Nếu được lựa chọn thì đừng làm một áng mây trôi
2020-05-10 01:27
Tác giả: Trần Hậu
blogradio.vn - Con người, một khi không có động lực, sẽ giống như những đám mây trên trời, nhẹ trôi đi, theo gió mà đến, theo gió mà đi.
***
Có một khoảng thời gian, cuộc sống của tôi tệ hại đến nặng nhọc, tưởng như mọi niềm tin đều vỡ vụn trước những khó khăn. Và bạn biết không, chỉ ngay trước khoảng thời gian đó thôi, tôi đã có những ngày tháng bình yên, hạnh phúc biết chừng nào. Những ngày tháng đó, tựa như một giấc mơ tươi đẹp mà tôi không bao giờ muốn thức dậy. Cho đến khi, số phận tạt vào tôi một cơn mưa lạnh ngắt, tôi mới bừng tỉnh.
Bước qua đoạn đường đầy sỏi đá, tôi đã mạnh mẽ hơn dù mưa có lạnh đến thế nào. Cuộc sống cũng bớt bi quan hơn nhưng có những câu chuyện làm tôi suy nghĩ nhiều hơn, sâu sắc hơn. Tôi gặp và quen em, một chàng trai điềm đạm, ít nói và không bao giờ kể cho tôi nghe về cuộc sống của em ấy. Nhưng tôi có thể nhìn thấy được, tâm hồn trong độ tuổi thanh xuân rực rỡ, tươi đẹp nhất của em đang dần lụi tàn trước những biến cố đầu tiên của cuộc đời…
Tôi ngồi trong phòng học, vừa suy nghĩ vừa cố gắng hoàn thành bài luận mà giáo sư ở trường giao. Nét bút cuối cùng được đặt xuống, trời cũng đã tối mịt nhưng bố tôi vẫn chưa về. Tôi gấp gọn sách vở trên bàn, đi ra khỏi phòng thì nghe thấy tiếng mở cửa lạch cạch cùng dáng hình quen thuộc của bố. Ngửi thấy mùi rượu thoang thoảng, tôi vội hỏi:
- Sao giờ bố mới về vậy? Bố lại uống rượu rồi à?
- Xin lỗi con, nhưng bố chỉ uống một chút thôi. Con đừng lo. - Bố tôi cất chiếc cặp làm việc, cười hì hì trả lời.
Từ ngày bố mẹ ly hôn, thỉnh thoảng bố tôi lại như vậy. Có hôm, bố uống rượu say mèm rồi trở về nhà, kể linh tinh gì đó những câu chuyện về mẹ tôi, còn nói xin lỗi mẹ, xin lỗi tôi. Có lẽ, bố vẫn còn thương mẹ rất nhiều. Tiếc rằng, tình cảm của mẹ lại không còn vẹn nguyên. Tôi dọn cơm ra bàn ăn, đợi bố rửa tay rồi ăn cơm. Bố tôi ngồi vào, miệng mỉm cười nhưng trên khuôn mặt đó đầy nét mệt mỏi, phiền muộn.
- Lần sau nếu thấy bố về muộn chút thì con cứ ăn cơm trước đi, không cần chờ bố đâu. Ăn xong, con còn phải học nữa mà.
Tôi gắp cho bố một miếng thịt rồi tiếp lời bố:
- Con học thì lúc nào học cũng được. Nhưng sau bố đừng uống rượu rồi về muộn nữa. Hại sức khỏe lắm!
- Vài lần chắc cũng không sao đâu con. Mà con cứ lo mãi như thế thì lần sau bố nghe con về sớm là được chứ gì. Yên tâm rồi nhé!
Bố tôi cười cười. Nụ cười dường như đẹp và ấm áp hơn.
20 tuổi, tôi đã là sinh viên năm thứ hai. Ngôi trường tôi học cũng phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Và khá may mắn với tôi là trường cũng gần nhà nên tôi không cần phải ở kí túc xá mà về nhà ở, thuận tiện cho việc chăm sóc bố tôi. Mặc dù khoản tiền lương của bố ở cơ quan luôn đủ để nuôi tôi ăn học và chi tiêu trong gia đình nhưng tôi vẫn nài nỉ bố cho tôi đi làm thêm sau những tiết học trên giảng đường. Mới đầu, bố tôi có ngăn cản vì sợ ảnh hưởng đến việc học của tôi. Tuy nhiên, sau vài lần nghe tôi “diễn thuyết”, bố cũng đành mặc tôi. Nói thật, tôi rất thích cảm giác tập trung làm một công việc nào đó. Cho nên, những khoảng thời gian vài tiếng làm thêm ở quán ăn, quán trà sữa cũng đủ lấp kín những hố sâu tâm hồn trong tôi.
Chiều hôm nay, như thường lệ, tôi đi bộ đến quán ăn nhanh của chị họ tôi. Đến nơi, quán có vẻ khá đông khách nên tôi bắt đầu làm việc nhanh chóng. Tất cả mọi hoạt động đều trở thành quen thuộc. Chị họ thấy tôi đang dọn đồ ăn thừa trên bàn, tay vừa pha trà sữa vừa đùa tôi:
- Em cứ làm mãi như thế, bố em mà biết, có khi lại bảo chị bóc lột sức lao động của em ấy chứ.
- Em xin bố hẳn hoi rồi nha. Mà làm thêm chứ có phải đi chơi đâu mà nghỉ ngơi gì chứ. Không lẽ, em lại lấy không công tiền chị à. - Tôi đắc ý đáp lại chị.
Hai chị em đang cười nói thì cửa quán mở ra, một dáng người cao cao bước vào. Phản ứng đầu tiên của tôi là bước lại gần người con trai đó, nói một câu như thói quen:
- Mời quý khách vào ạ.
- Xin lỗi, tôi đến đây để xin việc.
Tôi gãi đầu ngượng ngùng đáp lại giọng nói lạnh nhạt của người con trai đó:
- À, vậy cậu gặp chủ quán hỏi nhé.
Tôi nói xong, bước vào quầy pha đồ uống gọi chị rồi đi làm tiếp. Khoảng 15 phút sau, cuộc nói chuyện của chị tôi và chàng trai kết thúc, chị lại gọi tôi í ới. Tôi lau tay qua loa chạy lại thì chị nói:
- Em đưa cậu bạn này đi lấy khăn lau bàn để làm luôn, sắn tiện đưa cậu ấy đi giới thiệu qua vài khu của quán mình.
Nghe vậy, tôi gật gù đồng ý rồi dẫn cậu đến vài nơi của quán.
- Đây là khu vực khách ăn uống, thường khi làm việc sẽ phải tiếp khách, dọn đồ ăn và lau bàn ghế.
- Chỗ này là nơi rửa dụng cụ nấu ăn, pha chế và đồ đựng thức ăn, đồ uống.
- Còn đây là nhà kho dự trữ nguyên liệu, thực phẩm…
Tôi nói liên hồi, vừa dài lại vừa tốn thời gian, vậy mà cậu bạn này lần nào cũng chỉ đáp lại đúng một câu “ừ”.
Đến khi lên trên sân thượng của quán, tôi mạnh dạn hỏi cậu vài câu riêng tư:
- Cậu tên gì?
- Vũ
- Vậy cậu bao nhiêu tuổi?
- 18
- Vẫn học cấp 3, cậu không đi học buổi chiều à? Ừm... Nhỏ hơn tôi hai tuổi nên sau này, khi làm việc, tôi gọi cậu là em được chứ?
Vũ nghe vậy, mặt thờ ơ nói đúng hai từ:
- Tùy chị.
Nói rồi, cậu quay người đi xuống, thêm được vài từ nữa:
- Nói nhiều rồi! Đi làm thôi.
Tôi vẫn đứng đó, nhìn bóng lưng em khuất dần. 18 tuổi, cả tính cách và bề ngoài của Vũ đều trưởng thành đến lạ lùng. Thời gian là miễn phí nhưng chắc hẳn em ấy đã trải qua một câu chuyện đời vô cùng đắt giá, phải trả bằng cả những nụ cười và niềm tin của thanh xuân. Cuộc đời kì thực luôn muốn lấy đi của con người nhiều thứ và nếu họ không biết cách níu giữ, có lẽ, sẽ mãi mãi mất đi. Tôi thở một hơi dài rồi cũng đi xuống làm việc.
Gần tối, chúng tôi mới hết giờ làm việc, tôi xin chị về nhanh để kịp nấu cơm tối cho bố. Lúc ra khỏi cửa, tôi thấy em vẫn làm việc thì hỏi:
- Em không về à?
- Chưa vội.
Em ấy trả lời cộc lốc.Tôi trề môi, bộ mặt chán ngán. Em ấy lạnh lùng thật!
Tôi đóng cửa, đi ra ngoài, bước chân nhanh trên con đường về nhà. Đi đến một đoạn đường, tôi dừng lại, có hai con đường một lớn một nhỏ trước mặt tôi, chần chừ một lúc, tôi đi ngay vào con đường nhỏ tối tăm. Tôi thầm nghĩ, đường tắt nên đi tối một chút chắc vẫn được. Đèn đường lờ mờ mà nhà dân chỉ lác đác. Tôi rảo bước nhanh, miệng thì vui vẻ lẩm nhẩm theo lời bài hát tôi đang nghe. Mọi thứ vẫn ổn cho đến khi có hai thanh niên khoảng 17, 18 tuổi xuất hiện trước mặt tôi, có vẻ như không mấy “thân thiện”.
- Cô em! Đi đâu tối vậy mới về.
Mặt tôi nhăn lại. Gì chứ? Tôi mà là “cô em” ư? Học sinh bây giờ cũng quá nông nổi rồi chứ. Đầu tôi hiện lên một vài suy nghĩ, tôi lên tiếng:
- Chị đây không phải là “cô em”. Nhìn đi nhìn lại thì mấy đứa mới chỉ là học sinh. Vậy nên, ngoan ngoãn về nhà học bài đi.
Tôi bình tĩnh nói nhưng nhìn chúng có vẻ như vẫn không có ý định cho tôi đi. Một tên lại nói tiếp:
- Vậy ư? Vậy chị gái có thể đi chơi với tụi em một lúc được không?
Nói xong nó còn kéo kéo cánh tay tôi. Tôi tức tối, mặt sầm lại, định cho chúng nếm thử mùi vị vài trưởng taekwondo mà tôi đã dày công luyện tập suốt những năm trung học. Đang định vung tay, tôi giật mình bởi một cánh tay cứng rắn kéo mạnh tôi về phía người đó. Người đó là Vũ. Em ấy lạnh giọng nói:
- Đây là bạn tôi. Mấy cậu định làm gì?
Chúng nhìn Vũ rồi xách ba lô quay đi kèm theo câu nói:
- Đùa tí mà làm căng!
Chúng đi xa dần, tôi mới quay lại, mỉm cười cất lời:
- Cám ơn em! Nhưng sao em lại ở đây?
Tôi hỏi nhưng em không trả lời mà hỏi lại tôi:
- Vậy sao chị lại đi con đường tối này?
Tôi ngập ngừng trả lời vài câu với em ấy rồi vẫy vẫy tay, tạm biệt em. Tôi đi tiếp trên con đường đó nhưng đi được vài bước thì Vũ cũng đi lên ngang tôi:
- Tôi về cùng chị hết đoạn đường này.
Tôi không nói gì chỉ hơi ngạc nhiên rồi mỉm cười.Một đoạn đường ngắn nhưng tôi lại thấy thật dài và lặng yên.
Những ngày sau đó, tôi và Vũ có vẻ thân thiết hơn chút ít. Những câu tôi hỏi, em ấy cũng trả lời dài hơn. Có vài lúc, dù chỉ thoáng qua nhưng tôi vẫn thấy nét cười trên đôi mắt em ấy. Buổi làm hôm nay, chị họ bảo tôi đi mua ít nguyên liệu để nấu ăn, cũng không quên bảo Vũ đi theo tôi để xách đồ. Tôi lượn quanh siêu thị để chọn, còn Vũ thì cứ lững thững đẩy xe hàng theo sau tôi. Đi đến một gian hàng, tôi dừng chân lại, đờ người ra vài giây. Mắt tôi có chút cay nhưng tôi vẫn kiềm chế cảm xúc, vội nói với Vũ:
- Vũ, chúng ta sang kia đi!
Tôi quay ngoắt lại, chọn nhanh đồ rồi rời khỏi đó.
Chiều hôm ấy, tôi vẫn vui vẻ làm việc, có khi còn cười nhiều hơn bình thường. Lúc tan làm, tôi chào chị rồi tung tăng về nhà như thể rất vui. Thế nhưng, tôi nói về nhà mà tâm trí thế nào lại đi đến một khu vui ở công viên gần nhà. Nơi này khá vắng vẻ và yên tĩnh bởi lũ trẻ con bây giờ rất ít đến đây nữa. Tôi ngồi lên chiếc xích đu, mắt nhìn xa xăm, chân đung đưa nhẹ nhàng. Lâu rồi, tôi không được như vậy. Cảm giác quen thuộc lại ùa về. Tôi vẫn nhớ những ngày còn nhỏ, mẹ và bố cũng hay đưa tôi đến đây chơi. Tôi ngồi một chiếc xích đu, mẹ tôi ngồi một chiêc, còn bố tôi là người đẩy cho hai mẹ con tôi. Tôi thích lắm, lần nào như vậy cũng cười tít mắt. Nhưng bây giờ, nghĩ lại, những kí ức đó thật xa xăm.
