Phát thanh xúc cảm của bạn !

Những chuyến xe

2023-10-03 04:45

Tác giả: Winzo Oric


blogradio.vn - Một chút ký ức ấy quý lắm, nhìn những tán cây xanh rờn, nhắm mắt lại, ông thích thú khi thấy mình lại quay về ngày xưa, ngày mà ông còn phơi phới niềm tin vào cuộc đời sẽ cho ông những điều no đủ, rằng quyết định rời ngành công an để lấy tiền vốn làm ăn sẽ đúng.

***

Nhà ông Khang nằm trên dọc bờ sông Cồm, được bao phủ xung quanh bởi những rặng dừa xanh to miên man bát ngát, bởi những cánh đồng xanh mượt mà uốn lượn quanh co. Thi thoảng, vẫn có vài người ghé qua ngôi nhà ấy, nói một câu khen bất chợt:

- Nhà bác thế này vừa mát vừa đẹp, đúng là quý hơn cho vàng.

Xung quanh khu đất ruộng ấy chẳng còn nhà nào khác. Chỉ độc một ngôi nhà cấp bốn nguyên màu xi măng, trơ trọi giữa cánh đồng miên man như vô tận. Chiều chiều, người ta đứng từ xa, nhìn thấy cuối của những màu lúa non, thổi lên trời một làn khói đục ngầu, đặc quánh. Ngôi nhà ấy như thể bị biệt lập với thế giới ngoài kia, bởi lối đi vào nhà ấy chỉ có một, mà cỏ mọc thì cao quá đầu gối, xung quanh sặc nức mùi phân vịt, phân gà ông Khang suốt ngày thả rông. Cứ khi nào người ta đi làm đồng về, rửa được đôi ủng khỏi lớp bùn dày đặc bám chắc, họ lại nhìn về phía đồng xa rồi bảo nhau:

- Kìa, bác xem, nhà em chưa vo nổi bơ gạo mà nhà ông Khang khéo đã sắp đi ngủ rồi.

Ấy là câu chuyện của những năm về trước, giờ đây, người ta vẫn thấy ngôi nhà ấy đều đặn nhả khói mỗi lúc chiều tà, chỉ tiếc rằng người đi qua chẳng còn câu nói nào khen ngôi nhà ấy rộng quá, mát quá nữa. Dù nhà ông Khang ở cạnh bờ sông, lại có thêm một cái ao nhỏ ở sân sau, dù gió cuốn đến lạnh người cả những ngày hè oi bức, ngôi nhà ấy trong mắt những con người nơi đây, cũng xấu xí, tồi tàn, chật hẹp như bao ngôi nhà khác mà thôi.

Đó là vào một ngày kia, bà Hương xóm Thượng vào nhờ nhà ông Khang xin cốc nước mát cho đỡ cơn say nắng, ngồi ngoài hiên nhà, bà nhìn vào trong, thấy cũng chưa sơn sửa hệt như bên ngoài, bà hỏi:

- Bác Khang cho em hỏi, nhà này có mỗi hai vợ chồng bác thôi hở?

Ông Khang từ từ hướng mắt vào trong hệt như bà, nói:

- Không, vợ chồng tôi với gia đình hai con nữa là sáu người.

Ngôi nhà bé tẹo ấy mà tận sáu người? Tin đồn ấy đã lan ra cả những con người ở xa cánh đồng nhất. Nhiều người còn cố ý nói khịa gia đình ông.

- Bác Khang rõ khéo tiết kiệm. Đất thì rộng mà chẳng xây lấy cho anh Trâu - con trai bác lấy căn nhà dọn ra mà ở cho rộng.

Những lúc như vậy, ông Khang chỉ cười trừ.

- Để đất rộng này gió thổi cho mát, rảnh thì trồng tí quả cho con cháu ăn, chứ nhà tôi xây ở có hết là bao!

Nhưng đó là ngôi nhà ban đầu ông tính xây cho vợ chồng ông ở thôi. Nào có biết những đứa con của ông cũng chẳng thể bước chân ra khỏi bờ sông Cồm này.

