Trung thu của đứa con xa nhà nơi phố thị
2016-09-15 01:53
Tác giả:
Tết trung thu, tôi vẫn đi làm thêm, bận bịu với việc học lẫn công việc để chắt chiu cho việc đi học ở thành phố. Trên đường đi làm về, tôi mua chiếc bánh trung thu ăn, nó gợi nhớ những kỉ niệm về gia đình, về mẹ, những điều thiêng liêng và đẹp đẽ nhất cuộc đời tôi
Đêm nay, giữa cái tưng bừng, tấp nập của phố thị đông đúc dòng người qua lại, tiếng trống lân thùng thình vang lên dưới ánh đèn rực rỡ của phố xá hoa lệ, những đứa trẻ gương mặt rạng ngời, tiếng cười giòn giã, rộn ràng, ánh mắt thơ ngây ánh nên niềm phấn khích, hạnh phúc, đứa thì hô hào, đứa lại hò reo để được sờ lên những chiếc lông sặc sỡ của mấy chú lân đêm hội trăng rằm của đám trẻ thật tươi vui, tưng bừng… nhưng tôi vẫn lặng lẽ, tất bật với công việc.
Là một sinh viên nghèo xa nhà vào thành phố đi học, cũng được gần 3 năm rồi, có lẽ tôi cũng quên mất cái vị của bánh trung thu nó thế nào. Giữa dòng người tấp nập, rộn rã này, có đôi khi tôi thấy mình thật lạc lõng, cô đơn, tôi nhớ nhà, nhớ người mẹ già vẫn tảo tần sớm hôm, nhớ ngôi nhà nhỏ đã bạc màu vôi, nhớ cánh đồng xanh màu lúa non điểm trắng những cánh cò. Ngay lúc này, đâu đó tận sau trong tâm hồn bé nhỏ này, có chút xót xa, tôi thèm được mẹ nấu cho chén chè trôi nước vào đêm trung thu, hương thơm ngọt ngào, thanh thanh bốc lên ngun ngút, ấm ấp mà đậm đà tình yêu.
Đã khuya rồi, giờ này ở quê chắc mẹ cũng đã say giấc sau một ngày làm việc vất vả, quán café tôi làm cũng tạm nghỉ. Tôi ra về, ngay trước đường còn một cửa hàng bán bánh trung thu sắp đóng cửa, tôi chạy lại mua một cái lót dạ, may mắn là con ngay loại có nhân thập cẩm. Cũng lâu rồi, tôi mới được nhâm nhi lại mùi vị tuyệt vời này của chiếc bánh, đây cũng là lần đầu tiên tôi tự mua cho mình cái bánh trung thu mà tôi thích. Tôi còn nhớ, ngày còn ở nhà, mẹ tôi không có tiền mua một hộp bánh trung thu đến mấy trăm nghìn cho tôi và mấy đứa cháu ăn, mẹ chỉ gửi ít tiền cho khu phố, rồi đến ngày, người ta cho thiếu nhi chúng tôi mấy bịch bánh ngọt cùng với kẹo. Những niềm vui trẻ thơ bé nhỏ ấy vẫn sống mãi trong tâm trí tôi, tất cả là những kí ức thật tươi đẹp.