Hôm nay, lúc ở siêu thị, tôi đã nhìn thấy mẹ cùng em trai mình. Điều đó kiến tôi lại nhớ đến 2 năm trước, năm tôi học lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp. Ngày đó, khi tôi đang bận bịu cho kì thi quan trọng nhất của đời mình thì gia đình tan vỡ đã khiến tôi gần như suy sụp hoàn toàn. Tôi hay nghe được những cuộc cãi vã của bố mẹ tôi cho đến một ngày họ đưa nhau ra tòa và tôi đi theo bố, em tôi theo mẹ. Tôi choáng váng với tất cả những gì đã xảy ra và mất hết mọi niềm hy vọng. Tôi đã sợ mình không thể qua được kì thi tốt nghiệp này và thực hiện ước mơ của mình. Nhưng thật may mắn, vào thời điểm tôi sắp từ bỏ tất cả, bố đã không từ bỏ tôi. Từ ngày mẹ đi, bố luôn làm tròn trách nhiệm của mình với một người con. Đôi lúc, tôi thấy bố mệt mỏi và phiền muộn nên cũng cố gắng để sống tốt hơn. Mọi chuyện cũng dần được yên bình cho đến bây giờ. Dẫu sao cũng có những thứ, dù muốn hay không, đều sẽ trở thành vết sẹo của thời gian.
Chiếc xích đu đưa đi đưa lại nhè nhẹ thì bất chợt đu cao lên. Tôi theo quán tính ngả về phía sau, tay không kịp nắm lấy dây. Chắc sẽ ngã rất đau đây! Tôi thầm nghĩ. Nhưng không, tôi được hai cánh tay cùng thân hình của một người giữ lại trên chiếc xích đu. Tôi hoảng hồn, quay lại thì bắt gặp khuôn mặt Vũ. Thoáng chút ngạc nhiên xen lẫn ngượng ngùng, tôi quay lên. Em ấy cũng đi lên ngồi ở chiếc xích đu bên cạnh.
- Sao em lại ở đây?
Đây đã là lần thứ hai tôi hỏi em câu này. Và, em ấy vẫn không trả lời.
Vũ trầm ngâm một lúc, lại hỏi tôi:
- Người hôm nay tôi với chị nhìn thấy ở siêu thị, là ai vậy?
Tôi lẳng lặng giải thích với em:
- À, đó là mẹ cùng em trai chị. Bố mẹ chị đã ly hôn, chị sống với bố nên cũng không muốn gặp mặt mẹ nhiều.
Em ấy quay sang nhìn tôi, ánh mắt sâu thẳm như muốn nói một điều gì đó nhưng lại thôi. Con người ít nói vốn vậy, muốn nói nhưng lại không nói. Vậy là, tôi với em ngồi lặng hồi lâu, không ai nói gì. Tôi mở lời phá vỡ bầu không khí khó chịu đó:
- Chị đã từng xem một bộ phim và có một câu nói trong phim chị rất thích.
- Chị nói xem.
- “Con người, một khi không có động lực, sẽ giống như những đám mây trên trời, nhẹ trôi đi, theo gió mà đến, theo gió mà đi”.
Không đợi Vũ tiếp lời, tôi lại nghiêng đầu nói:
- Chắc hẳn, vì thất vọng quá nhiều rồi nên con người ta cũng không muốn hy vọng điều gì nữa em nhỉ? Nhưng mà… chị sẽ không giống như mây trời vậy đâu. Chị chỉ thích câu nói đó thôi.
Tôi nở một nụ cười thật tươi rồi đu mạnh lên cao. Em ấy cũng cười nhưng chỉ là một cái cười mỉm. Như vậy, với tính cách của em ấy bây giờ, có lẽ đã là quá lạ lẫm rồi.
- Chị vô tư thật!
Phải. Giống như em ấy nói, tôi rất vô tư. Nhưng em ấy có biết, để được vô tư như vậy, tôi đã phải cố gắng ra sao trước những mất mát gia đình của cuộc đời.
