh của mình, để ngọn lửa yêu thương ấy sẽ mãi lan tỏa, ấm áp tình người, bồi dưỡng tình nhân ái trong nhân cách của các em.
© Nguyễn Như Hoa - blogradio.vn
Xem thêm: Bước chân đầu tiên trên con đường trưởng thành l Radio Truyện Hay
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.