Phát thanh xúc cảm của bạn !

Bông gáo vàng (Phần 2/2)

2022-08-28 01:20

Tác giả: Quang Nguyễn


blogradio.vn - Người ta kể rằng từ lúc gia đình anh sang Mỹ định cư! Ở xóm nhỏ vẫn có một người con gái cứ mỗi lần đi ngang qua nhà anh, cô đứng lại thật lâu tần ngần nhìn vào cánh cửa đã khép chặt rồi ôm mặt khóc chạy về phía cánh đồng nơi Gò Gáo hoang vu.

***

Đến nhà của Thiệp theo lời chỉ dẫn của người dân xung quanh, thật không quá khó để tìm ra cái căn nhà này. Gọi mãi mới có người ra mở cổng, đó là một đứa con gái tuổi tầm khoảng hai mươi. Thoáng nhìn qua Dương biết ngay đó là con của Thiệp.

“Chú tìm ba cháu có việc gì không?

“Có việc quan trọng lắm, chú là bạn của ba cháu! Cháu cứ vào nói có chú Dương con của bác Năm Dừa ở Mỹ mới về là ba cháu biết ngay”

Cô bé gật đầu vâng dạ rồi thoăn thoắt đi vào trong. Lát sau một người đàn ông bước ra mà thoạt nhìn Dương đoán chắc chắn người đó chính là Thiệp, nhưng muốn chắc ăn hơn anh phải hỏi kỹ càng.

“Có phải Thiệp đó không?

Người đàn ông tươi cười rất vui, nhưng cũng e dè vì sợ nhầm người.

“Đúng tôi là Thiệp đây. Có phải Dương đó không?

“Tao là Dương đây”

“Trời ơi hơn bốn chục năm rồi sao mày trẻ quá vậy, hai đứa mình trạc tuổi mà trông tao già hơn mày quá nhiều rồi. Thôi, đi vào nhà nói chuyện”

Hai người đàn ông bước vào nhà tay bắt mặt mừng, họ nói đủ thứ chuyện từ hồi hai đứa còn bé tí xíu xiu cùng rong ruổi trên khắp các ngõ làng. Dương lặng lẽ đến bàn thờ thắp nén hương cho ông thầy giáo Hai, rồi trở ra bắt đầu câu chuyện bên ấm trà nóng hổi.

“Vậy là lần này mày về là quyết định sống luôn! Nghe xong tao vui lắm. Mình già rồi có bạn hàn huyên ở tuổi cuối đời cũng thấy vui vui, huống hồ gì mình sắp là hàng xóm láng giềng để qua thăm hỏi gần gũi cho nó tiện”

Dương đưa ly trà nóng lên môi thổi vù vù, hớp vài ngụm rồi nói nhanh vội vàng.

“Lần này tao về là có chuyện quan trọng muốn nhờ mày giúp đỡ. Do tao mới về nên chưa quen biết nhiều! Mày có thể giúp tao về việc kêu gọi công trình đến đây thi công xây dựng, rồi mua vật liệu và những thứ linh tinh, nói chung tao giao hết cho mày, mọi chi phí tao lo liệu”

“Được thôi, tưởng chuyện gì khó lắm, cứ để tao lo chuyện này. Bây giờ mày chưa có nhà thì cứ ở tạm nhà tao, khi nào nhà xây xong rồi về ở”

Dương đang định nói. Thì Thiệp đã cắt lời.

“Đừng ngại, bạn bè của nhau mà. Huống gì mày chỉ có một mình”

“Ừ vậy thì cảm ơn mày. Việc thi công thì càng nhanh càng tốt nhé, vì tao muốn ba má sớm được nằm yên nghỉ dưới ruột đất của quê hương”

“Yên tâm, bắt đầu ngày mai tao sẽ lo chạy việc. Mà sao mày không cưới thêm vợ để cùng hú hí ở tuổi cuối đời cho vui”

“Thôi thôi vấn đề này không cần thiết, mình đâu còn trẻ nữa”

“Tao thấy mày như thanh niên thôi chứ có già gì lắm đâu. Giờ cứ để hành lý ở đây, lát nữa có người dọn dẹp phòng cho mày ở. Đừng ngại gì hết, ngày xưa tao cũng ở nhà mày đấy thôi”.

