Tâm sự không dám nói
2024-01-18 06:30
Tác giả: LeoQun
blogradio.vn - Tôi sợ họ sẽ phát hiện ra những âm thanh đổ vỡ, phát hiện mẹ tôi có thể kể câu chuyện gia đình này cho bất cứ ai kể cả một bà bán đồng nát. Điều đó làm tôi không chấp nhận được, tôi không muốn mọi người nhìn tôi với vẻ thương hại, tôi không cần ai thương hại cả.
***
Các bạn đã bao giờ có cảm giác không muốn sống nhưng không có lý do hay can đảm để chết không. Cảm giác có thể vui vẻ hết mức, lạc quan hết mức nhưng lại trống rỗng. Nếu như có một cuộc tại nạn xảy ra có lẽ tôi sẽ không mệt mỏi như vậy.
Tôi đã luôn có cảm giác như vậy, có chăng thì chỉ tuổi thơ bé tôi mới có được cảm giác sống tươi đẹp nhất. Và khoảng thời gian đó cũng không kéo dài lâu, kể từ những năm tháng cấp 2 tôi đã suy nghĩ: “Nếu có kiếp sau tôi muốn làm một con mèo, con chó nhưng tôi lại sợ bị giết thịt, nên tôi chuyển sang muốn trở thành những vật vô tri như là một cái cây, một dòng sông, một cây hoa và cả là một cục đá”. Nhưng sau dần, tôi nâng cấp lại suy nghĩ tại sao mình phải sống tiếp? Mình sống tiếp để làm gì? Chỉ cuộc sống hiện tại này thôi tôi đã không muốn tiếp tục. Nó quá mệt mỏi!!!
Có lẽ triệu chứng này của tôi là bị rối loạn lưỡng cực – một dạng bệnh trầm cảm. Nếu nói tôi chịu quá nhiều áp lực hay do vấn đề gia đình thì cũng không hoàn toàn đúng. Trước đây tình trạng nhà tôi gay gắt, hay xảy ra tranh chấp cãi vã, hơn nữa là xảy ra bạo lực. Điều này gây cho tôi một ám ảnh là sợ nghe tiếng động nói chuyện lớn, tiếng cãi vã. Biểu hiện không quá gay gắt chỉ là tôi sẽ rất căng thẳng, tim sẽ đập nhanh như trống bỏi, và không ai nhận ra tôi có vấn đề - vì chính bản thân tôi lúc đó cũng không coi đó là vấn đề lớn. Có lúc tôi còn mong bố mẹ mình ly hôn hay chuyển nhà đi đâu đó để tôi không còn phải nghe thấy mẹ tôi sẽ phàn nàn về bà nội về các cô em chồng quá nhiều. Hay lại phải ngồi nghe phía nhà nội tôi nói xấu mẹ đủ thứ chuyện trên đời trong khi tôi chỉ có thể giả vờ không nghe, giả như mình còn bé không hiểu chuyện. Nhưng chắc có lẽ là không ai quan tâm đến cảm xúc của 1 đứa trẻ, khi một người chịu quá nhiều nỗi đau thì sẽ chẳng quan tâm được đến cảm xúc của ai khác nữa, và những đứa con trong gia đình đó chính là “ai khác”. Bố mẹ tôi sẽ chẳng biết được là những đứa con của họ trưởng thành trong môi trường này sẽ có cảm xúc như nào.
Nhưng kể cả những lúc không khí gia đình tôi u ám nhất thì tôi cũng không cảm thấy cuộc sống lại nhàm chán đến vậy. Tại sao nhỉ? Tại sao vậy nhỉ? Tôi không biết, đây là câu hỏi mà bây giờ tôi vẫn không có đáp án. Những ngày tháng tuổi thơ ở với ông bà khi bố mẹ đi làm xa đã nuôi tôi rất hoạt bát và nghĩ mình có một gia đình hòa thuận. Ký ức khi tôi nghĩ về ngày tháng tuổi thơ luôn được bao bọc bởi màu nắng, mùi lúa chín, mùi của rơm dạ phơi đầy đường, mùi của hạnh phúc, mùi của tuổi thơ.
