Ngoại
2023-10-20 04:20
Tác giả:
blogradio.vn - Bấy giờ tôi mới hiểu, bà tôi vô cùng thương tôi, thương đến mức nhường chăn cho tôi mỗi đêm, thương đến mức giấu cô ba mua quà bánh cho tôi ăn. Thương đến mức mỗi ngày phải đi bào rau cho tôi có tiền học, thương đến mức có bao đồ ngon là nhường cho tôi, thương đến mức tôi chẳng thể thấu được.
***
Trong cái nắng gay gắt của thời tiết Sài Gòn, mấy ai mà không khỏi than thở một tiếng nóng bức. Lúc bé mặc kệ cái nắng to của trời mùa hạ lúc ban trưa, tôi cùng lũ em họ chạy khắp trong khu xóm nhỏ, cho dù trên người nhầy nhụa mồ hôi, cái áo thun mỏng dính chặt vào người, tóc tai từ bao giờ đã bết rít dính trên trán, tôi cùng lũ em vẫn tung hoành khắp ngõ ngách cái xóm nhỏ. Đến khi hàng xóm phàn nàn khiến bà ngoại tôi phải lên tiếng xin lỗi, lúc ấy cả bà lẫn cháu mới lọ mọ đi về nghỉ trưa.
Bố mẹ cho tôi học bán trú ở một trường cấp một gần nhà. Lúc tan học, khi nào bố tôi không đi làm sẽ đến đón tôi, đứng chờ ngay con hẻm thân thuộc cách trường tôi không quá 2m. Còn hôm nào bố tôi có công việc, một là người em họ mắc bệnh thần kinh lớn hơn tôi đến gần 10 tuổi, còn hai là bà ngoại đến đón tôi về. Sài Gòn với cái nắng thất thường, bà và tôi cùng người em họ tên Linh dắt tay nhau từ trường về đến nhà. Mọi người đi bộ chỉ cần 10 phút, nhưng bà cháu tôi cần hơn 15 phút hay thậm chí là 20 phút mới về tới nhà, không phải vì bà cháu tôi cà kê, lê la khắp nơi, mà do cái lưng của bà tôi đã còng đến mức tôi dù chỉ là học sinh lớp 1 vẫn cao hơn bà. Đi được một đoạn bà tôi sẽ dừng lại nghỉ mệt, thế mà bà tôi sáng sớm vẫn dậy đi chợ, vẫn nấu cơm, vẫn lo từng miếng cơm giấc ngủ cho những đứa cháu của mình.
Nhà ngoại tôi rất đông con cháu, nhưng phần lớn đều từ một tay bà tôi nuôi dưỡng, thế đấy mới thấy bà tôi quật cường và vĩ đại thế nào.
Tôi không biết tôi đã bắt đầu yêu bà từ khi nào? Phải chăng đến bây giờ nhớ lại lúc bà tôi cùng lũ cháu còn dắt nhau đi chợ, nó nằng nặc đòi bà mua búp bê, bà nuông chiều mà chắt chiu số tiền ít ỏi mua cho tụi nó tổng cộng cả thảy 4 con búp bê xinh xinh, mặc váy hồng. Hay là khi bà đã lớn tuổi vẫn thức khuya dậy sớm chỉ vì lo cho con cháu của mình, hay vì bà mỗi đêm dù trời nóng hầm hập hay mưa xối xả bà cũng chỉ thu lu nằm trong góc bếp với cái gối nhét vải và cái chăn mềm. Tôi cũng chẳng nhớ là từ bao giờ tôi bắt đầu yêu bà nhiều như thế.
