Phát thanh xúc cảm của bạn !

Thời gian không thể làm bay màu ký ức

2020-09-03 01:25

Tác giả: Quang Nguyễn


blogradio.vn -  Đúng vậy, tôi sẽ trở lại vào đúng ngày hai mươi bốn như đã hứa hẹn ước với bé Na, chứ không phải hai mươi năm xa cách như hồi nhỏ nữa. Thời gian có thể qua rất nhanh nhưng nó không thể làm bay màu kí ức và hoài niệm mà con người đã khắc ghi và đôi khi người ta sẽ ngược dòng thời gian để trở lại tìm những kỉ niệm ấy. 

***

Tôi trở lại trong một chuyến xe có đầy đủ thiết bị hiện đại “Wifi, nước suối, khăn lạnh”. 

Tôi bồi hồi nhớ hồi xưa khi từ miền Trung theo gia đình vào miền Nam sống, thuở ấy tôi mới chín tuổi, đi trên chuyến tàu hỏa đến ga Sài Gòn, rồi đón xe lam về quê nội. Chiếc xe cũ rích, ì ạch chạy qua các con đường, mỗi khi nắng rọi vào, tôi và anh Hai thay đổi vị trí liên tục. 

Chiếc xe chạy ngang qua một cánh đồng, bỏ lại hàng cây xa xa, mùi khói đốt đồng bay vào nghe cay mắt, bóng chiều đổ xuống đỏ rực ngoài cánh đồng xa, ven đường những mái nhà lá vách đất ở sát nhau. 

Tôi đi qua những con đường đất, những cây cầu ván cũ, nhà ai cây cối um tùm, trái quả xum xuê, những con sông được bắt ra một khúc ván, để tắm và giặt ngay dưới sông, những thằng nhỏ tuổi lứa tôi đứng trên cầu nhảy xuống sông tắm, trông rất thú vị. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được nét bình dị, gần gũi và hơi thở của mảnh đất miền Nam này.

tuoi-tho-8

Tôi trong vòng tay má nhìn hết nơi này, đến nơi khác. Anh Hai gục đầu vào tay cha ngủ từ bao giờ. Má nói khi về bên nội sống sẽ giống như những đứa trẻ đó, cũng tắm sông, thả diều, bắt cá, nghe má nói mà tôi khoái vô cùng. Cứ nhìn hai bên đường và đôi khi hỏi má đã tới nơi chưa.

Tôi xa miền Trung khi mới chín tuổi, ký ức tuổi thơ của tôi ở đó chỉ quanh quẩn nhà ngoại, nhớ rất rõ nhà ngoại có cây vú sữa rất to ở trước sân, bóng mát bao trùm hết cái nhà, hàng ngày có bé Na sang chơi cùng. 

Bé Na là con của chú Đạt nhà sát với nhà ngoại, do vợ chồng chú Đạt đi làm đến tối mới về, nên gửi bé Na cho ngoại trông dùm. Tôi còn nhớ, ngày tôi đi con bé Na nó khóc dữ lắm, chúng tôi còn nhỏ nên chưa hiểu biết gì nhiều, chỉ biết là đi lên kia chơi lát rồi về như lời ba má tôi nói. 

Ba má của bé Na cũng nói dối với cô bé như thế, chú Đạt vỗ dành đưa cho cô bé con búp bê rồi thì thầm.

“Nín đi con, anh đi lên kia chơi rồi chiều anh về chơi với con”.

Con bé Na cứ khóc lóc đòi đi theo, vì hàng ngày chúng tôi có rời nhau bao giờ. Tôi cứ tưởng là đi lên kia chơi thật nên cũng nói với bé Na trước khi bước lên xe.

“Nín, ở nhà đi Na, anh đi lên kia chơi, chiều anh mua bánh về cho Na”.

Chiếc xe đã lăn bánh, nhìn lại vẫn thấy cô bé khóc lên khóc xuống, nó lấy tay chỉ chỉ về phía tôi, má nó phải đôi lần chạy ra ôm nó vào. 

Từ đó tôi không còn gặp lại bé Na nữa. Hơn hai mươi năm chưa một lần tôi trở về quê ngoại. Nay mới có dịp về, đi trên chuyến xe này, nó gợi tôi nhớ lại ngày thơ ấu, nhớ nhà ngoại và nhớ luôn cô bé của thuở nào, không biết bé Na giờ ra sao đã có chồng con chưa.

baby-girl-26

Tôi luôn hi vọng lần này trở về sẽ gặp lại cô bé ấy, tôi nợ bé Na một lời hứa, trước khi đi tôi có nói, chiều về sẽ mua bánh cho bé Na, vậy mà hơn hai mươi năm biền biệt, giờ mới được trở về.

