Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ông à, con sẽ sống thật tốt

2021-10-08 01:20

Tác giả: Muối


blogradio.vn - Ông à, con sẽ sống thật tốt, thật vui vẻ và yêu thương thật nhiều, ông không cần lo cho con nữa ông nhé.

***

Ông ngồi đan rổ ngoài sân nói vọng vào với bà đang nấu trong bếp.

“Cá đồng này kho mặn mặn mới ngon bà ạ, thêm muối bà ạ”.

“Tui biết rồi”

Một lát sau, ông lại nói vọng vào.

“Bà nhớ thêm muối cho nồi cá đồng nha bà”.

 (Bà không đáp)

Tới lần thứ 3, ông dường như vẫn chưa nhận ra thái độ của bà, vẫn câu nói ấy.

“Nhớ thêm muối cho nồi cá đồng không nó nhạt khó ăn lắm bà ạ”.

Bà lấy hũ muối cho vào nữa hủ rồi nói.

“Tui cho vào nữa hũ muối, ông ăn được đến tháng sau luôn, yên tâm”.

Ông không dám nói gì thêm, tới bữa cơm ông khóc không ra nước mắt. Nồi cá coi như bỏ, chỉ tội mấy chú chó hứng chịu hậu quả, cứ chốc chốc lại chạy đi uống nước.

Đó là câu chuyện các cô tôi thường kể lại mỗi khi đại gia đình có dịp tụ họp. Hay như câu chuyện ông trèo lên cây rơm để  lấy trứng gà cho bà nấu bữa tối. Vì ông mới đi ăn đám cỗ về, có uống chút rượu nên cũng hơi chếnh choáng, ông ngã từ trên cây rơm xuống nhưng hai tay vẫn giữ hai quả trứng không bị vỡ. Ông nội tôi là nguồn đề tài bất tận của những câu chuyện kỷ niệm của gia đình. 

ong_-_ba

Lúc tôi còn nhỏ, nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ thường gửi tôi qua chơi với ông bà để đi làm. Ông bà tôi có một trang trại nhỏ tách biệt với làng, ở giữa cánh đồng lúa. Trang trại của ông bà trồng đủ các loại cây ăn trái nên tôi tha hồ leo trèo không biết mệt. Vì bà thường đi chợ nên tôi quấn ông lắm. Ông đi làm cỏ tôi sẽ đội cái nón bự chạy theo, ông đi hái trái cây tôi sẽ mang theo cái rổ, ông ngồi đan rổ tôi cũng bắt chước học đan và hỏi ông đủ thứ trên trời dưới đất. 

Tôi còn nhớ có lần tôi trốn ngủ trưa, leo lên cây ổi cao nhất trong vườn, vì giữa thân cây có phần uốn lượn như cái ghế nên tôi cố leo lên để được ngồi vào chỗ đó. Từ chỗ ngồi đó, tôi ôm cây đưa mắt nhìn khắp cánh đồng lúa chín như tấm thảm vàng, nhìn đàn vịt tung tăng bơi ngoài ao, nhìn con tàu  phía xa xa đi tới, nhìn bầu trời trong xanh mênh mông… Với tôi, đó có lẽ là khung cảnh đẹp nhất  của tuổi thơ, một khung trời mơ ước và tự do. 

Gió thổi hiu hiu trong buổi trưa hè, tôi nhìn lâu mỏi mắt thiu thiu ngủ trên cây. Lúc đấy tôi thực sự rất thích thú nhưng ai đứng dưới nhìn lên chắc không khỏi hoảng hốt vì độ cao chỗ ngồi trên thân cây của tôi. Vâng, tôi đang nói tới ông tôi. Ông đã phát hiện ra tôi ngủ trên cây nhưng không dám kêu lớn sợ làm tôi giật mình mà té xuống, nên chỉ nhẹ nhàng gọi tôi leo xuống. Và rồi, cái gì đến cũng đến, tôi ăn một trận đòn tét đít.

Ngôi nhà trong trang trại của ông tôi là nhà tranh, cực kỳ cũ kỹ, mỗi vật dụng từ cái bàn, cái ghế, cái sào treo đồ tới cái giường đều do một tay ông làm nên. Ông tôi chỉ có duy nhất 1 cuốn sách Kinh Thánh dày cộm. 