“Ê Thiệp, nhỏ Thắm con của nhà Út Tha, bây giờ cuộc sống của nó ra sao rồi”

Thiệp nghe xong thẫn thờ người ra.

“Cuộc sống…???

“Ừ, mày làm gì nhìn tao dữ vậy. Cuộc sống của nó bây giờ thế nào. Mày cũng biết ngày xưa tao và nó yêu nhau mà”.

“Mày không biết gì hết hả…???

“Ủa là sao! Có chuyện gì hả? Tao làm sao biết được, bỏ quê đi biền biệt đã 40 năm ròng rã, từ đó đâu biết chuyện gì diễn ra trong cái xóm của mình đâu?

“Nhỏ Thắm mất lâu lắm rồi”

Dương nghe qua như điếng lặng, anh vẫn lắp bắp từ lời trong nghẹn ngào tột cùng trong cổ họng.

“Mày! Vừa… nói... cái... gì???

“Thắm còn đâu nữa mà mày hỏi cuộc sống thế nào”.

“Trời ơi! Tại sao… Thắm mất…?

“Mày bình tĩnh đi, chuyện đã qua lâu lắm rồi. Giờ mày đã trở về, nếu Thắm còn sống chắc nó mừng lắm”.

Dương gục đầu im lặng một lúc lấy lại bình tĩnh rồi nói nhanh vội vàng.

“Mày đang đùa đúng không Thiệp? Tao nhớ mày là thằng hay nghịch ngợm thích trêu đùa lắm đó”.

“Chuyện sinh mạng của con người thì ai lại đem ra mà đùa. Tao nói thật, một lát tao lấy xe chở mày đi vòng vòng thăm bà con lối xóm, sẵn đó xuống thăm mộ của Thắm luôn”.

“Sao Thắm lại mất, mà mất bao lâu rồi?

“Mất đúng ba năm, từ lúc mày rời khỏi xóm làng”

“Có nghĩa là tao đi rồi ba năm sau sau Thắm mất???

“Đúng vậy”

Dương sực nhớ ra, cái ngày anh sắp đi Mỹ là lúc đó Thắm đang bị bệnh mà chính anh không tới thăm hỏi và nói lời từ biệt được. Biết đâu ảnh hưởng đến chứng bệnh ấy rồi vài năm Thắm qua đời thì sao?

“Thắm mất vì bệnh phải không Thiệp?

“Thắm mất là do…”

Thiệp bỏ ngang câu nói, không muốn đề cập hay nói tiếp bất cứ vấn đề nào liên quan đến việc này nữa.

“Mà thôi, chuyện đã qua lâu lắm rồi, nhắc lại chi cho thêm buồn. Cứ để nó trôi vào dĩ vãng chúng ta gặp nhau nên nói chuyện vui. Tao tính ngày mai…”

Thiệp chưa nói hết câu Dương chen vào. Dương biết rằng Thiệp nói ngày mai sẽ đi kêu thợ đến để chuẩn bị thi công. Dương cũng biết Thiệp đổi đề tài là cố tình tránh né cái câu hỏi từ anh.

“Thiệp nè! Chúng ta là bạn bè thân thiết từ thuở nhỏ vì thế đừng nên giấu nhau bất cứ chuyện gì. Thắm mất vì nguyên nhân gì???

Thiệp nhìn anh trong niềm lưỡng lự day dứt. Biết rất khó có thể giấu bạn, nhưng không còn cách nào khác nên anh đành phải nói thật những gì đã xảy ra với Thắm từ lúc Dương ra đi.

