Phát thanh xúc cảm của bạn !

Rừng mơ

2021-05-20 01:22

Tác giả: Hải Đường


blogradio.vn - Bức tranh được tôi và Miên đồng ý bán lại cho tổ chức từ thiện nơi Natasa làm việc. Toàn bộ số tiền bán tranh chúng tôi quyên góp quay lại tổ chức để thực hiện dự án phát triển khu rừng mơ. Khu rừng mơ giờ có hẳn một khu vực giáo dục, chăm sóc cho người khuyết tật. Sau khi tôi lấy Miên, cùng với những cố gắng của tất cả mọi người, làng tôi không còn cấm người trong làng vào rừng mơ. Thậm chí chưa đầy một năm sau đám cưới của tôi, đã có vài đám khác của người làng tôi với người rừng mơ.

***

Tôi đã từng là một nhiếp ảnh gia có vài bức ảnh được người ta đem đi triển lãm. Đã từng, bởi chiếc máy ảnh quý giá San tặng đó giờ được cất cẩn trọng trong tủ kính như cách người ta cất giữ hiện vật trong bảo tàng. Bởi vì tôi nhận ra có những khoảnh khắc rất đẹp ta muốn giữ lại, dù được bày tỏ qua những bức ảnh nhưng không thể đủ để diễn đạt được thực tế đang diễn ra sống động như ý muốn.

Hình ảnh cô gái cổ cao ba ngấn đội bình nước màu lam, đi khoan thai trong rừng mơ nở trắng mà tôi thường gặp là một ví dụ. Nó ấn tượng tới mức tôi không còn muốn chụp ảnh nữa.

Cố ấy tên Miên. Miên là tên giống như tên mẹ cô. Một lần đi trẩy nước, trong ánh bình minh rực rỡ, chụp được ảnh của cô tôi đã thấy rất đẹp. Lần sau tôi lại thấy cô thật dịu dàng đội bình nước trong hoàng hôn ánh tím rực còn đẹp hơn gấp vạn. Lần ấy tôi đã biết sẽ chẳng có bức ảnh nào đẹp hơn và duy nhất về cô ngoài vẽ một bức tranh hoàn hảo. Đó là lý do tôi cặm cụi vẽ cô ấy trong rừng mơ.

“Hỡi anh trai trẻ vẽ mơ già

Anh chửa về ư? Đường thì xa

Mà ánh chiều hôm dần một tắt

Hay anh ở lại về cùng ta?”.

Lần đầu tiên phát hiện ra tôi lén đặt giá vẽ sau gốc mơ già ở vị trí cao và kín đáo sát cạnh lối đi đến thác nước xuyên giữa rừng mơ, cô gái cổ cao ba ngấn đó trêu ghẹo tôi bằng cách chữa lại bài thơ của Nguyễn Bính rồi vừa đi ngang qua tôi vừa ngân nga bằng một giọng trong vắt pha lẫn tiếng cười khúc khích.

Tôi không ngờ cô mạnh bạo đến thế, khác hẳn với những gì tôi tưởng tượng về cô. Cô trêu ghẹo làm tôi, anh chàng họa sĩ bất đắc dĩ, ngượng ngùng chết trân sau giá vẽ.

rung_mo

***

Khu rừng mơ là khu rừng huyền bí trong mắt tôi. Thuở nhỏ, mỗi khi có cầu vồng, tôi nghĩ chân của cầu vồng bắt nguồn từ khu rừng mơ. Lúc lớn, tôi hay trốn việc đi gần đến khu rừng mơ. Đứng từ đằng xa, nhìn vào bạt ngàn mơ trắng đang nở hoa, tôi thấy yêu màu trắng mơ. Khi rừng mơ kết trái, tôi thích màu xanh nõn tơ của quả mơ mới nhú. Khi rừng mơ chín vàng sậm, tôi trân quý màu vàng. Tôi yêu tới mức các bức vẽ của tôi tông màu chủ đạo luôn là ba màu của rừng mơ.

Rừng mơ rất rộng nhưng nó không thuộc về làng tôi. Khu rừng mơ ở phía bên kia của con suối ngăn làng tôi và khu rừng. Trong rừng có bạt ngàn những cây mơ cổ thụ mốc meo xen lẫn nhiều gốc lan nhỏ. Người trong làng tôi không bao giờ đi về phía khu rừng ấy do một lời nguyền không rõ ràng nào đó. Người lớn luôn cấm trẻ con nhìn về phía khu rừng mơ. Người trung niên cấm nam thanh nữ tú đi về hướng rừng mơ. Còn người già cấm người trung niên nói chuyện về rừng mơ. Những cấm kị đó khiến rừng mơ ngày càng huyền bí đối với người làng tôi đời này qua đời khác.