Tôi chỉ có số điện thoại của dì Bảy, không có địa chỉ hay bất cứ cái gì, dì Bảy nói cứ ra tới bến xe dì tới đón. Tôi về dịp này ngoài thăm ngoại và bé Na ra, còn một chuyện hết sức quan trọng, đó là ra mắt vợ.

Nghe nói gia đình cô ấy có quen biết với gia đình tôi, nhưng lâu quá gia đình tôi không về đó và tôi cũng chưa từng biết cô ấy, tất cả là do dì Bảy mai mối. Họ bảo tôi ra đó chơi, nếu hai đứa chịu thì lần sau ba má tôi ra và sẽ tính chuyện cưới hỏi.

Trên xe tôi cứ hình dung ra gương mặt, vóc dáng cô gái ấy trông như thế nào, cái mà tôi biết về cô ấy chỉ duy nhất là tên Bé như dì Bảy gọi, tôi cũng không biết phải ăn nói như thế nào khi đối diện với những người đầy xa lạ, nghĩ tới mà áp lực vô cùng nhưng tôi cũng trấn an được về thăm ngoại và Bé Na là đủ rồi.

Màn đêm đã bao phủ miền Trung, trên xe chỉ còn vài người, người xuống, người lên liên tục, và mỗi lần có người lên xuống thì tôi hơi bực mình một chút vì xe phải dừng, tôi lại mất thêm thời gian.

Hiện tại tôi rất nôn nao trở về nhà ngoại càng sớm, càng tốt, đã hơn hai mươi năm xa cách, mà xe cứ dừng lại thế này thì đúng là rất khó chịu. Xe dừng lại ở trạm Quy Nhơn, tất cả hành khách xuống đi vệ sinh, ăn uống, tôi cũng tranh thủ mua một ít đồ để làm quà cho ngoại và cho cả bé Na. 

Một lát sau, xe tiếp tục hành trình đến một đoạn, xe lại dừng vì có người lên, người lên là một cô gái tuổi tầm ba mươi, cô gái nói địa điểm đến của mình cho tài xế, rồi tài xế sắp cho ngồi cạnh tôi. 

Cô gái ấy dựa vào vai tôi mà ngủ, tôi tự nói với chính mình “Con gái lại còn tựa đầu vào người lạ mà ngủ nữa chứ”. Tôi lấy tay đẩy nhẹ cô ấy qua hướng khác, thì một lát cô ấy cũng nghiêng về vai tôi.

Một lát sau chuyện tồi tệ xảy ra với tôi.

“Em xin lỗi anh, em bị say xe, em đi xe dở lắm. Em có khăn giấy đây, để em chùi cho”.

“Thôi khỏi, để tôi xin tài xế cái bọc rồi cởi áo khoác ra bỏ vào về giặt, cô đừng nôn nữa nhé, có nôn thì quay sang hướng khác dùm tôi”.

“Anh cho em xin lỗi, mà anh có dầu gió không?

“Không có, cô biết mình bị say xe sao không chuẩn bị đầy đủ trước khi đi?”.

“Tại nhà em có việc, quá gấp, nên không chuẩn bị kịp, chứ em chả muốn về tí nào, đi xe là một cực hình đối với em. Anh đừng buồn em nhé, xin lỗi anh”.

ve-nha

Cô gái ấy lấy chiếc khẩu trang đeo vào, rồi quay qua hướng kia nhắm mắt, được một lát thì cô ấy quay sang đây dựa vào vai tôi ngủ như ban đầu. Tiếng chuông điện thoại của cô ấy reo lên liên hồi, có lẽ cô ấy bị say xe, quá mệt, nên ngủ luôn không nghe máy.

Đôi khi tôi định đánh thức cô ấy dậy để nghe máy nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, thôi thì cứ để cho cô ấy ngủ yên, lát cô ấy thức dậy cũng gọi lại thôi. Hình như cái sự bực tức ban đầu của tôi đã quên lãng, nghĩ lại cô gái đó cũng rất tội nghiệp, mặt tái mét vì chứng say xe, chắc giờ trong người đang rất mệt. 

