Thiên đường trong mỗi bước chân
2014-09-19 01:04
Tác giả:
Tôi rất thích Thiên Đường. Chắc sẽ có nhiều người cũng thế. Một nơi ngập tràn hương hoa thơm ngát, những áng mây trắng bồng bềnh bay, những tia nắng lung linh chiếu rọi. Một nơi mà tất cả chúng ta sẽ luôn tươi trẻ, những cô gái xinh đẹp, những chàng trai mạnh mẽ. Ở nơi đó, tất cả chúng ta sẽ không bao giờ già, không biết buồn và không rơi nước mắt. Nhưng mà... nếu ở Trái Đất vừa có một người chết, tất cả chúng ta đều gạt nỗi đau để an ủi nhau “Người ấy sẽ đi về miền cực lạc”. Có vẻ như Thiên Đường không có ở nơi mà chúng ta đang sống. Hay là bởi tôi lười nhác đi tìm?...
Những ngày tôi chưa bước chân đi, chợt cứ thấy lòng nhiều hoang hoải. Tôi nhìn căn phòng trọ chật chội. Chật chội cả tâm hồn. Đôi mắt tôi không thể mở to hơn vì ánh nhìn bị đập thẳng vào bốn bức tường hạn hẹp. Tôi cuộn tròn người trên giường, lăn lộn hết góc này đến góc khác cho đến khi rơi cả người xuống đất, lại lồm cồm bỏ dậy và tiếp tục vặn mình trên cái khuôn giường dài rộng hơn tôi một tí. Tôi chẳng làm gì cả. Thật ra là tôi muốn làm cũng không được. Tôi bị thất nghiệp. Chán đến độ biếng lười với chính bản thân. Những câu than trời nhiều hơn cả lời vui vẻ. Những ngày thu mình trong một góc giường mà ngáp đến chảy nước mắt thì nhiều vô kể. Cuộc sống nhạt nhẽo từng giây. Tôi ăn mì gói thay cơm. Không phải vì thiếu thốn đến nỗi ấy, nhưng tôi chẳng buồn động chạm chân tay vào bếp. Đôi bàn tay sau những ngày chây ì đã trở nên èo uột, chỉ muốn buông thõng. Máu trong người lan đi chậm chạp, toàn thân tôi lúc thì cứng đờ không thể co duỗi, lúc lại mềm nhũn đến độ bất động. Tôi giống như một khối hình.
Một ngày, cô hàng xóm gõ cửa nhờ tôi ra chợ mua giúp một ít cà chua vì bấn em bé mới sinh không rời nhà được. Tiếng “vâng” khẽ khọt như bị gượng ép mà thực tình là do tôi uể oải quá. Tôi gượng người lê đôi tông ra chợ. Bước chân mỗi lúc một nhẹ hơn, khuôn miệng dần căng ra khi gặp những người quen ngược chiều mỉm cười với tôi, từng mao mạch rần rần như máu đang ồ ạt chảy. Chợ ồn ã. Tôi nghe thấy tiếng nhịp sống đang ngân. Cô bán cá tươi cười chào mời. Bà cụ bán rau bàn tay gầy guộc đếm mấy đồng bạc lẻ, tôi thấy đôi mắt bà hấp háy vui. Tôi dừng lại trước mẹt cà chua. Người bán là một cô gái trẻ. Em vui vẻ gợi chuyện.
“Chị là sinh viên trường Báo chí ạ?”.
Tôi nhìn lại chiếc áo in logo của trường mà tôi đã khoác tạm để đi ra chợ. Tôi gật đầu cười gượng.
“Em cũng học Báo chí. Em vừa mới ra trường. Chị đang làm ở đâu thế ạ?”
“Chị vẫn thất nghiệp. Còn em?”
“Em nộp hồ sơ rồi. Chưa đi làm nên em tranh thủ đi bán rau củ giúp mẹ. Cũng vui chị ạ”.
Em khác tôi. Hoặc là vì tôi không đọc được nỗi lo trong đôi mắt của em. Tôi cũng từng như em hôm nay, vừa ra trường, nộp hồ sơ và đợi việc. Nhưng tôi không thể nào vui được vì sự sốt ruột của đợi chờ. Tôi chẳng có mẹt cà chua để bán giúp mẹ. Tôi chỉ có thể nằm dài để đợi email yêu cầu phỏng vấn. Không đạt yêu cầu, tôi lại tìm nơi tuyển nhân sự để nộp hồ sơ và tiếp tục chờ đợi. Cứ như thế đến gần hai năm trời, tôi vẫn là một người thất nghiệp. Tôi không làm một việc gì khác. Tôi nghĩ rằng một công việc tạm bợ sẽ thiêu rụi công sức bốn năm đi học. Thế nên, tôi mệt mỏi chờ đợi và biếng lười định hướng bản thân.