Nhưng tôi không phải quen Miên lần đầu trong rừng mơ. Lần đầu tôi quen là lần tôi từ thành phố về làng, tôi dừng lại ở phố huyện. Tôi dừng không có ý gì khác ngoài việc về qua đó thăm San. Cô là người cùng làng, cùng học lớp vỡ lòng với tôi. Hai đứa chúng tôi chơi thân đến nỗi năm lớp bảy chỉ vì cô ấy không thèm ăn củ khoa tôi nướng từ hôm tối, bọc giấy báo kỹ càng giấu kín trong cặp sách để mang tới lớp cho cô ấy, tôi đã đè cô ấy ra và cắn một miếng rất đau vào tai. Cắn người khác mỗi khi tức tối là tật xấu không bao giờ bỏ được của tôi. Người càng thân tôi cắn càng đau. Lúc đó tôi đâu biết được lớp bảy San đã lớn còn tôi đang chỉ là một đứa trẻ ngốc. 

mo-moc-chau-2

Cuối năm đó San cùng gia đình bỏ làng lên phố huyện. Thật không may lần này tôi về làng do vội tôi để quên gói quà ở nhà. Vì thế trước khi vào nhà thăm San tôi ghé qua chợ huyện để mua quà. Ở chợ, tôi bị thu hút bởi một sạp bán hàng đông đúc người đang chen lấn nhau mua. Tôi ghé mắt vào coi thấy Miên, khi đó tôi chưa biết tên, một cô bán hàng đang lấm tấm mồ hôi trên gương mặt trắng hồng. Thứ quà cô bán là thứ con gái ai cũng thích, tất cả các sản phẩm làm từ quả mơ. Những thứ ô mai mơ do cô bán hàng có cổ cao ba ngấn đó làm rất ngon.

“Ôi mơ của Miên! Anh thích Miên rồi đấy hả? Huyền rạng rỡ khuôn mặt khi giở gói quà của tôi ra”.

“Đâu có”.

Tôi ngượng chín mặt. Hai mươi mốt tuổi, chưa kịp có một chuyện tình cảm dù lãng đãng như mây mỏng. Giờ ba mươi mốt vẫn vậy.

Anh không quen thật chứ? Miên ở gần làng mình mà? Cũng có thể anh không quen Miên thật”.

San gặng hỏi. Mái tóc đen dài của cô không ngừng đong đưa trước mắt tôi. Cô tự trả lời rồi cô ngừng cười. khuôn mặt của cô thoáng buồn bã. Nhưng chỉ là trong chốc lát, rồi sau đó cô huyên thuyên với tôi đủ thứ chuyện sau gần một năm xa cách.

“Lần này anh về làng lâu không?”.

“Lâu. Lâu tới chừng nào anh chụp được ảnh đẹp. Tôi cứ trả lời San thế nhưng thực sự chưa biết khi nào tôi có ảnh đẹp”.

“Em có món quà này tặng anh. Anh bóc đi”.

may_-_anh

San mở tủ gỗ cạnh tường nhà lấy ra một hộp quà lớn. Trước mắt tôi là một chiếc máy ảnh đẹp tới mức tôi không thể tin được nó có thể xuất hiện ở đây, một thị trấn vừa nhỏ vừa heo hút. Chiếc máy ảnh có bộ ống kính tele cực đẹp. Tất cả còn mới nguyên.

“Là chiếc máy bác em tặng sinh nhật em đó. Nó chỉ có một ngàn chiếc trên thế giới thôi”.

“Anh không nhận đâu”.

Tôi thận trọng đẩy hộp quà về phía San.

“Em muốn anh dùng cơ”.

San xị mặt xuống.

“Nhưng đâu có cảnh đẹp mà chụp bằng chiếc máy đắt tiền như thế này chứ?”.

“Có! Anh lên rừng mơ mà chụp. Ở đó cảnh rất đẹp. Chụp xong thì gửi cho em vài bức nhé”.

“Lâu em không về làng rồi”.