Tài xế thắng gấp làm tôi giật mình, mọi suy nghĩ về cô gái ấy cũng biến mất, cô ấy cũng tỉnh thức, hai tay dụi mắt, nhìn ra phía sau, rồi nói.

“Tới đâu rồi anh, tối quá em không nhìn thấy gì, nên không biết đây là đâu”.

“Tôi không biết, vì đây là lần đầu tiên tôi đến đây. À mà hồi nãy có ai gọi cho cô đó, tôi thấy cô ngủ say quá nên không đánh thức cô dậy”.

Cô gái lấy chiếc điện thoại ra, nhướng mắt thấy có cuộc gọi nhỡ thì gọi lại.

“A lô, ba hả, con gần tới Đức Phổ rồi, con sẽ đón xe về tận nhà luôn”.

Cô gái nói ngắn gọn rồi cúp máy, tiếp tục nhắm mắt, bất ngờ cô ấy quay sang tôi hỏi.

“Anh về tới đâu, sao ngủ tí đi cho khỏe”.

“Tôi về tới bến xe, mà tôi cũng không biết còn bao xa nữa, hỏi tài xế thì tài xế nói còn xa lắm”.

“Em cũng về tới bến xe nè, nếu còn xa thì anh nên nhắm mắt tí đi cho khỏe”.

“Nói thật với cô, tôi cũng rất mệt, vì tôi đi xe rất xa tới đây, nhưng không dám ngủ vì tôi hoàn toàn không biết bến xe nó ở đâu mà báo cho dì tôi biết để rước”.

“Ủa, anh không phải người Quảng Ngãi sao?”

“Tôi không biết phải nói sao nữa, nửa phải, nửa không”.

“Em không hiểu”

Không hiểu sao cảm giác khó chịu ban đầu biến mất, tôi chậm rãi giải thích.

“Tôi sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng sống chỉ có vài năm ở đó thôi, rồi vào miền Nam sống, cho tận bây giờ mới ra thăm lại”.

“Giọng nói của anh không có chút miền Nam nào hết, thế mà nãy giờ em cứ tưởng anh là người Quảng Ngãi đi làm xa rồi giờ về chứ vì giọng nói của anh đậm chất Quảng”.

“Ngay cả cái bến xe tôi còn không biết nó nằm ở đâu. Nhưng ở miền Nam, tôi vẫn sống trong khu của người Quảng vào Nam sinh sống”.

“Vậy lần này anh về xứ Quảng là sống luôn hả?”

“Không, tôi về thăm họ hàng”.

“Họ hàng của anh ở huyện nào, nói xem em có biết không?”.

“Nói thật tôi không biết, khi tôi đi khỏi đất Quảng là tôi còn rất nhỏ, vì thế không biết ở đâu, nhưng tới bến xe là dì tôi đón”.

“Dì anh không nói cho anh biết là dì ở huyện nào sao?”.

“Em hỏi thử có gần không, nếu gần thì em giặt áo khoác cho anh, rồi đem trả, còn nếu xa quá thì…”

“Chắc không gần đâu”.

“Em xin lỗi nhé”. Cô lí nhí.

“Không có gì đâu, mà sao cô bị say xe sao không đi cùng người thân, dù gì có người thân đi cùng cũng dễ chăm sóc hơn”.

chuyen-di

Xe đã tới bến, màn đêm phủ lên miền Trung đầy vắng lạnh, gió lạnh lùng hắt vào người tôi tôi chợt rùng mình vì mình không có áo khoác, cô gái ấy cũng bước xuống, đứng nhìn tôi rồi nói.

“Đây là bến xe, anh cứ lại phòng vé chỗ ghế đá mà ngồi, đừng đi lung tung kẻo dì anh tới không biết anh ở đâu mà đón”.

“Cảm ơn cô nhiều”.

“Tranh thủ lấy vợ đi nha”.Cô ấy vẫn không quên quay lại trêu chọc tôi trước khi đi, sau đó cô nhìn tôi cười rồi đón một chiếc xe ôm đi khuất. Giờ chỉ còn lại một mình tôi giữa màn đêm hiu quạnh. Cuối cùng dì Bảy cũng đã tới đón, tôi mừng như bắt được vàng.

“Dì đợi cho Ngoại ngủ rồi mới đi. Ngoại cứ thức chờ cháu nãy giờ. Cháu đi xe có mệt lắm không?”

“Cũng không mệt lắm đâu dì, nhưng xe cứ dừng lại đón khách, lại gặp thêm một cô gái kia ngồi cạnh rồi nôn lên người cháu”.