Mẹ tôi hay hỏi: “Tại sao lại lạnh nhạt với gia đình như vậy?”, “Sao không hỏi thăm bố mẹ?”, “Sao không thấy mày nói những lời tình cảm với bố mẹ như những đứa khác?” Có lẽ là vì bố mẹ đã không ở cạnh tôi những năm tháng tuổi thơ, có lẽ vì khi bố mẹ về thì tâm lý tôi cũng nhạy cảm hơn, có lẽ là do bố mẹ về khiến những ảo tưởng về gia đình hòa thuận mà tôi luôn nghĩ bấy lâu tan thành bọt nước. Tôi không trách bà tại sao lại ác nghiệt với mẹ như vậy, cũng không trách bố vì sao không giảng hòa quan hệ giữa bà với mẹ, càng không thể an ủi mẹ bằng những lời mùi mẫn. Tôi đã xa cách bố mẹ vào những năm tháng tâm tư đơn thuần nhất nên đối với bố mẹ tôi luôn có khoảng cách, không thể bộc lộ được cảm xúc chân thật ra ngoài. Tôi cũng muốn nói những lời yêu thương nhưng như có một bức tường trước mặt tôi vậy, tôi không thể vượt qua nó.
Có thể nói trước đây gia đình tôi là kiểu gia đình cổ hủ, bố mẹ tôi hay cãi nhau có lúc còn đánh nhau nữa, lúc đó tôi với thân hình có thể coi là còi xương luôn cố gắng lao vào ngăn bố nhưng không thể. Tôi muốn gào lên rằng: “đừng cãi nhau nữa!”, “mẹ đừng nói nữa”, hay là “bố đừng đánh mẹ”. Lời nói của tôi lúc đấy không là gì so với cơn giận cần được trút ra của bố - nhưng bố lại trút nó lên người mẹ. Nó cũng chẳng là gì so với những gì mà mẹ tôi nhẫn nhịn cho nên họ lao vào để giải tỏa những uất ức, tức giận mà họ nói rằng đã nhịn đủ rồi. Bố tôi ném tất cả những gì trong tầm mắt, mẹ tôi thì dùng hết những câu nói để có thể chọc giận bố. Ông bà tôi đến nhìn nhưng cũng không ngăn cản, thậm chí lúc bố tôi đánh mẹ tôi thì tôi cũng chỉ nhìn thấy bà tôi liếc ánh mắt như thể đang nói “đáng đời lắm”. Người duy nhất ngăn cản lúc đó trừ tôi ra lại là một người hàng xóm. Cảm xúc lúc đó của tôi là gì tôi không nhớ rõ nữa nhưng bao năm tháng qua đi tôi vẫn không dám thoải mái mời bạn đến nhà chơi, không dám gọi video với gia đình trước mặt người khác. Tôi sợ họ sẽ phát hiện ra những âm thanh đổ vỡ, phát hiện mẹ tôi có thể kể câu chuyện gia đình này cho bất cứ ai kể cả một bà bán đồng nát. Điều đó làm tôi không chấp nhận được, tôi không muốn mọi người nhìn tôi với vẻ thương hại, tôi không cần ai thương hại cả.
Hiện tại thì gia đình đã không còn cãi vã nhiều như trước đây nữa, bố tôi cũng không còn giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực nữa, nhưng cũng chỉ là không nhiều như trước. Trước đây tôi quyết tâm muốn học đại học một phần vì tôi muốn tiếp tục con đường học tập, phần còn lại đó là tôi muốn chạy trốn, muốn rời xa nơi đó, nếu mãi ở đó tôi sẽ không thoát khỏi trói buộc và cuộc đời tôi sẽ càng nhàm chán hơn. Nhưng đến hiện tại tôi không biết bản thân muốn gì? Phấn đấu vì điều gì? Những cuộc tụ tập bạn bè, những mối quan hệ xung quanh chỉ kéo tôi ra khỏi sự nhàm chán ở thời điểm đó. Mặt ngoài là một người vui vẻ, tràn đầy năng lượng, bạn bè khi nghĩ đến tôi sẽ luôn là một hình ảnh tích cực lạc quan. Tôi có thể đưa ra lời khuyên cho mọi người, có thể lắng nghe những câu chuyện của ai đó, nhưng với câu chuyện, vấn đề của bản thân thì lại không giải quyết được. Tôi có thể cười rất sảng khoái nhưng tại sao bên trong lại trống rỗng như vậy. Tôi không có mục đích sống cũng chẳng có điều gì khiến tôi yêu thích không buông được.