Tôi cũng như San, theo cha mẹ rời xa làng từ nhỏ. Tôi có cha mẹ để theo. San thì không có. Cô theo một người đàn bà lớn tuổi lên phố huyện để làm con nuôi. Nghe người làng nó đó là một người đàn bà giàu có. Người chồng bỏ đi nước ngoài nhưng vẫn đều đặn gửi tiền về cho bà. Những gì tôi biết về San sau khi tôi theo cha mẹ lên thành phố chỉ có vậy.

“Đó là một khu rừng cấm. Em quên lời…”.

Tôi chợt ngưng lời. San mồ cô cha mẹ từ nhỏ, làm gì có ai cấm đoán cô những chuyện về rừng mơ?

“Ý anh là khu rừng mơ và những lời nguyền? Nhưng anh tin em không? Ở đó chẳng có gì đáng sợ đâu. Vì ở đó là nơi cầu vồng mọc ra như anh từng kể với em cơ mà”.

“Nơi cầu vồng mọc ra?”.

rung_-_mo_1

***

Tôi làm theo lời San nói. Tôi lần đầu tiên bước tới bờ suối lớn, vượt qua lằn ranh của lời nguyền để tiến vào khu rừng mơ. Một khung cảnh đẹp đẽ không thể diễn tả được đang hiện ra trước mắt tôi. Những cây mơ già mọc xen lẫn nhau tuy không theo hàng lối nhưng đều nhau tăm tắp. Chúng dường như được ai đó trồng từ rất lâu. Những cây mơ mọc như đang cảm ơn công trồng của con người, không một cây nào bị sâu bệnh cứ lừng lững nở hoa trắng muốt.

Đi sâu vào trong khu rừng mơ, tôi gặp con đường đi ngang từ đâu đó qua khu rừng. Nói là con đường nhưng chỉ là lối đi nhỏ. Tôi tưởng tượng rằng có ít nhất một vài người nào đó kiên nhẫn đi qua để trở thành đường. Mải mê nâng máy để chụp những cảnh tôi cho là đẹp nhất cho tới khi tôi hết phim để chụp thì tôi đã đi gần đến một thác nước. Thì ra ở trong khu rừng mơ có một mỏm đá, gọi là đồi đá mới đúng hơn, đang có một khe nước chảy. Khe nước, tôi xin thề tôi chưa từng nhìn thấy khe nước nào đẹp đến thế. 

Nước chảy giàn giụa, trắng toát, dàn đều dọc theo vách đá xuống chân đồi thành một làn thác rộng. Vội vàng tôi nâng máy chụp. Qua ống kính, tôi thấy một cô gái đang xõa tóc tắm ở bên dưới thác nước. Cô đang ngâm mình dưới nước nên tôi chỉ nhìn thấy làn tóc đen dài của cô đang bồng bềnh như tóc một nàng tiên.

Khi máy hết pin phát ra tiếng bíp tôi giật mình giật mình ngượng ngùng. Tôi giống như một tên trộm đồ xong thì phát hiện ra chủ nhà ở trước mặt. Tôi vừa nhìn trộm một người khác giới đang tắm. Tôi nhìn lén đã đành trong tay tôi lại đang cầm máy ảnh và chĩa vào chỗ người ta đang tắm. Tôi lén quay lưng lại và lủi vào một gốc mơ già xum xuê lá mọc trong bụi lau rậm. Tôi cầu trời người dưới thác nước kia không phát hiện ra tôi. 

co_-_gai_-_rung_-_mo

Lát sau, bước ngang qua tôi một cô gái cổ cao ba ngấn. Cổ cao ba ngấn đương nhiên là do cô cao và dáng cô đẹp. Cô đội trên đầu chiếc bình gốm màu lam ngọc đựng nước, cô bước đi uyển chuyển giống như các cô gái ở xứ sở Ba Tư tôi thường thấy trong phim ảnh. 

Tôi ngắm dáng cô, rồi mới ngắm gương mặt. Suýt chút tôi reo lên. Đó là cô gái bán mơ ngày hôm trước trên chợ huyện. Như lời San nói, cô tên Miên. Khi cô đi khuất hẳn tôi vẫn còn ngẩn ngơ bóng dáng cô.

***

“Bao giờ anh Phan vẽ xong tranh?”.

Miên sau khi đọc xong đoạn thơ ghẹo tôi dừng lại và đặt bình xuống đất. Ngày nào cũng thế, sang nàng đi lấy nước một lần, chiều đi lấy một lần.

