Bên kia con suối là cánh đồng ray
2021-08-05 01:20
Tác giả: Hướng Dương
blogradio.vn - Trước nhà có một bãi đất trống, trước bãi đất lại là một con suối, bên kia suối là đường ray xe lửa, bên kia đường ray là một cánh đồng cỏ mà với một đứa bé thì phải nói là rộng lớn bao la! Cánh đồng ray, nó gom các từ lại để đặt tên cho nơi đó, là nơi cho nó và lũ trẻ trong xóm thỏa sức sáng tạo với đủ trò…
***
Nó nhớ hồi học đại học, có lần cả đám hứng chí ngồi kể cho nhau nghe chuyện hồi con nít, đám bạn ngạc nhiên sau khi nghe nó kể: “Ủa, ở thành phố mà cũng có chơi mấy trò này hả?”
Nó tự hào cười nói: “Tui dân thành phố trá hình thôi, nhà ở ngoại ô, không giống trung tâm đâu!”
Thiệt vậy, dù là hộ khẩu thành phố nhưng tính ra nhà nó ở ngoại ô, là một quận không có sầm uất hay nhộn nhịp như ở khu trung tâm. Còn nói tới khu nó sống thì lại còn có vẻ bình dị hoang sơ hơn nữa, mô tả cho dễ hình dung là: Sau một hồi vòng vèo đường lớn ngõ nhỏ thì nhà nó nằm ở cuối một con hẻm, trước nhà có một bãi đất trống, trước bãi đất lại là một con suối, bên kia suối là đường ray xe lửa, bên kia đường ray là một cánh đồng cỏ mà với một đứa bé thì phải nói là rộng lớn bao la! Cánh Đồng Ray, nó gom các từ lại để đặt tên cho nơi đó, là nơi cho nó và lũ trẻ trong xóm thỏa sức sáng tạo với đủ trò… cái nơi đã gói ghém rất nhiều ký ức đáng giá của nó!
Nhớ hồi đó để qua được Cánh Đồng Ray, nó phải băng qua con suối trước đã. Con suối khúc rộng khúc hẹp, nước nông không sâu lắm trừ những ngày mưa, ven hai bên bờ là mấy hàng chuối hàng tre cũng um tùm lắm. Chắc cũng nhiều người qua đường ray, kể cả người lớn chứ không riêng gì mấy đứa nhóc như tụi nó nên có nhiều “con đường” được kiến tạo để qua suối cho tụi nó lựa chọn, ví như:
Con đường xếp bằng mấy tảng đá ở khúc nước cạn – cách này thì khá trơn, đi dễ té và sẽ bị ướt chân ướt dép.
Con đường an toàn hơn thì là một khúc gỗ bắc ngang, vừa bằng phẳng vừa chắc chắn, ít trơn trượt …
Có con đường không hề là con đường vì nó là một đoạn hai đầu bờ gần nhau, tụi nó chỉ cần vận dụng hết sức bình sinh để nhảy xa từ đầu này qua đầu nọ, hôm nào đuối sức chút thì trượt chân xíu, một chân trên bờ, một chân dưới suối, trầy trụa đôi chút!
Nhưng thú vị nhất phải kể đến là con đường làm từ cây chuối. Đi qua đường này cả đám phải bỏ chân không tay xách dép vì thân chuối dù to nhưng siêu trơn, đi phải chậm chậm hoặc trang bị một cái cây cứng cáp để chống đỡ. Mỗi lần đi qua là phải rất tập trung và cẩn thận dù rằng bị mấy đứa khác làm trò mèo gây rối như rung cây chuối, ném mấy tảng đá bự bự xuống để bắn nước lên hù dọa mấy đứa đang đi. Rõ ràng là chẳng đứa nào thích bị chọc ghẹo lúc đang qua cầu chuối cả vì sợ bị té xuống, nên thành ra một cách cư xử điển hình: Đối với những đứa đi trước nó sẽ rất ngoan không làm gì cả để đến phiên nó thì có cớ năn nỉ: “Nãy mày đi tao đâu có chọc mày đâu!”, nhưng chỉ cần nó qua bên kia an toàn thì lật bánh tráng nhanh như chớp để chọc ghẹo những đứa qua sau. Mỗi lần qua suối là tiếng cười hòa tiếng nước cộng thêm tiếng la của tụi nó rộn rã đến nỗi chúng nó luôn quên mất: đứa nào lật bánh tráng thì hậu quả sẽ đến ngay trong lượt đi về!
Qua được con suối, mỗi ngày mỗi đường nhưng dù là đi đường nào thì cả đám chỉ mong qua bên kia vẫn còn là một cuộc vui chứ không phải ngồi xuýt xoa vì trầy trụa tay chân hay ngượng ngùng vì té suối ướt mất cái quần.
Bên Cánh Đồng Ray thì ôi biết bao trò, đầu tiên là phải kể đến mấy trò chơi ở địa hình Đường Ray: nào là đi thăng bằng trên thanh sắt đường ray xem ai đến đích trước mà không té xuống; rồi chơi oẳn tù xì nhảy về đích theo mấy khoảng cách có sẵn, và cái trò yêu cầu sự cẩn thận và tỉ mỉ nhất chính là rủ nhau xếp đá lên hai thanh sắt. Mấy cục đá xanh to bằng cái nắm tay, đầy góc cạnh được nó và đồng bọn xếp thành hàng trên mặt sắt đường ray. Trò đó chẳng có mục đích gì ngoài việc xem thử đứa nào xếp nhanh hơn với suy nghĩ: “Xe lửa to vậy chạy qua chắc mấy cục đá này nát bét!”. Cho đến một ngày khi cả đám đang chơi thì có một chú vai đeo giỏ đi bộ từ xa tới - chú này tụi nó thấy hoài, chú hay đi bộ dọc theo đường ray xe lửa - tụi nó chỉ nghĩ chắc chú đi kiểm tra mấy con ốc với xem chỗ nào bị hư để sửa nên cũng không quan tâm lắm. Ai dè khi chú tới gần thấy cả đám đang xếp đá thì la cho một trận, rồi cập nhật cho mấy hậu quả nghiêm trọng khi xe lửa chạy qua mà nghe xong tự cả đám cũng thấy trò này ngu không thể tả và chúng nó “thực sự ngu ngốc”! Kể từ cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, cả đám bỏ luôn trò đó!
Mà ở địa hình Đường Ray, chơi gì thì chơi chứ mỗi lần nghe tiếng còi hú lên báo hiệu xe lửa sắp đến là cả đám dù đang ở đâu cũng phải chạy nhanh néo vào một góc nào đó xa xa đường ray, vì tụi nó nghe bảo lúc xe lửa chạy qua ai đứng gần sẽ bị hút dính vào xe lửa vì cái lực gì đó mà nó nghe chả hiểu. Tụi nó lúc đó một đám học sinh tiểu học, nghe người ta nói vậy cộng với cái cảm giác lúc xe lửa chạy qua vừa nhanh vừa ồn, đất rung lên đúng là làm cho tụi nó sợ thiệt nên rất ngoan ngoãn ý thức chạy trốn. Cơ mà hài nhất là một lần thằng nhóc trong xóm đang chơi thì mắc vệ sinh, như một thói quen đất trời là nhà, lá cây làm giấy, thằng bé đang hòa mình vào thiên nhiên trong bụi cỏ gần đường ray thì còi xe lửa hú lên,… ôi cái cảnh thằng nhóc xách quần chạy trốn, thật sự là một pha kinh điển đi vào lòng người.
Ở đoạn đường ray tụi nó chơi có cái ống cống thông ngang dưới lòng đường ray để thoát nước chảy từ hướng cánh đồng về bên suối, cả đám hay gọi chỗ đó là Đường hầm. “Đường hầm” không dài nhưng lại to đủ cho 3 – 4 đứa chui vào đi trong đó, nhưng mà tụi nó cũng không hay chui vào vì cũng sợ là nước thải của người dân!
Thay vào đó cả đám nghĩ ra một trò giết thời gian và dư hơi nhất là Đua cỏ nước, luật chơi đơn giản là mỗi đứa sẽ hái một cọng cỏ rồi bắt đầu thả từ đầu bên này, sau khi thả xong lại chạy trên đường ray qua đầu bên kia coi cọng cỏ của đứa nào đến đích và trôi xuống trước. Cái trò đơn giản vậy mà mất sức quá chời, tụi nó thi nhau mấy hiệp là mồ hôi nhễ nhại vì cái công chạy qua chạy lại, nhưng mà thú vị nhất là cái cảm giác ngóng cổ xem cỏ đứa nào sẽ xuất hiện đầu tiên khi ra khỏi đường hầm, chắc chắn sẽ là một tiếng “Yeah, của tao của tao!” thật to, tiếp theo là xem đứa nào về chót và mắc cười là có lúc đợi mãi không thấy cỏ của mình đâu, chui xuống xem thì mới biết nó bị mắc vào cục đá, hoặc do hái cọng cỏ to quá nên sức nước không đủ để nó trôi đi.
Bài học rút ra là: Trong bất kể hoàn cảnh nào, bạn phải tự lượng sức và đừng chủ quan, vì chẳng ai biết giữa dòng đời nước chảy mây trôi, chúng ta sẽ va vào bao nhiêu cục đá! Chỉ là nếu có đau và té ngã thì hãy như những đứa trẻ chúng nó ngày đó, lại miệt mài hái một cọng cỏ khác và quay lại đường đua!
