Phát thanh xúc cảm của bạn !

Viên kẹo của cậu là 'I like you'

2022-11-16 01:20

Tác giả: Lâm Uyên


blogradio.vn - Kẹo ngày đó có thể xem như một cách thức chuyền giấy có mùi vị của đám học trò cấp hai chúng tôi. Kẹo có vị ngọt thanh, viên kẹo màu xanh lam như màu trời, mặt trước là nhãn hiệu, mặt sau là một từ vựng tiếng Anh. Có khi là: Enjoy, Happiness; Peace, Exciting, Wonderful. Cũng có khi là một lời nhắn: Try your best, Make your day, Don’t give up. Tôi chợt nhớ ra viên kẹo hai năm trước tôi dúi vào tay Nam có lời nhắn gì. “I’m so sorry, but…”. Và viên kẹo của Nam “I like you”.

***

2012 – năm tôi bước vào một môi trường mới, một bước ngoặt mới. Tôi vào lớp Sáu.

Từ cấp tiểu học nhảy lên cấp trung học cơ sở là một điều gì đấy mới mẻ và cũng khá thú vị. Các môn học bỗng đẻ ra thêm vài môn (cũng không hẳn là vài môn), ngôi trường cấp một bé tẹo chỉ cần đi ba bốn phút là hết bỗng biến thành ngôi trường rộng thênh thang đi hoài đi mãi mà phải mất vài ngày vài tuần để nhớ hết các ngóc ngách, và quan trọng hơn cả, những người bạn nhỏ tí hin năm ngoái đã không còn cùng mình cắp sách đến trường nữa. Mọi thứ đều quá mới mẻ và lạ lẫm, nhưng khi ấy chẳng điều gì làm khó được một đứa con gái hiếu động và ham mới lạ như tôi.

Dù bản thân cũng chỉ nhỏ tí hin như bao bạn đồng lứa khác, nhưng vốn sợ ánh mắt “trìu mến” của giáo viên, tôi liền chui tọt ra cuối lớp mà chiếm đóng một vùng trời. Những chiếc bàn cuối lớp có một sức hút mãnh liệt khó tả mà tôi nghĩ bất cứ ai cũng từng cảm nhận qua.

Tôi quen được bạn mới, là những người cũng bị “những chiếc bàn cuối lớp” thu hút y hệt tôi. Vì tính cách khá hiếu động và thân thiện, chẳng mấy chốc tôi đã cùng các bạn nữ cùng dãy xưng em gọi chị. Ừ thì, khởi đầu như thế cũng khá ổn áp đấy chứ.

Lần đầu tiên tôi biết đến chức ban cán sự lớp là như thế nào, vào ngày bầu bình của lớp. So với cấp tiểu học chỉ đơn giản có một chức vị lớp trưởng, cấp hai có cả tá chức danh nghe qua liền chóng hết cả mặt. Lớp trưởng, lớp phó học tập, lớp phó phong trào, lớp phó lao động, lớp phó kỷ luật, tổ trưởng rồi thì tổ phó. Kiểu chỉ cần vớ bừa một bạn thì cũng sẽ bắt gặp một “ban cán sự lớp” ấy.

tri_ki_4

Tôi thì chỉ muốn bình bình là thường dân thôi. Thế nhưng các chị em vừa kết nghĩa của tôi nghĩ thế nào mà lại đề cử tôi vào một trong các chức vị ấy.

Cứ thế, tôi mơ mơ màng màng nhận được một cuốn sổ ghi chép công tác.

Trên bìa có ghi “Báo cáo kỷ luật lớp 6/11”

Tôi làm tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đây là một đức tính tốt mà tôi vẫn luôn tự hào từ ngày thơ bé.

Dù bản chất rất dễ hòa đồng cùng mọi người, nhưng ngộ nghĩnh và kỳ lạ thay, các bạn nam lớp tôi khi ấy lại không được lòng tôi cho lắm.

Có lẽ đang ở độ tuổi phản nghịch tuổi dậy thì, các bạn nam lớp tôi chẳng hề dễ thương, dễ mến và hiền lành như các bạn nam ở tiểu học. Khi ấy, tôi sinh ra một chút xa cách và hơi nghiêm khắc hơn với nam sinh cùng lứa. Bất kể có từng nói chuyện qua hay chưa, chỉ cần trong giờ học mà làm việc riêng hay thủ thỉ cười đùa với nhau, tôi liền lôi “sổ đen” từ trong ngăn bàn ra, múa bút hạ tên của bạn đó ngay lập tức.