Người ta thường khuyên rằng hãy sống vì bản thân bạn, vì cuộc sống này là của bạn, bạn là người làm chủ cuộc đời này. Nhưng thật sự có mấy ai sinh ra được tự quyết định cuộc sống của mình. Cuộc sống của tôi ngay từ khi sinh ra đã không phải của một mình tôi rồi, vậy thì tôi phải làm thế nào để có thể sống vì bản thân đây.
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe tâm sự mà tôi không dám nói cho ai nghe.
© LeoQun - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Sống Một Cuộc Đời Trọn Vẹn | Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Một tình yêu kéo dài suốt một đời
Tình yêu của họ ngọt ngào, đáng yêu và chân thành, nhưng họ không còn là những con người như khi họ mới gặp nhau. Cô yêu Alex hết lòng, nhưng cô không thể phủ nhận rằng con đường của họ đang rẽ hướng.
Mong tình ta bắt đầu khi mùa thu còn trở lại…
Khi thu một lần nữa quay về, cô đã mười tám, lứa tuổi dễ bị rung động trước những điều nhỏ nhặt nhất. Lúc này cô nhận ra mình đã yêu anh từ lúc nào.
Viết cho tuổi mười tám
Khủng hoảng tuổi đôi mươi đến thật nhanh, nhiều khi, việc giao tiếp với người khác mỗi ngày cũng làm chúng thấy cạn kiệt năng lượng, lạc lõng. Thì ra, cái giá phải trả cho ước mơ cũng rất đắt, những thứ tốt đẹp, lung linh thì chưa bao giờ " miễn phí".
Đôi tay người bạn
Bạn hiền ơi! Cho tôi mượn đôi tay Để tôi nắm đôi bàn tay người bạn Dẫu mai đây có xa thì vẫn nhớ Nhớ đến lúc này, tay xiết chặt lấy tay…
Chưa từng bỏ lỡ nhân duyên
Chuyện của gia đình anh hoàn toàn không phải lỗi của cô ấy, nhưng đâu đó cái bóng của toàn bộ câu chuyện vẫn bao phủ lấy cả anh và cô. Họ sẽ làm gì để bước qua cái bóng của quá khứ kia?
Mùa hoa cải năm ấy
Câu chuyện kể về cảm xúc của nhân vật Tôi nhớ về ký ức tuổi thơ bên triền đê, nơi cô đã lớn lên cùng một cậu bạn. Họ cùng chơi đùa, thả diều và học tập bên nhau. Khi cậu bạn đỗ đại học và rời quê, mối liên hệ giữa họ dần phai nhạt. Sau một thời gian, cậu trở về quê cùng một cô gái mới, khiến cô gái cảm thấy hụt hẫng và nỗi buồn lấn át kỷ niệm đẹp. Dù thời gian trôi đi, hình ảnh mùa hoa cải vẫn gợi nhớ về tình yêu thầm kín mà cô không thể quên. Cô chấp nhận rằng tình cảm đó sẽ mãi ở lại với cô, giống như những mùa hoa cải vẫn nở rực rỡ.
Viết cho người đã cũ
Đã cũ khiến ta bất giác hồi tưởng lại những ngày đầu làm quen để rồi tự gượng cười nhìn lại những gì đã cũ, cảm giác đó, rung cảm đó tưởng như sẽ trở nên sợi dây kết nối với nhau dài lâu; ấy thế lại vội vàng đến, rồi vội vàng lướt qua cuộc đời của nhau tựa như gió thoảng, tựa đám mây ghé qua rồi vội bay về phía cuối chân trời
Mưa nào mà không tạnh?
Mưa tầm tã, rào rạt. Mãi khi bình minh ló rạng cũng là lúc em nhận ra mình đã khóc lâu đến nhường nào. Chín mươi chín cuộc gọi nhỡ từ mẹ.
Ai bán
Ai bán cho tôi nửa trò đời Tôi về ủ thành rượu uống chơi Nhăm nhi từng chút hồn tản mạn Trở lại tuổi thơ thấy mẹ cười
Tía là quê hương
Năm đó nếu không có tía, nếu tía không ôm con về thì con đâu được như hôm nay. Tía vừa là ba vừa là mẹ của con, tía là những gì yêu thương thân thuộc nhất của quê mình mà con chỉ có thể nói tía là quê hương. Tía là cả vùng quê của mình đã thấm vào con đã thành máu chảy trong con ba