Rao bán kỷ niệm
2021-10-04 01:20
Tác giả: Trương Thanh Thùy
blogradio.vn - Nhà cửa yên ắng được hơn một năm, cứ tưởng mỗi người rồi cũng biết tự thay đổi mình để phù hợp với người khác. Nhưng không! Làm gì có chuyện mẹ chồng nhịn hoài con dâu. Cũng làm gì có chuyện vì con dâu mà bà Ba mất luôn thằng quý tử?
***
Ngày Hạo dẫn Phụng về xin cưới, bà Ba chỉ ờ một tiếng rồi lên lầu nằm. Bà chóng mặt thiệt chớ không phải làm bộ làm tịch gì. Hồi đó, cách nay tầm ba năm, Hạo cũng từng dẫn Phụng về ra mắt. Hồi đó, bà Ba chỉ nói, kiểu đàn bà mắt xếch, gò má cao, không sát chồng thì cũng hại con bê bết. Bữa đó, Hạo im lặng, không nói gì, cũng không thấy thêm lần nào dẫn Phụng về nhà nữa. Bà Ba chắc mẩm hai đứa thôi nhau rồi. Ai dè tụi nó lén lút tiếp ba năm rồi giờ đùng cái đòi cưới. Bà Ba không muốn cản nữa, vì biết cản cũng không được. Tụi nó lại lén lút thêm vài năm, có khi lòi ra cái bụng chình ình thì bà cũng phải làm theo thôi. Thôi thì, duyên nó, nó chịu.
Nhà có thằng con trai một, lại giàu nhất xóm, không lẽ không làm được cái đám cưới linh đình?! Chưa biết mắt con dâu xếch lên thì sao, gò má cao rồi sẽ thành sao, giờ biết sống cho sĩ diện của mình trước đã. Lễ chín mâm, xe dâu kéo đoàn dài, vàng vòng đeo đỏ cổ, thêm cái sổ đỏ dứ ra cho thiên hạ dòm. Nhưng tình thiệt thì bà Ba sang tên cho mỗi mình Hạo. Bà Ba cũng thừa khéo để tối rước dâu về rồi, biểu bỏ hết vô két sắt nè, mã mở két đó, bây để trong phòng làm chi rồi phải thức canh. Nên bà chắc mẩm Phụng không biết gì. Có biết, Phụng cũng chả làm được gì. Ai biểu nó đã mang tướng sát phu lại còn sinh ra là con nhà nghèo. Giờ về làm dâu nhà này, được ăn sung mặc sướng, được ngủ giường ấm nệm êm, được leo lầu khỏi mất công tập thể dục. Vậy là lời quá lời rồi còn gì?!
Một tháng đầu, rồi hai, ba tháng, bà Ba có hoạnh họe sao Phụng cũng nhịn hết. Thậm chí, Phụng cũng không dám hó hé nửa câu méc lại cho Hạo nghe. Cũng có nhiều lúc, sự chịu đựng của Phụng khiến bà Ba chạnh lòng tự hỏi, có phải mình quá đáng lắm không? Mà, vừa tự hỏi vậy xong là bà Ba chưng hửng liền. Phụng cầm tờ giấy siêu âm xăm xăm đi vô nhà, thả lên bàn cái phẹt rồi nói lớn, bầu rồi, song thai, còn bị động nữa, nên bác sĩ biểu từ rày trở đi không được làm gì nặng, nghỉ ngơi hẳn thì càng tốt.
Chưa cần đợi bà Ba hỏi, thậm chí tụi nó cũng chả cần hỏi bà Ba, tự ý Hạo dọn hết đồ trên lầu xuống, đem vô phòng bà, nói, vợ con bầu bí không tiện leo lầu, thôi má ráng chịu khó chút. Bà Ba nóng mặt chớ, đâu có dễ mà thích biểu bà làm gì là biểu đâu. Bà nạt lại, lạ phòng tao không ngủ được. Hạo ngoảnh đầu lại, vứt luôn đống đồ đạc trên tay xuống nền nhà, phán, vậy thôi tụi con ra ngoài thuê nhà. Tất nhiên, đã nói vậy thì bà Ba đành chịu thua. Nhà có hai mẹ con, không lẽ để tụi nó ra ngoài ở trọ, người ta dòm vô coi bà ra gì nữa?
