Hồi ký mắt biển lặng
2023-12-16 05:25
Tác giả:
blogradio.vn - Tôi biết sẽ có những nỗi buồn riêng, nhưng chúng chẳng kéo ta xuống tận cùng của tuyệt vọng đâu, vì sau đó, tôi đã gặp lại một cô Oanh rất khác!
***
Có lần tôi tâm sự với một người bạn rằng, dù tôi yêu quý và trân trọng những người phụ nữ, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ muốn trở thành họ. Vì sao ư? Có lẽ vì tôi thấy được họ đã gánh chịu lên cuộc đời mình quá nhiều sự đau đớn. Cả cô Oanh cũng vậy.
Những ngày còn là một đứa nhóc học mẫu giáo, tôi hay cùng mẹ chiều chiều sang nhà cô Oanh chơi. Nhà cô cách nhà tôi chừng năm căn nhà nhỏ và một con mương. Cô là thợ may. Một thú vui trẻ con của tôi hồi đó là được vùi mình vào đống quần áo đầy ắp, ngửi mùi của bàn ủi nóng hổi di trên mặt vải, lục tìm vỏ những cuộn chỉ nhỏ có in hình gấu trúc để xếp hình, hay lấy phấn vải hồng vẽ hình những bông hoa năm cánh ra bàn may.
Ký ức đã chẳng còn nhiều vào giờ phút tôi viết những dòng này, chắc đâu đó chỉ còn lại hình ảnh một người đàn bà thật xinh đẹp. Một nét xinh dân dã của miền quê nhưng không hề đại trà, chẳng hề biết đến những phấn, những son. Khuôn mặt khiến người ta chỉ nghĩ đến một người đàn bà giàu có, an nhàn chứ không phải là một thợ may lam lũ. Còn thêm chiếc máy may đời cũ màu đen rỉ sét, từng bước chân cô giậm là một hàng dài những âm thanh êm ái, dịu dàng, cứ thế vụt qua tâm trí bé nhỏ, khiến tôi chú tâm lắng nghe hàng giờ liền.
Thế rồi bẵng đi một thời gian, tôi đã từng quên hẳn người phụ nữ ấy. Nói là do cô chẳng phải người thân của tôi thì cũng đúng. Mãi đến hơn mười năm sau, khi tôi đang luyện thi vào cấp ba, tôi mới được mẹ kể cho nghe về tình cảnh của cô hiện giờ. Thì ra đời người thay đổi chóng vánh đến vậy!
Vài năm nay, chồng cô đã mắc một chứng bệnh di truyền, có ảnh hưởng nặng đến não, không còn làm chủ được hành vi, đến mức cô phải xích chồng lại một góc giường, rồi hàng ngày đút ăn, dọn vệ sinh tại chỗ cho chồng. Bệnh giờ thì chẳng thể nào chạy chữa nổi.
Tôi cũng từng thấy cánh cửa nhà cô được khép kín, làm lại bằng tôn. Chẳng còn tiếng máy may đều nhịp mỗi chiều. Hóa ra con người ta có thể thay đổi nhanh đến vậy. Người ta nói ngày xưa cô được sống thoải mái bao nhiêu thì giờ đây lại vất vả bấy nhiêu. Cô giờ phải đi làm thêm một công việc khác trên thành phố, về nhà khi mọi người đã ăn xong bữa. Hai người con thì mỗi trưa đi học về lại đến nhà ông bà ngoại ăn cơm, rồi người anh cả mang cơm về đút cho bố ăn. Tôi cũng từng gặp con lớn của cô. Một dáng vẻ lầm lì, lạnh lùng, chỉ thoáng qua cũng thấy được nỗi buồn sâu kín của một đứa trẻ thiệt thòi dù em chẳng nói lời nào.
Năm ngoái, chồng cô mất. Đám tang nhỏ bé với vài người nhà, có mẹ tôi nữa. Chẳng biết có phải tôi có ý nghĩ sai trái gì không, nhưng tôi thấy sự ra đi ấy không có gì là đau khổ cả, mà có khi là bắt đầu cho một sự giải thoát nhẹ nhàng hơn. Có ai cười nổi khi sống một cuộc đời dài dằng với một căn bệnh tai quái hành hạ, có ai mà không đau đớn khi cuộc đời này quá nhiều nghịch cảnh và những gánh nặng cần lo toan? Tôi biết sẽ có những nỗi buồn riêng, nhưng chúng chẳng kéo ta xuống tận cùng của tuyệt vọng đâu, vì sau đó, tôi đã gặp lại một cô Oanh rất khác!
Biết cuộc sống của cô chẳng dễ dàng gì từ khi chồng cô mắc bệnh, mẹ tôi thi thoảng lại mang vài bộ quần áo sang nhờ cô, khi thì là, sửa kích thước, đi lại chỉ,... Cứ hết một năm mẹ lại đem sách giáo khoa của tôi cho các em nhà cô. Có buổi chiều nọ, khi tôi và mẹ đi chợ chiều về, tiện ghé qua nhà cô lấy bộ quần đem sửa, tôi mới nhận ra cô đã mở toang cửa nhà ra hết rồi. Căn nhà vẫn như xưa nhưng thoáng hơn vì khoảng sân trước giờ làm nơi cô may vá, mở thông ra cả đoạn đường làng tấp nập. Tôi nhìn cô, trời, đã bao lâu rồi nhỉ? Tôi ngỡ ngàng khi nhận ra rõ rệt, nét trẻ trung ấy vẫn y như những năm tháng tôi còn bé con. Vẫn mái tóc dài mượt búi lên sau đầu, vẫn nụ cười nhẹ nhàng, e thẹn ấy. Mà khoan, hình như có một thứ đã thay đổi đi, nói đúng hơn là mất đi, đó là “đôi mắt của ngày xưa”.