Từ cô con gái đầu là cô Hồng, được ông dành dụm cho đi xuất khẩu lao động tận bên Đức, tới khi về, ông lại tất bật đi tìm cho con một nhà chồng tốt để nương tựa. Nhớ hôm đám cưới Hồng, thiên hạ ai cũng khen ông là ăn ở có phúc có phần, chẳng nhận phong bì của ai, cỗ bàn thì to nhất nhì xã, cô dâu, chú rể đúng là gái sắc, trai tài. Vậy mà khi cháu ông mới lên ba, một buổi sáng tờ mờ ông nghe tiếng chó sủa trước cả khi những con gà cất tiếng gáy, chạy vội ra cổng, ông Khang thấy con gái mình tay xách ba lô, mắt ầng ậng nước, tay kia dắt theo cháu ông về. Mấy hôm sau, người ta lại truyền tai nhau cái tin cô Hồng nhà ông Khang ly dị chồng. Hóa ra cưới nhau được vài năm, chồng cô nghe theo bè bạn mà sa vào cá độ đá banh, từ những đợt thua nhỏ, đến những lần mang đồ trong nhà đi cắm, đến cái nhẫn cưới của Hồng hắn cũng lén tháo mà mang đi. Đỉnh điểm đến hôm hắn bị Hồng bắt quả tang lục ngăn kéo tủ, ăn cắp tiền Hồng dành cho con đi viện. Bần cùng túng quẫn, cô đành quay về đây cậy nhờ cha mẹ.

Còn anh Trâu con trai ông thì không vậy, anh ở lại đây vì đơn giản cha mẹ chẳng có gì cho anh mà đi được. Sau đám cưới chị Hồng, nhà ông Khang gánh thêm một cái nợ lớn mà lắm khi gây lộn, vợ ông lại kêu la là “nợ sĩ”, đã chẳng có tiền còn bày đặt “không nhận phong bì”, thêm chăn nuôi gặp lúc dịch bệnh, nhà ông chẳng còn được như trước. Từng con vịt, con gà, cả những con cá mà ông nuôi cũng chán chường mà chẳng màng ăn, chẳng buồn mắc những con giun ngon lành. Chị Hồng ly dị, anh Trâu cũng bị mấy đám chối từ vì người ta bảo nhà có người ly hôn thì không có phúc. Mãi đến sau mới hỏi được một cô gái nhà cũng không khá giả gì.

Tối đến, khi người ta dần thu dọn đồ đạc làm đồng để về, tiếng xích xe ken két lướt nhanh qua từng bụi cỏ dại rậm rạp đầy vỏ ốc bươu, những người nhà ông Khang cũng lần lượt về nhà. Căn nhà được thắp lên một bóng đèn vàng ruộm, tiếng xe máy quá hạn lăn dần mòn mỏi qua con đường đồng, ấy là lúc anh Trâu với vợ về nhà, lại thêm những câu hằn học quen thuộc:

- Sao ông ở nhà không phá cái đám cỏ ngoài cổng này đi, đi lại vướng víu chết đi được.

- Nay mải sửa lại cái mái chuồng gà nên bố quên. Mai mày nhắc bố lại thì nhớ.

Dần dần cánh đồng đã mất cái hồng vàng vấn vương của hoàng hôn, thay dần màn đêm đen kịt, ngôi nhà kia, giữa cánh đồng, hiện lên như một chấm sáng lẻ loi, kèm theo cả những lời thúc giục:

- Thằng Lúa tắm nhanh ra ăn cơm.

- Ông cứ ngồi đấy mà nhê mà nhắm, ra bắt con vịt làm thịt đi, nay chả có thịt cá gì mà ăn cả.

- Bà ở nhà quần áo nhăn nhúm hôi rình cả lên mà không phơi hộ con với?

- Đứng gọn vào nước sôi đây này…

Thế rồi cũng tới bữa cơm như thường ngày, vẫn con vịt ốm nhom bán chẳng được, cả nhà ông Khang cùng nhau ngồi ăn trong manh chiếu đã rách tả tơi, trong cái bí bách của nơi sâu tận cùng ngôi nhà. Sâu, tối, dù có bóng đèn vàng treo lay lắt giữa trần cũng chẳng thể đem cho từng ấy con người những cái nhìn rõ rệt vào mặt của người kia. Nhìn nhau, họ chỉ thấy những cái bóng tối nhá nhem chẳng rõ mặt mũi, rồi cả những cơn nóng nực đối nghịch với bên ngoài mát mẻ kia tràn tới càn quét trong từng ngách nhỏ trong nhà. Ai cũng thế, chẳng bảo nhau, nhưng đều và nhanh cắn vội những miếng cơm khô đét, những miếng thịt luộc nhạt thếch cho chóng qua bữa cơm, rồi chạy ùa ra ngoài sân kia ngồi hóng từng cơn gió thổi. Nhưng hơn cả cái nóng ngoài kia, là cái nóng của sự giận dữ thù hằn vô cớ họ dành cho nhau, dù tất cả người trong ngôi nhà này đều khó khổ, đều là những thân phận lay lắt sống trên cùng một sợi dây mục nát với nhau, họ cũng chẳng còn có thể yêu thương nhau như ngày trước.

Anh Trâu, đã bao đêm nằm trên chiếc giường cạnh cánh cửa không có cửa sổ, anh thủ thỉ với vợ, rằng anh giận bố biết bao. Sao nhà có mỗi đứa con trai là anh mà cũng chẳng thể lo cho anh lấy một cái nhà, sao chị Hồng nhà anh lại vướng phải cái danh gái hư vô phúc, để đời anh bó lại chằng chịt bên ngôi nhà nhỏ này. Còn chị Hồng, cũng mấy phen chửi mắng anh Trâu là cái thằng vô tích sự, ăn bám cha mẹ, chỉ giỏi đổ thừa mà chẳng biết gắng sức làm ăn, trông xe mà ngày mấy bữa nhậu thì tích được bao nhiêu mà cứ than thở. Chỉ có ông bà Khang, họ chẳng mảy may ghét những đứa con của mình, mà đúng hơn, họ không thể ghét, không có quyền ghét. Vì biết sao được cái nghèo đến nhanh thế, sao cái khổ chặt chẽ buộc lấy cuộc đời các con ông, sao may mắn mỉm cười với nhà ông thoáng chốc rồi lại tan biến đi đâu. Với ông bà, âu khổ cũng là cái số rồi!

Ăn cơm xong, mọi người lần lượt đi vào giường, chiếu ngủ, chỉ có ông Khang, tối nào cũng ra ghế đá ngoài bờ ao ngồi đến tận khuya. Nhìn những con vịt còm nhom, nhìn mấy cây bơ, cây sầu ông trồng đã được mấy năm. Người ta ai cũng xúi ông chặt, nhưng có ai biết đâu, mấy cây đó là cứu cánh cuộc đời ông, là chút thú vui ôn lại kỷ niệm trong những tháng ngày vật vã buồn tẻ này. Cách đây đã ngót hai chục năm, ông vào Nam lấy hoa quả về buôn, rồi gặp vợ mình ở trong đấy. Giờ đây ông biết, sẽ chẳng còn cơ hội nào để quay lại miền đất Sài Gòn ấy nữa, cuộc đời ông đã nhổ neo ở sông Cồm, không, chôn chặt ở đây mới phải. Một chút ký ức ấy quý lắm, nhìn những tán cây xanh rờn, nhắm mắt lại, ông thích thú khi thấy mình lại quay về ngày xưa, ngày mà ông còn phơi phới niềm tin vào cuộc đời sẽ cho ông những điều no đủ, rằng quyết định rời ngành công an để lấy tiền vốn làm ăn sẽ đúng. Những lúc như vậy, lắm khi buồn tủi quá đỗi, ông ước gì mình bị mù quách đi cho xong, để mãi chẳng còn phải mở mắt ra nhìn cái sự đời mình như một tấm bùi nhùi thảm hại.

Đang ngồi, anh Trâu từ trong nhà đi ra, bẻ chiếc lá chuối non lót tạm, ngồi xuống cạnh ông:

- Con có chuyện bảo ông này.

- Ừ, chuyện gì?

Lấy hết can đảm vào một lần lấy hơi, anh Trâu nói:

- Hết tháng này con nghỉ việc, vay tạm được chút vốn chỗ bác Bình, có đứa bạn rủ con vào Nam bán áo quần, thấy bảo lời lãi cũng ổn đấy. Con định đưa vợ vào đấy ở luôn, chứ cứ để như này chả biết bao giờ mới khá lên được.

- Anh biết bươn chải làm ăn không mà đòi làm như người ta?

Anh Trâu cười:

- Thì có gì đâu mà khó, thầy nói cứ như thầy làm buôn không bằng. Bạn con nó có người quen trong đấy, vả lại đi cho biết chứ lo gì.

Ông Khang lúc này lặng thinh, trong thoáng chốc, lời nói của Trâu làm ông quay về những năm bằng tuổi anh. Khi ấy, ông là một Đại úy công an, lúc đó người ta đang bảo nhau rằng xin ra khỏi ngành công an để lấy chút vốn làm ăn. Ông còn nhớ buổi chiều ngồi bên ngoài căn nhà của bố mẹ, trời tối, thời đó chưa có điện, bố ông, nét mặt đăm chiêu bên chén nước chè pha lại không biết bao lần, nói với ông:

- Độ này về thì được lĩnh sáu trăm. Mày tính thế nào?

- Con tính về rồi lấy vốn, đi vào Nam mang hoa quả về đây bán, cũng lời lắm bố.

- Rồi sau này, mày tính vẫn làm thế đến khi bằng tuổi tao?

- Đúng rồi! Nhà ta khó nghèo mà chẳng có ai làm buôn bán. Mà buôn bán thì nhanh giàu, ông cứ để con làm, rồi nhà mình sẽ khá hơn.

Bố ông nhìn con, rồi lại nhìn ngôi nhà vá chằng vá đụp, nửa xây gạch, nửa dựng bằng rơm, nhìn cả bức ảnh ông Khang mới độ hai mươi, trong bộ quân phục xanh, cùng những tấm bằng khen, tất cả, như một chứng tích cuối cùng, ông nói:

- Đã vào được trong ngành đấy, thì đúng ra phải cố bám lấy, về già, mày dựa vào Nhà nước, có lương hưu thì chẳng phải lo nghĩ gì. Đấy là tao nói vậy, nghe tao thì nên người, không thì tao cũng đành chịu.

Thế là ông đã không nghe lời bố mình.

Bộ quân phục, từ chiếc áo xanh dày cứng cáp đến đôi giày đen bóng loáng, đều một vẻ danh dự, tự hào đã bị xếp xó vào gọn trong chiếc hòm thiếc cạnh kho thóc. Ông Khang bỏ ra số tiền lớn thuê một chiếc xe tải vào Nam lấy mít. Từng đợt hàng, những ngày ra đi triền miên nặng nhọc, nhưng mang cả đầy ắp hy vọng của ông. Ông Khang ngày ấy đâu chỉ mơ về những xe hàng đầy ắp hoa quả, ông còn mơ về ngôi nhà ba tầng, nơi ấy ông nói sẽ xây ở khu đất cạnh sông Cồm mà bố cho, to nhất xã, không, có khi là nhất tỉnh luôn. Ông sẽ giàu, sẽ khiến bố ông tự hào, cụ sẽ ngồi chơi cờ, hay đi uống nước chè nhà hàng xóm, cũng sẽ nhắc đến người con trai tên Khang. Con ông dù không làm trong công an, cũng đầy dư giả và cho ông cả khối tiền tiêu hàng tháng. Giấc mơ ấy theo ông suốt những tháng ngày rong ruổi bươn chải, nó giúp ông tiến đi xa hơn nơi ông sinh ra, nhưng bây giờ, và cả khi định mệnh ấy, nó lại là thứ gánh nặng khủng khiếp, đay nghiến, dày xéo tâm can ông có khi đến chết mới buông.

Vào lần tiếp theo xe tiến vào Nam trở về, hoa quả bỗng trở thành thứ mặt hàng phổ biến, người dân nơi này chẳng còn chuộng thứ mít Nam, họ chỉ thích thứ quả rẻ, vì chẳng còn tiền, và là mít trồng ở xó nào cũng được. Ông Khang cố gắng gượng được thêm vài tháng, nhưng rồi sức cùng của kiệt, sợ rằng đến đổ đi cả mảnh đất bên sông Cồm, ông đành bảo anh thợ lái xe đi tìm tạm công việc khác, ông sẽ lo phần còn lại cho xong.

