Phát thanh xúc cảm của bạn !

Tuổi thơ không có internet

2021-12-18 01:20

Tác giả: kin be


blogradio.vn - Gốc cây, khoảng đất trống, nơi căn cứ địa của chúng tôi đã được xây dựng lên rất nhiều nhà, rất nhiều quán xá, trải đường nhựa nhìn rất đẹp, nhộn nhịp vui tươi nhưng cũng gián tiếp đánh dấu xóa bỏ những hiện vật lưu giữ ký ức của bọn tôi.

***

Tôi thích một tuổi thơ không internet, một tuổi thơ không bị cô độc, một tuổi thơ có những nụ cười hồn nhiên,…

Tuổi thơ ấu, ai trong chúng ta cũng đã tững trải qua. Mỗi người một ký ức, một kỉ niệm, một câu chuyện. Mỗi thời đại sẽ có những cách vui đùa, trải nghiệm khác nhau. Ngày nay, với thời đại công nghệ phát triển, quá trình trưởng thành của những đứa trẻ đã có những thay đổi. Những chiếc smart phone đã thay thế cho những chú ve sầu khi ngày hè cả nhóm cùng nhau đi bắt; Những trò chơi điện tử đã thay thế cho những căn nhà chồi vách lá được dựng lên từ những tàu lá chuối, bẹ dừa, và thay thế cho những trò chơi đồ hàng mà cả đám nhóc cùng nhau túm tụm vào chơi... Và hầu như, những kí ức tuổi thơ của thế hệ sau này chỉ quanh quẩn bên những thiết bị điện tử.

Tôi còn nhớ, trước những năm 2010, tại quê tôi vẫn còn khó khăn, không đến nỗi hết xóm mới có một chiếc TV, hay một cái điện thoại, nhưng chiếc TV, chiếc điện thoại đó là niềm vui của cả nhà. Vì hầu như tối đa mỗi nhà chỉ có một chiếc, TV dùng để xem tin tức, phóng sự, những thước phim tài liệu, phim truyền hình, còn điện thoại chỉ có một chức năng là nghe và gọi. Mỗi tối đến, cả nhà sẽ cùng nhau TV, bình luận trời đất, mệt rồi thì cùng nhau ngủ; còn riêng bọn trẻ chúng tôi sẽ đi xem ké, hoặc mượn những cuốn băng đĩa thuộc đúng lứa tuổi của mình mà những đứa trẻ có hoàn cảnh trong xóm khá hơn có được về nhà xem. Có khi là cả tuần mới có thể mượn được một đĩa, xem được duy nhất một tập phim, hoặc xem chung nguyên nhóm vì cả nhóm gồm bảy tám đứa, thay phiên nhau từng ngày. Ai may mắn oẳn tù xì thắng sẽ được xem trước, ai thua thì đành chờ lần sau hoặc xem ké với những đứa được mượn trước cho đỡ ghiền. Và câu chuyện đó được diễn ra đến khi đám nhóc chúng tôi lớn, biết được ngượng ngùng, yêu đương của lứa tuổi mộng mơ.

Hoặc vào buổi trưa hè, cả nhóm chúng tôi sẽ cùng nhau ngồi chờ một chiếc xe đạp cũ và bóng hình người đàn ông trung niên cao gầy đi ngang. Khi tiếng: “Reng! Reng! Reng!” kêu lên là cả nhóm vui mừng như nhặt được vàng. Không ai bảo ai, mọi người cùng nhau xúm vào chiếc xe kem di động của ông Tám, ai cũng hi hi ha ha đê giành được lấy kem trước, hoặc xin thêm ít kem, miếng sữa, miếng đậu phộng rang... Thời đó hầu như đại đa số gia đình đều chưa có tủ lạnh, chỉ có thể mua những lô nước đá từ nhà máy về để đỡ những ngày nóng nực, nhưng những cục đá lạnh tanh không mùi không vị không thu hút được bọn trẻ như ly kem này.

Những ngày xây dựng những căn chồi nhỏ bằng lá cây, bọn trẻ sẽ tập lại dáng vẻ của ba mẹ mình để chơi trò chơi gia đình. Người nam lớn nhất sẽ làm ba, người nữ lớn nhất sẽ làm mẹ, những đứa trẻ còn lại thì làm con, cô giáo, người bán hàng ngoài chợ… chỉ với khoảng bảy tám trẻ nhỏ đã có thể xây dựng được một thôn làng, một vương quốc riêng cho mình. Không phải lúc nào cũng giữ được hòa thuận, nụ cười trên môi, có những lúc sẽ có những xung đột cãi vã, hoặc nhiều đứa còn bị ba mẹ đánh đòn vì trốn ngủ trưa để đi chơi cùng.

