Phát thanh xúc cảm của bạn !

img bài dự thi Tôi vẫn còn thời gian để chờ đợi và hy vọng

2020-06-22 01:27

Tác giả:


blogradio.vn - Tôi vẫn chờ đợi được. Đợi có thể là đến ngày mai, có thể là đến hai tháng nữa, hoặc là đến khi vật đổi sao dời. Bởi vì may mắn hơn rất nhiều người ở đây, tôi vẫn còn thời gian, rất nhiều thời gian để chờ đợi.

***

Trong đêm muộn, tôi ngồi ngẩn người nhìn theo những khoảnh luân phiên sáng tối của những ngọn đèn đường vàng lướt qua ô cửa kính xe buýt, soi chiếu khung cảnh mông lung nhòa nước. Bên ngoài, muôn tầng mây nặng đang khóc nức nở. Những hạt mưa nốc cạn ánh đèn vàng, say loạn rẽ lối trên cửa kính, lấp lánh rực rỡ như những vì sao băng sa khỏi bầu trời. Cảnh vật thật đẹp đẽ mà quá đỗi u buồn. Tôi từng yêu những chuyến xe thế này, yêu tiếng còi vang vang hòa trong gió lộng qua ngàn dặm núi đồi, yêu những cảnh vật vừa xa lạ vừa quen thuộc nơi những miền đất khách, yêu cảm giác chòng chành lắc lư qua muôn ngã rẽ quanh co, yêu những giấc ngủ chập chờn mơ màng, yêu cái buốt lạnh sóng mũi và những tiếng thì thầm, giọng hát khẽ khàng trong toa xe lúc về đêm. Thực ra hiện tại tôi vẫn yêu. Thế nhưng, tôi đã sớm không còn khả năng thật an nhiên mà hưởng thụ, đã sớm bị nỗi lo sợ và đau đớn dày vò mất rồi.

Trên xe, vẫn có những tiếng rầm rì khe khẽ, cười cợt, những trận hít mũi, ho khan. Chẳng rõ họ có đang nói về tôi hay không, có đang chế nhạo khinh ghét tôi hay không. Thật ra tôi cũng từng là một trong số họ, không ác ý nhưng lấy điểm yếu của người khác ra làm trò vui, không hiểu được một khi bản thân vướng trong hoàn cảnh đó, mỗi lời nói vô tình hay trận cười bâng quơ đều có sức sát thương. Nỗi bất an và tủi nhục cứ lớn dần lên, còn con người ta vì một số lý do vẫn phải chịu đựng bất an và tủi nhục đó để tiếp tục sống trong nỗi căm ghét chính mình. Không có cách kiềm hãm căn bệnh, điều duy nhất tôi có thể làm là xin lỗi người khác, ngàn vạn lần trong lòng.

Vào một ngày đẹp trời, căn bệnh đến với tôi. Từ đó, mọi sự bình yên đều là tạm bợ. Tôi đã đến rất nhiều nơi, uống rất nhiều thuốc, đến nỗi tưởng như bản thân như một bức tượng đất tróc lở, mỗi ngày đều dùng thuốc để vá víu đắp vào. Bọn họ đều nói, cần kiên trì trong hai tháng. Thế nhưng đã có rất nhiều cái hai tháng trôi qua vẫn không có chút tiến triển. Thực ra, tôi chẳng sợ phải đợi thêm hai tháng, chỉ sợ có đợi nữa cũng chẳng đợi được điều mình muốn đợi. “Chờ đợi không đáng sợ, đáng sợ là không biết phải chờ đợi đến bao giờ.” Từ đó, mỗi ngày đều cảm thấy chẳng có tư cách được hạnh phúc, thậm chí, cả tư cách tìm kiếm hạnh phúc cũng chẳng có. Mỗi ngày đều cảm thấy đang tự hủy hoại bản thân và làm phiền người khác, nhưng cố gắng thế nào cũng là vô ích. Mỗi ngày đều chuẩn bị sẵn sàng chờ đợi ngày mai căn bệnh sẽ chấm dứt, chỉ để thất vọng thuyết phục mình chờ đợi một ngày mai khác nữa.

