Sống trọn vẹn mỗi phút giây qua
2014-06-26 01:17
Tác giả:
Tháng Sáu có nỗi nhớ nào qua đây...
Nhanh quá! Sau tất cả, sau năm năm dưới mái trường này, thì ngày mai cả lớp mình lại bước vào mùa đồ án tốt nghiệp. Có được mấy chốc đâu, quay đi quay lại, mới ngày nào còn ngây ngô, ngốc nghếch hệt đứa tuổi teen mới lớn, chân ướt chân ráo ra Hà Nội, mắt tròn xoe với bao điều mới lại…thì giờ đây, ai nấy đều đã 23 tuổi rồi, lớn hết cả. Năm năm không phải quá dài, nhưng năm năm sắp qua như một dấu mốc đẹp đẽ, yên ả nhất trong suốt cuộc đời!
Nhớ hồi còn học mẫu giáo bé, rồi mẫu giáo lớn, rồi lên lớp một. Cái hồi nghịch như quỷ, chẳng sợ trời, chẳng sợ đất. Thậm chí còn bắt nạt thằng bạn, để rồi bố nó mách mẹ mình là “Thằng cu nhà cô oánh thằng cu nhà tôi” - ngày ấy thì sợ xanh mắt, nào có ai ngờ lắc đầu mỉm cười một cái đã mười mấy năm trời. Hồi học cấp một, chỉ chăm chăm nói chuyện riêng, bị bắt phạt đứng góc lớp, bị bắt phạt đọc bài cho cả lớp nghe. Những bài kiểm tra Toán luôn là ác mộng khi thầy giáo toàn cho 1, 2 điểm. Nào có ngờ thầy bảo đứa con gái ngồi cạnh mình (do yêu cầu của phụ huynh – để giúp mình ít nói chuyện hơn) – cái đứa cũng bị 1, 2 điểm. “Sao lạ nhỉ, thầy có thấy em nói chuyện riêng đâu mà em cũng chỉ được có thế này điểm?”
Lên cấp hai.
Nhớ những giờ học ê a, những giờ học Hát nhạc với cái bài hát “Tiếng trống trường giục giã làm tan cái nắng hè, dịu đi những tiếng ve còn vương trên vòm cây xanh lá…” , thì cái lũ quỷ sứ toàn đi xuyên tạc giờ ra chơi “Tiếng trống trường nhục nhã…”. Hồi ấy trường cấp hai của mình còn toàn sân đất, dãy nhà cũ thì liêu xiêu, có cái cây trứng gà đứng cạnh giếng khơi lúc nào cũng trĩu quả. Cái hồi ấy, cứ đến giờ giải lao là thi nhau phi như bay ra ngoài sân, cần hai chiếc dép tổ ong trên tay, chia quân bằng cách oẳn tù tì…rồi chơi đuổi bắt. Ngày ấy mình chưa béo, và dáng chạy thì thoăn thoắt. Chả thế mà với cái sức lực thuở mới lớn ấy, chơi đuổi bắt, hay chọi gà…đều trở thành trụ cột của mỗi đội. Sau này, cứ lớn hơn chút nào, là béo ị thêm chút ấy. Nghĩ lại chỉ biết phì cười với những trò trẻ con.
Nhớ hồi cấp hai, lần đầu biết thích một ai đấy. Lần đầu biết viết thư tay, lần đầu biết nhớ một bóng hình, biết đứng từ xa nhìn một (hay một vài người). Lần đầu bước vào cái tuổi mới lớn dở hơi, và những câu chuyện cười không bao giờ dứt. Nhớ những lần bị ghi Sổ đầu bài mà tội cũng chỉ quanh đi quẩn lại là ngồi vắt mỏ lên nói chuyện. Những lần họp phụ huynh cái tên trở thành đề tài bàn tán của các đấng sinh thành, mà bàn tán rôm rả là đằng khác. Hồi cấp hai ngày ba tuần học thêm nhà thầy giáo, nắng mưa không quản. Thỉnh thoảng là nước mắt, là tranh cãi, là tủi thân, là những khi vào mùa thi mà chẳng hiểu sao hồi ấy có thể đối diện với nó nhẹ bỗng, êm êm như thế…Và hồi cấp hai, là lúc cho những tổn thương đầu đời, nhưng chỉ như vết xước nhỏ, một hai hôm là bỗng chốc sẽ lành, êm như giọt nước mắt chưa kịp lau đã khô tự bao giờ!
