Phát thanh xúc cảm của bạn !

Ngoại thương

2023-01-26 01:10

Tác giả: Yên Vũ


blogradio.vn - Chiều hè nóng như lửa đốt, ngoại nằm lại mãi mãi nơi lòng đất khô cằn. Gió nồm nam tạt qua khiến mũi tôi như nghẹt thở, mặt trời đun chín những giọt nước mắt còn đọng lại trên khóe mắt tôi. Rất nhiều năm về sau khi nhớ lại nụ cười của ngoại trước khi mất, tôi mới hiểu người đã dành đến hơi thở cuối cùng để đợi mẹ tôi về.

***

Nắng chiều xuyên qua những tầng cây um tùm, đổ một sắc đỏ rực xuống khoảng sân trước hiên nhà vắng lặng. Con mèo lông xám mắt lim dim nhìn đôi bướm nhỏ lượn quanh giàn mướp, buồn thiu co tròn nơi đống lá khô xào xạc. 

Ngoại cầm cái chổi nan khua khua đuổi mấy con gà khỏi vườn rau cải đang độ tươi non, gà chạy quanh quất một hồi mới chịu vào chuồng yên giấc. Gió cuối Thu ôm cái lạnh mơn man, đùa vui với khoảng trời cao rộng rồi đung đưa những cánh tay mảnh của ngọn mùng tơi cuối vườn, âu yếm đậu trên đôi bàn tay nhăn nheo của ngoại.

Tháng Tám về đem theo vị hanh gầy của nắng, mơ màng phủ lấy gian nhà ngói đã bạc màu. Ngoại ngồi trên cái chõng tre kêu kẽo kẹt, vừa nhìn mảnh vườn vừa thủ thỉ chuyện về mẹ năm xưa.

Cả cuộc đời của ngoại chỉ có mẹ tôi là con, mình tôi là cháu. Mẹ tôi tha hương rồi lấy chồng xa xứ, chỉ còn lại ngoại lùi lũi một mình ở quê nghèo với hàng xóm láng giềng. Ông tôi mất sớm, tôi vừa ra đời thì ba mẹ ly hôn rồi mỗi người mỗi phương trời riêng biệt. Ngoại thương chẳng đủ nên đón tôi về chăm sóc, lần thứ hai trong đời ngoại trở thành bà mẹ đơn thân.

Tôi lớn lên bằng những luống rau ngoại trồng ngoài vườn, đàn gà mái chiều chiều đẻ trứng và cánh đồng lúa cạnh ao làng thấm đượm hương sen. Những lần mẹ tôi gửi tiền về muộn, ngoại lại dứt ruột bán đi đàn gà còn chưa lớn vừa nộp học phí vừa mua cho tôi vài ba quyển vở. 

ba_1a

Có chập Đông về khiến sương muối trùm lên cả vườn rau, hai bà cháu chẳng đủ tiền mà mua thịt mỡ, một quả trứng gà chia làm hai bữa sáng chiều. Những cọng rau tôi ăn đa phần đều héo úa hoặc đã lên vồng. Ngoại bảo rau non xanh bán mới được giá, tôi lại ít ăn nên đành chịu khó ít nhiều. Mỗi mùa lúa chín tôi lại cùng ngoại ra đồng cắt lúa, liềm cắt sát gốc để còn có rơm rạ về đun.

Năm 18 tuổi, tôi lên thành phố theo học đại học, ngoại lại một mình nơi mái nhà hiu hắt. Gánh rau của ngoại vẫn ngày ngày đung đưa theo nhịp ra phiên chợ từ sớm, mãi tới trưa muộn mới quẩy gánh về nhà. Những luống rau của ngoại đã hằn in trong tôi từ ngày nhỏ dại, nơi đất khách quê người rau non nhưng lại lạ lẫm, không quen. Tôi nhớ những mớ rau phải vẩy nước hồi lâu mới tươi tỉnh lại, nhớ cái vị đăng đắng của cải đã đơm hoa. Bạn cùng phòng cười tôi rằng khổ quen rồi giờ sướng không chịu nổi, tôi thì vẫn mãi nhớ những tháng ngày cùng ngoại gánh nước tưới rau.