Buổi chiều hè vào một ngày nào đó trong quá khứ, ông Khang, đứng cạnh bờ sông Hồng, để mặc cái nắng gắt gay chói chang chiếu lên da thịt, nhìn cả vựa hoa quả đang thối rữa trải đầy bờ sông, chính tay ông đem bỏ hết đi, trả xe cho người ta. Mít cứ thế như từng tảng đá nặng nề, ông bê lên, quẳng thật mạnh xuống như vứt đi món nợ đời và cả sự ngu dốt mình đã lựa chọn. Nhưng ném làm sao mà hết. Ông ném cả xuống sông cái ngôi nhà ba tầng mình hằng mong ước, ông ném cả cái tự hào, ném đến độ bịt kín hết con đường trở về nhà của mình. Ông Khang, lầm lũi quay về khu đất của sông Cồm, dựng lên một ngôi nhà tạm bợ bằng số tiền ít ỏi sót lại, sống cho tới tận bây giờ. Ông để cỏ ở lối vào nhà cao qua đầu gối, vì ông ngượng, ông mong bố, hay anh chị em, hay cả những con người xa lạ hãy đừng đến gần nơi đây, vì ông chẳng thể nhìn lại họ thêm lần nào nữa.

Sau thời gian ấy, chẳng ai bảo nhau, nhưng nhà ông Khang chẳng còn cái Tết hay ngày giỗ nào về nhà bố mẹ. Và dù bố ông biết ông đã về bên bờ sông Cồm, bố ông cũng chẳng khi nào tới, cũng cấm tiệt mọi người tới. Không được tới, không được nhắc đến tên "Khang", bố ông đã chối bỏ ông ra khỏi sự hiện diện của gia đình.

Giờ con ông cũng đang khao khát được đi, đi xa khỏi cái hố sâu vùi cuộc đời tương lai chúng nó. Ông làm sao cản nổi, nhưng ngộ nhỡ nó cũng như mình, thì sao? Nhưng chẳng có thời gian cho ông nghĩ ngợi, thoáng một chốc chỉ vài ngày sau, ngôi nhà ấy đã rộng rãi hơn, đồ đạc cũng thưa hơn. Vợ chồng anh Trâu đã đi vào một ngày mưa, đi chiếc xe khách lúc tờ mờ sáng, để lại cho nhà chút tiền như một lời từ biệt. Ông Khang nhìn những tờ tiền ấy, mà chẳng biết nên nghĩ hay nói gì cho thỏa lòng. Cuộc đời ông sao mà tàn tạ quá, học ít, chẳng làm gì nhiều nhặn, không biết nói gì cho các con, đành để chúng tự sinh tự diệt. Ông muốn khóc, nhưng khóc làm gì vì có ai nghe đâu? Trong cái khoảnh khắc như vòng lặp thời gian ấy, ông hiểu bố mình biết nhường nào.

Thoáng chốc đã mấy mùa trôi qua, đàn vịt nhà ông Khang cũng đã bắt đầu có thể bán kiếm chút lời, ông định bụng để dành lấy một đôi béo tốt, chờ vợ chồng anh Trâu về ăn Tết thì nấu vài món đãi chúng nó. Suốt những năm nơi đất khách quê người chẳng dễ dàng gì. Đang loay hoay kiếm sợi dây buộc chân vịt để đánh dấu, ông Bình từ ngoài xa chạy hì hục tới, sấn ngay lại ông mà hỏi:

- Bác Khang, thằng Trâu nó có điện về cho bác gì không?

Ông Khang hơi ngạc nhiên:

- Bác Bình? Sao chạy từ trong làng ra tận đây? Mà thằng Trâu à? Tôi có cái…à, điện thoại điện thủng gì đâu mà nó điện? Lâu lâu có gửi tiền về với thư thôi.

- Thế tháng này nó gửi về chưa?

- Chưa, tháng rưỡi rồi.

- Chết rồi bác ơi, mấy hôm trước em có nghe thằng con em đi cùng nó vào đấy, bảo là kinh doanh trục trặc lỗ nhiều, nó vừa phải gán con xe máy cà tàng mới sắm. Rồi tiền hàng nợ thì lãi mẹ đẻ lãi con, giờ chủ nợ đang tìm, mà còn nghe phong phanh, vợ nó bỏ về quê rồi.

Ông Khang sững người, thả sợi dây dài trong tay, miệng ông mấp máy:

- Bác… bác… bác làm sao cho tôi gặp nó tí.