“Thôi được rồi, về đến đây là mừng rồi. Ngày mai dì sẽ đi chợ mua thật nhiều đồ để làm nhiều món đãi cháu, hơn hai mươi năm rồi, giờ cháu mới trở về, chắc giờ ngoại nhìn không ra. Thôi mình về thôi”.

Bước vào nhà ngoại, mọi thứ đã quá đổi khác lạ, căn nhà đã được làm lại và cây vú sữa cũng đã không còn, tuổi thơ của tôi như đã mất dấu. 

Hai mươi năm thay đổi đến bất ngờ, ký ức xưa cứ ùa về dưới bóng sân này, nơi này tôi và bé Na hay chơi trốn tìm dưới bóng cây vú sữa, thời gian cứ như một chuyến xe tốc hành vậy, thoáng cái vụt bỗng thấy xa xôi. 

Nhà của bé Na cũng đã thay đổi khác lạ không kém, ngày ấy trước cái hàng rào có hoa dây leo, tôi hay ngắt bỏ vào bàn tay cô bé và bảo cô bé nhắm mắt lại đoán xem đó là gì, lần nào cô bé cũng trả lời sai, nay nó thay thế bằng hàng rào sắt thép. Căn nhà lụp xụp của thuở nào, giờ là nhà hai tầng rộng lớn phủ lên lớp sơn xanh ngọc trông rất đẹp và khang trang.

Có lẽ ban đêm qua tôi không cảm nhận được nhiều, nên hôm nay tôi sẽ dậy sớm đi khắp nhà ngoại để tìm lại ký ức xưa của tôi và bé Na. Ngoại đã dậy từ bao giờ, trong ký ức tôi nụ cười của ngoại vẫn như ngày nào, mặc dù tóc ngoại thời gian đã điểm lên trắng xóa, gương mặt đã nhăn nheo nhưng nụ cười vẫn như in thuở tôi còn chín tuổi.

“Sao cháu không ngủ thêm tí nữa, mà dậy sớm vậy?”.

“Dạ cháu muốn ngắm kỹ, để xem hơn hai mươi năm nơi này khác với giờ thế nào?”

ba_ngoại

Ngoại ôm tôi vào lòng, như thuở xưa ba má tôi và vợ chồng chú Đạt đi làm xa, ở nhà tôi hay khóc, cảm xúc này lại ùa về, nó dâng trào trong tôi.

“Ngoại khỏe, hơn hai mươi năm rồi, cháu của ngoại lớn quá. Ngoại rất nhớ cháu nhưng cái bệnh xương khớp tuổi già không thể nào vào tận đó thăm cháu được”.

“Cháu cũng nhớ ngoại lắm và bây giờ mới được trở lại, cháu như quay ngược thời gian của đứa trẻ chín tuổi thuở nào bên ngoại. À mà cái con bé Na con chú Đạt, nó còn ở đây không ngoại?.

“Còn chứ, hồi sáng lúc cháu còn ngủ nó có ghé lại đây thăm ngoại, nói chuyện rất lâu, nó với dì Bảy đi chợ mua đồ về nấu rồi. Cái con bé ấy mỗi khi về nhà đều ghé đây thăm ngoại”.

“Bé Na hồi sáng có ở đây hả Ngoại?”

“Ừ, ần nào nó về, nó cũng ghé đây chơi”.

“Nó biết cháu về đây không ngoại?”

“Nó biết nên nó với dì Bảy đi chợ mua đồ về nấu cho cháu ăn đó, con nhỏ nấu ăn rất ngon”

“Bé Na có chồng con chưa Ngoại?”.

“Chưa”.

“Vậy mà từ lâu cháu cứ tưởng nó đã có gia đình”.

“Lát nó về, cháu nói chuyện với nó nhiều hơn nhé. Chiều nay, cháu phải đến nhà nó thăm ba má nó. Ba má nó cũng hay nhắc cháu suốt”.

“Dạ cháu cũng định vậy đó ngoại, cháu có mua sẵn quà đây”.

Tiếng bước chân và dáng đi của Ngoại tôi đã ra tới cửa và khuất sau cánh cửa rào, trong lòng tôi bồi hồi biết bao, không biết bé Na có còn nhận ra tôi không, cũng không biết cô bé có còn nhớ gì về những kỷ niệm hồi nhỏ hay không. Tôi cứ đi tới đi lui, hai tay chắp sau lưng, suy nghĩ mông lung, bất chợt có tiếng xe phía trước cổng, giọng nói của dì Bảy vang lên như đang nói cùng ai.