“Chắc đến bao giờ Miên ngừng trẩy nước”.

Tôi suy nghĩ thật lâu mới trả lời câu hỏi của cô. Những lần tôi vẽ tranh, xong rồi tôi lại tẩy đi, vẽ lại, chỉnh lại. Tôi chỉnh tranh mấy tháng trời nay rồi.

“Anh nghĩ bao giờ Miên ngưng trẩy nước?”.

Miên thường dùng từ “bao giờ” để bắt đầu câu hỏi với tôi. Cô dường như đang chất chứa trong lòng một điều gì đo bức bối, chỉ cần có thời gian sẽ vỡ tung như đập nước mùa lũ.

“Khi nào…Miên lấy chồng?”.

Tôi cố gắng không muốn nói lời này. Tôi không muốn Miên lấy chồng. Tôi cũng không biết làm cách nào để Miên không lấy chồng. Một cô gái đẹp như Miên không sớm thì muộn cũng có người rước mất.

“Sẽ chẳng có ai lấy Miên đâu”.

Miên nói xong buồn bã ngồi xuống đám lá mơ vàng rơi trên mặt đất. Mùa này là mùa  thu, mơ bắt đầu rụng lá. Tôi cảm thấy cô nói buồn như màu lá rụng.

“Miên đẹp thế…”.

co_-_gai_-_rung_-_mo_1

Tôi quay mặt đi không dám nói tiếp. Bức tranh tôi vẽ đã gần xong. Khuôn mặt của Miên ở trong tranh không buồn như mặt Miên lúc này.

“Với lại…”.

Miên ngẩng mặt nhìn tôi. Đôi mắt đen to tròn của cô còn đẹp hơn đôi mắt của San. Cô chỉ nói hai từ ấy rồi mặt ửng đỏ. Cô cầm chiếc lá mơ vàng một cách bối rối.

“Miên nói đi. Với lại làm sao?”.

Tôi sốt sắng vô cùng. Là tôi đang chờ Miên nói đấy. Tôi chỉ muốn sau hai từ “với lại” ấy là một điều gì đó có tên tôi.

“Với lại…”.

Miên đột ngột đứng dậy, vội vàng nhấc bình nước lên đầu. Miên yêu một người trong làng anh rồi.

Miên nói xong đi như chạy. Tôi thẫn thờ buông rơi bút vẽ. Một người ấy là ai? Sao cô không nói một người ấy là người họa sĩ tay ngang đang vẽ một mình Miên trong rừng mơ? Sao Miên không nói lại một câu để người họa sĩ ấy vẽ nốt bức tranh đang dang dở?

Tôi thẫn thờ trở lại làng không mang theo bức tranh và giá vẽ.

rung_-_mo_4

***

Vì chuyện Miên nói ấy tôi bỏ luôn giấc mơ họa sĩ. Tôi tự xin ba mẹ ra nước ngoài du học, điều tôi luôn từ chối trước đó. Tôi muốn quên vườn mơ, San và Miên. Trong bốn năm du học, tôi không một lần điện thoại, gửi mail hay bất cứ một hình thức liên lạc nào có hình ảnh của Miên, rừng mơ và làng tôi. Những chuyện về rừng mơ chỉ trở về trong tôi bằng những giấc mơ. Nhưng lại là giấc mơ kì dị.

Tôi luôn mơ thấy Miên bị nhốt trong một chiếc cũi lớn, toàn là những cây mơ trắng muốt hoa quây kín lấy Miên làm cho cô không thể nào thoát ra được. Tôi mơ thấy người làng tôi, nào là chú Nga, một người thợ rừng tay đang cầm chiếc rìu lớn, là ông Long chuyên buôn gỗ, tay mang một chiếc máy cưa đang chạy rần rật và cả San nữa, tay cô cầm một lá bùa có quyền năng phá tam được cũi nhốt Miên. Nhưng tất cả đều lặng im và lờ đi trước cái vẫy tay đang kêu cứu của Miên trong tuyệt vọng. Tôi luôn mơ thấy giấc mơ tương tự. Mơ cả trong những ngày sắp kết thúc khóa học.        