- Đây, em điện lại lần nữa xem sao. Mà bác xem sắm lấy cái thi thoảng còn điện. Nhà ở xa thế này thì lúc cần biết nhờ ai. Khổ thân nó, xoay sở vừa trả xong tiền vốn cho em, mà giờ,...

Tiếng điện thoại ngân dài dằng dẵng trong buổi chiều hôm ấy. Không ai bắt máy. Ông Khang bất lực, lê từng bước nặng nề đi dọc quanh ngôi nhà mình, nhìn từng hàng cây, từng miếng đất. Vắng tanh, buồn thiu, cô quạnh, từng đợt cỏ cao nghều ngăn cách mà ông xây nên, giờ trông sao mà ngột ngạt, bí bách. Ông định khóc, nhưng rồi lại thôi, chỉ hận cái nghèo sao mà khốn nạn. Ông giận đời, sao những kẻ giàu cứ giàu mãi, dù thực tình chúng chẳng cố gắng là bao. Còn ông, con ông, cả những con người như ông sao mà càng gắng vùng vẫy bao nhiêu, cái nghèo lại càng trói chặt thêm họ, nó di căn, nó tàn phá người ta với cả những ước mơ tốt đẹp. Ông thấy mình bất lực, nghèo đến độ buồn mà chẳng dám buồn, vì nghèo. Muốn giúp con nhưng chẳng giúp được, vì chẳng còn biết con ở đâu và, vì nghèo. Không, không thể để cái nghèo đeo bám theo nữa, không, đã quá đủ rồi!

Mấy ngày sau, khi những cánh đồng đã dần thay màu vàng óng ả, người ta vẫn sớm đi tối về, vẫn từng đợt máy gặt, tiếng tranh phần nhau như mọi năm, vẫn ra bờ sông Cồm ngồi hóng mát, bắt tôm, bắt cá. Nhưng từ mùa gặt năm nay thì khác. Sẽ chẳng còn ai khen ngôi nhà nào đó cạnh bờ sông sao mà mát mẻ, đón gió trời sướng đến thế. Cũng chẳng còn ai đến nhờ ngôi nhà ấy một hớp nước. Giờ ngôi nhà ấy đã bỏ hoang, lạnh tanh mùi rêu mốc đến ghê người vì chẳng còn ai ở, họ chẳng biết nhà ông Khang đã đi đâu, vì sao lại đi. Chỉ biết rằng trên xóm Thượng, có bác Bình một sáng nọ thấy ba, bốn con người dìu dắt nhau đi trong màn sương mờ sớm, ra ngoài quốc lộ, đón chuyến xe sớm nhất đi đâu đó mà chẳng còn ai trở về.

© Winzo Oric - blogradio.vn

Mời xem thêm chương trình:

Cạm Bẫy Tình Yêu | Blog Radio 870

Winzo Oric

Sống, sau đó viết.

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Mười sáu - Ba sáu tuổi

Tôi đúng là một cô ngốc. Làm gì có đứa con trai nào dành cả thanh xuân bên cạnh tôi mà không có tình cảm. Và từ đó, chúng tôi chính thức yêu nhau.

Hành trình đi đến tự do

Hành trình đi đến tự do

“Dám bị ghét” không bênh vực cho tôi, không đứng về phía tôi, ngược lại, nó giải thích một cách hợp lý tất cả nguyên nhân khiến tôi chọn sống một cuộc đời tệ bạc như vậy.

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Hãy trao yêu thương khi còn có thể

Tôi nhận ra từ trước giờ tôi luôn mong người khác phải hiểu và thông cảm cho tôi mà tôi quên đi rằng tôi chưa đặt mình vào vị trí của bất cứ ai để hiểu cho họ.

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

3 năm tới, có 5 con giáp vận may ập tới, tài lộc thăng hoa

Trong tương lai, 3 năm tới hứa hẹn sẽ là quãng thời gian vô cùng rực rỡ và thịnh vượng cho 5 con giáp may mắn dưới đây.

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em

Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.

Lá thư gửi đến thiên đường

Lá thư gửi đến thiên đường

Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.

Đắng cay

Đắng cay

Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi

Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.

Đơn phương yêu một người

Đơn phương yêu một người

Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?

Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?

back to top