Hạo đi làm thì thôi, về nhà là om xòm. Nào, vợ con mệt, má nấu được thì nấu, không thì ra ngoài mua tô phở về ăn chớ sao bắt nó chềnh ễnh ngồi lặt rau, kho cá? Nào, đồ mỏng không giặt máy được thì bận đồ dầy, mắc mớ gì nhà có máy giặt mà bắt vợ con giặt tay? Nào, tiếc gì vài đồng bạc không thuê người làm, để vợ con lau nhà, quét sân giờ thở không được?... Hồi đầu, bà Ba còn nạt lại nhưng sau chỉ lặng im. Tại cứ mỗi lần bà nạt là mỗi lần Hạo nói, thôi để vợ chồng con ra ngoài.
Nhà cửa yên ắng được hơn một năm, cứ tưởng mỗi người rồi cũng biết tự thay đổi mình để phù hợp với người khác. Nhưng không! Làm gì có chuyện mẹ chồng nhịn hoài con dâu. Cũng làm gì có chuyện vì con dâu mà bà Ba mất luôn thằng quý tử?
Trưa, đợi Hạo đi làm lại, bà Ba biểu Phụng ẵm hai đứa nhỏ lên phòng bà, để bà coi cho mà nằm chút. Phụng dạ rồi làm liền. Từ hồi mới sinh xong tới giờ, ngày nào chả vậy, riết thành quen, không thấy có gì phải thắc mắc. Nhưng bữa nay thì khác. Phụng vừa xuống hết cầu thang là bà Ba đóng chặt cửa phòng mình. Lầu thì cao, cửa thì dầy, nên khi hai đứa nhỏ khóc, bà Ba lên tiếng kêu Phụng - mà thiệt ra cũng kêu cho có kêu vậy thôi - thì làm gì Phụng nghe được. Phụng cứ vô tư ngủ tới ba giờ chiều. Thức dậy, lên ẵm con xuống cho bú cũng không thấy má chồng nói năng gì. Nhưng tới tối thì câu chuyện tới tai Hạo thành ra là, nó ễnh thây ra ngủ tới chiều, hai đứa nhỏ khóc ré mà má kêu khản cổ nó cũng chả thèm đoái hoài gì hết; riết, má thấy mình giống thầy tớ trong nhà.
Sau bữa đó, Phụng có vẻ dè chừng hơn. Bữa nào cũng đợi bà Ba vô phòng, kêu năm lần bảy lượt mới dám ẵm con lên lầu. Lần nào cũng ngoái lại dặn, má đừng đóng cửa phòng nghen. Lần nào cũng để báo thức trên điện thoại, đúng hai giờ chiều là thức dậy, lên dòm con. Thấy mọi chuyện lại yên yên, Phụng lại lơ đễnh, lại trở về với bản chất vô tư của mình. Nên trời dứt mưa, nghe tiếng chổi xẹt xẹt ngoài sân, Phụng cũng không để ý. Tới khi nghe tiếng bà Ba rú, Phụng mới hoảng hồn chạy ra. Tới tối Hạo về, nghe má méc vốn một trận thì hằm hằm về phòng, nạt vợ. Má có sao cũng là má. Má có khỏe sao cũng không khỏe hơn em. Làm dâu kiểu gì mà con cũng để má coi, nhà cũng để má dọn, may té không sao, chớ gãy tay gãy chân thì em tính sao chớ?
