Nhớ lắm những phiên chợ cũ
2017-08-18 01:14
Tác giả:

Những năm chín mươi thế kỉ trước chợ quê luôn là một phần kí ức trong tuổi thơ của những đứa trẻ sinh cùng thời như tôi.
Ở nông thôn, thường thì vài làng sẽ có một cái chợ. Ở đâu có người thì ở đó có chợ. Người thưa thì chợ xa mà người đông thì chợ gần. Thủa trước chợ thường họp ở ngã ba, ngã tư, đường lớn hay những bến sông để tiện buôn bán. Ở quê cứ nhắc đến chợ là nhắc đến sự sung túc, háo hức bởi một tháng chợ chỉ họp vài lần. Mỗi lần đến phiên chợ có rất nhiều thứ để mua bán, nhiều hàng quà vặt và trong kí ức tuổi thơ tôi, mỗi lần được mẹ hay bà ngoại tôi bảo cho đi chợ là tôi sung sướng lắm bởi tôi sẽ được mua cho bánh rán, được ăn bánh chưng hay những thứ quà bánh khác mà mình thích. Hoặc chỉ cần những hôm nào mẹ tôi đi chợ là tôi háo hức chờ đợi. Chờ để được xem hôm nay mẹ sẽ mua gì, chờ để được khám cái làn của mẹ tôi sau phiên chợ có nặng không, chờ để xem bá tôi có gửi gì cho anh em tôi không. Ở đời, đôi khi người ta sống tốt bởi những hi vọng mong manh, những niềm vui rất đỗi bình thường và nhỏ bé đó.
Chợ làng tôi gọi là chợ Xanh. Tên chợ Xanh là vì nó nằm ở rìa làng Xanh cũ, trên khu đền cũ của làng Xanh ngày bấy giờ. Sau này chợ chuyển xuống chỗ khác cách đó một đoạn nên người ta cũng ít khi còn gọi nó là chợ Xanh nữa… Ngày đó mấy làng chung một cái chợ, ngày thường cũng họp nhưng ít đồ, chỉ bán những mớ rau con cá hay cân thịt là nhiều. Đông vui nhất là những ngày rằm hay mùng năm. Những ngày đó gọi là chợ phiên, người ta bán đủ thứ từ kim chỉ, dao cuốc, bánh đúc bún riêu và rất nhiều thứ nữa. Những hôm phiên chợ, chợ họp từ rất sớm cho đến trưa, tập nập người mua kẻ bán không ngớt. Tôi còn nhớ ngày đó bánh đúc hay bún riêu cua chỉ có 500 đồng một bát đầy, ăn là no. Những thứ quà vặt như bán rán, bán rợm hay bánh gio rất rẻ. Chỉ với 1000 đồng là những đứa trẻ con như tôi có thể mua được rất nhiều thứ ăn vặt.
Bá tôi bán đậu phụ ở chợ Xanh này đến nay cũng chừng ba mươi năm có chẵn. Nhà bá tôi ở bên hông chợ. Thủa bé, vì bá tôi muộn con nên tôi hay được đón lên đó ở dài ngày. Mỗi buổi sáng đi chợ bán đậu là tôi được cho đi theo.