Từ khi sinh ra đến khi lớn lên thế hệ mẹ tôi đã rất khổ, đến khi các dì và cậu tôi lớn lên, cuộc sống bà tôi tưởng chừng vơi đi bớt nỗi nhọc, thì phải đến phần chăm lo cho thế hệ con cháu. Tôi còn nhớ năm ấy, là năm tôi học lớp 3, sau bao sự đắn đo suy nghĩ, bố mẹ quyết định lên thành phố làm việc bỏ lại tôi ở đây cho bà chăm sóc. Tôi chẳng biết gì cho đến cái ngày bố mẹ tôi ra bến xe, lúc ấy tôi gào khóc dữ dội muốn đi theo, cảm giác lẻ loi cô đơn bao chùm. Bà ngoại phía sau chỉ đứng giữ tôi lại rồi nói vài câu an ủi “bố mẹ đi rồi lại về thăm con mà”, chất giọng ấm áp mà yếu ớt của bà hôm nay chất chứa thêm phần nghẹn ngào, nó day dứt và đau đớn như chính cái cách hai bà cháu tôi ở lại. Lúc ấy tôi thấy mắt bà long lanh nhưng chẳng thấy giọt nước mắt nào rơi xuống, chỉ thấy đôi vai gầy gò run lên từng đợt rồi lại kiềm nén. Sau ngày ấy tôi ở với bà, những ngày đầu còn chưa quen đêm nào trước khi đi ngủ tôi cũng khóc đòi mẹ, thế nhưng sau này tôi không còn khóc nữa, chỉ biết lúc đó tôi không còn nhớ bố nhớ mẹ, tôi coi bà ngoại như chính người mẹ ruột của mình. Từ lúc bố mẹ tôi đi tha hương nơi đất khách quê người chưa lần nào bố mẹ tôi gọi về hỏi thăm hay gửi tiền về cho bà ngoại, số điện thoại trước đây cũng không thể liên lạc được nữa, mọi thứ về bố mẹ của tôi như mất tích khỏi cuộc đời tôi. Trong ký ức thời thơ bé tôi dường như không nhớ mình từng có bố và mẹ...
Năm tôi lên lớp 6, trường tôi học ở rất xa nhà, tôi thấy con Hương hàng xóm được mẹ mua xe đạp, thế là tôi về đòi ngoại tôi mua cho tôi một chiếc. Bà lưỡng lự lắm rồi bảo với tôi:
- Bà sẽ mua cho con nhé!
- Thật hả bà? - Tôi nghi ngờ hỏi lại.
- Thật. - Bà trả lời với nụ cười hiền xoa đầu tôi, còn tôi thì ngồi cười khúc khích đung đưa chân trên tấm phản đã cũ kỹ.
Sau hôm đó tôi phấn khởi đi khoe khắp nơi mình được mua xe đạp, tôi khoe cho em họ tôi - con Linh - nó còn tíu tít bảo:
- Chị Phương Anh đã nhể, được bà mua hẳn chiếc xe đạp, sau này chở em Linh đi ké nhá.
- Muốn lên xe chị đâu có dễ.
Bọn tôi cười nói khúc khích, còn tôi thì cứ ba hoa về chiếc xe đạp sắp tới. Thế nào con Linh về nói mẹ nó, mẹ nó biết được sáng hôm sau vừa thấy bà tôi mẹ nó đã quát ầm lên:
- Mẹ mượn tiền tôi để mua xe cho Phương Anh đấy à? - Mặt mẹ nó bừng lên tia hung tợn quát.
- Sao con biết, nhưng sau này Phương Anh nó cũng phải đi học xa thì mẹ mua cho con bé đi đến trường cho tiện.
- Nhà cửa tiền ăn mẹ còn không có, giờ đi mượn tiền tôi mua xe cho nó. Bố mẹ nó bỏ nó cho mẹ nuôi, được đi học mà may lắm rồi bây giờ còn đòi hỏi, bảo sao bố mẹ nó mấy năm nay không hỏi thăm về được một câu?
- Mày im cho mẹ. - Bà tôi hốt hoảng la lên.
Tôi đứng sau cánh cửa với con Linh mặt bần thần buồn bã. Cô ba không thích tôi, tôi biết chứ, vì mỗi lần con Linh được mua bánh kẹo nó hay cho tôi ăn cùng, những lần như thế cô ba mà thấy sẽ quát ầm lên bảo đây là đồ ăn của con Linh tôi không được ăn của nó. Cô ba có ác cảm với tôi vì tôi không có bố mẹ, sống dựa dẫm vào bà ngoại và hơn hết tôi là đứa con bị bỏ rơi. Tôi đứng đó khóc mà không dám phát ra tiếng, con Linh kế bên chỉ biết đứng nhìn tôi, nó im bặt không dám nói câu nào, hồi sau khi tiếng nấc tôi nhỏ dần nó mới nói:
- Em xin lỗi.
- Mày làm gì mà xin lỗi tao.