“Cứ luôn kết thúc rồi lại bắt đầu

Cho người ta bao nhiêu hi vọng

Cũng dìm người ta vào bao nhiêu thất vọng của cuộc sống này”

Lời bài hát này đã ứng vào căn bệnh của tôi: có lúc thuyên giảm, khi lại đột ngột trở lại. Cho dù bệnh có đỡ, tôi cũng chẳng thể vui mừng, trở thành một kẻ lo được lo mất. Thứ suy nghĩ rằng tôi sẽ sống với căn bệnh này cả đời đều đặn tập kích tâm tưởng tôi hết lần này đến lần khác, mà lần nào cũng thành công khiến tôi thống khổ. Tôi như một kẻ mang đầy đủ lương thực đi lang thang vô định trong mê cung của nỗi tuyệt vọng, đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ chân, chẳng thể chết ngay được, nhưng cũng chẳng thể tìm thấy lối ra, sự rệu rã dần dần ăn mòn từ thân xác đến tận gốc rễ tâm hồn. Một căn bệnh quái lạ không giết chết, mà khiến con người ta sống chẳng khác gì đã chết.

Có những lúc quá khổ sở tôi sẽ nảy sinh cái suy nghĩ rằng phải chăng mình đã phạm phải đại tội gì, hoặc là một kẻ tệ hại đến thế nào, để phải gánh chịu thứ bệnh tật tai quái đến vậy. Có những lúc quẫn bách đến nỗi sản sinh ra ý nghĩ điên rồ muốn dùng máu để chuộc tội, nhanh chóng thoát khỏi căn bệnh. Thế nhưng cho dù trên khủy tay có bao nhiêu vết sẹo, toàn thân như một món hàng có mã vạch, thì căn bệnh cũng không thôi ngày ngày hằn vết lên tâm hồn tôi.

Tôi đã tưởng cuộc sống của mình cùng quẫn, cho đến khi vì cần một số tiền mà nhận chăm sóc cho người ta trong bệnh viện Chợ Rẫy, phải nằm thu mình dưới gầm giường bệnh nhỏ hẹp, quay cuồng với những việc chung đụng bất tiện, những việc cơm nước vệ sinh, trong cái bức bối và nóng kinh người của Sài thành.

Mỗi ngày mới hơn năm giờ sáng mọi người đều đã lục tục thức dậy. Những người ở bệnh viện thường thức dậy rất sớm; một phần vì những người lau phòng làm việc rất sớm, thường thúc những người đang trải chiếu nằm la liệt trên mặt đất dậy; một phần vì những tiếng la thất thanh vang vọng lúc tinh mơ; một phần nữa, có lẽ là vì thời gian ở nơi này đối với họ thực sự quý giá.

Bệnh viện là nơi chứa đựng vô số câu chuyện về muôn vàn cảnh đời từ mọi miền đất nước. Các bệnh nhân thì nói đủ loại tiếng địa phương, làm đủ loại nghề nghiệp. Bệnh của họ cũng từ muôn ngàn lý do: xương cốt thoái hóa, tai nạn nghề nghiệp, tai nạn xe cộ, ẩu đả xô xát, hay di chứng từ xưa. Tình cảnh của họ cũng không giống nhau. Có những người giàu được cung phụng đủ đàng, cũng có những người nghèo chật vật chạy vạy đến từng ngày. Có những người lắm người thăm nom vỗ về, cũng có những người hiu quạnh chẳng có ai chăm lo kề cận. Có những người nằm chờ hồi phục, cũng có những người nằm đếm những ngày còn lại. Có những cô trẻ vẫn tìm chuyện phiếm vui đùa cho qua ngày tẻ nhạt, trong số họ, có người thân thể bị huỷ hoại nặng nề, người còn để lại di chứng, cũng có người bị người nhà giấu nhẹm những tin tức đau lòng. Còn có những người già, thân thể quắt queo khó tưởng tượng ra dưới bộ bà ba rộng thùng thình. Toàn thân nâu sạm, làn da nhăn nheo, mỏng thín, nhũn xốp tựa bọt bong bóng bao lấy cẳng xương gầy nhẳng tong teo. Nhịp thở lúc nhẹ hễu lúc nặng nề, khó khăn chìm vào giấc ngủ, thỉnh thoảng cất lên tiếng rên hừ hừ trong cơn mê, họ tạo cho người khác nỗi sợ mơ hồ vê những sinh vật già cỗi đang dần đi đến cuối con đường. Người thân của họ cũng có muôn kiểu: người sốt sắng lo lắng không yên, người mệt mỏi nhưng vẫn cố tròn bổn phận, người hằn học lẫn nhau vì viện phí hay phân công túc trực, cũng có những người chỉ tạt qua nói vài lời hờ hững và không bao giờ trở lại.