Gần nửa năm, mấy chuyện nhỏ nhỏ vậy cứ diễn ra hoài. Thà là bà Ba la rầy Phụng cho rồi. Đằng này, toàn đợi Hạo đi làm về để méc vốn. Chuyện một méc thành hai, thành ba, dần dà thành năm, thành bảy. Phụng nhịn thêm vài lần, ức quá nạt luôn chồng, thứ đàn ông gì mà ba phải, ai nói gì cũng nghe theo. Hết câu, Phụng ăn cái bạt tai nổ đom đóm. Hai vợ chồng coi nhau như tàng hình suốt một tuần. Tới hồi nặng nề quá, Hạo xuống nước làm lành thì tới bà Ba nói, thứ đàn ông gì mà hèn, mắc mớ gì phải vì một con đàn bà mà hạ mình như vậy? Phụng đi ngang phòng má chồng, nghe đủ cả câu, lặng lẽ xuống lầu, đợi coi Hạo làm gì tiếp. Cũng không khác Phụng đoán là mấy. Hạo vừa nãy còn ngọt lạt thôi giận hờn chi mất vui, giờ cái mặt như cái mâm, nói trỏng không ăn cơm tối rồi lên giường nằm thở ra thở vô cả tiếng.
Phụng cố tránh hết mọi chuyện xung đột suốt cả tháng. Mỗi ngày xin má chồng cho ra ngoài tầm một tiếng rồi lại về. Tối có bị chồng tra đi đâu cũng ngậm như hến. Đùng một cái, không cần hỏi trước Hạo một câu, tối tới bữa ăn, Phụng nói xin được việc làm rồi, tìm được trường gửi hai đứa nhỏ rồi, nhà thuê cũng đặt cọc rồi... Phụng nói luôn, hai đứa con cần vài ba ngày xếp đồ, má cho con xin lại nữ trang hồi cưới xong gửi má. Nói rồi Phụng bỏ về phòng, không thèm rửa dọn như mọi bữa nữa.
Hạo lên phòng bà Ba chừng hơn tiếng đồng hồ thì trở xuống, lịt lịt lựa lời. Má già rồi, mình bỏ má một mình sao đặng? Phụng hỏi lại, vậy bỏ mẹ con em đặng không? Nói qua nói lại thêm vài câu, Hạo lại nổi khùng, muốn xấn cho Phụng một bạt tai cho tỉnh. Nhưng Phụng tỉnh lắm, xỉa tay vô mặt Hạo mà chửi luôn, nè, thứ đàn ông mà đánh đàn bà thì mở tủ lấy bộ đầm ra mà mặc. Lần trước tui tha, lần này đừng có tưởng bở. Thử đánh cái nữa coi, còn cơ hội dòm tới mặt hai đứa con không?
Bà Ba đi như phóng vô phòng, chửi đỏng, đồ cái thứ mất dạy, vợ gì mà chửi chồng như hát hay? Phụng quay lại dòm bà Ba một hồi rồi mới thủng thỉnh nói. Ba má con chết sớm nên con mất dạy là phải thôi, má à. Nhưng con học trái, học phải, học toàn ngoài đường cũng biết chung biết thủy. Còn chồng con có má dạy tới ba chục tuổi vẫn không nên thân. Bà Ba đứng chết trân. Phụng cười. Hạo ngồi phịch xuống giường, ôm đầu nhưng không nói năng được gì sấc.
Hồi đó, khi bà Ba cản Hạo tới với Phụng, Hạo cũng lừng chừng. Phụng không đẹp nhưng hiền lành, chịu khó. Một thân một mình bươn chải nhưng Phụng lại lễ độ, chừng mực, dễ thương. Thương nhau mấy năm, không lẽ chỉ vì cặp gò má cao như lời bà Ba nói mà Hạo vứt hết? Nhưng Hạo cũng không cương quyết để má mình phải bằng lòng, nên hai đứa cứ thậm thà thậm thụt như làm gì sai trái lắm. Dùng dằng nửa năm thì Hạo cặp người khác khi vẫn chưa chia tay với Phụng.