Nói rồi tôi chạy đi thật nhanh ra khỏi nhà, tôi vừa đi vừa khóc, cảm giác tủi thân và đau đớn khi không có bố mẹ bên cạnh chở che. Tôi tự hỏi bà có thương tôi không vì bà chẳng bao giờ bênh tôi lấy một câu trước sự chà đạp của mọi người. Tôi thấy bơ vơ lạc lõng, bước đi của tôi cứ nặng trĩu, tôi chỉ biết khóc và khóc, đến khi tôi nhận ra trời đã tối đen như mực và xung quanh tôi không có ai. Lúc này tôi mới nhận ra bản thân đi lạc, tôi bàng hoàng chạy, đi may mắn có người giúp đỡ dẫn tôi về nhà.
Lúc về nhà tôi chẳng thấy ai, căn nhà tối thui, tôi lủi thủi bước vào mới nghe tiếng hộc hộc đi bộ phía sau. Tôi quay lại thấy ngoại tôi khuôn mặt tái nhợt, trán đầm đìa mồ hôi bà hỏi:
- Con đi đâu sáng giờ để bà đi kiếm hả? - Giọng nói đầy mệt mỏi thiếu sức sống nghe ra vài phần trách móc và lo lắng.
- Con đi lạc. - Tôi cúi gằm mặt xuống đất trả lời
Bà nhìn tôi từ trên xuống dưới một hồi, đôi mắt ngấn lệ, rồi kiềm lại bằng câu nói:
- Đói chưa? Vô ăn cơm.
- Dạ...
Bà và tôi nhỏ nhẹ mở cửa rồi đi vào bếp, tôi thấy bà bới bới móc móc rồi lôi ra một cái lu nhỏ. Bà mở nắp ra lấy ra một hộp cơm với mấy còn cá, tôi thắc mắc hỏi:
- Sao bà lại để đồ ăn trong đây?
- Cô ba tưởng mày mất nết đi chơi quên giờ nên không cho mày ăn cơm, này là phần bà không ăn chừa cho mày.
- Sao bà không ăn?
- Tao ăn cái khác rồi.
Nghe thế tôi biết bà nói dối, gương mặt hiện rõ sự mệt mỏi này nói lên tất cả, tôi chỉ cúi đầu ăn suốt buổi không nhìn bà. Ăn tới nửa phần cơm tôi ngưng lại để xuống cái lu.
- Cơm ai nấu mà dở vậy bà, thôi bà ăn nốt đi bỏ là tội đấy.
- Mày lắm chuyện, cơm vậy mà chê à.
Nói rồi bà cầm đũa lên ăn. Bà đói nên ăn nhanh lắm, tôi nhìn bà móm mém nhai mà ứa nước mắt. Bấy giờ tôi mới hiểu, bà tôi vô cùng thương tôi, thương đến mức nhường chăn cho tôi mỗi đêm, thương đến mức giấu cô ba mua quà bánh cho tôi ăn. Thương đến mức mỗi ngày phải đi bào rau cho tôi có tiền học, thương đến mức có bao đồ ngon là nhường cho tôi, thương đến mức tôi chẳng thể thấu được. Bởi vì giờ đây tôi hiểu tình yêu ấy lớn lao biết bao trước nghịch cảnh của cuộc đời, tôi yêu bà rất nhiều.
Đến khi tôi lên lớp 10 bố mẹ tôi có quay về đón tôi lên thành phố, tôi không chịu đi nhưng bà bắt tôi đi. Sau đó lâu lâu tôi mới liên lạc về với bà, cái hôm tôi thi đại học là hôm bà tôi ra đi mãi mãi, tôi không về kịp để nhìn bà lần cuối. Chỉ nhớ lúc đó bố me tôi giấu tin này, đến khi tôi thi xong bố mẹ mới nói thì lúc đó bà đã an táng xong xuôi. Tôi khóc nhiều lắm, tôi về quê ngày trong ngày, đứng trước mộ bà, những dòng hồi ức cực khổ nhưng đầy tình thương bên bà ùa ùa kéo đến, khiến tôi bật khóc đau lòng. Tôi chưa làm được gì báo hiếu cho bà, chưa cho bà nhìn thấy sự trưởng thành của tôi thế mà bà đã bỏ tôi đi mất rồi, ân hận nuối tiếc là cảm giác trong tôi lúc bấy giờ. Đến bây giờ tôi vẫn thường về thăm mộ của bà, tôi mong bà ở thế giới bên kia sẽ được hạnh phúc,vui vẻ, và luôn dõi bước theo tôi.