Ở nước ngoài tôi có nhiều bạn bè. Tôi vì cô đơn nên cố gắng kết thân với họ. Nhưng mọi thứ tình cảm tôi có được rất hoàn hảo, trừ tình yêu. Tôi không thể yêu được ai. Đến nỗi bạn bè đều gán cho tôi biệt danh “kẻ nhút nhát”. Tôi từng nằm suy nghĩ rất nhiều về từ nhút nhát. Có phải tôi nhút nhát khi không nói với Miên một câu để níu giữ Miên bốn năm trước. Có phải tôi nhút nhát khi Mary Stewart đến từ Anh quốc cố gắng bồng tôi từ ngoài hành lang phòng trọ ném tôi lên giường nhưng tôi vẫn cố gắng thoát ra khỏi căn phòng thắp nến cầu hôn.

Tôi chơi trên mức thân thiết với một người. Đó là Natasa Nguyễn, một cô gái người Nga có cha là người gốc Việt. Cô là điều phối viên của một tổ chức chống phân biệt kỳ thị với người khuyết tật. Cô được cử đi học cùng khoa với tôi theo diện người của tổ chức xã hội. Với tôi cô là một người bạn, một người em gái. Với cô, tôi là một người anh. Cuối khóa học, tôi nhận lời mời của cô sang Nga một chuyến. Cô muốn tôi về gặp cha nàng, ông Nguyễn Huy.

ve

Đó là một người đàn ông khác hẳn với những gì tôi hình dung. Natasa cao hơn tôi một phân, nàng có vẻ đẹp của một cô gái Nga mang dòng máu lai. Còn ông Nguyễn Huy thấp, là người có hình dạng đặc biệt. Nhìn ông, những khủy tay, khủy chân bị phình ra tròn như người ta đang đính vào đó những con ốc lớn. Khi Natasa Nguyễn ôm cha, tôi có cảm giác nàng Bạch Tuyết đang ôm một trong bảy chú lùn.

“Tôi là một người tật nguyền anh ạ. Tôi đang là chuyên gia nghiên cứu về những bất thường trong di truyền. Sở dĩ tôi cả đời theo ngành này vì dòng họ nhà tôi mắc chứng di truyền này từ nhiều đời. Tôi từ quê nhà Việt Nam quyết tâm sang đây học hành nghiên cứu để thay đổi. Mẹ của Natasa là một người phụ nữ bao dung, không quan tâm tới hình dạng của tôi đã suốt đời cùng tôi đi hết cuộc đời. Natasa là hy vọng của vợ chồng tôi. Chúng tôi để con bé theo học chuyên môn nhằm thay đổi kỳ thị với người khuyết tật”.

****

Sau kì nghỉ ấy chúng tôi quay lại trường dự lễ tốt nghiệp và chia tay nhau. Tôi có hứa với Natasa sẽ có một ngày được đón cô sang Việt Nam để tìm thăm cố hương. Hai năm trời trôi qua mà tôi chưa được đón cô. Giờ Natasa đã là giám đốc chi nhánh châu Á của tổ chức cô đang công tác.

Một ngày kia tôi nhận được điện thoại của Natasa Nguyễn. Cô ấy nói đã tới phi trường ở Việt Nam và đang ngồi ở phòng chờ. Tôi bất ngờ lắm. Tôi không nghĩ một người chu toàn như Natasa lại không thể báo trước cho tôi dù chỉ mấy tiếng. Tôi vội vàng ào tới đón Natasa như một cơn mưa mùa hạ.

“Ngày mai em mời anh đi dự một cuộc triển lãm tranh. Em biết anh có thể rất quan tâm tới triển lãm này đấy”.

Natasa cười nhẹ. Giọng nói tiếng Việt của cô tròn trĩnh gần như một người bản địa hơn hẳn mấy năm trước. Tôi còn định khen Natasa rằng giọng của cô rất giống với giọng người làng tôi.

trien_-_lam

“Nhưng ngày mai là ngày anh phải đưa một người đi bảo vệ luận án tiến sĩ. Chắc anh không đi được”.

Tôi vừa trả lời cô vừa ngồi thấp hơn chiếc ghế Natasa đang ngồi. Tôi muốn ngồi thế để xin lỗi cô. Tôi sợ Natasa giận tôi. Natasa vội vàng đẩy ghế ra và bước vội về phía cửa tàu bay. Nàng giận tôi thật.

“Thế thì em về nước. Không có anh chị ta vẫn bảo vệ được. Cô quay lại chìa cho tôi tấm vé khứ hồi trong khi tôi đang cố kéo tay cô lại”.

“Thôi được! Nhưng anh chỉ đến đó một tiếng thôi nhé”.