Xong nhiệm vụ đi chợ, thì tôi sẽ đến cái trường học cũ, nằm ở mãi góc núi, gần hang Ma mà sau này có dịp tôi sẽ kể sau. Đến trưa sau khi tan học, tôi lại ngược về chợ Xanh để lấy những gì bá tôi đã mua giúp và tiền thừa còn lại để mang về cho mẹ.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với cái chợ này theo những mùa mưa nắng và cả món bánh đúc lạc mà bố tôi vẫn thích ăn. Do chợ xưa hay họp vào những ngày mùng năm, mười, rằm nên hay trùng với lịch con nước. Cứ đến mùa con nước vào là bố tôi thường hay đi mò tôm ở sông Kinh Thầy để mẹ tôi mang ra chợ bán. Ngày đó bố tôi rất thích ăn bánh đúc nhân lạc chấm mắm. Người ta nấu bánh đúc với lạc nhân, rồi đổ ra bát để nguội. Khi ăn bẻ từng miếng chấm với nước mắm. Tôi thì không thích bánh đúc cho lắm bởi cái vị nước vôi nồng nồng nhưng mỗi lần bố tôi ăn là tôi đều ngồi cạnh để móc những hạt lạc lẫn trong những miếng bánh đúc đã được cắt.
Những năm sau này, chợ được chuyển xuống cách chợ cũ mấy chục mét và ngày càng đông đúc hơn. Người ta cũng chẳng mấy khi phân biệt chợ phiên hay không phiên vì nhu cầu mua bán ngày càng nhiều. Lúc này, vườn vải nhà tôi cũng bắt đầu cho nhiều trái. Cứ đến mùa là tôi lại mang na, vải ra chợ bán, ngồi ngay cạnh hàng đậu phụ của bá tôi. Nhiều người thường bảo tôi ghê gớm, đáo để, có lẽ bởi tuổi thơ dữ dội gắn liền với những buổi chợ phiên này chăng.
Vì chợ chính người ta chỉ buôn bán đến trưa, nên những thứ thừa hay chưa bán hết người người ta hay bán ở chợ chiều. Gọi là chợ chiều vì chợ bán vào buổi chiều, ở những gốc cây đa hay cây bàng to và cũng chỉ bán mớ rau con cá của những người nông dân đi làm đồng về bắt được. Ở đó chỉ thấp thoáng cảnh những người nông dân lam lũ vất vả, đang mưu sinh bằng những thứ kiếm được từ đồng ruộng. Góc chợ về chiều luôn đẹp nhất. Ánh hoàng hôn chiếu lãng đãng, những vệt nắng in lên những vai áo sờn bạc thời gian, những đôi quang gánh trên đôi vai gầy xiêu vẹo của những người mẹ lam lũ vất vả. Chợ in dáng liêu xiêu của người làm đồng tất tả, quần xắn ống thấp, ống cao. In cả vành nón xỉn màu đất nâu. Tụi trẻ con hùa nhau ra chợ chơi lò cò, nhảy dây, cười rôm rả.
Ba mươi năm trôi qua, đời người tựa như một thoáng mây. Chợ Xanh cũ giờ đã thành chùa. Cây đa ở cổng chợ cũ bằng với số tuổi chị tôi. Chợ mới thì cũng tập nập hơn trước rất nhiều, bá tôi sau bao năm vẫn ngồi bán đậu ở góc chợ đó nhưng những bát bánh đúc nhân lạc thì dường như đã mất dấu theo bóng thời gian.
© Cá Kho – blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm

Gửi người con gái ngoan ngoãn, hiểu chuyện
Mình cũng là phụ nữ và mình chính là người phụ nữ ngoan ngoãn, hiểu chuyện, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, sống tiết kiệm, không son không phấn, biết nghe lời,… Thực ra, bản chất của mình không như vậy, nhưng mình được dạy dỗ như vậy, và dần dần mình đang trở thành người phụ nữ như vậy.

Ai cũng có ước mơ của riêng mình
Cứ sống, cống hiến thật nhiều, khi bản thân vui vẻ, mang trong mình phiên bản tốt nhất cũng thì mình cũng đang dần hoàn thành ước mơ của mình.

Tháng sinh Âm lịch của những người quyền quý
Người sinh những tháng Âm lịch này đặc biệt may mắn và có sự nghiệp thành công.

Ước mơ của mẹ
Mặc dù, tôi chỉ là đứa trẻ chưa trưởng thành, cũng muốn được yêu thương và ba mẹ quan tâm như vậy, nhưng rồi tôi hiểu được mỗi người có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Dẫu sao, anh em tôi vẫn còn có mẹ dù cuộc sống có khổ cực nhưng chưa bao giờ anh em tôi phải nhịn đói ngày nào.

Món ăn của mẹ
Có một lần, chú chạy ngang qua nhà mình, khi ấy chỉ có một mình con ngồi thẫn thờ. Chú hỏi con là mẹ đi đâu rồi, hôm nay hai mẹ con không ăn đá bào nữa hay sao. Con chỉ biết im lặng, hướng ánh nhìn của mình vào trong nhà, ngay phía bàn thờ mẹ.

Giông bão đi qua, hạnh phúc lại về
"Nếu duyên đến, cứ thuận theo tự nhiên," nó thầm nghĩ. Và rồi, sau sáu tháng yêu nhau, cả hai quyết định nắm tay nhau bước vào hôn nhân.

Thời cơ trong cuộc sống
Cuộc sống luôn trao cơ hội đồng đều cho mỗi người, thế nhưng, có mấy ai biết nắm bắt cơ hội đúng lúc, đúng thời điểm. Có câu: “Người thành công luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn. Kẻ thất bại luôn thấy khó khăn trong mọi cơ hội”.

Ánh nắng mùa đông (Phần 3)
Cô chưa quên được người cũ, nếu cho anh cơ hội thì đây cũng sẽ là cơ hội khiến anh bị tổn thương. Cô chẳng muốn đi vì lòng cô có anh nhưng lại sợ quá muộn để bắt đầu, lỡ như anh thương người khác rồi thì sao?

Hương lửa
Đã đi hết những con đường phố thị, đi cuối một mảnh đời nhiều lênh đênh, vấp váp mới nhận ra mùa ấu thơ nông nổi chân trần chạy đường quê mới chân thực là bình yên hạnh phúc.

Khuyên chân thành: Người bình thường làm 7 điều này để "tiền đẻ ra tiền" mỗi ngày
Tất cả bắt đầu từ những thay đổi nhỏ: kiên trì, kỷ luật, khỏe mạnh, tự tin, khôn ngoan và độc lập.