Ông có thói quen đọc Kinh Thánh vào lúc trưa sau bữa cơm. Lúc có tôi, ông sẽ đọc to cho tôi nghe nữa. Ông bảo con thích đọc truyện, trong đây có cả truyện hoàng hậu Ét-te cứu dân tộc, truyện Samson mất đi sức mạnh vì bị vợ cạo 7 bím tóc, truyện vua Đa vít..Đấy là cách ông dẫn dắt tôi học biết về Kinh Thánh và nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách của tôi. Ông cũng có thói quen nghe radio, lúc có tôi ông sẽ cố gắng tìm những kênh có phát các bài hát tuổi teen cho tôi.

ong_-_chau_1

Tôi là đứa cháu đầu tiên của ông, hai em tôi đều là em trai nên ông thương tôi hơn cả. Tôi còn nhớ ngày trước khi tôi bắt đầu đi học mẫu giáo, ông đi bán rổ và mua cho tôi một chiếc đầm xanh nhạt. Vào thời điểm ấy, ở quê mà có một chiếc đầm như vậy rất quý, lúc tôi mặc đi học ngày đầu tiên, các bạn của tôi ai cũng trầm trồ, các bạn nữ thì nhìn đầy  ghen tị. Với tôi đó là chiếc đầm đẹp nhất, dù mấy năm sau tôi mặc không vừa nữa nhưng vẫn gấp lại cất trong tủ đồ lâu lâu lại mở ra xem. 

Thời gian trôi nhanh, năm đó tôi học lớp 7, ông tôi sức khỏe yếu đi nhiều, bố và cô chú của tôi không yên tâm để ông bà ở trang trại nữa nên nhất quyết đưa ông bà về ở trong làng. 

Bố mẹ tôi sợ ông bà buồn nên cho tôi qua ở luôn với ông bà, để cùng ăn cơm nói chuyện với ông bà. Những chiều mùa đông se lạnh được nghỉ học, tôi ngủ lười cuộn tròn trong chiếc chăn bông. Ngày nào cũng vậy cứ đúng 3 giờ,  ông sẽ vào kêu tôi dậy, có lần tôi mê ngủ quá, ông đã kéo 1 cái chân tôi xuống giường rồi, tôi vẫn co chân lên ngủ tiếp. Rồi câu chuyện đó, cứ mỗi lần đại gia đình tôi họp mặt kiểu gì ông cũng sẽ kể lại.  

Ông thích uống cà phê, uống trà và thỉnh thoảng cũng uống bia nữa. Đứa cháu nào thấy ông uống cũng xin uống theo cho bằng được. Tôi cũng không ngoại lệ. Ông thường bảo tôi “Uống cho biết thôi con, uống vậy là đủ rồi, tuổi của con không nên uống nhiều. Cà phê, trà hay bia cũng như mọi thứ trên đời, vừa đủ là tốt con ạ”. Nhưng lời đó của ông lúc đó tôi vẫn ngây ngô chưa hiểu hết được. 

Cũng vào một chiều mùa đông, tôi đi học về nghe cô tôi bảo bà tôi bị bỏng chân. Nhưng lúc bà bị bỏng, bà kêu lên nhưng ông lại không để ý mà đi ra ngoài vườn, vì ông cứ nghĩ như những lần khác bà đụng cái này cái kia trong lúc nấu kêu lên suốt như vậy.  

Bà bị đổ nồi canh lên chân, bà đau rát nhưng phải chạy ra sân kêu cô tôi. Cô tôi nghe bà kêu gấp, lập tức chạy lên, thấy chân bà vậy, cô tôi hốt hoảng gọi ông vào. Ông lúc đó mới chạy từ vườn vào, sơ cứu cho bà rồi đưa bà đi trạm xá. Bà lúc ấy đau lắm, vừa tức, vừa khóc, vừa trách và giận ông. Ông lầm lũi không nói gì vì biết mình đã sai. Chắc hẳn ông cũng đã rất giận mình.  Kể từ chuyện đó, tôi để ý ông ít nói hơn, nếu không có việc gì buộc phải ra ngoài, ông sẽ không để bà một mình khi bà làm trong bếp hay đi làm ngoài đồng nữa. 