Ngày 20 tháng 7
Con biết điểm thi rồi này, cũng cao đấy bà ạ. Mong là vô được trường con muốn nhé.
Ngày 15 tháng 8
Con đỗ rồi bà ạ, vào được trường con mong muốn rồiii.
Ngày 3 tháng 4
Hôm nay con đã chính thức có công việc rồi nàyy.
Ngày 1 tháng 11
Con có người yêu rồi, anh ấy là người rất tử tế đấyyy.
Bà ơi, con cảm ơn bà đã luôn chăm sóc lo lắng cho con, Phương Anh của bà sẽ luôn vững bước đi trên đường đời, để bà ờ bên kia sẽ nhìn con cuời hạnh phúc. Con yêu bà.
Phương Anh.
© Tác giả ẩn danh - blogradio.vn
Mời xem thêm chương trình:
Yêu Không Hối Tiếc | Radio Tình Yêu
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Người có 3 điều này khi nói chuyện chứng tỏ EQ cao ngất, ai cũng muốn kết giao: Nếu bạn có cả 3 thì xin chúc mừng!
Ernest Hemingway từng nói: "Chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất hơn 60 năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng". Nói đúng lúc là trí tuệ, im lặng lúc cần cũng là trí tuệ.
Tết đoàn viên
Thời gian ban cho con người những đặc ân tuyệt diệu nhưng cũng tàn nhẫn lấy đi những người quan trọng trong đời ta. Bởi đó là cả một bầu trời kí ức hạnh phúc, nuôi dưỡng tâm hồn con người lớn khôn.
Top 3 con giáp gặp nhiều may mắn nhất trong Tết Nguyên đán
Bạn có tò mò muốn biết vận may của mình trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ như thế nào? Liệu bạn có nằm trong top 3 con giáp may mắn nhất?
Bản chất của việc học
Mục tiêu của việc học là hình thành một con người có khả năng suy nghĩ và tư độc lập, có cái nhìn đa chiều, khả năng phân tích, tiếp nhân thông tin một cách sắc bén và logic, luôn cập nhật và phát triển các kỹ năng sống trong một thế giới không ngừng thay đổi và phát triển.
Giấc mơ để dành
Một cuộc đời đầy ắp tiếng cười bao nhiêu, tim càng rung trong lồng ngực bao nhiêu, tuổi trẻ ấy càng kéo dài, càng đáng giá.
Niềm tự hào lớn lao
Tôi nhận ra được rằng dù cho tôi có giỏi, có dở hay có tệ đến đâu, ba mẹ vẫn luôn chưa từng ngừng tự hào về tôi. Tôi tốt nghiệp loại nào đi nữa đối với mẹ tôi vẫn là đứa trẻ làm tốt nhất và nổi bật nhất.
Xuân của mẹ
Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy bao người xúng xính váy áo, mang theo những bao lì xì đỏ, đang vội vã lên xe, lên tàu để về với gia đình. Họ cười đùa, hối hả chuẩn bị cho cái Tết đoàn viên, mà lòng Thanh Anh lại trống rỗng, một nỗi tủi thân vô hình tràn ngập.
Mỗi người một con đường – đừng so sánh
So sánh bản thân với người khác không hoàn toàn xấu. Nó có thể trở thành động lực nếu bạn biết học hỏi và lấy đó làm mục tiêu để cải thiện bản thân. Tuy nhiên, nếu chỉ so sánh một cách mù quáng và tự ti vì không đạt được như người khác, bạn sẽ rơi vào vòng xoáy tiêu cực.
Hạnh phúc là không... nghĩ nhiều
"Overthinking" là một hội chứng tâm lý suy nghĩ quá mức và có thể dẫn đến trầm cảm. Đôi khi, hạnh phúc của một cuộc hôn nhân cũng sẽ bị ảnh hưởng khi ta cưới một người… overthinking, nhìn đâu cũng ra lo lắng!
Khi em học cách được yêu thương (Phần 2)
Cô đã từng nghĩ rằng mình không thể tin tưởng vào ai, rằng mình không thể dễ dàng mở lòng. Nhưng ánh mắt của Hoàng, với sự kiên định và chân thành, khiến tất cả những nỗi sợ hãi trong cô dường như tan biến.