Bố kiên cường, con sẽ luôn mạnh mẽ
2020-06-18 01:22
Tác giả:
Trần Thị Kim Loan
blogradio.vn - Bố à, bố có biết trong tim con bố luôn là người bố kiên cường. Người bố kiên cường của con chưa bao giờ chịu đầu hàng trước số phận, cũng chưa một lần oán trách. Bố sẽ luôn là ngọn núi vững chắc, đứng sừng sững trước mọi bão giông cuộc đời không gục ngã.
***
Bố ơi,
Đây là bức thư đầu tiên trong đời con gửi đến bố. Chắc bố bất ngờ lắm phải không ạ? Lá thư này là những lời tâm sự của con gái dành cho bố, những lời con cất giấu trong lòng mà không dám nói ra thành lời và tất nhiên con cũng chẳng dám đối diện với bố để trực tiếp đưa lá thư đến tận tay bố.
Tuổi con mới lớn, cái tuổi thật sự nhạy cảm với những lời to tiếng. Lúc ấy con nghịch ngợm, bướng bỉnh thế nên bố hay quát mắng con. Con trách bố lắm chứ. Con chẳng làm gì sai cả. Tuổi con hậu đậu và vụng về một chút là đúng mà sao bố không hiểu con?
Bố cứ cấm con đi chơi, tuổi thơ con cũng chỉ biết vùi đầu vào học. Nhưng bố lại chưa một lần khen thưởng con dù kết quả học tập của con có tốt thế nào chăng nữa. Con luôn tỏ ra ngoan ngoãn nghe lời bố nhưng trong tâm con luôn có ý chống đối điều bố nói. Con trách bố tại sao lại vô lí như vậy. Con rất giận bố. Lúc nào con cũng muốn rời xa khỏi nhà và rời xa bố.
Cuối cùng con được thỏa nỗi lòng khi đỗ vào đại học ở một nơi rất xa cách nhà khoảng hai trăm cây số. Con đã từng rất vui vào những năm đầu đại học và con đã thốt lên trong tâm trí mình rằng: “Mình sắp tự do rồi”. Con mãn nguyện lắm. Con đúng là tệ quá bố nhỉ? Con đã sống quá dài trong suy nghĩ của một đứa trẻ, một suy nghĩ có cả sự cứng đầu và có phần suy nghĩ nông cạn, mà chính xác hơn là thiếu chính chắn quá bố ạ.
Thời gian gần đây con đọc sách nhiều hơn, con nghe nhiều hơn và con nghĩ nhiều hơn về gia đình. Lòng con như trầm lắng lại và con nghĩ về bố nhiều hơn. Con bắt đầu lục lại những kí ức của mình về bố.
Con còn nhớ lúc con còn nhỏ con đã quấn quýt bên bố biết bao. Con đấm lưng, nhổ tóc và xoa đầu cho bố. Dần dần lớn lên con lười biếng và không còn gần bố nữa. Lúc con biết chuyện bố hay kể con nghe về ngày xưa, bố kể là ngày xưa bố vất vả lắm. Lúc bố học lớp năm bố chủ động xin ông cho nghỉ học vì nhà nghèo và đông anh em. Mọi người đều bảo bố trẻ con mà làm gì biết nghĩ vậy có mà lí do cho sự lười học.
Thực ra lúc bố kể con cũng nghĩ như mọi người vậy đó. Rồi sau khi bố lấy mẹ, bố vào miền Nam để nhập ngũ, vất vả và gian lao. Hai năm sau, bố quay trở lại miền Bắc làm mọi việc để có tiền trang trải cuộc sống: từ bốc vác đến sửa xe, cắt tóc rồi bố bén duyên với nghề thợ xây - nghề gắn bó với bố đến tận bây giờ.
Sau này, bố chạy vạy khắp nơi để xây dựng nhà cửa, cuộc sống gia đình mình cũng ổn định hơn. Những tưởng sau bao vất vả bố sẽ được sống một cuộc sống đỡ cực khổ hơn trong phần đời còn lại. Nhưng không. Cho đến một ngày bố cảm thấy tình trạng sức khỏe không tốt, bố chạy đi khám từ tuyến huyện, lên tuyến tỉnh rồi đến bệnh viện X mà không ra bệnh. Bố chẳng nói chuyện với bọn con nhưng con luôn lén nghe những cuộc nói chuyện của bố mẹ. Bố bảo bố vẫn thấy không ổn, bố đã đi khám cả tháng nay ở các bệnh viện lớn nhỏ. Cuối cùng, bố đến Bệnh viện K trung ương và kết quả trả về, một kết quả không ai mong muốn.
Và cũng chính ngày hôm ấy, cái ngày có lẽ là tăm tối nhất cuộc đời bố khi mà bố mẹ cầm trên tay một tin buồn khác, cái thai trong bụng mẹ đã chết lưu. Buổi tối hôm ấy, sao nhà mình đông người vậy bố? Con trốn trong buồng và lặng im nghe cuộc nói chuyện của bố và các bác trong gia đình.