Nghe có vẻ rất có tinh thần trách nhiệm, nhưng thực ra cũng hơi khắt khe.

Cứ mỗi thứ Sáu, vào tiết cuối cùng trước khi chúng tôi được về nhà phè phỡn xem ti vi hay chạy ra khỏi nhà tụ tập với đám hàng xóm, mỗi lớp sẽ đều phải trải qua tiết sinh hoạt chủ nhiệm – tiết mà hầu hết học sinh chúng tôi đều sợ và ngán ngẩm.

Có khen thì cũng có chê. Nếu nói thời gian phát biểu của lớp phó học tập là quả ngọt, thì chắc chắn phần phát biểu của tôi là trái đắng. Chỉ cần có tên trong cuốn sổ của tôi, người được xướng tên sẽ ngay lập tức bị phê bình, hoặc nặng hơn là bị phạt trực nhật một tuần liền.

Đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Nam – một nam sinh tôi chưa bao giờ nói chuyện cùng, thậm chí khá xấu hổ là tôi còn chẳng nhớ rõ mặt mũi cậu ấy tròn méo ra sao.

hanh_phuc

Nam gọi tôi lại khi tôi chuẩn bị bước chân xuống bậc thang đầu tiên, với một biểu cảm cau có nhưng lại hơi dễ thương.

- Lớp phó nghiêm quá, mình chỉ quay sang hỏi Thành tiết sau có kiểm tra không mà thôi.

Tôi ngơ ra mất một lúc chỉ để xác nhận rằng người này có học cùng lớp với mình không.

Vì tính chất công việc, tôi phải nhớ được hết tên cũng như mặt mũi của các bạn học dù có thân thiết hay không. Nhưng đó là lần đầu tiên tôi hoài nghi khả năng ghi nhớ của minh, khi tôi đã mất cả ba phút mà vẫn không thể quả quyết, à người này học cùng lớp với mình.

- Bạn học cùng lớp với mình à?

Nam hơi trợn mắt nhìn tôi, như thể vừa nghe thấy một câu hỏi không thể khó tin hơn. Rồi cậu bạn bật cười, lắc lư mái tóc ngố tàu mà rằng.

- Yến còn không nhớ được mình học cùng lớp cơ. Thế mà ghi tên vào sổ thì lại nhanh thế.

Thực ra ngoài việc nhớ được tên bạn cùng lớp, tôi còn có một sơ đồ lớp nho nhỏ tự làm với sự trợ giúp từ các chị em cùng bàn.

Tôi chưa trả lời Nam ngay, tôi mở cặp lấy cuốn sổ báo cáo ra, rà soát một lượt tuần vừa rồi để tìm tên người đứng trước mặt.

- Thế sao khi nãy Nam không nói với cô là mình ghi oan?

Nam gãi đầu, chà chà dây đeo cặp trên vai.

- Thì sợ Yến bị trách ngược, mà mình cũng chẳng bị phạt gì mà.

Lớp phó kỷ luật phụ trách ghi tên những bạn vi phạm trong giờ học, có công được thưởng và ngược lại. Nếu tôi ghi oan cho bạn học nào mà bạn ấy có “chứng cứ ngoại phạm”, hoặc tôi bị tố ngược là vi phạm trong giờ học, thân là lớp phó tôi sẽ bị phạt nặng gấp đôi các bạn khác.

Tôi cũng hơi nghi ngờ liệu bạn học này có bốc phét với tôi về lần vi phạm đó không, nhưng sau này trong giờ học, thái độ và cử chỉ của Nam lại chứng minh được Nam không nói dối.

hanh_phcu_5

Tôi mò mẫm trong túi hông thường để đựng chai nước, nhón ra một chiếc kẹo màu trắng xanh đẹp mắt, đưa cho Nam.

- Thế xem như là hối lộ nhé. Làm người ai chẳng từng sai lầm. 

Nam nhận chiếc kẹo, tiện tay lật ra đằng sau, khẽ mỉm cười rồi phất tay ra về.

Các bạn đang nghĩ sau lần chung đụng đó, hẳn là tôi và Nam sẽ trở thành đôi bạn thân thiết nhỉ? Không phải nhé.