Nhẹ nhàng cắn từng miếng bánh, vị ngọt, vị béo tất cả hòa quyện vào nhau, một mùi vị tuổi thơ quen thuộc, chợt có chút gì đó nghẹn ở cổ tôi. Tiếng mưa tí tách, những giọt mưa cuối hạ nhẹ nhàng rơi, khiến lòng tôi thêm nặng, một chút chạnh lòng trong khoảnh khắc, vô tình không ngăn được dòng nước kia đang tràn ra khỏi khóe mắt cay cay này của tôi. Tôi chăng biết mình khóc vì điều gì, vì mưa sao, mưa khiến tôi buồn sao, hay những vất vả, chật vật của cuộc sống, của cái nghèo làm tôi quên đi những niềm vui cuộc sống. Để tiếp tục con đường đại học đầy chông gai, tôi chẳng ngại khổ, ngại khó, tôi lao vào cuôc sống mưu sinh, kiếm đồng tiền, kiếm miếng cơm để sống, để học tập, để thực hiện ước mơ, và trông chờ những điều tốt đẹp ở tương lai. Chẳng biết lúc nào, một cô bé chập chững đôi mươi như tôi lại trở nên già dặn, chững chạc trước tuổi, nhiều âu lo, nghĩ ngợi.
Mỗi ngày, tôi bận bịu với những xô bồ của cuộc sống. Mẹ tôi chẳng còn sức để lo cho tôi, con đường tôi chọn đầy gian nan này, vẫn từng giây từng phút cố gắng, miệt mài cho dù có khi rất mệt mỏi. Vậy đó, những thứ gọi là cuộc sống từ lâu đã gặm nhấm tâm hồn tôi, khiến tôi mệt mỏi, và đôi khi vô tình lãng quên đi những điều tốt đẹp thiêng liêng nhất vẫn đang hiện hữu bên mình: gia đình, tình yêu thương của mẹ.
Bận rộn của cuộc sống, tối lại, một cảm giác cô đơn, trống vắng vẫn hiện hữu trong tôi, nó vẫn dồn nén từng ngày, từng phút. Trong sự tĩnh lặng của con hẻm về đêm, tiếng chuông điện thoại bất ngờ reo lên. Bên kia đầu dây, một giọng nói ấm áp, quen thuộc cất lên: “Con ngủ chưa, con gái”. Giọng nói của mẹ bất chợt vang lên xua tan cái lạnh lẽo, tẻ nhạt của màn đêm, tôi nghẹn ngào, một cảm xúc nào đó bỗng dạt dào một cách tự nhiên. Trong khoảnh khắc, rất nhanh, tôi lại vội vàng đưa tay lên chặn lại ngay miệng mình, tôi sợ tiếng khóc này sẽ làm mẹ đau lòng, làm mẹ thêm lo lắng, xót xa. Tôi chỉ muốn ngã vào lòng mẹ ngay giây phút đó, khóc thật to, cho vơi hết những mệt mỏi, nhọc nhằn đã chất chứa bấy lâu. Nhưng không được, người mẹ già hay đau yếu kia sẽ càng buồn phiền đau đớn hơn nếu biết đứa con gái này đang phải chịu đựng quá nhìu áp lực cuộc sống.
“Dạ, con ngủ rồi mẹ ạ, có gì mai con gọi cho nhé”.

Tôi chỉ dám nói vậy và nhanh tay tắt máy, không thì tích tắt sẽ không thể kìm dược một dòng cảm xúc mãnh liệt đang trào dâng trong lòng mình, lúc đó, sẽ lại khóc như một đứa trẻ, hệt như đứa con gái của những ngày đầu vào thành phố, cũng khóc lóc, than vãn vì choáng ngợp trước một thế giới xa lạ, vô tình này.
Rời xa vòng tay mẹ, vòng tay gia đình, có lẽ 2 năm vẫn chưa là gì đối với nhiều người, nhưng với tôi, đó là khoảng thời gian đầy khó khăn, vất vả. Một mình khăn gói lên thành phố để thực hiện ước mơ đại học của mình, có lẽ, lúc đó với một cô bé 18 ngây ngô cuộc sống vẫn là một màu hồng tươi đẹp, màu xanh của khát khao, hi vọng. Tôi chưa thể hình dung cuộc sống nơi đô thị khó khăn, chật vật như thế nào. Tôi còn nhớ mãi, giây phút chị tôi tạm biệt ở nhà bà cô quên rồi ra về, lòng tôi bỗng nghẹn ngào, đôi mắt long lanh như muốn trào ra những giọt nước mắt tủi thân, lạ lẫm. Nếu là một đứa trẻ, có thể ngay lúc đó tôi đã chạy tới và ôm lấy rồi theo chị ra về.
Những ngày đâu, tôi và con bạn chung phòng đi phụ nhà bác nó bán bắp, không ngại vất vả hay than phiền, vì vốn dĩ, tôi cũng từng làm nhiều việc như này để giúp đỡ mẹ. Nhưng mọi thứ là một cảm giác gì đó hoàn toàn khác, sự tủi thân, nhớ nhà, buồn bã, ngày ngày chỉ biết nhìn xe cộ, phố xá, không bạn bè, chiều nào hai đứa cũng thủ thỉ với nhau cho đỡ nhớ quê, nhớ mẹ, ngồi một góc phố, lột từng trái bắp, mặt lũi lấm lem, rồi nhìn nhau cười cho bớt nặng lòng. Có hôm mưa, hai đứa mang áo mưa ra đứng bán bắp, đêm về ướt như chuột lột, hai đứa cứ thế mà trêu nhau, khuya lại ăn mấy trái bắp và những cái trứng nướng còn thừa lại, không còn nóng hổi như ban đầu nhưng vẫn còn cái vị béo béo của trứng và ngọt ngọt pha chút đắng của miếng bắp bị cháy.
Những kỉ niệm cứ thế in sâu trong lòng tôi, những vất vả, xen lẫn chút xót xa, chạnh lòng của cô bé chập chững đôi mươi như tôi càng khiến tôi can đảm, mạnh mẽ lên từng ngày. Cũng như giây phút này, mẹ tôi gọi điện vào hỏi thăm, tôi cũng gắng gượng nói cho rõ câu rõ chữ, giữ giọng thật bình tĩnh, cố kìm những cảm xúc đang dạt dào trong tim mình lại, vì mỗi lần nghe tiếng mẹ, cứ thế nước mắt tôi lại chảy dài. Nhớ lại những năm tháng ở với mẹ, mẹ lo từng miếng cơm manh áo, bữa ăn có bữa rau bữa cá, có bữa cả nhà chỉ ăn cơm với chén xì dầu, hôm thì cơm chiên trứng, rau muống xào, được dịp mẹ tôi làm có tiền thì cho ăn thịt, canh chua cá lóc, cá thu chiên… Những bữa cơm đạm bạc mà chan chứa tình yêu thương của mẹ, suốt đời tôi chẳng bao giờ quên, đặc biệt ngay giây phút này, tôi còn thèm hơn bao giờ hết một chén cơm trắng mẹ nấu.