“Cô bỏ quên rau với hai con gà ở chỗ chị Sương, thôi cháu cứ xách cái này vào nhà đi, để cô chạy ra lấy”.

6Tiếng xe hù hù rồi nghe nhỏ dần dần, tôi biết dì tôi đã đi. Tôi cũng đi vào rửa mặt và tắm cho thoải mái tinh thần để còn gặp lại bé Na.

Tôi nghe thấy tiếng lục đục khua chén, kèm với tiếng xả nước, tiếng chặt và cả tiếng bằm bằm cái gì đó, tôi bước ra thấy một cô gái đang cặm cụi làm dưới bếp, quay lưng lại phía tôi, cô ấy hình như không nghe tới tiếng bước chân của tôi, tôi bước lại gần và hỏi.

“Ai đó?”.

Cô gái ấy quay mặt lại, tôi dụi mắt đôi lần vì tưởng mình còn ngủ, đang mơ nhưng đây là sự thật, tôi như đứng hình khi nhận ra, người đang đứng trước mặt tôi chính là cô gái tối qua, một cô gái đã nôn lên người tôi trong lúc đi xe từ Bình Định đến Quảng Ngãi. Cô ấy cũng nhận ra tôi nên hốt hoảng làm rơi luôn cái chén đang cầm trên tay.

“Sao anh ở đây?”

“Câu này, tôi hỏi cô mới đúng. Sao cô lại có mặt trong nhà Ngoại của tôi?”.

“Đây là nhà ngoại anh?”

“Đúng vậy?”.

“Anh có phải là anh Hai của anh Tí không?”.

“Không, Tí là tôi, hồi nhỏ tôi tên Tí”.

Cô gái ấy như người mất hồn, cứ nhìn tôi  không nói rõ nên lời.

“Em anh cái gì, hiểu rồi, em xin lỗi đã đi lộn nhà, phải vậy không?”.

“Em...em… là…”

“Hai đứa làm cái gì vậy. Có sao không Bé?”.

Cô gái ấy không nói mà chỉ lắc đầu, tôi vừa nghe dì bảy gọi Bé, thì bỗng giật mình.

“Dì nói sao, Bé là đây sao?”.

Cô gái ấy nhìn tôi cười rồi gật đầu, tôi tá hỏa, dì Bảy nhìn hiện trường rồi nói.

“Đó là bé Na đó nhưng ở đây hay gọi nó là Bé như thói quen, cũng là người mà cháu chuẩn bị ra mắt, mới gặp chưa gì đã gây gổ đánh nhau rồi”.

“Người con sắp ra mắt, là bé Na sao dì?”.

Bé Na gương mặt vẫn còn nhăn nhó vì vết thương ở dưới chân. Na không lắp bắp nữa, cô nói rõ ràng từng chữ.

“Tụi con có gây gổ đánh nhau đâu cô”.

“Không đánh nhau, không cãi nhau, thế sao lại đập chén, đập tô thế này?”.

tuoi-tho-6

Tôi nhìn Na cười rồi quay sang dì xua tay.

“Không phải đâu dì, dì còn nhớ chuyện tối qua cháu nói ở bến xe không, có cô gái bị say xe ngồi cạnh cháu đó”.

“Dì nhớ, nhưng có liên quan gì đâu?”.

“Dạ có liên quan chứ, người bị say xe là Na đó dì”.

“Do cháu gặp lại ảnh nên bất ngờ, sơ ý làm rơi cái chén đang cầm thôi, chứ không có cãi cọ, đánh nhau gì đâu cô”.

Dì Bảy nhìn qua hai đứa tôi mà cứ cười hoài, Tôi không biết nấu nướng nên chỉ ở đó cho dì Bảy và Na sai việc. Giờ tôi đã biết người mà ngoại và dì Bảy giới thiệu cho tôi không ai khác chính là Na, cô bé của ngày nào làm tôi nhớ mãi tuổi ấu thơ. 

Chiều đó tôi và ngoại, cùng dì Bảy đến nhà bé Na, dì Bảy kể lại câu chuyện tôi gặp Na trên chuyến xe tối qua cho gia đình nghe, ai nấy cũng đều cười. Gia đình Na đã đồng ý chuyện hôn sự của hai đứa tôi. Ba má bé Na đã gọi điện nói chuyện với ba má tôi, ngày hai mươi bốn ba má tôi sẽ ra đây và tổ chức lễ đính hôn cho tôi và bé Na.