Sau đó tôi và Nam gần như chẳng bao giờ nói với nhau câu nào nữa. Tôi vẫn chăm chỉ việc của tôi, cậu ấy vẫn siêng năng việc của cậu ấy. Suốt năm lớp Sáu ấy, chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau vài lần, chỉ là những câu hỏi vô thưởng vô phạt.

Mọi chuyện thay đổi khi chúng tôi lên lớp Tám.

Học sinh trung học cơ sở có một cơ chế phân bố lớp học mặc định. Tức là khi chúng tôi được xếp lớp vào năm đầu cấp thế nào, thì sĩ số lớp gần như sẽ không thay đổi vào những năm tiếp theo. Cũng có bạn được xếp vào lớp khác nhưng không đáng kể.

Tôi gần như hoàn toàn quên bẵng đi nam sinh tên Nam ngày đó, vì lớp Bảy chúng tôi không được xếp cùng lớp nữa.

Sau hai năm nhiệm kỳ, tôi quyết định “nghỉ hưu” để nhường công việc dễ gây thù chuốc oán đó cho một bạn học may mắn hơn. Tôi được làm thường dân, tha hồ ăn vụng trong giờ học, chuyền giấy hỏi bài trong giờ kiểm tra hoặc tí tởn tám chuyện dưới hộc bàn với bạn cùng bàn. 

Ngày đầu nhập học, thầy giao chủ nhiệm môn Hóa của chúng tôi dùng đôi mắt sắc như dao cạo lướt mắt qua một vòng quanh lớp, sau đó thầy lấy tờ A4 in danh sách lớp ra, dõng dạc điểm danh từng cái tên một.

 

hanh_phuc_6

Hầu như chẳng mấy người xa lạ trong tờ danh sách ấy, tôi lơ đễnh mà ngồi loay hoay gấp một chú hạc nhỏ màu xanh lam. Cho đến khi tôi nghe thấy một cái tên vừa quen vừa lạ, bất giác tôi ngẩng đầu nhìn về nơi âm thanh “Có” hơi khàn phát ra. Là bạn học từng bị tôi ghi tên oan vào sổ báo cáo kỷ luật lớp 6/11.

Trùng hợp là chúng tôi đều vô tình nhìn nhau. Nam nhìn tôi, hơi nghiêng đầu, còn tôi cứ nhìn đăm đăm người ta như vật thể nào lạ lùng lắm.

Bước vào tuổi dậy thì, tôi bỗng hướng nội hơn hẳn trước đây. Bạn cùng lớp đều đã quen mặt, nói chuyện qua cả rồi nên tôi cũng chẳng lân la đi làm quen như ngày mới vào cấp hai nữa. Yên tĩnh nghe giảng, chăm chú làm bài, thỉnh thoảng góp mặt bày trò với nhóm bạn chơi thân rồi leo lên sổ đầu bài ngồi cho vui.

Tôi và Nam chính thức bước vào cuộc sống của nhau vào một ngày tháng Một nắng vàng rộm đậu trên tán bàng to như chiếc quạt nan.

Cứ mỗi tháng Một, trước khi được nghỉ thả cửa để hưởng một cái Tết sum vầy vui vẻ bên gia đình, nhà trường sẽ tổ chức một ngày Hội Xuân – dịp mà mỗi lớp sẽ bày một sạp hàng nhỏ, đồ ăn, thức uống, trò chơi hay quà lưu niệm gì đấy. Hội Xuân còn có các tiết mục như văn nghệ, quay số trúng thưởng, khen thưởng từ các cuộc thi mừng Đảng mừng Xuân đã diễn ra trước đó. Và đây chắc chắn là một trong những dịp vui chơi hiếm hoi của đám học trò ưa náo nhiệt được thỏa lòng quậy banh trường lớp. Tôi cũng không hề nằm ngoài số đó.

Học sinh sẽ đi theo nhóm hay riêng lẻ tùy thích, miễn là bản thân thấy vui. Tôi đi với đám bạn thân hết sạp ăn này đến hàng uống nọ, mỗi thứ đều nếm một chút cho biết mùi biết vị, có món ngon đến sáng mắt, có món dở đến le lưỡi. Nhưng niềm vui của đám học sinh cấp hai chúng tôi cũng chẳng vơi đi chút nào.