Nhóm tôi có một đứa lớn tuổi nhất, tên là Kin. Nó là đứa lớn nhất, cùng là đứa hay bày trò nhiều nhất, bọn trẻ thường hay gọi nó là “anh lớn”. Vì nó rất cao, cao hơn so với những đứa trẻ lúc bấy giờ. Trong nhóm, nó có lẽ là đứa thoải mái nhất, sướng nhất khi không bị sự quản tháo la rầy của ba mẹ. Vì ba mẹ nó ly hôn từ khi nó còn nhỏ, ba mẹ đều có cuộc sống của riêng mình, nó ở nhà với ông bà nội và vợ chồng người chú. Vợ chồng người chú không có con nên rất thương yêu nó, tuy nhiên, vợ chồng chú nó làm ăn xa nhà, không thể ngày ngày phải ở nhà trông nó, thỉnh thoảng sẽ gửi cho nó một ít tiền để tiêu vặt. Chú nó có một cửa hàng nhỏ ở tỉnh, một bên mở quán cơm, một bên thím nó mở một quầy hàng ăn vặt với tất cả loại bánh mứt, thu nhập đủ sống, so với ở quê thì tương đối khá.

Nhà nó có rất nhiều đĩa phim hoạt hình đều là chú mua cho nó, rất nhiều những món đồ chơi lẻ nhỏ mà nó rút thăm có được, nó còn rất khéo tay, có thể tạo hình con cào cào, chuồn chuồn, thanh kiếm... từ những bẹ dừa, tàu chuối, sau những buổi học nó còn dẫn bọn tôi tắm sông, bắt cá. Những đứa trẻ trong xóm rất thích đến nhà nó chơi, để nó dạy cho cách làm hoặc mượn đĩa phim của nó. Nó rất rộng rãi và thoải mái, luôn vui vẻ và nở nụ cười, nên rất được mọi người thích. Không biết từ bao giờ, những đứa trẻ chúng tôi lại thân quen và quấn quýt nhau đến thế.

Cuối năm 2010, ông bà nó tuổi già, do không có ba mẹ, cô chú lại ở xa, năm đó nó vừa tròn 12 tuổi, cô chú nó rước nó cùng ông bà về ở chung để tiện chăm sóc và phụ giúp việc vặt. Có lẽ với Kin là một tin tốt, nhưng đến với bọn trẻ chúng tôi là một chuyện cực kỳ tệ, như con tàu mất đi bánh lái. Ngày chia tay, đứa nào cũng buồn. Trước ngày chia tay hai ngày, buổi chiều tối, nguyên đám chúng tôi xúm lại với nhau tâm sự trước nhà nó. Có đứa khóc thút thít, người lớn bắt gặp, cười lớn chọc chúng tôi: “Mất đi đồng minh, từ đây không còn ai bày trò quậy phá cùng tụi bây nữa rồi!”…

Lúc đó trong nhóm ai cũng buồn, có đứa mạnh bạo hỏi nó muốn gì cả nhóm sẽ làm cho nó, vì lần chia tay này không biết bao giờ gặp lại. Nghe người lớn nói có thể nó sẽ không về nữa, vì nhà chú nó sẽ định cư luôn ở đó. Nó bảo với chúng tôi rằng:

- Từ nhỏ đến lớn tao chưa được tổ chức sinh nhật, mấy mày làm bữa tiệc sinh nhật cho tao xem thử đi, để tao ước là sẽ được về gặp tụi mày nữa!

Cả nhóm hân hoan đồng ý, vì nghe nói điều ước sinh nhật sẽ thành hiện thật. Hôm thằng Kin đi là hôm thứ hai, nên chủ nhật không đứa nào đi học. Sáng ra cả nhóm chia nhau làm, tuy nhiên đều là trẻ con, không có tiền nhiều, gom góp lại hết chỉ đủ mua bánh mứt, bim bim và kẹo, không thể mua nổi một chiếc bánh kem, nên nhờ người lớn đỗ giùm một ít bánh chuối hấp, sao đó xếp chồng lên nhau, cao bằng hai ngón tay út. Lớp ngoài mặt tráng lên một ít nước cốt dừa xong rồi bỏ vào thùng nước đá, cho lạnh để thay thế cái bánh kem thật. Những đứa còn lại sẽ hái trứng cá, trộm mận, ổi nhà gần đó để làm món tráng miệng. Còn đứa thì đi cắt giấy để làm nón, đi lấy trộm đèn cày ở nhà để đem đến… mỗi đứa một việc để hoàn thành bữa tiệc sinh nhật lớn.

Hôm đó, đến tầm 6h chiều, mọi người đều tụ tập đông đủ. Đem tất cả những món đã chuẩn bị bày ra chiếc chiếu đặt trước sân. Có đứa còn khoa trương là phải bịt mắt thằng Kin lại để nó không nhìn thấy. Sau màn hát chúc mừng sinh nhật, cầu nguyện thì đến màn thổi nến. Điều thú vị ở đây là nguyên nhóm lần lượt từng đứa được thổi nến và ước nguyện. Thậm chí có đứa sau khi thổi nến xong còn quay ra bảo đứa kế tiếp:

- Mày phải ước là anh lớn được trở về chơi với bọn mình tiếp nhé!