Phụng biết. Phụng không trách cứ, không làm ồn ào, thậm chí còn không thèm khóc. Phụng biểu Hạo ra gặp nhau nói chuyện một lần. Hạo tới. Phụng biểu chỉ cần ngồi im đó, đừng nói đừng rằng gì là được. Rồi, Phụng bấm số gọi cho bồ mới của Hạo, nói Hạo với Phụng thương nhau mấy năm rồi, kêu con nhỏ buông Hạo ra đi. Con nhỏ cười rồi nói, chị bị cắm sừng, chịu không nổi thì buông đi, tui đâu có dại mà buông ổng ra chi; thời buổi này, đâu dễ kiếm được một mối ngon lành vậy. Phụng cúp máy, nhìn Hạo nói con nhỏ đó ngủ với anh vì gì, giờ anh biết rồi đó. Hạo trơ ra như đá một hồi thì quỳ xuống chân Phụng xin tha thứ. Phụng ờ, tha thứ, nhưng món nợ này không dễ để quên liền đâu.
Phụng chưa từng quên. Chắc mãi mãi Phụng cũng không thể quên được. Phụng chưa từng nhắc lại, chưa từng đay nghiến Hạo nhưng không có nghĩa Phụng không nghĩ tới, không đau. Giờ, phải lôi chuyện này ra để áp lực Hạo theo mình ra ngoài, Phụng thấy chua chát lắm. Nhưng Phụng không muốn chịu thêm cảnh mỗi sáng thức dậy phải dòm mặt má chồng mà sống. Phụng không muốn con mình lớn lên biết bà nội ghét má tụi nó tới chừng nào.
Nhưng Phụng có thứ làm áp lực, bà Ba cũng có. Bà Ba nói, bây muốn đi, má không cản. Nhưng nói thẳng, mấy năm trời, bây ăn đây, ở đây, con bây cũng một tay má sữa, cháo. Là đứa biết tính thì bây cũng biết, vàng vòng bán ra cũng thâm luôn rồi, chả có mà trả lại cho bây đâu. Phụng gật. Phụng không cần. Thứ duy nhất bây giờ Phụng cần là Hạo nắm tay Phụng, ẵm con đi. Nhà không có thì ở nhà thuê. Tiền không nhiều thì ăn rau ăn cháo. Nghèo một chút mà còn được sống, còn hơn đeo chì trong lòng khi ở nhà hào môn.
Hạo nói bà Ba về phòng, để hai vợ chồng nói chuyện riêng một lát. Hạo giờ cũng như năm đó, không biết đằng nào để dứt khoát. Đi không đặng mà ở cũng không xong. Phụng mở hộc tủ, lấy ra tờ đơn. Nói, nếu anh đi thì tụi mình vui vẻ sống vì nhau, không ai nợ ai nữa. Nếu anh ở lại thì ký vô đây, con em nuôi, cuối tuần anh qua thăm con là được. Anh đi, em không cảm ơn, vì đó là hạnh phúc do anh chọn. Anh ở, em không trách oán gì, coi như duyên nợ của tụi mình tới đây là hết.
Hạo cũng y chang bà Ba, nói ra luôn chiêu cuối, tiền bạc không có, ra ngoài, lấy gì lo cho con? Phụng cười, xưa em sống một mình, em tự xoay sở được hết, thậm chí còn có dư. Giờ, em vẫn xoay sở được để nuôi con, anh không phải nghĩ chi mấy chuyện đó. Còn vàng vòng má giữ, em coi như em bỏ ra mua lại hết kỷ niệm giữa hai đứa mình. Anh đi thì mang kỷ niệm theo cùng. Anh ở, em mang đi một mình em. Biết đâu chừng, rồi có một ngày, em đem hết kỷ niệm đó ra rao bán. Biết đâu chừng, anh hay má lại là người muốn mua...
© Trương Thanh Thùy - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Replay Blog Radio: Khi ai đó bước vào cuộc đời mình rồi lại bước đi
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu