Phát thanh xúc cảm của bạn !

Gái quê

2021-10-03 01:15

Tác giả: Trương Thanh Thùy


blogradio.vn - Chị biết mình muốn ở lại đây. Và như thế thì chị càng biết mình nên bỏ quá khứ lại. Có lẽ, đó cũng là lúc chị thật sự trở thành con của bà Dung, để đủ thân thiết cho bà gọi chị là “mày” và xưng “mẹ”. Cách xưng hô đó khiến chị cảm thấy, mình thật sự có một gia đình.

***

Bà Dung chụp nhanh lấy cái điện thoại nhưng chị đã nhổm dậy, ngăn kịp.

- Mày cản mẹ làm gì? Để mẹ gọi nó về!

- Mẹ gọi ảnh cũng có về được đâu? Gọi chi cho ảnh sốt ruột?

Thấy bà Dung có vẻ đã xuôi xuôi, chị nới lỏng tay mình ra, nhưng thay vì nắm chỗ cái điện thoại, chị tuột mấy ngón tay xuống, siết vào bàn tay của bà.

- Con không sao mà, mẹ!

- Mày cứ cố chịu một mình vậy sao được, hả con? - Bà Dung nói như rên, rồi chốt bằng một tiếng thở dài.

Chị mỉm cười rồi buông hẳn tay ra, nằm xuống giường trở lại, không nói thêm gì. Nhiều khi, chị cũng muốn tìm mấy câu dễ nghe chút để dỗ ngọt mẹ chồng; nhưng bản tính thẳng “còn hơn ruột ngựa” - như lời bà Dung từng tả về chị trước đây - chị thấy càng nói chỉ càng khiến bà lo lắng hơn, nên thôi.

- Để mẹ hầm cho nồi cháo bồ câu, ăn cho bổ!

- Mẹ cho con thịt bằm là được rồi! - Chị lại cố nhổm dậy, nhưng nhận phải cái quắc mắt của mẹ chồng nên đành nằm xuống lại.

- Thì mẹ bằm bồ câu ra cho mày!

- Con không thích... bồ câu! - Chị húng hắng, nói thật khẽ, sợ mất lòng - Mẹ cho con xin ít thịt nạc dăm bằm, nha mẹ!

- Không phải hà tiện làm gì! - Bà Dung lại thở dài - Mẹ hãy còn nhiều tiền lắm!

- Con không thích thiệt mà, mẹ!

- Thế cháo thịt bằm vậy! - Bà Dung thở mạnh ra, ý chịu thua cô con dâu bướng bỉnh - Ăn đẫy vào đấy!

Nói rồi, bà Dung bước thẳng ra ngoài, đưa tay kéo cửa lại, nhưng không đóng hẳn. Chị nhìn theo, mỉm cười. Mẹ chồng chị cố tình làm vậy vì sợ chị mệt, gọi bà không nghe. Nhiều khi, sống với nhau, chỉ cần vài thứ nhỏ nhỏ vậy thôi đã hạnh phúc lắm rồi. Mà, để có được mấy thứ nhỏ nhỏ đó, chị đã phải nuốt nước mắt đến đắng lòng cho những chuyện lớn hơn.

*

Chị quê miền Tây, lên Sài Gòn tìm cơ hội đổi đời - không phải đổi đời mình, mà đổi đời cho ba má, cho mấy đứa em - rồi gặp và yêu anh bằng tình yêu sét đánh. Lần đó, anh từ Hà Nội vô Sài Gòn công tác chỉ một tuần, gặp chị ở ngày thứ hai, hẹn hò nhau ngày thứ ba, tỏ tình ngày thứ tư và hứa sẽ dẫn chị về nhà ra mắt vào ngày thứ sáu. Chỉ vậy thôi mà chị khóc hết nước mắt ngày thứ bảy ra sân bay tiễn anh, rồi đằng đẵng chờ, đằng đẵng đợi suốt hơn một năm trời.

Một năm không gặp mặt, không đơn giản chỉ là không quà cáp, không hoa, không cà phê, xem phim như người ta khi yêu nhau thường làm. Một năm đó đúng nghĩa đen không nhìn thấy nhau, vì chị nghèo quá, làm gì có tiền mà sắm cái điện thoại thông minh để gọi video. Thậm chí, những cuộc gọi của anh cũng không đủ dài để chị nói hết được nhớ mong, vì không ai đi làm công mà có thể bỏ ra ngoài nghe điện thoại vài chục phút. Mà chị thì làm đủ việc từ sáng tới tối, đến anh cũng không thật sự biết chị rảnh lúc nào.

Anh lên phó giám đốc. Chị lên quản lý ca. Con đường tương lai của cả hai chắc sẽ sáng láng lắm, nếu anh không cương quyết vô lại Sài Gòn, hỏi chị có dám bỏ hết mọi cố gắng chừng đó thời gian để theo anh về Hà Nội làm dâu không? Chị dám! Tất nhiên chị dám chứ! Tất nhiên chị sẽ đồng ý theo anh, để anh yên tâm đi trên con đường sáng láng của riêng anh lúc này, thậm chí là sau đó nữa.

Bà Dung mẹ anh không ghét chị, cũng không khinh chị nghèo. Bà chỉ không thích tính chị thẳng quá. Mà cảm giác không thích đó có lẽ cũng chỉ là thói quen giao tiếp mỗi ngày. Ai đời, con gái về ra mắt gia đình người yêu mà ăn bốn - năm chén cơm, rồi còn hồn nhiên nói, bình thường còn ăn nhiều hơn vậy. Ai đời, đang giữa buổi ra mắt mẹ chồng tương lai mà đưa tay che miệng, ngáp, nói xin phép được đi nằm vì không quen đi máy bay, giờ tai cứ ù ù.

Bà Dung giữ chị lại cả tuần, đưa chị đi ăn đủ món ngon - mà cứ phải cố giữ bình tĩnh mỗi khi nghe chị nói mùi vị không hợp cho lắm, sắm đủ quần áo đẹp. Không lúc nào - dù chỉ là thoảng qua - bà Dung tỏ ra không vừa lòng. Nhưng câu chuyện giữa hai người chỉ dừng lại ở mức độ qua loa, chừng mực. Tới tận trước ngày chị về, bà Dung mới rủ chị vô quán cà phê nói chuyện.

- Bác thật sự rất quý cháu!

Bà Dung bắt đầu câu chuyện bằng câu nói nghe có vẻ dễ chịu, nhưng thực chất sẽ khiến tất cả mọi cô gái phải đề phòng. Chị cũng vậy! Có thật thà mấy, chị cũng đủ lớn để biết tiếp sau câu nói ấy sẽ là một câu bắt đầu bằng từ “nhưng”. Quả đúng là vậy!

- Nhưng thằng Hà và cháu... - Bà Dung dừng giữa chừng, nhìn thẳng vào mắt chị bằng cái nhìn cảm thông và rất chân thành - ... không hợp nhau đâu!

- Vì... hoàn cảnh của con, đúng không ạ? - Chị run run giọng nhưng vẫn giữ tuyệt đối sự lễ phép.

- Một phần thôi!

- Vậy, phần còn lại là gì ạ? - Chị không thể kiềm được sự ngay thẳng, bộc trực và vội vàng của mình.

- Cháu đừng nghĩ bác là người kỳ thị vùng miền hay gì nhé! - Bà Dung nói, nở một nụ cười, nhưng gương mặt lại tỏ rõ sự không vừa lòng với câu hỏi, hoặc thái độ hỏi của chị vừa rồi - Thật ra người miền Nam và người miền Bắc khác nhau nhiều lắm!

Chị hít một hơi thật sâu, toan nói vài câu nhưng không hiểu tại sao lại dừng kịp. Chị tự ái ngay từ lúc bà Dung thừa nhận hoàn cảnh của chị là một phần lý do cho sự “không hợp” mà bà muốn đề cập trong buổi nói chuyện này. Chị biết mình nghèo. Chị biết anh giàu. Nhưng chị có tự tôn của chị. Tiền vé máy bay là chị tự trả phần mình. Thậm chí, chị còn để sẵn phần tiền ăn ngoài, ở ngoài, mua vé máy bay về lại. Thực tế, đến tận lúc này, anh chỉ trả tiền mấy buổi hẹn hò ngắn ngủi của hai người trước đó - những buổi hẹn hò mà chị đã cố đòi anh tới những quán thật bình dân. Chị rất muốn nói với bà Dung rằng, kể cả sau này chị cũng sẽ không ngửa tay lấy một đồng nào từ con trai của bà để tiêu xài cho bản thân chị cả. Nhưng chị lại ý thức rất rõ, bà Dung không nghĩ chị là kiểu ham giàu. Có lẽ, bà Dung chỉ muốn nhấn mạnh về sự khác nhau giữa anh và chị - khác địa vị, khác tầng lớp, khác cả giọng nói, thói quen. Và có lẽ, bà Dung nói đúng.

*

Chị về lại Sài Gòn và tránh mặt anh. Không phải chỉ là tránh những cuộc gọi, mà là tránh gặp mặt khi anh bay vô tìm. Trước khi về, chị không nói với anh một câu nào chuyện giữa chị với bà Dung. Nhưng chị không phải mấy cô gái trên phim, diễn tròn vai người tốt mà vẽ ra hình ảnh bản thân thật xấu. Chị chỉ im lặng và tránh đi. Chị biết anh hiểu rõ lý do. Chị đoán anh và mẹ anh cãi vã rất nhiều. Chị không thấy vui vẻ gì, nhưng cũng không cảm thấy mình cần phải bận tâm về những điều ấy. Chị chỉ cố tránh, cố tỏ ra bình thản khi lòng cứ nhói lên.

3 giờ sáng, anh đập cửa phòng chị, nói oang oang.

- Em mở cửa hay để anh gào cho mọi người thức dậy ra đây gọi hộ anh?

Chị biết anh không phải kiểu dọa suông nên đành mở cửa. Anh vô phòng, tỉnh bơ nói cần tắm. Tắm rồi, anh tỉnh bơ lại nệm nằm. Anh không hỏi tại sao chị tránh anh. Anh không hỏi mẹ anh đã nói những gì với chị. Anh cứ bình thản như không hề có chuyện gì xảy ra và hai người vẫn là một cặp đôi sắp cưới.

- Anh xin nghỉ phép được một tuần thôi, mà mất hai ngày để tìm em rồi! - Anh nói - Thế nên, em vì anh mà xin nghỉ phép sớm sớm tí để hai đứa kịp về xin phép ba má em.

- Xin phép gì? - Chị ngỡ ngàng.

- Buồn cười! - Anh nhổm dậy - Thế không cần xin, em tự theo anh về nhà à?

- Em không...

- Thôi ngủ đi! Anh mệt quá!

Anh cứ lì lợm như thế, quay mặt vô tường, thở khì khì. Chị không biết mình nên làm gì nên cứ đứng trơ ra đó nhìn.

- Lên ngủ đi! - Anh nói rồi cười - Thề là anh không làm gì em đâu!

*

Bà Dung không tỏ bất kỳ thái độ gì từ ngày rước chị về làm dâu. Chị không đảm nhưng luôn cố gắng hơn phần bổn phận của một con dâu. Bà Dung khó tính nhưng không phải không biết điều để có thể phủ nhận những điều đó. Chị không biết nói ngọt nhưng từng ly nước đủ ấm được rót sẵn, để trên bàn lúc bà từ cửa hàng về luôn có vị ngọt ngào rất dễ chịu. Chị bộc trực nhưng cũng biết lắng nghe, chịu ở nhà để chồng yên tâm phát triển sự nghiệp... Và còn nhiều thứ khác nữa, nhỏ nhặt thôi nhưng thừa đủ để cảm động lòng người. Nên, ba người trong một nhà cứ bình yên sống với nhau đến khi chị phát hiện anh ngoại tình.

Chị chưa từng nghi ngờ trước đó. Không phải chị là kiểu vô tâm nhưng rất ít khi để ý, càng không có thói quen kiểm soát hoạt động của chồng. Anh làm lớn, ra ngoài nhiều, về trễ là chuyện rất bình thường; thậm chí, chuyện nửa đêm anh ngồi dậy, ra ban công nghe điện thoại cũng là chuyện chị thấy không cần thiết phải chất vấn. Chỉ tới ngày em gái gọi video - tất nhiên sẽ gọi vào máy anh, vì đến tận lúc này chị vẫn không thấy mình cần phải bỏ tiền sắm cái điện thoại thông minh làm gì cho tốn kém - và chị vô tình nhìn thấy tin nhắn từ người được anh lưu bằng biểu tượng trái tim, thì mọi thứ mới vỡ òa. Chỉ là hai dòng tin nhắn, nhưng đủ để chị biết mình bị lừa dối thế nào. “Em đã không đòi hỏi gì rồi, thì ngày kỷ niệm một năm anh đừng viện cớ vợ con ra nhé!”. “Hạ Long cũng được, Tràng An cũng được. Hai ba hôm gì thôi!”.

Chị nghe tay chân mình rụng rời. Chị cảm giác như mình không thể đứng nữa. Chị thả mình ngồi xuống, tự hỏi, mình có đang đau không? Sao mọi thứ lại trống trơn thế này? Nhưng chỉ sau câu hỏi ấy vài giây, cơn đau hữu hình bất thình lình xuất hiện. Chị gập người lại, nước mắt tự nhiên chảy thành dòng. Chị gượng dậy nhưng lại gục xuống. Chị đau. Không chắc vì những gì mình vừa thấy. Cơn đau này có lẽ là dấu hiệu cho một cơn đau khác lớn hơn.

Anh từ phòng tắm bước ra, nhìn thấy thì vội vàng chạy lại đỡ chị dậy rồi gọi mẹ. Chị lịm đi. Nghe trái tim mình vỡ vụn; những mảnh vụn không bao giờ còn có thể ráp lại vào nhau.

Chị, anh và bà Dung ở cùng một phòng. Căn phòng trắng toát và có mùi thuốc khử trùng. Anh tránh ánh mắt của chị. Bà Dung nhìn rồi lặng lẽ thở dài. Chị hư thai. Chị đánh mất đứa con đầu lòng của mình ngay khoảnh khắc nhận ra mình bị phản bội. Giờ thì chị đã hiểu, sao lòng mình lại đau cảm giác lạ lùng như vậy rồi.

Chị không có thời gian trách cứ anh. Chị bận rộn với việc tự dằn vặt bản thân mình. Hàng tỷ điều giá mà hiện lên, loành quành nhảy trong đầu chị. Đó là một sự tra tấn. Chị nghĩ mình xứng đáng bị như thế khi không thể giữ được con mình.

Mọi thứ cứ thế, diễn ra bình bình trong căng thẳng. Anh và chị giờ chỉ còn những câu gượng gạo. Chưa khi nào anh dám gọi chị ngồi lại, nói với nhau vài câu thật lòng để nhận tội. Mà nếu có, chắc gì chị đã muốn nghe?! Chị và bà Dung lại có vẻ gần nhau hơn. Bà thường hay hỏi han chị thích ăn gì để nấu. Thỉnh thoảng, bà Dung rủ chị ra ngoài mua sắm. Chị đi. Đi cho hả, sắm cho hả. Không phải hả hê vì mình đã bị đối quá tệ, mà là hả dạ mỗi đêm có thêm lý do để nguyền rủa bản thân mình.

Bà Dung là người đầu tiên chủ động nói về chuyện anh có nhân tình. Bà nói, chính bà đã gặp cô gái nọ nói chuyện, nhưng có vẻ lúc bà gặp thì anh đã chủ động chấm dứt rồi. Chị gượng cười. Không lẽ, sau chuyện đó mà anh còn tâm trí ra ngoài yêu đương, gái gú?

- Con không ghen à?

- Làm gì có ai không biết ghen, hả mẹ?

- Sao con không...

- Không lẽ giờ mỗi ngày ảnh đi làm về, con lại lôi chuyện đó ra đay nghiến? – Chị ngắt lời mẹ chồng, nói luôn một lèo – Không lẽ con qua phòng khác ngủ rồi coi như ảnh tàng hình?

- Con có khi nào... – Bà Dung ngập ngừng, có lẽ vì sợ - ...nghĩ đến chuyện bỏ nó không?

Chị ngước mắt nhìn mẹ chồng rất lâu, lại gượng cười rồi khẽ gật đầu.

- Cũng có chớ, mẹ! Nhưng mỗi khi vậy, con thường hay tự hỏi là mình còn thương ảnh không? Bỏ đi rồi, mình có quên được ảnh để mà sống tiếp không? Hay cứ lay lắt, đau khổ, sống như một người thất bại.

Bà Dung cúi xuống, khẽ đưa tay chấm chấm nơi khóe mắt rồi ngẩng lên, cười buồn.

- Mẹ cứ tưởng tính con sẽ làm ầm lên, sẽ đập phá nữa cơ... – Nói tới đây, bà Dung bật cười thành tiếng – Rồi con sẽ bỏ nó mà đi.

- Nhiều khi con cũng muốn được vậy. Nếu chỉ có con với ảnh, chắc con đánh ảnh luôn rồi! – Chị cũng cười – Nhưng mẹ còn ở đó, con đâu dám hỗn vậy được.

*

Bà Dung bưng chén cháo vô phòng, lại giường, ngồi xuống.

- Nào! Ngồi dậy, mẹ bón cho!

- Con sắp già luôn rồi! – Chị gượng dậy, cười – Chớ có phải con nít đâu mà đợi mẹ đút.

Chị đưa tay nhận chén cháo, cố nuốt nhanh nhanh cho bà Dung vui lòng, dẫu miệng mồm nhạt thếch.

- Nó đi lâu thế... – Bà Dung liếm môi, ra chiều cân nhắc - ... mày có sợ nó...

- Dịch giã, ảnh không về được mà, mẹ? – Chị hơi cao giọng, cốt để trấn át tinh thần mẹ chồng.

- Mẹ nghĩ nhiều rồi! – Bà Dung cười – Mày đừng nghĩ ngợi linh tinh nhé!

Chị thích từ “mày” mẹ chồng gọi mình. Từ này xuất hiện từ sau vụ anh ngoại tình tầm một năm, khi chị chủ động hỏi mẹ chồng và chồng có thể cùng nhau ra ngoài, ăn nhà hàng một bữa không. Chị có đủ thời gian để tìm câu trả lời cho mình. Chị biết mình còn yêu anh nhiều lắm. Chị biết mình muốn ở lại đây. Và như thế thì chị càng biết mình nên bỏ quá khứ lại. Có lẽ, đó cũng là lúc chị thật sự trở thành con của bà Dung, để đủ thân thiết cho bà gọi chị là “mày” và xưng “mẹ”. Cách xưng hô đó khiến chị cảm thấy, mình thật sự có một gia đình.

Chị hiểu mẹ chồng chị đang nghĩ gì. Chị hiểu mẹ chồng chị đang sợ gì. Chị có sợ không? Có chứ! Chị sợ anh rồi lại phải lòng một ai đó, bỏ chị bơ vơ. Chị sợ anh quên mất lời anh hứa sau khi chị muốn cùng anh làm lại từ đầu. Nhưng trên hết, chị sợ đứa con trong bụng mình không khỏe... Chị không muốn cuộc đời mình trượt hoài trên một vết xe đổ. Mà nếu muốn tránh ra khỏi vết xe ấy, chị biết, mình phải có lòng tin.

Chị chỉ là gái quê thôi. Chị nghèo và bộc trực lắm. Chị từng chôn mình trong chuỗi dài những ngày toàn nước mắt... Nhưng chị tin mình cũng đủ chân thành để giữ một người đàn ông.

© Trương Thanh Thùy - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

 

Replay Blog Radio: Khi chúng ta nhìn về hai hướng khác nhau

Trương Thanh Thùy

Cảm ơn đời còn có chữ nghĩa...

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Chuyện tình như mơ

Chuyện tình như mơ

Viết làm gì một nỗi niềm riêng Màu giăng lối ta đi trong niềm nhớ

Anh người em từng thương

Anh người em từng thương

Em chưa kể câu chuyện cũ cho anh nghe vì em biết khi kể lại nhưng chuyện cũ lại khơi về quá khứ lại khiến mình tự trách và buồn nhiều hơn. Kể ra rồi cũng chẳng thay đổi được gì cả, nếu có chắc mình đã tua đi tua lại chuyện ấy hơn trăm vạn lần rồi. Chuyện của anh cũng thế thôi…

3 tháng đầu năm chỉ là

3 tháng đầu năm chỉ là "nháp", kể từ tháng 5, 3 con giáp này bứt phá trong công việc, tình tiền song hành thuận lợi

Trong thời gian tới, những con giáp này có cơ hội lấy lại những gì đã mất.

Lấm tấm cơn mưa

Lấm tấm cơn mưa

Cô nghĩ hoa có thể làm được như vậy, những cánh hoa mong manh dịu dàng quá đỗi kia và cả vô số những hạt nước li ti được đọng lại trên đó sẽ nhắc người ta về những điều thiện lương của cuộc sống. Sẽ nhắc người ta về tình yêu thương giữa con người và con người với nhau trong cuộc sống

Ôm trọn một vòng tay

Ôm trọn một vòng tay

Chị cứ ngồi vậy mà ôm con trong lòng, chị nâng niu bàn tay đôi chân con, thăng bé đã mười mấy tuổi và con đã cao lớn hơn so với chị nghĩ. Vậy là cuối cùng ông trời cũng nghe được tiếng chị gọi ngày đêm, ông trời cũng thấu hiểu được nỗi lòng chị mòn mỏi chờ mong con.

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Thích cậu là bí mật thầm kín nhất của tớ

Cậu biết không, tớ đã đứng trước gương hàng trăm lần, rồi tự tưởng tượng trước mặt tớ là cậu. Và tớ sẽ nói hết cho cậu biết rằng tớ đã thích cậu nhiều như thế nào. Nhưng khi thực sự bắt gặp ánh mắt cậu, bao lời văn mà tớ đã chuẩn bị như bốc hơi mất chẳng còn lại gì

Tiếng lòng anh

Tiếng lòng anh

Thơ hát nhỏ nhỏ trong miệng, cô nghe như những âm điệu thiết tha nhất từ chính trái tim anh đang truyền từng nhịp từng nốt qua tim cô.

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Van Gogh và các danh nhân nổi tiếng đã đọc cuốn sách nào khi trẻ

Những cuốn sách này ít nhiều làm thay đổi bản thân người nghệ sĩ, giúp họ xoa dịu nỗi đau và là niềm cảm hứng để họ tạo nên những kiệt tác.

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Chăm chỉ thời cơ sẽ tới, sau nghỉ lễ 30/4, 4 con giáp này được Thần tài lặng lẽ ban phúc lộc, tiền bạc rủng rỉnh, trả hết nợ nần

Để chờ đón những ngày nghỉ lễ thật tuyệt vời, hãy xem dự báo cuộc sống của 4 con giáp này có gì thay đổi bất ngờ.

back to top