Đứa nhỏ tuổi nhất còn nói to lên là: “Cầu ông trời cho anh lớn vẫn ở lại!”.

Cả đám nhóc đều cười ầm lên. Chơi thêm một lúc nữa, chúng tôi phải ra về để cho thằng Kin được nghỉ ngơi để sáng lên xe không bị mệt. Lần đầu tiên, bọn nhóc biết được thời gian sao trôi qua nhanh thế, đứa nào cũng tiếc nuối luyến tiếc không muốn đi. Phải chờ người lớn gọi về nhà đi ngủ để sáng còn đi học mới chịu ra về.

Cuộc sống vẫn còn tiếp diễn, ngày qua ngày bọn nhóc chúng tôi ngày càng lớn, áp lực học hành ngày càng nhiều, chả ai còn quan tâm đến câu chuyện này nữa, chỉ xem như là kỷ niệm đẹp. Khi gặp nhau đều chào nhau nhưng không còn thân thiết quấn quýt nhau như trước. Gốc cây, khoảng đất trống, nơi căn cứ địa của chúng tôi đã được xây dựng lên rất nhiều nhà, rất nhiều quán xá, trải đường nhựa nhìn rất đẹp, nhộn nhịp vui tươi nhưng cũng gián tiếp đánh dấu xóa bỏ những hiện vật lưu giữ ký ức của bọn tôi. Và cũng từ ngày đó nhân vật tên Kin chỉ còn trong ký ức, bọn tôi không gặp lại nhau nữa. Chỉ nghe thông tin loáng thoáng từ người lớn, chúng tôi mất liên lạc hoàn toàn, nó cũng không trở về nữa. Với những người khác là trò đùa bọn trẻ, nhưng đối với mỗi đứa trẻ trong chúng tôi đó có thể là tuổi thơ.

Tôi nghĩ, nếu đặt vào thời gian bây giờ chúng tôi và thằng Kin không đánh mất liên lạc nhau, nhưng nếu là như thế bọn tôi cũng không nhớ nó lâu đến thế. Ngày nay, xã hội phát triển, chúng tôi có thể chat với nhau trên mạng hàng ngàn giờ, nhưng chẳng đổi lấy nụ cười, hạnh phúc khi bọn tôi ở cạnh nhau ngày đó. Ngày nay, nhà nhà đều có điện thoại thông minh, TV công nghệ hiện đại, muốn xem một bộ phim, một chương trình, một tập hoạt hình chỉ cần mất 5 phút, nhưng chả còn ai hứng thú xem nữa, vì nó rất cô đơn lạnh lẽo, nó không kích thích được sự tò mò trông ngóng của chúng tôi. Ngày nay, chỉ cần ngồi ở nhà, lúc nào cũng có thể  ăn được những cây kem ngon lành, không còn nóng nực ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ để chờ chiếc xe kem chạy quanh xóm, nhưng kem đó không còn ngon như lúc trước nữa…

Xã hội hiện đại, nhu cầu sống con người tăng cao và ngày càng hoàn thiện hơn, trẻ em cũng được đầy đủ hơn, không còn ngày ngày chân tay lấm lem chơi những đồ hàng bằng đất sét, trưa nắng chạy theo đuổi bắt những con cào cào, ngày nóng tắm sông, ngày mưa ở trần tắm... Trẻ em ngày nay được giáo dục rất tốt, được tiếp xúc với nền giáo dục lành mạnh, tiên tiến nhất, tiếp xúc với những khoa học hiện đại sớm nhất, được hưởng những điều kiện phát triển toàn diện, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất thiếu sót.

Buổi chiều khi về nhà không còn nhìn thấy việc mọi người cùng nhau xem TV nữa, mà mạnh ai nấy làm việc của mình, đến đứa trẻ 5 tuổi cũng có việc, việc của nó là sử dụng điện thoại khi ba mẹ phải bận rộn làm công việc của riêng mình, không có thời gian chơi cùng nó, và việc như thế đã trở thành thói quen. Hoặc khi bạn bè hẹn gặp nhau, thì cũng mọi người một chiếc smart phone cùng nhau chụp hình để đăng lên mạng xã hội, xong lại tiếp tục ai làm việc nấy với những chiếc điện thoại. Khi có câu hỏi thăm chỉ trả lời qua loa cho lấy lệ, đến giờ thì mạnh ai nấy về nhà và như thế đã được xem là có cuộc gặp mặt. Cuộc hẹn lần sau lần sau nữa vẫn sẽ là như vậy…

Những tâm sự này, không phải đễ than vãn hay trách móc, mà chỉ cảm thấy mình rất may mắn, may mắn là được sinh ra vào thời gian đó. Khoảng thời gian cho ta một tuổi thơ không có internet.

© kin be - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Blog Radio 463: Chúng ta, ai cũng có câu chuyện của riêng mình

kin be

Sống qua câu chữ ^-^

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top