Tôi không hiểu thành phố có gì tốt mà năm xưa mẹ tôi ở mãi không về, chẳng thấu được vì sao nơi ngột ngạt như vậy mà người ta cứ chọn ở lại. Là vì tôi sống chưa quen, hay do những năm tháng bình yên kia đã ăn sâu trong tâm thức của cô bé chỉ mới chập chững vào đời? Còn mẹ tôi nữa, giờ đã rời xa nơi đây rồi, vậy sao không về lại quê nhà với ngoại mà vẫn biền biệt chẳng thấy bóng hình?

Cứ cuối tháng tôi lại xin nghỉ hai ngày ở chỗ làm thêm để về quê. Quê tôi không xa thành phố, cũng không còn nghèo khó như xưa, chỉ có ngoại tôi vẫn quen chắt chiu từng đồng rau dành dụm cho con cháu. Cuộc sống cơ cực đeo bám đời ngoại đằng đằng suốt bao năm, vậy mà tôi chưa từng thấy ngoại hờn trách điều gì ở tôi và mẹ. 

ba_21

Mỗi lần tôi về là mỗi lần ngoại đứng ở đầu ngõ chờ tôi, ra vườn hái một mớ rau xanh non ngọt nấu cho tôi ăn cho thỏa những ngày thèm khát vị quê nhà nơi xa xứ. Ngoại kể tôi nghe con gà mái già hôm nay lại không đẻ trứng, đem bán được mấy chục ngàn nên ngày mai tôi nhớ cầm đi. Cái áo nâu đã bạc màu theo năm tháng, chiếc quần đen khâu đi khâu lại bao lần. Ấy vậy mà những đồng tiền ngoại bán rau bán gà lại chẳng mảy may nghĩ tới việc mua lấy bộ đồ mới, dù cho tôi luôn bảo tiền làm thêm của tôi cũng đã đủ tiêu mà ngoại vẫn nhất quyết nhét vào ba lô tôi cho bằng được. Ngoại cứ nói mãi không ngừng, bảo rằng ngoại ở nhà còn có làng có xóm, đâu như tôi một mình ở cái mảnh đất phồn hoa. Ngoại lại nhắc về mẹ tôi những ngày mới lên thành phố, ngoại ở nhà chỉ có thể vừa thở than vừa lo lắng, không biết giờ này mẹ tôi đã được ăn cơm hay vẫn quần quật chạy bàn.

Những năm tháng cuối đời, chiều nào tôi cũng thấy ngoại ngồi trên chiếc chõng tre kẽo kẹt hết nhìn mảnh vườn lại nhìn về phía xa xăm. Đôi chân ngoại dường như chẳng còn nghe lời nữa, cái gậy bằng gỗ lim cũng chẳng đủ giúp ngoại đi lại quanh sân. Bàn tay ngoại run run đặt trên bàn tay tôi, nghe tôi bảo mẹ tôi không về được thì ngoại lại lẳng lặng thở dài. Công việc của tôi hiện giờ đã ổn định, đủ nuôi bản thân và nuôi ngoại nữa, nhưng vì sao mẹ tôi vẫn cứ đi mãi không về?

Ngày ngoại ra đi là ngày trời trong veo và nắng rực, những luống rau cải hoa nở tựa rừng. Mẹ tôi vứt cái va li to đùng ở ngoài sân, chạy vội vào buồng ngồi cạnh ngoại trên chiếc giường đơn cũ, nắm chặt lấy bàn tay nhăn nheo và lẩy bẩy của ngoại. Rồi ngoại nhắm chặt mắt lại, hai hàng nước mắt lăn trên gò má đầy những vết đồi mồi, miệng ngoại như khẽ nở một cười hạnh phúc, từ biệt hai mẹ con tôi và từ biệt thế gian.