Con nghe giọng nói bố rất bình tĩnh và cứng rắn nói chuyện với hai bà rằng bố bị bệnh nhưng ngày mai bố sẽ đưa mẹ con đi bỏ em bé trước rồi bố sẽ điều trị bệnh sau. Bố chưa kịp dứt lời, bác cả to tiếng: “Mày lại thấy nó là con gái nên bỏ chứ gì?” Giây phút ấy con lặng đi, con chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra và mọi người cũng không ai nói câu gì.
Sau một lát trầm lắng, bố tiếp tục: “Đứa bé đã không còn nữa.” Vậy là, trái tim bé nhỏ của em con đã chẳng thể nào rung lên thêm một lần nào nữa. Mọi người về hết, gian nhà trống vắng, yên ắng lạ thường. Đêm ấy con đã không ngủ. Con chưa bao giờ nói cho bố mẹ biết con đã nghe được tiếng mẹ con khóc trong đêm khi nói chuyện cùng bố. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời con nghe thấy mẹ con khóc.
Bố bước vào trận chiến của mình, đó là trận chiến mà con gọi đó là cuộc chiến sinh tử của bố. Bố trải qua quá trình trị xạ gian khổ: khó khăn kinh tế một phần, con đường đi đến bệnh viện thì xa xôi, bố phải nhờ các bác đưa đi vì mẹ con đâu biết đi xe máy còn tụi con thì chưa đủ tuổi cầm lái. Còn cả những cái nắng chói chang của tháng hè nóng nực những hôm 39 - 40 độ C như thiêu như đốt chắc cũng chẳng thể nào đau đớn bằng những tia xạ chiếu thẳng vào người bố.
Bố đau, con nào hay biết. Con chỉ thấy thân hình vạm vỡ của bố ngày nào giờ đã gầy đi, làn da rám nắng khỏe khoắn của bố trở nên sạm đen vì tia xạ. Vậy mà bố đã kiên trì chống chọi với nó để hoàn thành hơn một tháng điều trị. Con đã nghĩ mọi chuyện sẽ tốt đẹp và bố sẽ khỏe sau khi trị xạ xong. Nhưng không, những tia xạ đâm xuyên da thịt bố kia đã hủy hoại không chỉ những tế bào quái ác mà nó còn đánh sập cả hệ thống miễn dịch của bố.
Bố đau họng, khô miệng, bố ăn không ngon, thậm trí bố còn phải ăn cơm chan canh mà nuốt chửng. Những năm tháng sau, bố hay nhập viện vì đủ các bệnh. Lúc là vì viêm tai xương chũm, bố nằm viện cả tháng trời. Khi thì rối loạn tiền đình cứ mấy tháng bố lại vào viện một lần do chóng mặt, buồn nôn và đau đầu. Có khi, thay đổi thời tiết bố vẫn hay đau mỏi vai gáy và ù tai. Ngày ấy, con đã chẳng nghĩ gì cho bố cả. Con tệ lắm đúng không bố?
Từ hồi con học đại học, ngày nào con cũng gọi điện về cho bố mẹ. Hôm ấy mới gần đây thôi, mẹ con nói chuyện bố ngày mai đi cắt trĩ. Bố bị trĩ cũng lâu rồi, nhưng nay nó nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bố. Cả đêm hôm ấy con trằn trọc suy nghĩ mãi. Con tự hỏi mình tại sao lại vô tâm với bố như vậy? Lúc năm tuổi thì con chưa biết gì, nhưng trong mười bốn năm tiếp theo thì con luôn oán trách bố chưa một lần con thấy thương bố. Cho đến tận bây giờ khi bước vào năm thứ hai mươi của cuộc đời, con mới nhìn nhận lại bản thân và con tự trách mình.
Bố đã dạy con theo cách riêng của bố mà con không hề hay biết. Bố hay nói con những lời nói làm con uất ức đến phát khóc xong bố không dỗ con, bố còn mắng con thêm nếu như con khóc trước mặt bố. Vậy là con tự lau nước mắt, con không dễ dàng khóc nữa, con mạnh mẽ hơn nhiều. Chính sự nghiêm khắc của bố làm con sống có khuôn phép hơn.
Bố chưa một lần khen con nhưng bố lại luôn kể về thành tích của con đầy một cách tự hào trước mặt mọi người. Con biết rồi bố ạ. Bố chưa từng đánh con, bố chỉ luôn lặng im quan sát con và bố cũng ít khi tâm sự với con. Lần đầu tiên là lúc con sắp rời xa mái nhà thân yêu để đi học ở một nơi xa xôi, bố ngồi bên con ôn tồn: “Xã hội này phức tạp, con ra ngoài rồi phải chú ý cẩn thận, phải tự chăm lo cho mình. Lớn rồi”.
