Phát thanh xúc cảm của bạn !

Nỗi lòng người cha

2023-03-26 01:20

Tác giả: Quang Nguyễn


blogradio.vn - Giờ thì ai cũng hiểu những lời nói chứa đầy ẩn ý của ông mà họ luôn cho rằng đó là nói xàm nói nhảm, con ma men nói chứ hoàn toàn không phải ông bảy Từ nói. Giờ thì hiểu ra, không những anh bảy tỉnh mà còn rất tỉnh, tỉnh hơn tất cả mọi người. Hàng xóm ai ai cũng thương tiếc, đau xót. Tấm lòng của người cha quá cao thượng và vĩ đại. 

***

“Từ “cha” chỉ ngắn gọn có ba chữ ghép lại, nhưng lại là con đường xa dài vời vợi giữa muôn trùng thế nhân. Con không bao giờ đi hết được đoạn này. Cha như đất như trời, nhìn đâu con cũng thấy tình cha khắp mọi nơi”

Dạo này trong cái xóm không còn xa lạ với hình ảnh một người đàn ông gầy còm, dáng đi xiêu vẹo bước thấp bước cao, chân đi ngả nghiêng trên khắp các nẻo đường quê, đi tới đâu bọn con nít theo trêu ghẹo tới đó. Đó là ông Từ, cha của thằng Vinh, chồng của bà giáo Liên nhà ở cuối xóm dưới. Trước đây ông Từ có thân hình cường tráng, làm việc rất siêng năng như một cái cỗ máy. 

Chỉ vì dính tới rượu chè mà thân người ông như thân tàn ma dại, ốm tong ốm teo chỉ còn lại lớp da bọc xương được che bởi lớp áo cũ, vương màu sương gió lam lũ với cuộc đời. Ông Từ có hai người con. Đứa con gái đầu lòng đã đi lấy chồng vừa sinh một đứa cháu ngoại trông kháu khỉnh bụ bẫm. Đứa còn lại là thằng Vinh, ông một mực hết sức thương yêu vì nó là con trai độc nhất và có nét giống ông như đúc. 

Thường thì nhà chỉ có hai cha con thì nó sẽ chủ động phụ cha san sẻ gánh bớt sự nặng nhọc trên đôi vai già yếu. Nhưng không! Người ta vẫn thấy chỉ có mỗi một mình ông tần tảo bên những việc to nhỏ, còn thằng Vinh chỉ lo ăn học không cần phải động tay động chân đến bất cứ việc gì. Họ thường nói với ông rằng:

“Anh Bảy. Sao không kêu thằng Vinh nó đi mần tiếp, mà lúc nào cũng thấy anh cặm cụi chỉ có một mình vậy”

Những lần như thế ông Từ chỉ cười rồi trả lời.

“Nó còn nhỏ không biết làm đâu chú ơi! Vào ruộng chỉ giẫm cho thêm nát lúa, với lại mấy thuốc trừ sâu này nó độc hại lắm, mình già rồi có hít thì cũng chẳng sao, chứ còn tuổi trẻ thì tội nghiệp cho tương lai nó lắm”

“Mèn đất ơi nhỏ gì nữa! Anh bảy thương con quá xá, thì cũng phải tập cho cháu nó mần chứ sau này anh già rồi mần không nổi nữa thì ruộng đất chẳng lẽ bỏ không”?

“Ừ. Xem như tôi mần dùm cho nó vậy”.

Ông chỉ cười đáp cho qua chuyện rồi lặng lẽ trở về. Ông Từ hiền lành sống gần gũi với bà con lối xóm nên ai cũng thương cũng quý. Hễ bất cứ nhà ai có công chuyện cũng đều có sự xuất hiện của ông đến góp công phụ giúp. Đã sống ở cái xứ này đến mấy chục năm mà chưa bao giờ ông có lời qua tiếng lại hay mích lòng với bất cứ một ai trong xóm, kể cả những khi ông say rượu.

ba_25

Cũng chẳng ai biết từ đâu ông tìm tới rượu như một con ma men đắm chìm trong những cơn say bí tỉ. Chỉ có vài tháng gần đây thôi. Hàng xóm thấy ông cứ mỗi chiều chiều hoặc các buổi sáng thường ngồi trước nhà, gương mặt buồn hiu mắt hướng ra phía cánh đồng, đôi môi run run gương mặt nhăn nhó mà dốc hết ly này đến ly khác, chỉ có thứ gì ngoài những trái me chua hoặc những trái xoài mà ông hái sau vườn. Giống như chán nản phải uống và uống thật nhiều để quên đi cái sự đời đang trớ trêu ở ngay trước mắt. Thấy thương! Hàng xóm hay khuyên nhủ ông.

“Tôi thương anh Bảy nên tôi mới nói, rượu chè nó hại và tàn phá sức khỏe ghê gớm lắm, anh nên bỏ và trở lại mình như xưa, dù biết anh buồn vì chuyện làm ăn thua lỗ trong đợt nuôi cá vừa rồi nên cứ uống rượu để quên đi! Nhưng thôi, thắng bại là chuyện thường tình của thế gian, cứ giữ sức khỏe mà gây dựng và làm lại từ đầu, cứ uống say thế này thì còn làm ăn gì được nữa”

Đôi mắt ông rưng rưng chan chứa một nỗi niềm khó tả. Ông cầm ly cuối cùng nốc một hơi, thở khà khà, quay sang vỗ vai nở nụ cười, rồi nói khẽ.

“Cảm ơn chú Tư, tôi sẽ hạn chế. Chú nhớ giữ gìn sức khỏe, hạn chế hút thuốc lại, đừng bài bạc nữa, khổ vợ khổ con lắm. Cố gắng làm ăn để gia đình được ấm no hạnh phúc nha chú”

Người đàn ông lắc đầu cười ngao ngán, vì ở trong cái xóm này bất cứ ai khuyên ông bỏ rượu, ông cũng đều mỉm cười gật đầu cảm ơn rồi khuyên ngược lại người ta, những câu như là “cố gắng làm ăn, giữ gìn sức khỏe” hay là những ai có thói hư tật xấu cũng đều ông khuyên rất chân thành, buồn cười ở chỗ chính là “rượu nói chứ không phải ông nói”. 

Trong xóm này, người ta cho rằng nguyên nhân khiến ông tối ngày uống rượu cũng do công việc nuôi cá làm ăn thua lỗ liên tiếp mà ra, gia đình thất bát thiếu trước hụt sau khiến ông sinh ra buồn. Cũng có nhiều người dè bỉu chê trách ông không hề biết phấn đấu để vươn lên nghị lực mà làm lại từ đầu. Cũng có nhiều người đồng cảm với việc làm ăn thua lỗ nên tìm đến rượu để giải sầu của ông như một cách tìm quên chôn sâu vào dĩ vãng. Cũng có nhiều bà vợ mắng những ông chồng thường xuyên ăn nhậu, và lấy ông ra để làm tấm gương xấu nhằm so sánh với hàm ý đừng nối bước theo cái sai lầm của ông.

Từ ngày ông lao vào làm bạn với rượu bên những cơn say chất ngất. Bà giáo Liên và thằng Vinh thấy cái tính ông nó thay đổi rất rõ ràng. Ông nói rất nhiều mà những chuyện chẳng đâu vào đâu, và thường xuyên la rầy thằng Vinh, dù biết nó là đứa con trai duy nhất mà ông thương yêu vô bờ bến. 

Khác với trước ông chẳng nói một lời nào cứ lặng im mà làm việc đến hết ngày hết tháng. Bà giáo Liên thừa biết đó là tác hại của sự uống rượu mà ra, nó đã điều khiển tâm trí và cả cái bản tính của con người, nên bà không trách mà thường xuyên khuyên bảo. Có một lần bà đang soạn giáo án bên cái bàn làm việc, thằng Vinh thì nằm bên cánh võng đong đưa mải mê xem tivi. Bất chợt bà nhìn ra cửa sổ thấy ông đứng ở đó nhìn bà với thằng Vinh đã từ bao giờ rồi. Ông đứng lặng im rơi hai hàng nước mắt! Đúng vậy ông đang khóc, bà nhìn thấy rất rõ qua ánh đèn trên bàn! Bắt gặp ánh mắt của bà, ông né khuất vội vàng lấy tay lau nước mắt, bà gọi to.

“Sao ông không vào nhà mà còn đứng đó, ông đã về từ bao giờ”?

“Tôi dạo quanh căn nhà cho mát, trời đêm nay nực quá, tôi cũng mới vừa về tới thôi”

“Vào tắm rửa rồi ăn cơm, tôi có chừa món cá lóc kho tộ cho ông ở dưới bếp”

“Hai mẹ con ăn đi. Chừa tôi để làm gì”

“Không chịu ăn, mà chỉ uống rượu mãi nên giờ chỉ còn cái da bọc xương, cứ như vậy thì không bao lâu nữa ông đi gặp ông bà cho mà coi”

“Tôi đã nói với bà bao nhiêu lần rồi, từ nay về sau không cần phải chừa phần cho tôi. Coi bà kìa! Bà ốm hơn trước rất nhiều, ăn ít như vậy thì có sức đâu mà đi dạy”.

“Nói tôi mà không chịu coi lại bản thân ông! Ông chỉ còn lại gì ngoài thân xác tàn tạ xanh xao như người bị bạo bệnh. Uống rượu mà lại không chịu ăn thì sức khỏe nào mà chịu cho nổi, nhà không có tiền nhiều để đi bệnh viện điều trị đâu”.

ba_46

Ông lặng lẽ bước vào nhà trong hơi thở nồng nặc mùi rượu, bước lại gần lại thằng Vinh đang nằm mà hỏi.

“Con đã ăn cơm chưa”?

Thằng Vinh khẽ khàng trả lời.

“Dạ! Con đã ăn rồi”.

“Từ nay ăn nhiều vào nhé con không cần phải chừa phần cho cha. Cả hai mẹ con ăn no sống tốt là cha đã an lòng lắm rồi. Và còn một điều nữa cha muốn dặn riêng con : hãy làm một người con có ích cho xã hội, cố gắng học hành tới nơi tới chốn. Nếu đã không đóng góp được những gì tốt đẹp cho cuộc đời thì cũng đừng bao giờ làm người xấu nha con”.

“Nếu cha thương yêu con, thì cha đừng bao giờ uống rượu nữa. Cha có biết không? Mỗi lần con đi ra đường gặp bà con lối xóm người ta hay nói cha thế này thế kia, làm con xấu hổ lắm thậm chí chẳng dám nhìn mặt ai, cũng chẳng dám dẫn bạn học về chơi nhà”.

“Cha xin lỗi tại cha không tốt, tại cha nghiện rượu nên không giữ được cái sĩ diện cho con, làm con mất mặt với người đời. Cha xin lỗi, cha xin lỗi”

Thằng Vinh đứng dậy bỏ đi vào trong phòng. Nó cũng thường nói to nói nhỏ để khuyên cha bỏ rượu, và cũng chẳng hiểu lý do gì mà thời gian gần đây cha lại thường xuyên tìm đến rượu, thấy cha càng ngày càng xanh xao hốc hác, nó thương xót vô vàn. Chắc cha buồn vì làm ăn qua nhiều lần thất bại, bao nhiêu tiền bạc cứ thế mà bay theo gió trời? Nên thường an ủi sẻ chia cùng cha! Những lần như thế cha đều cười khẽ rồi gật đầu nhẹ nhàng. Ông Từ ngồi đó với gương mặt buồn hiu, theo những tiếng lặng của màn đêm ngoài hiên vắng.

“Con nó nói đúng đó. Tôi thấy rượu có gì đâu tốt mà ông cứ uống hết ngày này qua ngày nọ. Biết rằng cái chuyện làm ăn thua lỗ là do thời do vận chứ hoàn toàn không phải do ông, nhưng chuyện đó nó cũng đã qua rồi! Dù ông buồn tìm đến rượu thì nó cũng không thay đổi được gì đâu”

“Bà và tất cả mọi người khuyên thì tôi lắng nghe và sẽ cố gắng từ bỏ”

“Thôi, thương vợ, thương con mà bỏ ”

“Tôi thấy có lỗi với mẹ con bà. Tôi chẳng có gì đáng giá mà để lại! Tôi hổ thẹn quá”.

“Ông đi đâu mà để lại. Cứ uống rượu vào rồi nói tào lao toàn là mấy chuyện gì đâu không”.

“Tôi nhớ con Kim chị hai của thằng Vinh quá. Bà có thể nói nó hôm nào bồng cháu ngoại về đây để tôi thăm chút xíu được không”?

“Mệt quá! Thăm với chả hỏi. Nó không muốn thấy ông trong cái bộ dạng say sưa như thế này đâu”

“Lâu quá rồi tôi không gặp, từ lúc sinh cháu ngoại cho tới bây giờ, nó không chịu về! Tôi nhớ nó lắm”.

“Nó bận trăm công ngàn việc chứ có phải rảnh rỗi gì đâu. Mà thăm lúc nào chẳng được. Ngày hai mươi tám sắp tới đây là ngày đám giỗ nội, nó sẽ về nhà lúc đó mặc sức mà thăm”

“Ngày giỗ cha thì còn hơn hai tháng nữa! Tôi e rằng không kịp”

“Làm gì mà không kịp”?

“Tôi chỉ sợ… Tôi… tôi… tôi”

“Sao lúc tỉnh không nhớ mà say vào thì nhớ. Đã kêu tới ngày giỗ chỉ còn hơi hai tháng nữa nó về, mà cũng không chịu”.

ba_2

“Tôi cảm ơn bà trong suốt mấy chục năm qua đã luôn bên tôi và cùng tôi nuôi nấng dạy con nên người. Nếu không có đôi bàn tay của bà thì cuộc đời tôi sẽ không biết trôi dạt về đâu. Tôi nhớ ngày xưa mình mới cưới nhau! Cuộc sống lúc ấy khó khăn lắm, cơm ăn không đủ no phải độn thêm khoai sắn. Chúng mình sống trong cảnh túng thiếu nghèo nàn, trải qua bao nhiêu khó khăn gian nan vất vả, thế mà bà vẫn tào khang son sắt một lòng bên tôi cho tới tận bây giờ. Ngày ấy, bà mới ra trường đi dạy chẳng có một chiếc xe đạp để mà đi, rồi cùng tôi cuốc đất làm ruộng đến sưng phồng cả tay, thế mà bà vẫn không sờn lòng. Tôi cảm ơn bà nhiều lắm, lỡ mai này không có tôi rồi bà nhớ giữ gìn sức khỏe và sống an vui cùng các con”

“Đó đó… thấy chưa. Ông lại nói thế nữa rồi. Không uống rượu thì thôi mà uống vào toàn là nói vậy! Đã say thì nên đi vào trong mà ngủ cho khỏe”

“Tôi đi thăm con Kim đây”

“Thăm đâu mà vào giờ này”?

Ông đạp xe đi trong đêm khuya thanh vắng, những tiếng chó sủa vang lên từ đầu trên xóm dưới om sòm. Trong sâu thăm thẳm của người cha là nỗi niềm trăn trở nao nao muốn gặp con. Nó khiến đôi chân ông vội vàng tăng tốc mỗi lúc một nhanh thêm. Phía bên kia ánh đèn lấp lánh khuất sau cái hàng rào râm bụt là nhà của cô con gái ông. Ông đứng ở ngoài cổng nhìn một đỗi rồi lặng lẽ bước vào. Thấy Kim đang nằm võng đưa con với tiếng ru mà nghe qua thấy mát ruột mát gan. Ông hồi tưởng lại tiếng ru của vợ ông ru Kim như ngày nó còn bé tí mà thấy lòng mình như hạnh phúc đang dâng trào. Ông kìm nén nỗi vui mừng bước tới cửa khẽ gọi.

“Con khỏe không Kim”?

“Cha đi đâu đây vậy?”.

Câu hỏi của Kim làm ông chợt nhận ra là nó còn giận ông về cái chuyện hay uống rượu. Nó từng nhắn với bà giáo Liên “Mẹ về nói lại với cha. Nếu cha còn tiếp tục uống rượu con sẽ không bao giờ trở về nhà đó nữa”. Ông nghe vợ nói lại thấy lòng mình buồn lắm, nhưng biết làm sao vì đây là cái lỗi của chính ông. Nhưng ông chẳng biết làm sao đành cắn răng mà tự chịu đựng một mình.

“Cha đi thăm con với cháu”.

“Bé nó ngủ rồi, cha về ngủ đi”.

“Kim à. Cha muốn nói chuyện với con một lát”.

“Có chuyện gì thì mai cha hãy nói”.

“Cha biết là con còn giận cha về việc cha thường xuyên uống rượu. Cha xin lỗi vì đã làm các con mất mặt với bà con lối xóm. Con nè! Nếu một mai cha không còn bên các con nữa thì các con phải ghi nhớ rằng: luôn luôn sống tốt, yêu thương và hòa thuận lẫn nhau, nhà chỉ có hai chị em nên đừng bao giờ gây mất đoàn kết, mà nhất là thằng Vinh, tuy lớn rồi mà tâm hồn nó còn nhỏ dại lắm. Con là chị lớn, chính vì thế phải thay cha luôn dạy bảo em mình những điều hay lẽ phải”

“Cha đã say lắm rồi, thôi cha đi về ngủ đi”.

“Nói cho xong một lát rồi cha về. Nhớ phải luôn thương yêu nhau nhé con, dù nghèo hay sang gì thì vẫn là ruột rà một cha một mẹ sinh ra, tuyệt đối đừng bao giờ bỏ nhau dù trong có bất cứ hoàn cảnh nào”.

“Cảm ơn cha đã dạy, con đã biết rồi, sẽ nghe theo những lời cha dặn”.

“Thằng Vũ chồng con đâu rồi”?.

“Ảnh đi tiếp đám cưới ở xóm ngoài chưa về nữa”.

“Từ ngày con về làm dâu rồi ra ở riêng, cuộc sống của con như thế nào? Con có khổ sở gì không”?.

“Dạ không có, ảnh đối xử với con tốt lắm”.

“Vậy thì tốt quá, vợ chồng có gì thì tối tắt đèn mà bảo nhau, đừng gây gổ, cãi nhau, đánh nhau, người ta cười gia đình mình nghen con”.

“Sao hôm nay cha lại nói ra những điều này. Con tưởng đâu cha không thương con, suốt ngày chỉ biết đến việc chè mà bỏ quên con cái”

“Làm sao cha lại không thương các con cho được. Con nè! Ở đây cha có dành dụm một số tiền, tuy nó không nhiều nhưng cũng đủ để con mua sữa cho cháu ngoại uống”.

“Cha giữ lấy mà ăn cháo, đó là tiền của công sức cha làm ra. Con không lấy đâu”

“Lấy đi cho cha vui”.

ba_4

Kim chần chừ không muốn nhận, nhưng cũng phải lấy để tránh tình trạng cha dùng tiền để đi mua rượu uống. Ông đứng tần ngần nhìn cháu ngoại đang ngủ ngon lành trong vòng tay của mẹ. Lấy tay sờ vào đôi má bầu bĩnh trắng nõn rồi nói khẽ “ lớn lên hãy thật ngoan, hiếu thảo với cha mẹ và học thật giỏi cháu nhé”. 

Trước khi chuẩn bị ra về ông dặn dò Kim rất nhiều, từ chuyện ăn ở đối nhân xử thế, giữ gìn sức khỏe, cố gắng làm việc để kiếm tiền lo cho tương lai của đứa bé sau này, phải cho ăn học đầy đủ, giáo dục và dạy dỗ con cái cho thật kỹ càng, nhất là giữ nề nếp văn hóa truyền thống của gia đình tổ tiên. Cũng chưa bao giờ Kim thấy cha mình lại nói nhiều đến mức độ vậy. 

Đúng là người say họ có quá nhiều lời lẽ, nhưng có chẳng ai bận tâm làm gì đến những lời nói của người say, vì rượu nói chứ nào có phải là họ. Nhưng có điều gì đó khiến nó không an lòng, thấy bất an với lời lẽ không hay. Nhất là việc cha đạp xe từ xã đến huyện để thăm con và cháu ngoại, có bao giờ cha như thế này đâu. Từ lúc đi lấy chồng về làm dâu cho đến nay, cha chỉ có một lần cùng mẹ sang đây để thăm hỏi nhưng hôm nay lần thứ hai cha lại đến và nói ra những lời như sự trăn trối cuối cùng. Không phải đâu! Không phải đâu! Chắc là do cha say quá hoặc đi uống rượu ở đâu rồi sẵn tiện ghé thăm - Kim nghĩ vậy.

Ông lủi thủi đạp xe ra về, ra tới ngõ còn đứng nhìn vào nhà của con gái mình thật lâu thay cho một lời từ biệt mà chưa bao giờ ông hé răng dám nói ra sự thật, nhất là việc ông âm thầm đến bệnh viện khám và biết ra căn bệnh ung thư gan của mình đã đến giai đoạn cuối. Hai hàng nước mắt của ông chảy dài! Ông vừa đạp xe vừa khóc. Trong bóng tối thăm thẳm chẳng ai biết ông khóc, cũng chẳng ai nhìn thấy ông đang khóc! Chính vì thế ông khóc cho thỏa lòng, ông khóc cho nước mắt trôi đi những lời tâm sự tỏa bày của mình mà ông đã giấu suốt mấy thời gian qua. Tiếng khóc ấy nó sẽ ngừng lại khi tới nhà, và đôi mắt lẫn gương mặt sẽ không bao giờ còn đọng lại cái dấu hiệu của việc ông vừa buồn rầu rồi đổ lệ. Ông trở vào nhà nụ cười thân ái với người vợ son sắt.

“Ông đi về rồi đấy à. Có chuyện gì mà trông ông vui hẳn ra vậy”?.

“Thấy vợ chồng con Kim hạnh phúc tôi mừng quá”.

“Ông cứ tối ngày say sưa thì biết gì tới gia đình, nghỉ uống rượu đi rồi sẽ thấy tất cả xung quanh ông mọi thứ đều tốt đẹp suôn sẻ”

“Thôi ông vào ngủ đi”.

ba_35

Sáng đó bà Liên đến trường đi dạy như mỗi ngày. Thằng Vinh cũng đi học ở huyện chưa về. Người ta đi đồng ngang không còn nhìn thấy ông Từ ngồi trước cửa uống rượu như mọi buổi sáng nữa. Đến trưa mười một giờ bà trở về thấy cái nhà bụi bặm chẳng ai quét, cơm chưa nấu, những thức ăn thừa hôm qua còn nguyên vẹn ở nơi đó. Hôm nay thật khác lạ so với mọi bữa! Hàng ngày cứ mỗi lần bà đi dạy về thì cơm và thức ăn đã nấu sẵn, nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, những việc này ông đều làm từ mới sớm tinh mơ rồi mới đi thăm đồng, chưa bao giờ dậy trễ. Thế mà bây giờ những việc này nó còn nguyên vẹn ở đây chứng tỏ ông chưa hề thức dậy! Bà đi vào gọi to và tiếng gõ cửa cóc cóc.

“Ông ơi...ông ơi…”

Chẳng nghe ông trả lời, một hồi lâu linh tính của bà mách bảo ông gặp chuyện chẳng lành. Bà phá cửa bước vào hốt hoảng khi thấy gương mặt của ông tái nhợt. Ông đã tắt thở từ hồi nào. Bà hoảng loạn bấm điện thoại gọi cho con Kim, đồng thời báo tin cho hàng xóm biết rằng về việc ông mới vừa qua đời. Chỉ vài phút sau căn nhà của bà đã đông nghẹt người lui tới. 

Thằng Vinh đi học về nghe tin cha chết cũng vội vàng đạp xe nhanh trở về! Vừa đến ngõ nó quăng luôn chiếc xe đạp một mạch chạy thẳng vào trong nhà. Nó khóc thảm thiết trước thi thể của ông. Người ta bàn tán xôn xao về cái chết tức tưởi của ông, đa số họ cho rằng do ông uống rượu quá nhiều rồi trúng gió mà chết. Hai chị em khóc nức nở cho sự ra đi quá đột ngột của cha mình. Mới đêm qua cha còn đến thăm rồi còn cho tiền và dặn dò con gái trong cơn say nghiêng ngả. Thế mà bây giờ cha chỉ còn là cái xác vô hồn đang nằm đó im re. Kim khóc rồi gối đầu lên ngực của cha, nói những lời rõ ràng và có đôi khi đứt quãng.

“Sao đêm qua đến thăm con cha nói nhiều lắm kia mà! Sao bây giờ cha lại lặng im! Cha nói gì với con đi cha. Con không trách cha nữa đâu! Dù cha có tiếp tục uống rượu con cũng sẽ trở về cái căn nhà này. Mong cha hãy tha lỗi cho con”

Thằng Vinh thất thần, nó nắm lấy bàn tay gầy gò của cha ướm lên gò má, rồi khe khẽ nói thành lời.

“Cha ơi! Con không trách cha về việc uống rượu nữa đâu. Con sẽ nghe lời cha, thành đứa con có ích cho gia đình và xã hội, cố gắng học thật tốt. Con sẽ nghe những lời cha dạy! Cha mở mắt ra nhìn con đi cha… cha ơi...cha ơi...”.

Con Kim gục mặt xuống ngực ông mà khóc điếng lặng, những giọt nước mắt chảy xuống ướt đẫm tấm áo, bỗng nhiên nó thấy cộm cộm bởi cái vật gì trong túi áo của cha. Nó đưa tay lấy ra, đó là một tờ giấy trắng với nét chữ nguệch ngoạc đầy cố gắng của cha với những lời tâm sự sau cùng.

“Các con thân yêu của cha. Cha biết các con sẽ buồn và mất mặt với người ta khi có một người cha tối ngày chỉ làm bạn với ma men. Cha xin lỗi các con! Cha không còn quyền lựa chọn nào khác. Cha mắc bệnh ung thư đã vào thời kỳ cuối, biết rằng cái việc chữa trị sẽ không hết mà còn phải tốn kém quá nhiều tiền của! Thôi thì số tiền đó cha để lại cho các con. Cha đành phải uống rượu để mong muốn được ra đi càng sớm càng tốt, khỏi phải làm gánh nặng cho gia đình và tất cả mọi người. Các con phải biết yêu thương lẫn nhau, đừng bao giờ chia rẽ gây mất hòa khí giữa chị em trong nhà. Cha xin lỗi hai con”.

Ông thường mang theo lá thư này trong túi của mình mọi lúc mọi nơi, ngay cả cho việc đi ngủ, và những lần ra đồng. Cả ba mẹ con ngồi bên thi thể của ông mà đau lòng cho sự mất mát quá lớn. Hàng xóm láng giềng khi hiểu ra sự tình họ đều đồng cảm và đã có người khóc theo. Nào giờ ai ai cũng nghĩ ông tìm đến rượu chỉ vì do buồn chán làm ăn thua lỗ! Nào có ngờ ông chịu những cơn đau dày vò đang hành hạ trong người, việc uống rượu là cách giúp ông sớm ra đi thanh thản. Họ thấy thương ông! Thương cho số phận ông và nể cho một tình cha với nỗi thương con như trời cao biển rộng.

ba

Ông Thành em ruột của ông Từ nói với mọi người.

“Những lúc uống rượu anh bảy thường đến nhà tôi dặn dò, ở lại trông coi giùm hai đứa cháu, thường xuyên dạy bảo chúng nó nên người. Tôi cứ tưởng đâu là do say quá rồi cứ nói sảng, ai dè đâu…”

Một người khác nói cho tất cả mọi người nghe.

“Anh bảy hay gặp tôi rồi khuyên nhủ hãy chí thú làm ăn đừng bao giờ cờ bạc nữa. Anh bảy ơi, từ nay về sau em sẽ không bao giờ cờ bạc nữa. Anh Bảy ra đi thanh thản nhé”.

Con Kim khóc lóc kể lại với mọi người.

“Lúc con đẻ ở bệnh viện cha không bao giờ tới thăm dù chỉ một lần! Con nghĩ chắc cha chỉ lo uống rượu nên chẳng quan tâm đến con cái như thế nào? Chính vì vậy nên con mới nói - sẽ không bao giờ trở về căn nhà này nữa, nếu cha còn tiếp tục uống rượu”.

Một người phụ nữ trong số đông lên tiếng :

“Mày nói gì vậy Kim! Không phải hàng đêm anh bảy Từ đều đến thăm mày đó sao.

Nó còn đang khóc.

“Không có đâu dì Sương, cha chưa hề đến thăm, chỉ có thằng Vinh chở mẹ đến mà thôi”

Người phụ nữ tên Sương quả quyết.

“Hồi mày đẻ, cũng là lúc ông Hải nhà tao bị sốt xuất huyết phải nằm viện điều trị do chính tao đi nuôi. Lúc đó tao gặp cha mày đi chiếc xe đạp dựng ở trước cổng rồi gặp tao thăm hỏi về tình hình của ông Hải. Cũng chính tao dẫn anh bảy tới phòng mày đang nằm. Đến trước cửa phòng mày nằm, anh bảy còn dặn tao: thôi thím Sương về lo cho chú Hải đi, để một mình tôi vào thăm cháu được rồi. Tao quay lưng đi ngoáy đầu nhìn lại vẫn thấy cha mày chưa vô mà đứng thập thò ở trước cửa nhìn vào”.

Kim hết sức ngỡ ngàng trước câu nói của người phụ nữ tên Sương.

“Ủa nói vậy là cha con có tới hả dì Sương”?

“Lúc mày sanh thì tối nào tao cũng thấy ảnh tới cho đến lúc mày xuất viện về nhà”

Bà giáo Liên sực nhớ ra.

“Hèn gì ngày con Kim sanh, tối nào tôi cũng thấy ổng cũng dắt chiếc xe đạp đi ra đầu ngõ. Tôi hỏi đi đâu? Thì ổng trả lời: tôi chạy vòng vòng cho mát rồi về ngủ. Tôi trách rằng: chẳng biết làm cha cái kiểu gì mà con cái sanh đẻ ở bên kia chẳng ngó ngàng gì tới. Suốt ngày chỉ biết có rượu với chè. Những lần như vậy ổng chỉ cười rồi thôi”.

Một người đàn ông trong đám đông nói.

“Sao anh bảy không đi khám ngay lúc có triệu chứng ban đầu may ra còn cứu kịp, đợi đến khi giai đoạn cuối mớ đi thì đã quá muộn màng rồi”.

ba_351

Một người trả lời xen kẽ vào những tiếng ồn của đám đông.

“Chắc làm ăn thua lỗ nên chẳng tâm trạng nào mà đi”

Và liên tiếp những câu bàn luận sau đó.

“Anh Bảy chịu đựng giỏi thật, nuốt nỗi đau vào người và gắn nụ cười trên môi. Bao nhiêu của cải tiền bạc đội nón ra đi vì nuôi cá nên không muốn tốn thêm tiền. Không muốn làm gánh nặng thêm cho gia đình bằng cách tiêu cực uống rượu để sớm được ra đi. Tội nghiệp thật. Đứt ruột đứt gan.

Sau lời bàn tán sôi nổi là sự im lặng ngậm ngùi thương tiếc về số phận của người cha.