Lên cấp ba.
Lần đầu thấy sợ thầy cô nhiều đến thế. Ngày mới đến lớp, thầy giáo chủ nhiệm dáng cao cao, người đậm, mặc chiếc áo sơ-mi cộc tay, chiếc quần âu và đôi dép lê giản dị. Chỉ bởi cái tiếng nghịch như quỷ hồi cấp hai, mà vừa vào khóa mới, thầy đã để ý và tận diệt cái trò nói chuyện riêng trong lớp. Hồi ấy, lớp có 4 tổ, các tổ có sổ theo dõi lẫn nhau, tầm ba tháng lại đổi một lần. Những nội dung trong sổ ấy à, nếu mà liệt kê có lẽ kể cả năm chả hết: nào nói chuyện, nào bị thầy nhắc 2 lần, nào bị ghi sổ đầu bài, bị điểm kém…bla bla. Và cũng chính bởi cái phương pháp này mà các thanh niên tuổi teen giở một loạt chiêu trò như: chạy án, tố cáo, ném đá giấu tay, hay giăng bẫy để bạn bị ghi vào sổ đầu bài. Gì chứ, ngày xưa ấy, mấy đứa tổ trưởng vương quyền quá trán, còn bọn tội nhân thì chạy án quanh năm, mút mùa.
Ngày xưa ấy, có cái bàn chứa bè lũ bốn tên, có bàn toàn bọn “giàu”, chuyên góp tiền đi mua nào bim bim, hoa quả, nước ngọt mang lên lớp ngồi ăn như mỏ khoét. Chị em con gái thì châu châu vào nịnh nọt, xin xỏ và thỉnh thoảng, có thêm một nam nhân mỏ khoét cũng lân la kiếm chác. Có cu cậu mượn được điện thoại của bạn ngồi nghịch, bị bắt quả tang, họp kiểm điểm lên xuống.Có những mùa thi ngồi với nhau cả buổi, mỗi người một góc làm đề rồi cuối cùng so sánh với nhau. Nhớ những lần đọc đáp án cho nhau so sánh: 1 – A, 2 – B, 3 – C, 4 – D…nhớ mùa thi những giờ thức đêm học bài, mệt mỏi và thiếu ngủ tới mức có lúc từng nghĩ “chẳng hiểu bao giờ mới phải thôi đi học và được ngủ đã đời, tới bên”. Nhớ những lúc thầy quát ầm ĩ, đứa tội phạm thì mặt cúi gằm, còn bọn lâu la thì nhịn không dám cười to mà mặt đứa nào đứa nấy đỏ lựng. Nhớ những ngày thầy không còn giận, không còn ác cảm, chăm chăm chút chút, cứ có học thêm là thầy gọi cứ có đề hay là thầy bảo…và cho tới tận bây giờ, vẫn chẳng thể hiểu tại sao thầy lại quý mình nhiều đến thế. Không còn học với thầy lâu lắm rồi, thế mà cứ mỗi lần về, chẳng may vào chơi đúng lúc thì kiểu gì cũng bị giữ lại ăn cơm, thầy bật lon bia, cười khà khà. Những lúc như thế, có cảm giác những năm tháng tuổi mới lớn đầy cám dỗ kia, được chở che, bao bọc nhiều đến mức nào mà chẳng biết.
Thế rồi vào đại học.
Cứ ngỡ vào đại học là chẳng phải học hành gì cơ, hóa ra đại học có nghĩ là học to – học nhiều – học mãi chẳng hết. Ngày đầu tiên đi học, ngồi nhầm giảng đường, để vào vào muộn mất 10 phút. Vậy mà thành cái duyên, ngồi sau bím tóc lúc lắc, hay nhí nhắng, quay qua quay lại…giờ giải lao bím tóc quay xuống bắt chuyện, để rồi cứ thành bạn nhau lúc nào chẳng biết. Hôm nọ bím tóc lúc lắc bảo vệ mà bận chẳng qua được, hôm nay gặp thấy bím tóc ấy giờ đã đổi màu nâu, còn cái đứa ấy thì vẫn quay qua quay lại, lăng xăng như hồi nào.