***

Quả thực tôi đã đến muộn. Đưa đón Nga từ ngôi biệt thự gia đình cô trên Tây Hồ xuống trung tâm hội nghị quốc gia chiếm thời gian của tôi quá nhiều. Mặc dù tôi đến đón nàng từ rất sớm nhưng nàng quá cầu toàn trong việc trang điểm và váy áo. 

Ngồi dưới phòng khách, tôi năm lần chứng kiến người hầu phòng của Nga lăng xăng từ phòng nàng xuống phòng thay đồ. Tôi thực sự không có một chút gì thích Nga. Nhưng vì cha nàng, ông viện trưởng đáng kính của cơ quan tôi đang công tác, nhờ tôi đưa đón nằng nặc khiến tôi phải có mặt ở đây. Vì lẽ ấy, tôi không đến đúng giờ như đã hứa với Natasa.

“Rất may chuyện ấy chưa xảy ra”.

Natasa đón tôi ở sảnh triển lãm. Nghe Natasa nói tôi đang nghĩ là do cô dung từ chưa đúng. Ngày trước thi thoảng cô cũng đúng từ sai khi nói với tôi bằng tiếng Việt.

“Chuyện ấy là chuyện gì cơ?”.

Tôi dịch tay ra phía ngoài để Natasa khoác tay tôi. Hôm nay cô đi guốc cao gót trong khi tôi mang một đôi giày cao giấu đế.

co_-_gai

“Có một bức tranh rất đẹp được mang ra đấu giá. Tổ chức của chúng em đã chấm bức tranh đó từ rất lâu rồi. Nhưng do nó đặc biệt quá nên có nguy cơ không mua được do những người khác liên tục đặt giá cao hơn. Giờ nó đã vượt ngưỡng một triệu đô, chúng em không mua được, trừ khi…”.

“Trừ khi gì?”.

Tôi bắt đầu thấy cuốn hút với câu chuyện của Natasa. Tôi vừa hỏi vừa quan sát triển lãm. Tôi nhận thấy đây là triển lãm lớn, có nhiều tranh của các họa sĩ có tên tuổi. Bức tranh đó phải là một bức tranh của một họa sĩ tài năng nào đó.

“Trừ khi tác giả thật sự của bức tranh đó xuất hiện thì nó mới không bị người sở hữu bán”.

“Thế à?”.

Tôi hỏi lại Natasa trong khi chúng tôi bước vào phòng đấu giá. Tôi suýt gục xuống khi nhìn thấy bức tranh.

Đó chính là bức tranh tôi đã vẽ trong rừng mơ sáu năm trước. Đó là bức tranh tôi vẽ Miên. Đó là Miên đang đội bình nước đi giữa rừng mơ.

“Một triệu một trăm hai mươi ngàn đô lần thứ nhất! Đó là giá của một cửa hàng tranh ở Hồng Kông trả”.

“Một triệu một trăm hai mươi ngàn đô lần thứ hai”.

Không còn một cánh tay nào giơ cao trả giá. Tôi nóng phừng phừng khắp người. Tại sao có ai đó mang bán bức tranh của tôi? Tôi quay sang tìm Natasa nhưng cô không còn có mặt ở hàng ghế cạnh tôi nữa. Tại sao cô biến mất, tại sao cô nhất quyết đòi tôi tới triển lãm này? Tôi cáu tiết đứng bật dậy và chìa tay về phía ban tổ chức.

“Xin mời ngài trả giá”.

“Thưa quý vị, tôi là chủ nhân của bức tranh”.

chang-chup-anh

Cả khán phòng đồng loạt đứng dậy. Ống kính máy ảnh tập trung chĩa vào tôi. Tôi bối rối. Tôi đã từng được học để đứng trước ngàn người. Lúc này tôi bối rối vì tôi cần biết ai đang là người sở hữu bức tranh đó.

“Tôi yêu cầu được gặp người sở hữu tranh”.

Tôi nói lớn có phần gay gắt.

“Ngài cần phải chứng minh ngài là tác giả của bức tranh. Đại diện Ban tổ chức nói qua micro sau khi ban tổ chức tham vấn lẫn nhau”.

“Không cần. Anh ấy chính là tác giả của bức tranh! Tôi tuyên bố ngừng đấu giá bức tranh này”.