“Mẹ cho em tiền bán phụ giúp mẹ đấy ạ. Cũng vẫn là tiền mẹ cho thôi nhưng mà cảm giác bán hết mẹt cà chua thấy vui lắm. Em dành tiền để đi phượt mấy nơi với bạn bè trước khi vào guồng làm việc”.
Cũng không hẳn là vì em. Nhưng sau đó, tôi đã bước chân đi.
Rồi một ngày, tôi dừng lại rất lâu để ngắm nhìn một chú ong đang hút mật trên bông hoa có sắc màu rực rỡ. Hình như hoa không đau, bởi tôi vẫn ngửi thấy mùi hương thoảng bay trong gió. Còn chú ong đang chìm trong mật ngọt, cái bụng bự hơi cong lên, nó bay quanh bông hoa vài vòng trước khi bay đi xa hơn. Có một cậu bé cũng đang ngắm nhìn cảnh tượng ấy và thích thú cười. Tự nhiên tôi thấy lòng khấp khởi. Tôi chạm tay vào cánh hoa mỏng manh ấy, cậu bé đến bên cạnh tôi, đôi mắt ngước nhìn tôi trong veo “Cô đừng ngắt hoa nhé! Để ong còn hút mật”. Khoảnh khắc ấy tôi bỗng thấy, niềm vui chính là sự kết nối.
Tôi dừng lại ở một làng chài. Miền gió cát dữ dội sóng gào. Những hàng phi lao chắn sóng cũng nghiêng mình mỏi mệt. Sự sống nhọc nhằn ẩn hiện từ ngoài khơi xa lắc, từ mảnh đất đầy sỏi cát. Những gương mặt in hằn nắng gió. Đôi mắt luôn nhìn xa xăm. Tôi những tưởng đó là ánh nhìn vô định. Không phải!. Họ đang mong đợi. Người mẹ già mong con trai trở về sau những ngày dầm mình trong sóng biển. Người vợ đợi chồng căng buồm trở lại bến bờ, nơi ngôi nhà đầy ắp tiếng cười trong mỗi bữa cơm. Những đứa trẻ thiên thần, chúng đang đợi ba trở về với chiếc thuyền đầy cá, bữa tối thêm ngon, áo quần thêm ấm, chúng sẽ có thêm những cuốn sách để đến trường. Tôi ngồi lặng yên ngoài bãi biển để ngắm nhìn lũ trẻ đang nô nghịch. Chúng gí mũi chân xuống cát, vẽ những đường ngoằn ngoèo. Tôi nhìn hình một ngôi nhà hai tầng được vẽ lên từ trí tưởng tượng của con trẻ. Một ngôi nhà có những ô cửa đối xứng. Tôi lắng nghe lũ trẻ chuyện trò. Những câu chuyện thường nhật hàng ngày thấm đầy mong ước.
“Tao thích uống nước dừa. Ước gì ngày nào má cũng cho tiền tiêu vặt để vô quán bà Xíu”
“Tao chỉ thích cái gì ăn được. Thế nên đợi ba về tao xin cá để nướng nhen”
Những ước mớ tưởng chừng nhỏ bé thế thôi mà cứ xa xôi như con thuyền còn chưa đầy khoang cá nên chưa trở về. Tôi ngắm nhìn lũ trẻ, chúng vẫn vô tư đùa nghịch, vẽ những khối hình tưởng tượng trên cát. Không một chút lo toan, không một chút phân vân, không thấy niềm cơ cực. Giá mà tôi cũng được như lũ trẻ, tìm thấy nụ cười từ chính những ước mơ.
Tôi gặp rất nhiều người trong mỗi lần đi như thế. Một bà mẹ dạy con tập đi ở công viên nhỏ gần nhà, đôi mắt em bé trong veo đang cố sức bước đi. Mỗi bước đi của em giống như đang mở ra cả một thế giới rộng lớn vậy. Sẽ có rất nhiều người ở phía trước mỉm cười và cổ vũ cho em. Sẽ có thêm nhiều màu xanh cỏ cây lọt vào trong mắt.Tiếng em bé cười khanh khách khi đi thêm được vài bước khiến tôi cảm thấy niềm vui lan tỏa trong buổi sáng bình minh. Tôi đã gặp một người bán vé số giúi cái bánh mì vào tay một đứa trẻ đi lượm rác; một sản phụ nhường một nửa suất ăn cho một bà mẹ trẻ sinh con một mình không có người thân. Tôi nhận ra sự kỳ diệu chính là sẻ chia.
Những người không có tuyến lệ, chắc sẽ không rơi nước mắt. Nhưng tôi chưa từng gặp người này. Những người đi ngang qua cuộc đời tôi, chưa một ai nói rằng “Tôi không bao giờ khóc”. Có vẻ như nước mắt, cũng là thứ bắt buộc để sinh tồn.