Vào đại học, bắt đầu biết bùng tiết theo bạn lang thang ven hồ, nói những câu chuyện chẳng đầu chẳng đũa. Vào đại học, là bắt đầu nhìn quanh thấy mình toàn cám dỗ, và nhiều khi bị chông chênh giữa ngưỡng hai mươi tuổi đời – không mục đích, không đam mê, và không khát vọng. Là những khi bị rơi vào cảm giác bất lực khi trượt một, hay hai môn trong một kỳ để rồi cuống cuồng lên trả nợ. Là những khi rung động trước ai đấy, biết nhớ nhung, biết đứng lặng lẽ một góc chờ đợi, để rồi lắc đầu thất vọng ra về. Là những cuộc vui chẳng còn lo nghĩ, là những nhóm bạn lắm khi cãi nhau ầm ĩ…để rồi mọi việc vẫn đâu vào đấy.
Đã có những phút chông chênh của tuổi trẻ, hay những ngày tháng mệt nhưng đẹp nhất khi dạy bọn trẻ vô gia cư bên chùa Bồ Đề một năm. Những con đường đã qua, những nơi bàn chân đã đặt tới, những con người đã từng một lần gặp, một lần đến và đi trong cuộc đời…đều thuộc về những tháng năm này. Có hối tiếc hay không, rồi cũng là chuyện của quá khứ, có níu kéo cũng chẳng được. Thôi thì cứ để chúng bay đi.
Qua ngày mai, ngày kia…sẽ không còn nữa những hôm thức đêm khuya ôn bài, có khi cả kỳ chỉ học trong một vài ngày. Không còn những giờ lang thang tìm giảng đường vắng, lôi tập đề mua sau thư viện ra ôn luyện, hay những giờ thi ngắn ngủi, căng thẳng. Không còn được thấy thầy mắng nhiếc học sinh, hay một thầy khác suốt ngày phải cáu vì mấy đứa sinh viên nói mãi không hiểu…Không còn những giờ ngồi chờ thầy duyệt quyển, ngồi chờ thầy hướng dẫn đồ án đến mòn mỏi, mà có khi chẳng gặp được thầy, lại lóc cóc ra về. Những giờ vấn đáp toát mồ hôi, ngồi đối diện thầy, thời gian như co ngắn đến cực đại…nhận 5, 6 điểm ra về mà mừng như được sống thêm lần nữa. Không còn những giờ, lang thang sân trường, lê la cây nấm, mấy căng-tin đông đúc, cười nói, vui đùa rộn hết cả…không còn! Chỉ hai ngày nữa là không còn. Lần cuối những đứa sinh viên sắp sửa thành tân kỹ sư, chập chững trước ngưỡng cửa cuộc đời, được đứng trước các thầy, được nghe các thầy hỏi, được căng thẳng, được toát mồ hôi…và thế đấy, bao giờ những lần cuối đều mang lại những sự tiếc nuối vô hạn, dù cho có là lần cuối được căng thẳng đi chăng nữa!
Ngày mai, ngày kia…bận quá, nhưng chắc cũng cố ngồi xem, cổ vũ tất cả bạn bè, những người mà, dù có thân hay không, có giận dỗi hay không…thì cũng đều là bạn. Năm năm rồi, giận thêm một tí cũng chả sao, thêm vài năm nữa, hay biết đâu đấy suốt quãng đời còn lại, chẳng còn cơ hội mà giận nhau. Ngày mai, ngày kia nữa, mình sẽ nhìn các thầy, ôm các thầy, chụp những tấm hình, dành những lời nói chân thành nhất. Bởi lẽ, “Không thầy đố mày làm nên”, bởi lẽ mai kia ra trường, rồi lại cũng chẳng còn được ai chở che. Đã qua là qua đi mãi. Đã bay đi, là bay đi mãi!