Chơi chán chê ở Đường hầm, tụi nó sẽ tiếp tục chạy vô cánh đồng cỏ. Cánh đồng siêu to với đủ mọi loại cây, nhiều nhất là loại cỏ mà nó thấy người lớn hay cắt về từng bó to để cho bò ăn. Tụi nó khám phá được nhiều góc trong cánh đồng lắm, có chỗ là cây có trái dại mà tụi nó chẳng biết tên, chỉ biết ăn được nên cứ hái rồi ăn – dù là không ngon lành gì, nhưng vui miệng! Có một góc thì quá trời lá giang bò trên đất – là loại lá vị chua mà mẹ nó hay nấu canh cho cả nhà. Từ hồi nó biết bên đó có nhiều lá này thì hay hái về để đỡ tiền chợ cho mẹ, thấy dù mình đi chơi mà cũng được việc quá chứ! Còn nhiều góc nữa cơ mà đến giờ nó vẫn chưa thỏa lòng nhất là việc chưa chinh phục được cây vú sữa giữa đồng.
Từ bìa cánh đồng, cả đám tụi nó thấy có cây vú sữa ở xa tít tắp, cây cao to và sừng sững đứng thẳng giữa đồng cỏ nhìn hấp dẫn khó tả, kiểu như đó là nơi mà thần rừng sẽ trú ngụ trong mấy câu chuyện cổ tích ấy. Dù là đám tụi nó không tin gì chuyện thần tiên nhưng cái cảm giác muốn chinh phục “Đại ca cánh đồng” thì đứa nào cũng ấp ủ. Thế là một hôm, cả đám quyết chí trốn ngủ trưa rồi tụ họp nhau với mục đích hôm nay sẽ đi đến cây vú sữa.
Đúng giờ y hẹn, cả đám bắt đầu vượt suối băng đồng. Cánh đồng cỏ chẳng có đường mòn, tụi nó cứ rẽ hết bãi cỏ này đến đám cây nọ, hướng đi thì cũng cứ nhắm xem cây vú sữa hướng nào rồi đi thẳng đến. Có đoạn thì không có đường khô mà lại đầy sình lầy lõng bõng nước, tụi nó cũng lấy cái cây chọc chọc xem nông sâu rồi lì lợm lội qua. Đi mãi đi mãi, chân tay đứa nào cũng đầy vết xước do bị mấy cây cỏ cứa vô; quần áo cũng lấm lem bùn rồi cây cỏ dính vào. Mới đầu đứa nào cũng vui vẻ phấn khởi, lúc bị cứa tay thì la một chút, lúc lội sình thì cười ha hả, la chí chóe lúc có một đứa không cẩn thận đạp trúng đống phân… vài “chông gai” đó cũng chỉ là chuyện nhỏ với tụi nó … Nhưng trớ trêu là đi mãi đi mãi sự phấn khởi lúc đầu chả còn vì nhìn về cây vú sữa tụi nó vẫn thấy xa tít tắp, và chưa có dấu hiệu là gần đến. Đi từ lúc mặt trời nghiêng nghiêng trên đầu, tới lúc mặt trời nghiêng sắp lặn mà vẫn chưa tới, nghĩ tới quãng đường nếu đi tiếp và đi về thế là dù tiếc nuối cả bọn cũng phải quay đầu trở về, về đến suối thì mặt trời tắt nắng hẳn! Kể từ hôm đó, cả đám vẫn sang Cánh Đồng Ray chơi trò này trò nọ nhưng chẳng đứa nào rủ nhau đi tìm cây vú sữa đó nữa, không phải vì chúng nó hết tò mò và không còn hứng thú nhưng so với niềm vui thì niềm đau từ mấy cây roi và lời cảnh cáo của ba mẹ ngày hôm đó vẫn ám ảnh hơn!
Hơn 20 năm, nhà nó bây giờ vẫn ở đó, vẫn còn đó con suối, đường ray, đường hầm, đồng cỏ nhưng đường qua suối đã chẳng còn, chẳng còn vì địa hình thay đổi và lòng người cũng đổi thay. Nó bận rộn hơn và tâm hồn cũng không còn nhỏ nữa, chẳng biết lúc nào nó sẽ quay lại nơi đó, nhưng thật hạnh phúc vì nó đã được ở đó, nơi Cánh Đồng Ray chứa đầy ký ức, có vui vẻ cười đùa, có sợ hãi hồi hộp và có cả hối tiếc, là đoạn ký ức nó không bao giờ muốn đánh mất!
© Hướng Dương - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Cậu là phần thanh xuân mỗi khi nhớ đến tớ lại mỉm cười l Radio Tinh Yêu
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Mười sáu - Ba sáu tuổi
Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.
Hành trình đi đến tự do
“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.
Hãy trao yêu thương khi còn có thể
Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.
3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa
Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?