Tự nhiên, con cảm thấy lòng mình lâng lâng, một cảm xúc khó tả lắm bố ạ. Đó cũng là lần đầu tiên con nhận thấy khuôn mặt gầy gò trên làn da sạm đen của bố có ánh mắt kiên định nhưng lại chan chứa đầy tình cảm dành cho con gái. Giờ đây, khi mà hai ba tháng con mới về nhà gặp bố mẹ một lần con mới thấy mình đã lỡ, lỡ quá nhiều thời gian để hiểu. Đến khi con hiểu rồi thì con lỡ cả những chuyến xe về bên bố mẹ. Con sai rồi, bố ạ. Con xin lỗi bố.
Đêm đó con đã cố gắng lau đi những giọt nước mắt giàn giụa ướt đẫm gối của mình, con tự nhủ ngày mai con sẽ quyết tâm nói lời xin lỗi bố. Con gọi cho bố vào trưa hôm sau nhưng con vẫn chưa dám nói. Bố ơi, sao mà lời xin lỗi lại khó khăn đến vậy? Nếu như hôm ấy con không bắt gặp câu hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng sống trên đời bạn sẽ làm gì?” Con suy nghĩ một lát rồi nghĩ rằng, có lẽ điều con muốn làm nhất là được lời xin lỗi với bố bởi con chẳng còn cơ hội nào khác. Con sẽ bắt ngay xe về nhà và nói thật to với bố mẹ “ Con yêu bố mẹ nhiều lắm”.
Và sẽ không muộn đúng không bố, vì bố đã luôn yêu thương con cả những khi con mắc sai lầm, khi con không hiểu bố. Lúc này thì con hiểu tại sao người ta vẫn hay nói “Con người ai cũng có tình thương cả, tại sao phải để đến ngày cuối cùng mới trao yêu thương!” Đúng vậy. Con phải hành động ngay thôi.
Chiều nay, con nhất định, nhất định nói với bố. Con đi bộ một mình quanh hồ, rồi con cũng quyết tâm rút điện thoại ra gọi cho bố. Nghe giọng nói của bố, tự nhiên con lại sợ, con cũng không biết tại sao mỗi lần nói chuyện với bố con đều có chút căng thẳng. Nhưng rồi con cố gắng hít thở sâu, lấy hết can đảm nói: “Con xin lỗi bố”. Con còn chẳng nói hết câu một cách rõ ràng, dứt khoát mà nước mắt con đã lưng tròng.
Một mình con ngồi ở ghế đá góc hồ, mặc kệ dòng người đang chạy bộ phía sau, con cứ thế nấc lên như bị ai đánh mà uất ức nói không nên lời. Nhưng lần này, con khóc vì con hối hận: “Con xin lỗi bố vì dịch bệnh này con không về được, không chăm sóc cho bố được khi bố đi phẫu thuật”. Giọng bố trậm rãi nghe sao mà ấm áp: “Bố mổ đơn giản mà, không sao đâu. Ngày xưa bệnh nặng bố còn chịu được chứ mấy cái này có là gì. Con cứ học hành đi, bố có mẹ con chăm rồi, có người còn phải một mình ở viện đây này. Nay mai bố già về chăm bố”. Con ngập ngừng chẳng nói được lời nào. Ngay cả khi ốm đau, bệnh tật bố vẫn động viên con còn con chưa động viên được bố câu nào cũng chưa chăm sóc được bố ngày nào từ hồi bố bị bệnh đến giờ. Sao đến bây giờ con mới hiểu.
Bố à, bố có biết trong tim con bố luôn là người bố kiên cường. Người bố kiên cường của con chưa bao giờ chịu đầu hàng trước số phận, cũng chưa một lần oán trách. Bố sẽ luôn là ngọn núi vững chắc, đứng sừng sững trước mọi bão giông cuộc đời không gục ngã.
Bố ơi, giờ tai bố bớt thính, mắt bố không còn tinh, bố cũng đã không còn nói với con nhiều như trước, nhưng con biết bố vẫn luôn để ý và quan tâm con. Con vẫn mãi là đứa trẻ của bố nhưng đã là một đứa trẻ biết suy nghĩ rồi bố ạ. Con sẽ cố gắng học tập. Bố chờ con nhé.
Con của bố còn nhiều điều chưa nói lắm. Bố nhất định chờ con, bố nhé.
Bố à, bố kiên cường con gái của bố sẽ luôn mạnh mẽ.
Nơi xa nhà. Đêm khuya vắng.
Con một mình. Con nhớ nhà.
Con gái của bố.
© Trần Thị Kim Loan – blogradio.vn
Xem thêm: Đến khi nào anh mới bớt suy nghĩ về em
Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Gửi người con gái ngoan ngoãn, hiểu chuyện
Mình cũng là phụ nữ và mình chính là người phụ nữ ngoan ngoãn, hiểu chuyện, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, sống tiết kiệm, không son không phấn, biết nghe lời,… Thực ra, bản chất của mình không như vậy, nhưng mình được dạy dỗ như vậy, và dần dần mình đang trở thành người phụ nữ như vậy.