Chiều hè nóng như lửa đốt, ngoại nằm lại mãi mãi nơi lòng đất khô cằn. Gió nồm nam tạt qua khiến mũi tôi như nghẹt thở, mặt trời đun chín những giọt nước mắt còn đọng lại trên khóe mắt tôi. Rất nhiều năm về sau khi nhớ lại nụ cười của ngoại trước khi mất, tôi mới hiểu người đã dành đến hơi thở cuối cùng để đợi mẹ tôi về.

© Phương Trâm (Sầu Đông) - blogradio.vn                  

Xem thêm: Tôi đã bật khóc vì lời nói dối của mẹ | Family Radio

Phản hồi của độc giả

Xem thêm

Ánh mắt của tôi không phải ánh ban mai

Ánh mắt của tôi không phải ánh ban mai

Và đó là lúc những trang nhật ký chẳng còn về những chú mèo hay một vài cây nấm nhỏ tôi thấy bên đường nữa, mà là đôi ba chiếc sticker kèm với cậu nhóc nhỏ ngủ gật đã đi vào từng đoạn ký ức mãi không quên của tôi.

Chỉ tôi mới giúp được chính mình

Chỉ tôi mới giúp được chính mình

Trong mỗi bước đi, tôi nhớ về những lúc ngã gục, nhưng cũng không bao giờ quên việc lấy lại đà và đứng dậy vững vàng.

Còn mẹ là còn nơi trở về

Còn mẹ là còn nơi trở về

Cuộc sống sẽ vẫn tiếp tục và quay tròn, và con cũng biết, rồi sẽ có một ngày mẹ già đi, hay thậm chí là con sẽ phải xa mẹ, không còn được ở gần mẹ nữa. Nhưng mẹ ơi, con sợ ngày đó sẽ xảy ra, sợ lắm.

Thu đợi em về

Thu đợi em về

Tàu đi mãi chẳng về ga Tàu đưa em về nơi sỏi đá Em xa ta đất đá phủ thân mình.

Sương à!

Sương à!

Hai Sương nằm trên giường, hai mắt sưng húp, cô khóc không dừng nổi. Cô thương thầm cậu ba từ tấm bé, cậu ba từng cứu mạng cô, cô đã thề quyết gả cho cậu. Nhớ đi nhớ lại, cô vẫn nhớ có mấy lần cậu ba quan tâm, chăm sóc cô dữ lắm mà.

Bà ơi, ở nơi đó bà có nhớ con không?

Bà ơi, ở nơi đó bà có nhớ con không?

Giá như thời gian quay lại để tôi có thể trải qua những ngày vui vẻ, hạnh phúc và dâng trào cảm xúc đó một lần nào nữa. "Bà trên thiên đàng có vui không? Bà ở đó có nhớ con không?".

Nếu là hạnh phúc, muộn một chút cũng không sao

Nếu là hạnh phúc, muộn một chút cũng không sao

Vì cuộc đời này vốn dĩ là những chuyến đi không ngừng nghỉ kia mà, tại mỗi ngã rẽ bạn dều có thể sẽ xa một người mãi mãi. Sau đó bạn có thể lại quen một người, có thể cùng bạn đi đến tận cuối con đường, một người có thể tình nguyện cầm cán ô che chở cho bạn dưới những cơn mưa.

Những chuyến xe

Những chuyến xe

Một chút ký ức ấy quý lắm, nhìn những tán cây xanh rờn, nhắm mắt lại, ông thích thú khi thấy mình lại quay về ngày xưa, ngày mà ông còn phơi phới niềm tin vào cuộc đời sẽ cho ông những điều no đủ, rằng quyết định rời ngành công an để lấy tiền vốn làm ăn sẽ đúng.

“Người nhạy cảm trong thế giới vô cảm” – lời an ủi đến những tâm hồn

“Người nhạy cảm trong thế giới vô cảm” – lời an ủi đến những tâm hồn

Những tâm hồn nhạy cảm có thể tự mình nở rộ như những bông hoa rực rỡ ngoài kia.

Anh trộm nhớ mùa thu

Anh trộm nhớ mùa thu

Anh trộm nhắc mùa thu Lại thấy thương những con đường lá đổ Hoa sữa ngọt vùi mình vào lòng phố Heo may ngập ngừng nhớ nhớ quên quên

back to top