Đó là Miên, không ai khác, trong bộ đầm màu trắng hoa mơ. Cô đứng dậy từ hàng ghế đầu tiên ở vị trí tôi chưa quan sát tới trước đó. Cô chạy ào xuống nơi tôi đang đứng và ôm chầm lấy tôi như người yêu lâu ngày xa cách. Tôi cảm thấy mùi thơm của hoa mơ trên tóc của cô.

***

Những gì sau đó là những điều trong mơ tôi cũng không tưởng tượng được. Bức tranh được giới nghệ thuật đánh giá cao vì đó là một bức tranh đang vẽ dở một người con gái đẹp nhưng khuyết tật. Bản thân tôi cũng không nhận ra trong bức vẽ của tôi, hay cánh tay ngọc ngà đang đội bình nước của Miên, tay phải có một chỗ lồi hơi to ở khủy tay. Có lẽ khi vẽ, lòng yêu thương của tôi tập trung vào trái tim Miên nên tôi không để ý tới điều này.

rung_-_mo

Rừng mơ đó, là khu rừng của một nhóm gia đình những người khuyết tật di truyền như chú Nguyễn Hoàng đã nói. Họ ở đó mấy đời, luôn bị người làng tôi kì thị. Một vài người trong làng bịa ra những lời nguyền vô lý để không một ai trong làng lấy người ở rừng mơ. Đời này qua đời khác những người trong rừng mơ sống cách biệt với làng tôi. Họ cần mẫn trồng mơ. 

Chú Nguyễn Huy là chú ruột của Miên. Chú học giỏi và quyết tâm học ngành y, bộ môn di truyền để thay đổi số phận cho những người trong rừng mơ. San cũng là con gái một người đàn ông trong rừng mơ với một người trong làng tôi. Do không chịu nổi kì thị, người đàn bà đó đã bán San cho hai vợ chồng khác rồi hai vợ chồng đó cũng đột ngột qua đời do một căn bệnh. San trở nên mồ côi từ đó.

Mẹ của Miên là một cô gái quê Thái Bình, nơi có thói quen đội nước trên đầu. Vì bị ép gả cho một người bà không yêu, bà bỏ lên vùng núi và lạc vào rừng mơ. Cảm mến người đàn ông khuyết tật đã cưu mang mình, cô lấy chú Xuân và sinh ra Miên.

Còn người đàn ông ở trong làng Miên nói Miên yêu chính là tôi, một kẻ đại ngốc không nhận ra tình cảm của Miên. Miên yêu nhưng không dám nói vì sợ tôi cũng như người làng vì kì thị sẽ không dám lấy Miên. Miên giữ kín tình yêu đó cho tới khi gặp Natasa. Cô về Việt Nam làm việc cho tổ chức từ thiện của cô. Nơi cô làm việc chính là những gia đình có người khuyết tật trong khu rừng mơ. Việc thuyết phục Miên bán đấu giá bức tranh tôi bỏ lại năm ấy trong rừng mơ, bức tranh bấy lâu Miên gìn giữ như báu vật cũng là một kịch bản hoàn hảo của Natasa.

Bức tranh được tôi và Miên đồng ý bán lại cho tổ chức từ thiện nơi Natasa làm việc. Toàn bộ số tiền bán tranh chúng tôi quyên góp quay lại tổ chức để thực hiện dự án phát triển khu rừng mơ. Khu rừng mơ giờ có hẳn một khu vực giáo dục, chăm sóc cho người khuyết tật. Sau khi tôi lấy Miên, cùng với những cố gắng của tất cả mọi người, làng tôi không còn cấm người trong làng vào rừng mơ. Thậm chí chưa đầy một năm sau đám cưới của tôi, đã có vài đám khác của người làng tôi với người rừng mơ.

© Hải Đường - blogradio.vn

Xem thêm: Phía sau một câu chuyện cổ tích l Radio Truyện Hay

Hải Đường

Người yêu thích đọc truyện, nghe Radio và viết tản văn, truyện ngắn

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

Ta lại tương phùng

Ta lại tương phùng

Cô tin chắc cô là người duy nhất trong trái tim Dương và điều đó là bất diệt suốt đời không gì có thể thay dổi được. Dù cho giờ đây cô và Dương đang tạm thời cách xa nhau vì chuyện học hành tương lai nhưng cô sẽ cố gắng hoàn thành sớm khóa học và bay về với Dương.

Ta về

Ta về

Ta về tan hợp cùng hưng phế thoắt nước thời gian nhuộm trắng đầu

back to top