Ai cũng có ước mơ của riêng mình
Cứ sống, cống hiến thật nhiều, khi bản thân vui vẻ, mang trong mình phiên bản tốt nhất cũng thì mình cũng đang dần hoàn thành ước mơ của mình.

Tháng sinh Âm lịch của những người quyền quý
Người sinh những tháng Âm lịch này đặc biệt may mắn và có sự nghiệp thành công.

Ước mơ của mẹ
Mặc dù, tôi chỉ là đứa trẻ chưa trưởng thành, cũng muốn được yêu thương và ba mẹ quan tâm như vậy, nhưng rồi tôi hiểu được mỗi người có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Dẫu sao, anh em tôi vẫn còn có mẹ dù cuộc sống có khổ cực nhưng chưa bao giờ anh em tôi phải nhịn đói ngày nào.

Món ăn của mẹ
Có một lần, chú chạy ngang qua nhà mình, khi ấy chỉ có một mình con ngồi thẫn thờ. Chú hỏi con là mẹ đi đâu rồi, hôm nay hai mẹ con không ăn đá bào nữa hay sao. Con chỉ biết im lặng, hướng ánh nhìn của mình vào trong nhà, ngay phía bàn thờ mẹ.

Giông bão đi qua, hạnh phúc lại về
"Nếu duyên đến, cứ thuận theo tự nhiên," nó thầm nghĩ. Và rồi, sau sáu tháng yêu nhau, cả hai quyết định nắm tay nhau bước vào hôn nhân.

Thời cơ trong cuộc sống
Cuộc sống luôn trao cơ hội đồng đều cho mỗi người, thế nhưng, có mấy ai biết nắm bắt cơ hội đúng lúc, đúng thời điểm. Có câu: “Người thành công luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn. Kẻ thất bại luôn thấy khó khăn trong mọi cơ hội”.

Ánh nắng mùa đông (Phần 3)
Cô chưa quên được người cũ, nếu cho anh cơ hội thì đây cũng sẽ là cơ hội khiến anh bị tổn thương. Cô chẳng muốn đi vì lòng cô có anh nhưng lại sợ quá muộn để bắt đầu, lỡ như anh thương người khác rồi thì sao?

Hương lửa
Đã đi hết những con đường phố thị, đi cuối một mảnh đời nhiều lênh đênh, vấp váp mới nhận ra mùa ấu thơ nông nổi chân trần chạy đường quê mới chân thực là bình yên hạnh phúc.

Khuyên chân thành: Người bình thường làm 7 điều này để "tiền đẻ ra tiền" mỗi ngày
Tất cả bắt đầu từ những thay đổi nhỏ: kiên trì, kỷ luật, khỏe mạnh, tự tin, khôn ngoan và độc lập.