Trong nhóm bạn thân của tôi có một vài đôi “yêu sớm”, cái kiểu mà giấu giấu diếm diếm nhưng ai cũng biết tỏng cả đấy. Hiển nhiên chúng tôi dễ dàng gật đầu khi một đứa nào đấy bẽn lẽn thẹn thùng hỏi có thể đi chơi chung với bạn ABC nào đấy không. Cứ thế ban đầu chỉ có năm sáu đứa con gái, một lúc sau liền thêm vào được một nhóm con trai.

tri_ki_1

Bạn nữ A muốn bạn nam B đi chơi cùng, bạn nam C lại là bạn thân của bạn nam B, cứ thế từ trạng thái “thêm bạn bè” trở thành trạng thái “bạn chung với ABC”. Trùng hợp là, trong nhóm bạn nam vừa được bổ sung vào hội dắt díu nhau hết hàng này qua sạp nọ, Nam cũng nghiễm nhiên đi thanh một nhóm với tôi.

Các bạn nam lứa tuổi ấy thích tỏ vẻ ga lăng  với các bạn nữ để lấy le, bất kỳ ai cũng vậy. Ban đầu chúng tôi chẳng chung đụng được câu nào, thế nhưng chỉ một lát lại biến thành “Yến có muốn uống siro dâu này không”

Tôi nhìn sạp siro dâu được xếp thành hàng vô cùng bắt mắt, bỗng nhiên cũng hơi muốn uống. Nam mua cho tôi một ly, còn cậu ấy thì tay không đi sang hàng khác cùng tôi.

- Nam không uống à?

- Không, mình không thích đồ ngọt lắm.

Tôi ậm ờ gật đầu, nhìn đám bạn đã bỏ xa mình một khoảng, cũng chẳng muốn thu gọn khoảng cách lắm.

- Năm ngoái Nam học lớp khác à? Lớp nào thế?

- Lớp 7/13, cách lớp mình hai lớp ấy. Mà, Yến còn nhớ mình bị chuyển sang lớp khác à?

- À, mới nhớ ra hôm nọ thôi.

Nam cười cười không nói gì, tôi cũng im ru. Bỗng nhiên thấy hơi ngại, như việc mình không hề phát hiện người ta bị chuyển sang lớp khác, rồi mãi đến khi nhìn thấy chính chủ mới giật mình nhận ra người ta đã không giống ấn tượng ban đầu ngày ấy nữa.

Tôi và Nam đi qua mấy sạp trò chơi, cũng chỉ nhìn người ta chơi thôi. Tôi không thích chen chúc lắm, còn Nam có vẻ trầm tính nên tôi cũng ngại hỏi cậu ấy có muốn chơi không.

Chúng tôi cứ tự nhiên tách ra đi riêng với nhau như thế, câu được câu chăng tán gẫu về mấy chủ đề linh tinh. Mãi cho đến khi loa trường thông báo sắp hết giờ Hội Xuân, chúng tôi mới nhớ ra mình bỏ rơi mất đám bạn ở đâu chẳng thấy.

Nam rủ tôi ra bãi xe lấy xe về, chúng tôi lại sóng vai đi một vòng ra bãi đậu, trong tay tôi vẫn là ly siro dâu, còn trong tay Nam lại có thêm một viên kẹo.

Nam bỗng dừng lại ở khúc ngoặt, nhìn tôi với nét thẹn thùng kỳ lạ.

- Sao thế?

Tôi nghiêng đầu nhìn Nam, cậu bạn hít một hơi như quyết tâm lắm, chìa tay ra.

- Cho Yến này.

Tôi vô thức xòe tay ra nhận lấy, là viên kẹo quen thuộc trong canteen trường luôn chất đầy một khay lớn.

- Vậy mình về trước nhé.

Nam nói xong rồi chạy biến, phóng vèo lên con xe đạp cũ rồi bẻ lái ra khỏi cổng sau trường học. Tôi lơ ngơ chẳng hiểu gì nhìn theo cái bóng đã bay hơi từ đời nào của Nam, tiện tay lật cái kẹo ra mặt sau.

tri_ki

Kẹo ngày đó có thể xem như một cách thức chuyền giấy có mùi vị của đám học trò cấp hai chúng tôi. Kẹo có vị ngọt thanh, viên kẹo màu xanh lam như màu trời, mặt trước là nhãn hiệu, mặt sau là một từ vựng tiếng Anh. Có khi là: Enjoy, Happiness; Peace, Exciting, Wonderful. Cũng có khi là một lời nhắn: Try your best, Make your day, Don’t give up. Tôi chợt nhớ ra viên kẹo hai năm trước tôi dúi vào tay Nam có lời nhắn gì. “I’m so sorry, but…”. Và viên kẹo của Nam “I like you”.