“Mày hứa với tao, khi tao nói xong thì mày nên bỏ qua không nghĩ ngợi vì chuyện này đã lâu lắm rồi chẳng còn ai nhớ! Cũng đừng đau khổ chi cho mệt. Nếu mày hứa thì sẽ tao nói”

“Được! Tao hứa”

“Thật ra Thắm mất là có liên quan đến mày đấy”

Dương nghe bỗng nhiên giật mình, vì nghĩ chẳng ra liên quan đến mình như thế nào.

“Sao lại liên quan đến tao?

“Thắm mất là do leo cây gáo mà hái bông vàng. Liên quan tới mày là do Thắm mất tại nơi hai đứa thường hẹn hò ở nơi Gò Gáo. Còn vì sao Thắm lại trèo cây hái bông gáo để xảy ra điều thương tâm ấy thì tao cũng không rõ. Chắc có lẽ mày là người hiểu rõ nhất! Thôi thì mày tự mà nhớ lại kỷ niệm của mày và Thắm đứa xem”

Câu chuyện ấy làm cả một buổi ấy Dương không thể nào nở được bất cứ nụ cười nào, mặc dù Thiệp pha trò làm đủ thứ trò vui nhưng chẳng thể nào giải được nỗi trắc ẩn đang giày xéo trong dạ, anh đành mất lời hứa với Thiệp, không thể nào không buồn được. Đúng là cái chết của Thắm có liên quan đến anh. Thuở còn yêu nhau Thắm rất thích bông gáo vàng! Cái tên Gò Gáo được người ta tự đặt vì giữa cánh đồng có một cái gò cao với những cây gáo to đùng chẳng biết ai trồng và đã có từ bao giờ. Người ta vẫn gọi cái xóm dưới là xóm Gò Gáo như để phân biệt mọi thôn xóm trong vùng. Cái tên ấy cũng được lấy ra từ cái gò cao ở giữa đồng có những cây gáo vàng lớn. Hoa tròn như quả bóng nhỏ có mùi hương nhè nhẹ, màu vàng tươi đong đưa trong gió chiều. Mối tình đầu của Dương và Thắm cũng xuất phát từ cái Gò Gáo này! Cũng là nơi hẹn hò, và cũng là nơi Thắm ra đi vĩnh viễn không một lời từ biệt với những người xung quanh.

Thắm yêu loài hoa này, ngày hai đứa yêu nhau Dương phải leo lên mà hái mang xuống tặng cho Thắm. Thắm thích thú nâng niu trong đôi bàn tay bé nhỏ rồi đưa lên mũi nhắm mắt thưởng thức hương trong hạnh phúc rộn ràng. Rồi những chiều hẹn hò sau cùng Dương có hứa khi nào đến mùa bông gáo vàng thơm ngát Dương sẽ hái tặng cô giống như phút ban đầu. Cô luôn mong chờ ngày ấy sẽ đến! Ngày ấy đã đến, những bông gáo vàng khoe sắc trong bóng chiều vắng lặng, nhưng dáng Dương giờ đây đã xa xôi tận trời tây nghìn trùng! Anh đã quên lời hứa, còn Thắm mãi ở lại đợi chờ.