Sau tất cả, chợt bối rối nhận ra, hạnh phúc không phải ở nơi nào xa xôi, hay ở những điều đã cũ kỹ, bụi bặm mà hạnh phúc lại vẫn ở ngay bên mình, rất gần kề, và vẫn đủ chỗ trong những trái tim còn trẻ và đầy nhiệt huyết này.
Vì tháng năm không ở lại, xin cứ sống trọn vẹn hết những phút giây qua.
• Dương Minh Trung
Bài dự thi "Hạnh phúc vẫn đủ chỗ cho ta". Để bình chọn cho bài viết này, mời bạn để lại bình luận cuối bài viết tại website hoặc like và chia sẻ lại link bài viết từ trang fanpage facebook.com/yeublogviet
MỜI BẠN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ TÌM HIỂU VỀ CUỘC THI VIẾT "HẠNH PHÚC VẪN ĐỦ CHỖ CHO TA"
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Cảm ơn mẹ vì tất cả
Dù mẹ tôi có thể không hoàn hảo nhưng luôn yêu thương tôi theo cách hoàn hảo nhất. Việc tôi có được tất cả những điều tốt đẹp nhất trên đời đều nhờ có mẹ.
Những kẻ mộng mơ
Anh đổ thừa cho cà phê làm anh mất ngủ, anh quy trách nhiệm cho thời tiết khó chịu khiến anh không thể chợp mắt nhưng thực lòng anh chỉ suy nghĩ về em, về những nguyên do hai ta không còn hợp, về những gì anh đã làm, đã sai.
Thanh xuân của tôi
Cảm giác nghẹn ngào dâng lên, khiến tất cả chúng tôi đều biết rằng, dù có trải qua bao nhiêu năm tháng, thì những ký ức này sẽ mãi in đậm trong trái tim.
Mây đợi ai nơi ấy
Không còn một Pha Lê áo thun trắng quần jin xanh đóng thùng hăm hở với bao nhiêu công việc xã hội, bây giờ chỉ còn một cô giáo Pha Lê dịu dàng nữ tính trong tà áo dài mỗi ngày đến lớp đến trường.
Giá như...
Hành trình của mỗi người là khác nhau, đoạn đường người ghi dấu vì thế cũng muôn vàng khác biệt. Nhành diên vĩ um tùm nhưng lại dễ gãy đổ trong gió, những cảm xúc cả buổi ban đầu có chắc gì nguyên vẹn đến mai sau.
Hồi ức chuyến tàu cuối về Sài Gòn – 1985
Tối hôm đó, Ngọc Lan trở về nhà với bao suy nghĩ. Câu hát “I don't know why, you said goodbye…” cứ vang mãi trong đầu cô. Cô cười thầm, tự hỏi liệu có phải mình đã rung động trước chàng trai tốt bụng ấy không.
Crush
Bất cứ khi nào mà thấy chúng tôi đi cùng nhau là y như rằng đám bạn đó hú hét dữ dội. Nhưng chúng tôi không quan tâm, vẫn làm bạn với nhau như bình thường, nói chuyện và đi học chung. Tôi vẫn thế, chôn cất cái tình yêu ấy vào trong lòng, chờ đến khi chúng tôi 18 tuổi thì chúng tôi sẽ yêu nhau.
Người thầm lặng 20/10
Mỗi bước đường tôi đi đều in dấu sự dạy bảo, lo lắng và yêu thương vô điều kiện của mẹ. Sự hi sinh âm thầm của mẹ khiến tôi thấu hiểu rằng, dù có bao nhiêu thử thách trong cuộc sống, tôi vẫn luôn có một người để dựa vào.
Yêu anh, yêu đến điên rồ để rồi nhận lại là điều gì?
Nhiều lúc tôi khuyên bạn của mình về chuyện yêu đương. Chẳng hạn như người ta lạnh nhạt là người ta hết yêu bạn, đừng cố chấp theo đuổi làm gì. Thế mà bản thân tôi lại trong hoàn cảnh ấy.
Lá thư tình không gửi
Mỗi khi mở ngăn kéo, nhìn thấy chồng thư cũ kỹ, anh lại nhớ về những ngày tháng sinh viên đầy kỷ niệm. Có những lúc anh tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói ra cảm xúc thật của mình với Linh.