© Thanh Ca- blogradio.vn                                  

Xem thêm: Cậu sẽ không vì tôi mà thay đổi, tôi cũng không vì cậu mà đánh cược tương lai | Radio Tình yêu

Lâm Uyên

Áo bông nhỏ sẽ nỗ lực trở thành áo giáp.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Ngôi nhà tiền kiếp

Ngôi nhà tiền kiếp

Trong giấc mơ, cô thấy mình đang ở một ngôi nhà quen thuộc với những con người quen thuộc nhưng lại không phải là những người thân hiện tại mà cô đang sống cùng. Phải chăng đây là gia đình cô, nhà của cô từ kiếp trước?

Giấc mộng và hiện thực

Giấc mộng và hiện thực

Bài học đầu tiên khi tôi bước chân vào xã hội rộng lớn này là ước mơ thì luôn đẹp như vậy đẹp đến nỗi ta quên đi giữa kẽ những giấc mơ đó là hiện thực tàn nhẫn ra sao.

Những điều chưa kịp nói

Những điều chưa kịp nói

"Tớ không biết phải làm thế nào để nói với cậu rằng tớ thích cậu. Mỗi ngày nhìn cậu cười, nghe giọng nói của cậu, tớ thấy lòng mình vui đến lạ. Tớ muốn bảo vệ cậu, muốn ở bên cậu mãi mãi, nhưng tớ không đủ can đảm để nói ra. Tớ sợ nếu cậu biết, chúng ta sẽ không thể tiếp tục như bây giờ nữa. Vậy nên, tớ chọn cách im lặng, dõi theo cậu từ xa. Có lẽ như vậy là đủ rồi."

Cảm ơn mẹ vì tất cả

Cảm ơn mẹ vì tất cả

Dù mẹ tôi có thể không hoàn hảo nhưng luôn yêu thương tôi theo cách hoàn hảo nhất. Việc tôi có được tất cả những điều tốt đẹp nhất trên đời đều nhờ có mẹ.

Những kẻ mộng mơ

Những kẻ mộng mơ

Anh đổ thừa cho cà phê làm anh mất ngủ, anh quy trách nhiệm cho thời tiết khó chịu khiến anh không thể chợp mắt nhưng thực lòng anh chỉ suy nghĩ về em, về những nguyên do hai ta không còn hợp, về những gì anh đã làm, đã sai.

Thanh xuân của tôi

Thanh xuân của tôi

Cảm giác nghẹn ngào dâng lên, khiến tất cả chúng tôi đều biết rằng, dù có trải qua bao nhiêu năm tháng, thì những ký ức này sẽ mãi in đậm trong trái tim.

Mây đợi ai nơi ấy

Mây đợi ai nơi ấy

Không còn một Pha Lê áo thun trắng quần jin xanh đóng thùng hăm hở với bao nhiêu công việc xã hội, bây giờ chỉ còn một cô giáo Pha Lê dịu dàng nữ tính trong tà áo dài mỗi ngày đến lớp đến trường.

Giá như...

Giá như...

Hành trình của mỗi người là khác nhau, đoạn đường người ghi dấu vì thế cũng muôn vàng khác biệt. Nhành diên vĩ um tùm nhưng lại dễ gãy đổ trong gió, những cảm xúc cả buổi ban đầu có chắc gì nguyên vẹn đến mai sau.

Hồi ức chuyến tàu cuối về Sài Gòn – 1985

Hồi ức chuyến tàu cuối về Sài Gòn – 1985

Tối hôm đó, Ngọc Lan trở về nhà với bao suy nghĩ. Câu hát “I don't know why, you said goodbye…” cứ vang mãi trong đầu cô. Cô cười thầm, tự hỏi liệu có phải mình đã rung động trước chàng trai tốt bụng ấy không.

Crush

Crush

Bất cứ khi nào mà thấy chúng tôi đi cùng nhau là y như rằng đám bạn đó hú hét dữ dội. Nhưng chúng tôi không quan tâm, vẫn làm bạn với nhau như bình thường, nói chuyện và đi học chung. Tôi vẫn thế, chôn cất cái tình yêu ấy vào trong lòng, chờ đến khi chúng tôi 18 tuổi thì chúng tôi sẽ yêu nhau.

back to top