Đêm đó tôi và Na cùng ngồi trước sân nhà ngoại, trăng của miền Trung đêm sáng soi rõ mọi cảnh vật trước mắt, tôi cứ nhìn ra xa mà cười một mình, Na thầm thì nói bên vai tôi.

“Anh không có gì nói với em sao”.

“Có chứ, nhìn cảnh này, anh nhớ lúc mình còn nhỏ quá, cũng tại đây ngay chỗ mình ngồi, tụi mình chơi trốn tìm dưới gốc cây vú sữa, em tìm mãi không thấy anh rồi khóc, anh thấy xót nên đi ra không trốn nữa”.

“Anh có biết không. Từ lúc anh vào miền Nam bỏ em lại đây một mình, mỗi lần nhìn cây vú sữa, em nhớ anh lắm, mỗi lần như vậy em hay khóc, ba má cứ nói dối rằng “Thằng Tí nó đi chơi vài ngày sẽ về chơi với con, em cứ đứng trước ngõ cứ nhìn ra đường mà chẳng thấy anh về. Ngày mai cũng vậy, anh về miền Nam. Mà thôi…”.

Na bỏ ngang câu nói, tay lau nước mắt, tôi ôm Na vào lòng.

tuoi-tho-7

“Anh sẽ trở lại vào đúng ngày hai mươi bốn, em ở lại chờ anh nhé”.

“Anh đã bỏ em đi hết một lần, lúc đó anh nói chiều anh về mua bánh cho em, thế mà hơn hai mươi năm sau anh mới trở lại, em lo lần này cũng vậy”.

“Không có đâu, anh sẽ trở lại để đính hôn mà”.

Bé Na tựa đầu vào vai tôi nhắm mắt như cái đêm tình cờ đi chung chuyến xe. Sáng đó tôi tạm biệt bé Na để trở về miền Nam. Khác với hồi nhỏ cứ khóc lóc đòi đi theo, lần này bé Na cười thật tươi vì bé Na tin rằng tôi sẽ quay trở lại vào đúng ngày hai mươi bốn. 

Đúng vậy, tôi sẽ trở lại vào đúng ngày hai mươi bốn như đã hứa hẹn ước với bé Na, chứ không phải hai mươi năm xa cách như hồi nhỏ nữa. Thời gian có thể qua rất nhanh nhưng nó không thể làm bay màu kí ức và hoài niệm mà con người đã khắc ghi và đôi khi người ta sẽ ngược dòng thời gian để trở lại tìm những kỉ niệm ấy. 

Tôi bước lên xe, bé Na đứng nhìn, và dặn dò.

“Anh về nhớ giữ gìn sức khỏe, nhớ quay trở lại với em, anh phải luôn nhớ em ở đây vẫn chờ anh trở lại”.

Tôi đưa tay vẫy chào nhìn Na cười và nói.

“Anh đi chơi rồi chiều về mua bánh cho em”.

Chiếc xe đã đi, nhìn lại thấy Na vẫn đưa tay vẫy chào với nụ cười đầy yêu thương. Nửa tháng sau đúng ngày hai mươi bốn, tôi cùng ba má quay trở lại như lời hứa của hai gia đình. 

Đêm đó tôi và bé Na cùng nhau đeo nhẫn cưới. Chúng tôi chơi trốn tìm trước cái sân nhà ngoại, với tiếng nói cười đầy hồn nhiên như hồi tuổi nhỏ. Vẫn là câu nói của bé Na từ thuở nào “Anh Tí ơi, chờ em đi với” nhưng bây giờ đã thay bằng câu “Chồng ơi, chờ vợ đi với”.

Ánh trăng của năm nào vẫn còn đó như chiếu lại vùng sáng tuổi ấu thơ của tôi và bé Na. Chúng tôi như quay ngược thời gian trở lại, hồn nhiên đầy tiếng nói cười dưới bóng sân nhà ngoại.

© Quang Nguyễn - blogradio.vn

Xem thêm: Định mệnh anh và em

Quang Nguyễn

Người kể chuyện

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Câu chuyện về một nhà thơ…!

Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.

Vì anh còn thương em

Vì anh còn thương em

Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.

Ai là bạn trong cuộc đời?

Ai là bạn trong cuộc đời?

Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.

back to top