Tối nào, tôi cũng ra ban công ngồi nhìn những ánh đèn lung linh thấp thoáng dưới những hạt mưa, bóng người qua lại chẳng ai nhìn ai, vội chạy theo một hướng xa xăm nào đó, nhỏ dần rồi mất hút. Tôi quen dần với những điều đó, những thứ tẻ nhạt, chán chường. Rồi tôi tìm được nhà trọ, dọn ra riêng với mấy người bạn, tìm việc làm thêm để kiếm thêm đồng ra đồng vào hằng ngày. Có việc gì thích hợp, tôi đều nhận làm, gia sư, phục vụ tiệc cưới, quán ăn hay quán nước, tôi đều tranh thủ làm, người ta sai gì làm đó, cũng có khi mệt lắm, đuối lắm nhưng tôi vẫn cố gắng, chịu đựng, không dám tâm sự với mẹ, vì mẹ buồn, nỗi lo của tôi còn tăng lên gấp bội. Có khi vào mùa thi, tôi chẳng thể đi làm được, đành gọi về xin mẹ vài đồng, xin cho tháng tới phải gọi từ giữa tháng trước, vì tôi biết, mẹ tôi chạy vạy rất cực khổ, có khi vài trăm thôi mẹ cũng phải để dành cả tháng. Tháng đó cả nhà ăn ít lại, dành cho tôi chút tiền sinh hoạt, vậy đó, mỗi người bớt tiêu đi một ít, ăn ít hơn một chút, cũng chắt chiu cho tôi, nghĩ tới lại thấy xót xa, chạnh lòng. Chỉ đơn giản vậy thôi, mà mỗi khi nghĩ về, tôi càng thấy thương gia đình mình, họ chính là động lực để tôi phấn đấu từng ngày, mỗi giây, mỗi phút.
Tôi về đến nhà và đặt nhẹ người lên chiếc chiếu, nhắm mắt lại cho những suy nghĩ kia vơi đi. Hình ảnh mẹ cứ hiện lên, gương mặt hiền từ, ánh mắt long lanh ấm áp, chan chứa một nỗi niềm nỗi nhớ thương. Mẹ dang đôi bàn tay gầy guộc rám nắng của mình ra như muốn ôm lấy tôi. Để những mệt mỏi, đau xót kia lặng lẽ trôi đi, một phút thôi cho tôi ngã vào lòng mẹ trong giấc mơ. Hạnh phúc đơn giản chỉ là khoảnh khắc nhẹ nhàng thả mình vào những điều tốt đẹp đó – một giấc mơ tuyệt vời là chén cơm trắng nóng hổi, dẽo thơm bên cạnh dĩa rau lan luộc với mấy con cá khô, tôi và mẹ cùng chuyện trò râm ran, trao nhau những tiếng cười hạnh phúc, thanh thản.
© Dương Thanh Hà – blogradio.vn
Bài dự thi cuộc thi viết "ĐỂ YÊU THƯƠNG DẪN LỐI". Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn nhấn vào nút "Bình chọn" dưới chân bài viết, để lại bình luận tâm đắc và chia sẻ lên mạng xã hội. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn xem tại đây.
Có thể bạn quan tâm: Thèm lắm một bữa cơm nhà
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Những ngày chênh vênh
Những buổi chuyện trò với nhỏ bạn tuy ít nhưng luôn khiến mình suy nghĩ nhiều. Mình thấy chênh vênh ghê gớm, nhưng rồi thì lòng mình cũng chững lại, để biết rằng mình cần phải làm gì.