Cũng có đôi lúc, những chuyện lạ đời sẽ xảy ra, xáo trộn những ngày đều đặn tẻ nhạt chốn này. Ngày nọ, bỗng nhiên trong không gian vốn chỉ toàn tiếng than vãn, rên rỉ, la ó, vỡ ra một tiếng hát. Một giọng ca đặc chất đờn ca tài tử chân quê, có phần tếu táo đến buồn cười. Các bà các cô các chú bất giác cười một tràng to; những người đang nằm trong phòng cũng cố nhóng mắt nhìn ra; còn cả những người thăm nuôi hiếu kì kéo đến vây quanh xem màn văn nghệ bất ngờ. Thật là cảnh tượng động lòng người khó thấy ở chốn này.

Một hôm tôi tình cờ thấy, hóa ra trông lão cầm ca già khọm và ốm yếu hơn tôi tưởng - đối lập với chất giọng, cứ hễ cất tiếng là cả bệnh viện trở nên rộn ràng. Ngồi trên băng ca với một chân cố định bằng nẹp dài, lão dùng hai tay bám lấy bức tường để trượt qua bao ngõ hành lang, miệng hết ầm ĩ chửi rủa bệnh viện, bác sĩ, y tá lại chuyển sang rống lên những bài nhạc chế hài hước hay tình khúc xưa sầu thảm. Khung cảnh lúc ấy, theo tôi thấy, hệt như tái hiện làng Vũ Đại ngày ấy, lão cầm ca mang bộ dáng kham khổ của lão Hạc, nhưng lại có ngón chửi bất hủ của gã Chí Phèo ăn vạ, còn những người khác thì khư khư nghĩ, chắc lão trừ mình ra... Được một dạo lại còn có một cậu béo, chân băng bột nhưng vẻ đã gần khỏi, nhào tới gọi to: "Sư phụ, để con đẩy!". Các cô điều dưỡng bấy giờ mới bắt đầu chạy loạn cả lên gọi nhau: "Cúc ơi, ổng lăn ra tận hành lang bên kia rồi", "Đức ơi, kéo ổng lại!". Các bệnh nhân lẫn người thăm thì cười nắc nẻ, đến các bác sĩ bận tối mắt cũng ngoái lại nhìn, không khỏi cười thầm. Thật chẳng khác gì Tề Thiên Đại Thánh đại náo thiên cung năm nào, vô cùng nhốn nháo!

Tuy thế, thực lòng mà nói, nỗi buồn nơi đây vẫn nhiều hơn. Có những khoảnh khắc, chỉ một tiếng khóc xé gan xé ruột sẽ khiến rất nhiều người khác rơi vào thinh lặng. Bệnh viện giống như một tòa thành điêu linh trong cơn bão lửa chinh chiến, không dứt ồn ào, gào thét; đầy rẫy những phế binh nằm la liệt, ngày cũng như đêm, rền rỉ bởi những nỗi thống khổ xác thân; còn những người thăm nuôi là những chiến binh còn sót lại, nét mặt rầu rĩ lặng ngắt đếm ngày qua, sức cùng lực kiệt nhưng vẫn ngoan cường chống trả. Cũng như những người lính ngoài trận mạc, những bệnh nhân không biết nhiều về số phận của họ, kết cục của cuộc chiến, họ không cách nào khác phải phó thác tất thảy cho những nhà cầm quân, những vị bác sỹ đáng kính. Cuộc chiến trường kỳ chống chọi với cái chết và bệnh tật qu thật khốc liệt.

Tôi bắt đầu có ý nghĩ, so với những bệnh nhân đang đau đớn quằn quại trên giường bệnh nhỏ xíu trắng toát kia, căn bệnh của tôi chẳng đáng là gì. Kể cả có so với những người nuôi bệnh đang đau đáu lo sợ, chịu nỗi đau mất mát và gánh nặng kinh tế khủng khiếp kia, thì nỗi khổ tâm của tôi xem ra cũng bé mọn mà thôi. Thế mà người ta chịu đựng được, người ta cố gắng chống đỡ, người ta giành giật từng phút từng giây với tử thần. Còn tôi, tôi đang làm những gì với thân thể, và cuộc đời mình thế này?

Cho nên, có lẽ tôi vẫn chờ đợi được. Đợi có thể là đến ngày mai, có thể là đến hai tháng nữa, hoặc là đến khi vật đổi sao dời. Bởi vì may mắn hơn rất nhiều người ở đây, tôi vẫn còn thời gian, rất nhiều thời gian để chờ đợi. Nếu có thể tiếp tục, hà cớ gì phải từ bỏ? Nếu có thể hy vọng, hà cớ gì phải tuyệt vọng?

© Tri Ức - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Sulli tuổi 25: Khi đóa hoa lê trong tuyết xinh đẹp lặng lẽ rời cành | Radio Tâm Sự

Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top