Người ta kể rằng từ lúc gia đình anh sang Mỹ định cư! Ở xóm nhỏ vẫn có một người con gái cứ mỗi lần đi ngang qua nhà anh, cô đứng lại thật lâu tần ngần nhìn vào cánh cửa đã khép chặt rồi ôm mặt khóc chạy về phía cánh đồng nơi Gò Gáo hoang vu. Cô ngồi đó buồn hiu, nếu ai đi đồng mà vô tình nhìn thấy thì cô lấy tay lau nước mắt rồi gượng gạo nở nụ cười thân thiện. Có người biết chuyện người ta nói rằng: “Thằng Dương nó không có về đây nữa đâu! Nó đi luôn rồi, chờ đợi mà làm gì cho phí đời con gái”. Nhưng nỗi lòng tuổi mới yêu của cô gái tuổi tròn 16 luôn hoài mong rồi một ngày nào đó Dương sẽ quay trở về. Cứ thế chiều chiều vẫn có một người con gái nhỏ nhắn trong chiếc nón lá đi ra Gò Gáo rồi ngồi đó mắt nhìn về phía chân trời xa xa. Cô buồn, cô khóc, cô nhớ người yêu. Rồi đến mùa gáo vàng, cô buồn tình nhớ đến lời hứa của Dương trong những lúc hẹn hò! Cô leo lên cây hái bông gáo rồi bất ngờ trượt chân té xuống! Cô đã vĩnh viễn ra đi.

Nghe lời kể, Dương thấy đau nhói quặn thắt đến bầm giập tim gan! Nếu như ngày ấy anh không ra đi thì bây giờ có lẽ anh và Thắm đã nên duyên vợ chồng, anh tự trách là kẻ bạc tình bạc nghĩa! Vậy mà từ mấy chục năm nay anh cứ nghĩ Thắm giờ đã gia đình và có một cuộc sống trong giàu sang sung sướng, vậy mà anh lại nỡ bước chân ra đi bỏ lại người con gái nơi làng quê bé nhỏ, thương nhớ trông ngóng cái tin anh trở về mòn mỏi suốt ba năm. Dương được Thiệp đưa đến nhà của Thắm để thăm hỏi, căn nhà này vốn dĩ anh chưa từng dám bước chân vào bao giờ. Thấy cha của Thắm đứng trước ngõ với mái tóc bạc phơ trông cái dáng lụ khụ. Được Thiệp nói giúp ông đồng ý cho phép Dương vào nhà thắp nén hương cho cô. Thiệp bảo anh rằng: “Mày cứ ở đây nói chuyện với bác đi! Không sao đâu, tao về nhà có chút việc rồi lát tôi qua đây đón mày”. Nói xong Thiệp xin phép ông lão rồi cáo từ ra xe đi vội vàng. Ông lão từ tốn đi xuống pha trà, Dương tới bàn thờ để thắp hương! Nhìn vào di ảnh anh nghẹn ngào hai hàng nước mắt chảy dài. Cũng mái tóc này, cũng đôi mắt này mà ngày xưa anh rất thương yêu ngày đêm cứ nhung nhớ, nhưng bây giờ anh chẳng bao giờ nhìn thấy nó thực tế ở ngoài đời. Anh gục mặt khóc rồi thì thầm một mình: “Thắm ơi! Anh đã về rồi đây, anh là Dương của em đây”. Anh lấy tay lau nước mắt khi thấy bóng của ông lão vừa lên tới.

“Thôi chuyện đã qua mấy chục năm rồi buồn làm chi bây ơi”

“Bác cho cháu xin lỗi”

“Người xin lỗi là gia đình bác mới phải. Nếu ngày ấy bác không cấm đoán chuyện tình cảm của hai đứa vì mối thù hằn của chuyện đời trước thì đâu có ra nông nỗi như thế này”.

“Nếu con đừng nghe theo lời ba má sang Mỹ mà ở lại thì có lẽ Thắm sẽ…”

“Thật ra chuyện gia đình con sang Mỹ vì không sống nổi trên cái quê hương này cũng do gia đình bác ép phải bỏ đi. Bác hối hận về những việc làm xưa đó qua. Khi nào mồ mả của ba má cháu xong, bác sẽ xuống đó thắp hương để tạ lỗi với mong muốn ba má cháu ở nơi chín suối sẽ bỏ qua cho bác và mối thù của hai gia đình xin được xóa bỏ”

“Cháu cảm ơn bác nhiều lắm”

“Thôi thì cứ xem như không duyên không phận với con Thắm. Cháu biết tới cội nguồn quê cha đất tổ mà trở về là điều rất đáng mừng. Con Thắm nơi suối vàng nó cũng mỉm cười an vui”

“Con nhớ Thắm quá bác ơi! Tội nghiệp, Thắm mất khi chỉ mới có mười chín tuổi đời”

Ông lão rơi hai hàng nước mắt nhìn về phía di ảnh của Thắm đang nghi ngút khói hương mà nghẹn đắng từng lời.