Từ lúc con Kim sanh, hàng đêm vẫn có một người đàn ông trên chiếc xe đạp lọc cọc, âm thầm lặng lẽ đạp xe trong khuya khoắt mặc kệ mưa hay gió. Đến nơi người cha rón rén đứng trước cửa mà len lén nhìn chẳng chịu bước chân vào. Một tình cha cao cả thương con không có thứ gì sánh bằng, Những hy sinh âm thầm tựa núi non cao vời vợi. Đến lúc xuôi xuôi nhắm mắt ông vẫn mặc chiếc áo cũ kĩ trên người, nhìn lại hai người con quần áo tươm tất thật đẹp xinh.

Giờ thì ai cũng hiểu những lời nói chứa đầy ẩn ý của ông mà họ luôn cho rằng đó là nói xàm nói nhảm, con ma men nói chứ hoàn toàn không phải ông bảy Từ nói. Giờ thì hiểu ra, không những anh bảy tỉnh mà còn rất tỉnh, tỉnh hơn tất cả mọi người. Hàng xóm ai ai cũng thương tiếc, đau xót. Tấm lòng của người cha quá cao thượng và vĩ đại. Hy sinh cho gia đình đến tận phút cuối cùng. Mọi người chỉ biết đồng cảm, và cầu nguyện cho ông Từ được ra đi thanh thản.

Tình cha như bóng cây ven đường. Con lạc bước bên dòng đời vội vã, trời nắng như đốt lửa con nép vào dưới bóng râm mát rượi và bao la. Người cha là căn nhà, đã che chở cho con trong các lần bão giông mưa nắng gió. Rưng rưng nước mắt khi nhớ tới cái câu mà người đời hay hát.

“Còn cha gót đỏ như son

Một mai cha mất gót con lấm bùn”

Nhớ câu hát và nghe những lời kể về cha thằng Vinh, con Kim, bà giáo Liên như đứt từng đoạn ruột. Nó hét lên to “Ôi người cha đáng kính của con”. Đáp lại lời nó là khói hương nghi ngút đã xông vào những đôi mắt của mọi người xung quanh với giọt nước mắt đầy cảm thương cho ông.

© Quang Nguyễn - blogradio.vn 

Xem thêm: Những giọt nước mắt của cha

Quang Nguyễn

Người kể chuyện

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Thủ đô yêu dấu

Thủ đô yêu dấu

Ước mơ của tôi là được đến thủ đô Thủ đô dấu yêu bốn ngàn năm văn hiến

Tình yêu của đất

Tình yêu của đất

Hay tôi có thể nói một cách khác đi, tình yêu của đất cũng chính là tình yêu của tất cả những người dân đất nước tôi dành cho quê hương này, dành cho đất nước của chúng tôi.

Phù sa

Phù sa

Một hình ảnh chỉ vừa được nói lên chỉ vừa được nhắc đến đã làm người ta nhớ ngay đến những người nông dân, làm người ta nhớ ngay đến và nghĩ ngay đến hình ảnh những cánh đồng những cây lúa với sức sống dạt dào và mãnh liệt nhất.

Sóng

Sóng

Cô thích sóng cứ như vậy, lúc thật êm êm hiền hòa lúc thật vút cao gào thét. Nhưng cho dù sóng có như nào thì sóng muôn đời vẫn nằm trong lòng biển, êm ái và thân thương, trìu mến ngày đêm vỗ về cùng với biển.

Tập lớn

Tập lớn

Hụt hẫng, buồn bã và lo sợ, tôi chẳng muốn lớn nữa, không muốn xa ba mẹ, xa chỗ ở thân quen gắn với tôi từ lúc lọt lòng, nhưng tôi cũng hiểu đã đến lúc mình bắt đầu hành trình của những chuyến đi xa. Mình phải lớn lên thôi.

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Phương pháp SMART: tác động to lớn đến sự phát triển cá nhân

Khi mục tiêu trở nên cụ thể, chúng ta có cơ hội định rõ hướng đi của mình và không còn bị lạc lõng trong mê cung của những ý tưởng mơ hồ.

Những con sóng

Những con sóng

Nếu ngày nay biển không có sóng Thì biển muôn đời chẳng có màu xanh

Xúng xính là em

Xúng xính là em

Khi tôi lớn lên, tôi biết thế nào là mặc đẹp, tôi biết khao khát được mặc đẹp, được rong chơi đây đó để được khoe vẻ đẹp của những gì tôi đang mặc.

Nơi tôi sinh ra

Nơi tôi sinh ra

Hải Dương nơi tôi sinh ra Nơi đồng lúa chín Vị ngọt phù sa

Cách thành công của người thích an nhàn

Cách thành công của người thích an nhàn

Trong cuốn "1% nỗ lực", tác giả Hiroyuki chia sẻ câu chuyện thành công khác thường của mình, đưa ra một góc nhìn mới về sự nỗ lực và hạnh phúc.

back to top