Mọi người xung quanh nói tôi có thể hiểu, cảm thông cho người khác, chắc do tôi đọc hay học nhiều sách với kiến thức tâm lý lắm. Nhưng nào có phải đâu, muốn biết tâm trạng, nội tâm con người đó thế nào, nhất là những người phụ nữ, chỉ cần nhìn vào mắt họ là biết thôi! Mắt có nói dối bao giờ? Tất nhiên không phải ai cũng có đủ tinh tế để làm điều ấy, nhất là với xã hội ngày nay, khi tình cảm, cảm xúc cứ dần dần rơi rớt, bị giẫm đạp lên bởi mọi thứ bon chen, bởi những thứ công nghệ bắt con người ta sống nhanh như tên lửa. Nhưng may thay, tôi cảm ơn ông Trời đã để lại cho tôi một trái tim còn nóng hổi và chút phần tinh tế. Bởi thế dù chẳng tiếp xúc với cô Oanh một thời gian khá lâu, tôi vẫn thấy mình như quặn thắt lại khi nhìn vào đôi mắt cô. Những ngày tôi còn bé, ánh mắt ấy là ánh mắt nhẹ nhàng, dịu dàng, an yên của người đàn bà hạnh phúc. Dù cuộc sống không hẳn là dư dả, nhưng ta sẽ thấy mọi sự với cô ấy là sự đủ đầy, là nỗi niềm vui nhỏ bé của người con gái lấy chồng ở độ xuân xanh căng tràn hy vọng. Giờ đây, ánh mắt ấy vẫn phảng phất chút niềm vui khi nghe tôi chào hỏi, nhưng nó buồn quá độ. Nỗi buồn của những hàng nước mắt đã từng lăn tăn, của niềm tủi thân khi một mình thân thể bé nhỏ ấy phải cáng đáng biết bao chuyện. Là cái buồn của sự chấp nhận, chấp nhận phận mình thôi chỉ được hạnh phúc ngắn ngủi thế thôi, còn lại, nếu là đau khổ cũng đành chấp nhận. Đôi mắt ấy đã bình an, như những con sóng đã qua bao phong ba bão táp, biết rằng đời rồi sẽ bình yên, như biển xanh ngày mai rồi sẽ lặng!
© Tác giả ẩn danh - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Nỗ Lực Hơn Vì Người Ta Yêu, Vì Nơi Ta Muốn Đến | Radio Tâm Sự
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Tương tư
Ơ kìa em sao nỡ để tình anh Chưa bước tới đã muôn phần lận đận Sao chỉ mới nhìn thôi em đã giận Và tiếng yêu thôi em chẳng nhận lời
Lời má dạy trên mảnh đất Miền Tây chất phác
Ở vùng quê này, người ta sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa. Họ có thể không giàu có về vật chất, nhưng lòng họ luôn đầy ắp sự chân thành và nghĩa tình. Má dạy con rằng, dù sau này có đi xa, có thành đạt, con vẫn phải giữ lấy tấm lòng chân chất đó.
Hồi tưởng về tuổi thơ tôi
Đôi khi tôi tự hỏi bản thân sao giờ lại bỏ mặc người bạn thiên nhiên gắn bó thân thiết thuở nhỏ của mình, từ những cơn mưa rào rạt rơi lộp bộp trên mái tôn làm mát dịu bầu không khí tới những tán lá râm mát đã che chở tôi khỏi cái nắng tháng 6 oi ả.
Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép
Tình yêu giữa hai người giống như mảnh ghép, để ghép được thì cả hai mảnh đó phải hợp nhau chứ không phải giống nhau. Và muốn tìm được cái hợp nhau thì rất khó, muốn ghép lại được với nhau thì cần phải có thời gian.
Ba ơi ba đâu rồi?
Ba mẹ của anh chị tin anh chị đấy, rất mực vững chãi nữa đấy nhưng thời hạn để thực hiện lời hứa của anh chị là bao lâu vậy? Là một năm? Là năm năm? Hay cả cuộc đời để tranh giành những thứ của cải vật chất phù hoa kia...
Hối tiếc
Giọt lệ rơi trên má, ướt nhòe gương mặt, Nỗi niềm hối tiếc, đắng cay chẳng vơi. Thời gian trôi qua, như giấc mộng xa vời, Để lại bao tiếc nuối, trong lòng bồi hồi.
Lối ra trong sương mù
Những buổi sáng bên bờ biển, nơi tôi có thể chạy nhảy và vui đùa cùng những đứa bạn nhỏ trong xóm, là những lúc tôi cảm thấy như được sống trong một thế giới khác, một thế giới không bị ảnh hưởng bởi những cơn bão tố trong gia đình.
Ngày yên…
Mặc cho gió thổi bay làn tóc rối, chúng thủ thỉ thù thì với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nói cho nhau nghe những điều sâu kín. Người ta nói tuổi học trò là tuổi mộng tuổi mơ đâu có sai tí tẹo nào.
Thay đổi - sự thú vị của thanh xuân
Sự thay đổi vốn dĩ luôn diễn ra trong từng phút, từng giây của cuộc đời mỗi người. Nhưng có lẽ nó chỉ thú vị và đáng yêu nhất ở năm tháng thanh xuân.
Con nợ ba
Bởi lẽ, ba muốn được nhìn thấy mẹ và con lần cuối. Con cũng không hiểu sao lúc đó con chẳng thể suy nghĩ và làm gì. Mọi thứ đến với con quá đột ngột.