Lời hẹn của con
Cho con được thêm lần nữa tự hào con là con của mẹ, con của một bác sĩ tận tậm tận lòng với mọi người. Con là con của ba, một chiến sĩ bộ đội đang canh gác ngoài biên cương xa xôi.

Tình yêu của mẹ
Đến bây giờ tóc của mẹ đã điểm bạc sương pha Các vết chân chim hằn đầy đôi mắt mẹ Năm ngón tay run không còn như thời son trẻ Vai mẹ gầy con bỗng thấy xót xa

Lời yêu
Tôi vẫn thường nghe một câu nói như này tuổi 17,18 ấy cái gì cũng có chỉ không có đủ dũng khí để nói thích một người. Đúng vậy, mãi cho đến khi sắp tốt nghiệp tôi vẫn không bày tỏ lòng mình với cậu ấy. Khi đó vào bữa tiệc chia tay cuối năm tôi ngồi cách cậu ấy không xa chỉ biết lặng lẽ ngắm nhìn cậu.

Bước tiếp sau một mối tình tan vỡ
Kết thúc một mối tình là một vết thương chưa lành lại bị xẻ thêm một vết rách. Tôi nhận thức được rằng bản thân ngay lúc này cần phải chữa lành và yêu thương mình nhiều hơn. Giây phút này, tôi chưa thể sẵn sàng để yêu.

Cây sung cụt của đại đội tôi
Như thể cảm nhận được sự ưu ái đó, cây sung càng tươi tốt, vươn cao, tán xòe rộng rợp mát cả khoảng sân. Đại đội trưởng thích lắm, kê hẳn một ghế đá dưới gốc, chiều chiều ngồi uống trà ngắm nó.

Khi cánh cửa mở ra, tôi thấy chính mình ở đó
Tôi cố gắng nhớ lại. Sáng nay, tôi rời khỏi căn hộ, như mọi ngày. Tôi pha một tách cà phê, lật giở vài trang báo, mặc bộ đồ quen thuộc rồi đi làm. Nhưng… tôi có nhớ lúc quay về không? Có nhớ khoảnh khắc đặt tay lên nắm cửa, tra chìa khóa vào ổ, xoay nhẹ cổ tay và bước vào không?

Đừng bao giờ buôn chuyện thầm kín, tâm sự bí mật với 5 con giáp này
Một khí bí mật của bạn rơi vào tay những con giáp này, hãy thận trọng vì không biết khi nào nó sẽ được truyền đến tai tất cả mọi người.

Ngày không em
Dù gì, được nhắn tin với anh mỗi ngày cũng là niềm vui của cô. Và thế là những dòng tin nhắn, cứ qua lại suốt gần mấy năm trời, mà đa số người chủ động nhắn tin lại là cô.

Cửa hàng của mẹ
Niềm vui của lao động, của sự tất bật với công việc hàng hóa của mẹ để rồi mẹ tạm gác lại những việc nhà lặt vặt. Thế nhưng giờ chắc có khi lại khó để thấy khung cảnh ấy.