ong_-_ba_2

Thoáng chốc tôi đã học xong lớp 12 và đang chuẩn bị bước vào cánh cổng Đại Học đầy mơ ước. Ông biết tôi đậu một trường đại học ở Sài Gòn ông cũng mừng lắm, nhưng ông cũng lo lắng nhiều, ông sợ đi xe dọc đường nhiều chuyện này kia, sợ vào thành phố nhiều cám dỗ. Ông dặn đi dặn lại nhiều điều, dù biết trước tôi vào Sài Gòn có cô chú sẽ chăm lo rồi.

Bố mẹ tôi cũng như cô chú cũng muốn nhân cơ hội để ông nghỉ ngơi đi chơi vào Sài Gòn một chuyến nên bảo tôi lại thủ thỉ với ông. Gần như cả đời ông chẳng bao giờ rời việc khỏi tay, ban đầu ông cũng không chịu nhưng nghe tôi thủ thỉ cũng có bà nói thêm vào nên ông mới đồng ý. 

Ông gác lại công việc soạn mấy bộ bồ cùng tôi vào Sài Gòn.  Ông với tôi vào ở nhà vợ chồng cô tôi. Cô nấu đủ món ngon, đưa ông đi dạo Sài Gòn, đưa ông đi thăm chú bác họ hàng nhưng cũng chỉ được 5 ngày, ông tôi nhất quyết đòi về, ông bảo quen làm rồi, quen không khí ở quê rồi, quen ăn món bà nấu rồi, ở thành phố gò bó, ngồi không ông không quen. Ông đã quyết rồi, ai nói thể nào ông cũng không chịu ở lại thêm. Ông tạm biệt tôi, dặn dò ở lại học hành chăm chỉ rồi ông về.

Nhưng tôi đâu biết được, đó là lần cuối cùng tôi được ở với ông. Ông tôi về được 3 tháng thì đổ bệnh nhưng nhất quyết không chịu đi bệnh viện chữa trị. Ông bảo “bói ra ma, quét nhà ra rác” tới bệnh viện lúc nào bác sĩ cũng phán đủ thứ bệnh.  Chỉ khi ông đã lên cơn đau quá bố tôi và các chú mới đưa được ông tới bệnh viện. Bác sĩ bảo ông bị ung thư vòm họng và thời gian của ông không còn nhiều nên để ông thoải mái ở không khí ở nhà hơn là ở bệnh viện. Bác sĩ kê thuốc giảm đau cho ông rồi bảo bố và chú đưa ông về. 

Những ngày sau đó, đại gia đình lúc nào cũng quây quần bên ông, cố gắng kể cho ông nghe những chuyện làm cho ông vui vẻ. Ông bảo cuộc đời ông như vậy cũng đủ rồi, không còn lo lắng gì nữa, chỉ mong con cháu thương yêu nhau thôi.  Lúc đó cũng là thời điểm thi học kỳ của tôi, lòng tôi như lửa đốt, hôm thi nốt môn cuối cùng, tôi lập tức đáp chuyến bay trong ngày để về với ông. 

ong

Tôi đã cố gắng để mình không bật khóc, phải chào ông thật to nhưng tôi đã không làm được. Ông lên cơn đau, ông không thể nằm được, ông chỉ ngồi xổm một góc tựa lưng vào chiếc chăn dày cộm. Ông cũng đã bắt đầu khó thở phải đeo ống thở luôn luôn và thỉnh thoảng không nghe được, cũng không nhận ra được ai nữa. 

Tôi về, bật khóc nức nở trước mặt ông, ông đưa tay chạm vào mặt tôi rồi ông cười, như thể an ủi tôi. Cả nhà tôi ai cũng không thể kìm nước mắt. Bố tôi đưa cho tôi cuốn Kinh Thánh của ông, tôi nén lại nước mắt và đọc cho ông nghe như ngày tôi còn nhỏ ông đã đọc cho tôi. Ba ngày sau, ông khó thở, mọi người trong đại gia đình lần lượt nắm tay ông, ông nhìn từng người, tôi nắm tay ông rồi đưa tay ông cho bà. Ông nhìn bà mỉm cười rồi nhắm mắt.