“Tội nghiệp lắm! Lúc cháu đi nó cứ khóc suốt. Thường đi cấy lúa không chịu về nhà mà ra Gò Gáo ngồi đó khóc đến chạng vạng mới về. Những khi không đi cấy nó cũng một mình ra đó. Nó luôn chờ cháu về, chờ mãi cho đến khi nó mất. Thời gian đó có nhiều người tới dạm hỏi mà không chịu một mai, nó nói chỉ lấy một người duy nhất là cháu, còn nếu ép nó lấy ai khác nó sẽ tự tử mà chết”.

Ông lão ngập ngừng tay lau nước mắt rồi tiếp tục nói.

“Nó thường đến nhà cháu đứng trước ngõ nhìn vào vì nó cứ tin rằng biết đâu cháu đã trở về rồi! Nhưng nhà có ai đâu mà nó cứ đến trông ngóng. Ngày nó mất chấn động cả một xóm, vì một đứa con gái nết na xinh đẹp lại có số yểu mệnh, ai cũng thương tiếc”.

“Bác cho phép cháu chiều nay được đi thăm mộ của Thắm nhé”.

Ông gật đầu như cảm thông và hiểu ra được nỗi lòng của những người yêu nhau mà bị gia đình cấm cản nó đau đến mức nào. Ngày xưa nghe Thắm kể ông cũng từng bị gia đình cấm cản nên nỗi buồn này ông hiểu hơn ai hết. Tiếng xe máy của Thiệp tới đầu ngõ Dương xin phép cáo từ ông rồi lặng lẽ ra về. Thiệp đưa Dương đi thăm mộ của Thắm. Nơi Thắm yên nghĩ cũng là một chòm mả nằm cách nơi Gò Gáo cũng không mấy là xa. Cái Gò Gáo ấy bây giờ phẳng phiu được phủ lên một màu xanh của lúa! Chẳng còn bất cứ cây gáo nào như ngày xưa hò hẹn. Dương buồn nhớ Thắm đôi mắt lại rưng rưng. Bây giờ trong xóm này những cây gáo vàng đã không còn nhiều như lúc trước nữa, nhưng anh cũng tìm ra chỉ một cây duy nhất ở xóm trên đúng vào mùa bông gáo đã ra sắc vàng và tỏa hương dịu nhẹ. Anh dự định sau này sẽ mua cây giống này và trồng trước ngôi mộ của Thắm. Thiệp quay lưng rời đi như để không gian để anh được tự nhiên mà tâm tình với Thắm. Đọc vào tên trên bia mộ anh bỗng nhớ ngày xưa rồi bỗng nhiên hai hàng nước mắt tự nhiên lại chảy dài. Anh đặt những bông gáo lên bia môi rồi âu yếm nói rằng: “Thắm ơi cho anh xin lỗi, anh đã trở về và hái bông gáo vàng cho em đây, muộn màng lắm không em”, một mùi hương nhè nhẹ lan tỏa hòa cùng khói nhang bay vút vào ánh chiều. Nghe thật say sưa như thuở nào anh hái tặng cho Thắm, cô đưa ngay lên mũi nhắm mắt thưởng thức làn hương thật ngọt ngào mê ly chầm chậm trôi vào hồn, và nụ hôn bắt đầu dành cho nhau.

© Quang Nguyễn - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Cuộc đời như giấc chiêm bao | Family Radio

Quang Nguyễn

Người kể chuyện

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top