Những người không bao giờ biết buồn, chắc đang tồn tại ở đâu đó ngoài Trái Đất. Còn ở nơi tôi đang sống, những nơi tôi đã đi qua, chưa một ai nói rằng “Tôi không bao giờ buồn”. Có vẻ như nỗi buồn, cũng là thứ cần phải có để lớn lên.
Thiên Đường mà tôi muốn tìm, chưa một ai từng đến. Nhưng tôi cảm thấy có những Thiên Đường luôn ẩn hiện trong mỗi bước chân tôi đi qua. Thiên Đường ấy có những bông hoa mang tên Nụ Cười mọc lên và tỏa hương từ Nước Mắt. Nụ cười của bà cụ khi bán hết mẹt rau ngoài chợ. Nụ cười của cô gái tìm thấy yêu thương sau những ngày vùi mình để khóc. Nụ cười của những đứa trẻ lang thang được quây quần trong mái ấm tình thương. Nụ cười của sự đoàn viên của người dân làng chài sau bao ngày đợi thuyền cập bến.
Thiên Đường mà mọi người muốn đến, chắc đang ở đâu đó trong vũ trụ bao la này. Một ngày, khi ta cảm thấy bồng bềnh như đang bay, có những tiếng khóc tiễn ta về miền cực lạc. Đấy là khi ta kết thúc KIẾP NGƯỜI ở trên Trái Đất để đi tới Thiên Đường rộng lớn. Trước lúc đó, hãy tìm Thiên Đường nhỏ trong mỗi bước chân. Thiên Đường ấy có những bông hoa mang tên Nụ Cười mọc lên và tỏa hương từ Nước Mắt.
- Ruby Vân Anh
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Cảm ơn mẹ vì tất cả
Dù mẹ tôi có thể không hoàn hảo nhưng luôn yêu thương tôi theo cách hoàn hảo nhất. Việc tôi có được tất cả những điều tốt đẹp nhất trên đời đều nhờ có mẹ.
Những kẻ mộng mơ
Anh đổ thừa cho cà phê làm anh mất ngủ, anh quy trách nhiệm cho thời tiết khó chịu khiến anh không thể chợp mắt nhưng thực lòng anh chỉ suy nghĩ về em, về những nguyên do hai ta không còn hợp, về những gì anh đã làm, đã sai.
Thanh xuân của tôi
Cảm giác nghẹn ngào dâng lên, khiến tất cả chúng tôi đều biết rằng, dù có trải qua bao nhiêu năm tháng, thì những ký ức này sẽ mãi in đậm trong trái tim.
Mây đợi ai nơi ấy
Không còn một Pha Lê áo thun trắng quần jin xanh đóng thùng hăm hở với bao nhiêu công việc xã hội, bây giờ chỉ còn một cô giáo Pha Lê dịu dàng nữ tính trong tà áo dài mỗi ngày đến lớp đến trường.
Giá như...
Hành trình của mỗi người là khác nhau, đoạn đường người ghi dấu vì thế cũng muôn vàng khác biệt. Nhành diên vĩ um tùm nhưng lại dễ gãy đổ trong gió, những cảm xúc cả buổi ban đầu có chắc gì nguyên vẹn đến mai sau.
Hồi ức chuyến tàu cuối về Sài Gòn – 1985
Tối hôm đó, Ngọc Lan trở về nhà với bao suy nghĩ. Câu hát “I don't know why, you said goodbye…” cứ vang mãi trong đầu cô. Cô cười thầm, tự hỏi liệu có phải mình đã rung động trước chàng trai tốt bụng ấy không.
Crush
Bất cứ khi nào mà thấy chúng tôi đi cùng nhau là y như rằng đám bạn đó hú hét dữ dội. Nhưng chúng tôi không quan tâm, vẫn làm bạn với nhau như bình thường, nói chuyện và đi học chung. Tôi vẫn thế, chôn cất cái tình yêu ấy vào trong lòng, chờ đến khi chúng tôi 18 tuổi thì chúng tôi sẽ yêu nhau.
Người thầm lặng 20/10
Mỗi bước đường tôi đi đều in dấu sự dạy bảo, lo lắng và yêu thương vô điều kiện của mẹ. Sự hi sinh âm thầm của mẹ khiến tôi thấu hiểu rằng, dù có bao nhiêu thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn luôn có một người để dựa vào.
Yêu anh, yêu đến điên rồ để rồi nhận lại là điều gì?
Nhiều lúc tôi khuyên bạn của mình về chuyện yêu đương. Chẳng hạn như người ta lạnh nhạt là người ta hết yêu bạn, đừng cố chấp theo đuổi làm gì. Thế mà bản thân tôi lại trong hoàn cảnh ấy.
Lá thư tình không gửi
Mỗi khi mở ngăn kéo, nhìn thấy chồng thư cũ kỹ, anh lại nhớ về những ngày tháng sinh viên đầy kỷ niệm. Có những lúc anh tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói ra cảm xúc thật của mình với Linh.