Giờ này tôi đang ở giữa tâm dịch Sài Gòn, công việc buộc phải tạm ngưng,  nhưng vẫn may mắn hơn rất nhiều người ngoài kia, tôi vẫn đang bình an. Tôi lặng lẽ ngồi trong góc phòng uống tách cà phê, trầm lặng đọc sách, trầm lặng nghe những bản thu âm radio, trầm lặng nhớ những kỷ niệm về ông và suy nghĩ những điều ông chỉ dạy. 

Ông à, con sẽ sống thật tốt, thật vui vẻ và yêu thương thật nhiều, ông không cần lo cho con nữa ông nhé.

© Muối - blogradio.vn

Xem thêm: Những giọt nước mắt của cha

Muối

Muối mà nhạt đi thì lấy gì ướp cho mặn lại...

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Định mệnh là gì?

Định mệnh là gì?

Chúng tôi vẫn giữ thói quen buổi tối trò chuyện với nhau, nhưng cũng chỉ là những câu hỏi xã giao như một thói quen khó bỏ. Tôi cảm nhận được điều gì đó giữa hai đứa nhưng lại chẳng thể gọi tên, vì tôi tin anh và yêu anh.

Mãi sau này...

Mãi sau này...

Quá khứ dạy ta cách đi qua những vấp ngã, rèn giũa sự mạnh mẽ, điềm tĩnh khi đương đầu với khó khăn, cho ta sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ yêu thương hơn để chúng ta trân trọng từng khoảnh khắc ở hiện tại và hi vọng về một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc

Hỏi tôi đã bỏ lại điều gì của mình vào những ngày hè năm ấy, tôi chỉ có thể trả lời rằng tôi đã bỏ lại chính bản thân mình. Một tôi hòa đồng vui vẻ nhiệt huyết, vô ưu vô lo, đổi lấy một tôi giờ đây đã khác, trầm lặng, giấu tất cả ở trong lòng mình

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Tuổi ấu thơ ai bỏ lại trên đồng

Cũng chẳng còn hay tết những vòng hoa Thành vương miện giả chơi trò công chúa Hoa đồng nội thơm dịu dàng một thuở

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Nếu chúng ta còn duyên, mình chờ cậu trong hộp thư thoại…

Cậu thấy thời gian có tàn nhẫn không? Nó chưa từng dừng một giây, để suy nghĩ về việc phủ bụi trần lên những mảnh ký ức của chúng mình. Cũng như chúng mình cũng chưa từng dừng một giây nào để ngừng nghĩ về nhau.

Gửi em

Gửi em

Mong gặp em và mong được nhìn ngắm Trái tim này cất giữ tạo nên thơ

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Dạy con ngưng hi sinh, dạy con biết thương mình!

Cha mẹ có thương con hay không? Chắc chắn là có. Nhưng nó không lớn đến nỗi cứ hi sinh và không mong nhận lại như mọi người hay lầm tưởng hoặc lảng tránh sự thật. Thực chất thứ họ cho đi là một tình thương có điều kiện chứ không hẳn là hi sinh.

Quan họ không lấy nhau

Quan họ không lấy nhau

"Giới trẻ bây giờ lạ thật, mới gặp người ta vài lần đã nghĩ tới chuyện đặt tên cho con luôn rồi"

Nốt trầm tuổi 30!

Nốt trầm tuổi 30!

Trưởng thành là đánh đổi của rất nhiều những vấp ngã, thất bại và biến cố xảy đến. Chúng ta có lẽ đã từng khóc thầm trong đêm bởi bất lực, bởi mệt mỏi, bởi mọi thứ dường như đều sụp đổ. Nhưng chính là khi đi qua mọi chuyện, chúng ta đã mạnh mẽ như hiện giờ.

Tuổi thơ và Ngoại

Tuổi thơ và Ngoại

Tôi yêu những món đồ chơi ngoại làm cho tôi, vì lúc đó ngoại cũng nghèo không thể cho tôi được những món đồ chơi đẹp đẽ như các bạn, nhưng những món đồ chơi ngoại làm cho tôi thì tôi chắc rằng các bạn không thể mua được.

back to top