Sau hôm đó, tôi có đi làm được vài ngày rồi xin chị cho mình tạm nghỉ để ôn tập cho kì thi chuyên ngành ở trường đại học. Trong hai tuần nghỉ, tôi đã cực kì nghiêm túc ôn luyện nên bài thi cũng tạm ổn. Sau hôm thi, tôi đi làm luôn ở nhà chị họ. Nhưng hôm tôi đến, Vũ lại không đi làm. Tôi tò mò đi hỏi chị thì chị bảo:
- Vũ xin nghỉ làm từ tuần trước rồi. Nghe nó nói là hình như nhà có người mới qua đời.
Tôi nghe tới đó thì ngạc nhiên, lòng có chút gợn sóng. Tự dưng, tôi lại muốn đi xem Vũ ra sao.
- Vậy chị có biết địa chỉ nhà em ấy ở đâu không?
- Có chứ, hôm đến xin việc, chị có hỏi qua, nó ở…
Sau khi xin được địa chỉ nhà Vũ, chiều hôm đó, sau khi làm xong, tôi liền đi đến, cũng không quên gọi điện xin bố về muộn một chút. Đến khu Vũ sống, vì tôi không biết chính xác nhà nên đành hỏi thăm một vài người dân quanh đó.
- Bác ơi, ở gần đây có cậu nam nào tên Vũ,18 tuổi không ạ?
- Cháu là bạn nó hửm? Ở ngôi nhà kia ấy.
Bác gái vừa chỉ xong thì nói tiếp:
- Nếu cháu tốt bụng một chút thì nhớ động viên nó với. Cũng khổ thân nó lắm cơ! Mười mấy tuổi, cha mẹ bỏ nhau đã đành, bây giờ, đến bà nó cũng bỏ nó mà đi.
Nghe vậy, trong tôi lại trào lên cảm giác đồng cảm, đau thương lẫn lộn. Chắc có lẽ, em ấy đang rất đau. Đau vì một nhát đạn tinh thần nữa lại xuyên qua lồng ngực với vết thương chưa khỏi của mình. Tôi không biết vì sao nhưng hiện tại, tôi chỉ muốn đi đến bên cạnh em ấy, giúp em chống đỡ một phần nào đó. Hay tại vì tôi cũng đã từng trải cảm giác như vậy nên tôi mới không muốn nhìn thấy bất kì ai suy sụp giống tôi.
Tôi bần thần một lúc, nhanh chóng cám ơn bác gái rồi đi đến ngôi nhà của Vũ. Tôi bấm chuông đến 3 lần nhưng không ai ra mở cửa cả, đến lần thứ tư, cánh cửa mới từ từ mở ra. Vũ mở cửa, nhìn thấy tôi liền nói:
- Chị đến đây làm gì?
Tôi nghe tiếng em khản đặc, nhìn tới khuôn mặt thì nhợt nhạt. Dáng người em cũng gầy đi nhiều phần. Tôi tiến gần, vội hỏi em:
- Em làm sao mà…
Chưa kịp nói hết câu, Vũ đã định đóng cửa, nói một câu:
- Chị về đi
Nhưng tôi đã nhanh tay kéo lại rồi chui tọt vào trong. Em ấy thở dài rồi cũng đóng cửa lại. Tôi đi vào. Căn nhà không quá lớn nhưng đầy đủ tiện nghi và bày biện đẹp mắt. Có lẽ, bố mẹ em vẫn hay gửi tiền sinh hoạt về cho bà cháu em. Tuy nhiên, vắng bóng một người, căn nhà hẳn cũng trở nên cô quạnh hơn. Tôi còn đang lơ ngơ thì em đi vào với dáng đi rất chậm và nặng nhọc. Vừa đến ghế sô pha, em đã ngồi bệt xuống, mắt nhắm lại, trán lấm tấm mồ hôi. Nhìn em như vậy, tôi chạy vội lại, hỏi em bị làm sao nhưng em vẫn không trả lời. Tôi đưa tay lên trán em thì thấy rất nóng. Tôi biết là nếu tôi bảo em ấy đi bệnh viện, chắc chắn em ấy sẽ không đi. Nhưng tình trạng của em ấy rất tệ, vậy nên, tôi đành đi mua thuốc cho em ấy uống xem sao.
Tôi chạy nhanh ra ngoài, ghé vào một tiệm thuốc mua thuốc hạ sốt, sau đó mua thêm một phần cháo nóng cho em. Khoảng 30 phút sau, tôi quay lại nhà Vũ. Mới đầu, tôi đưa cháo, em ấy nhất định không ăn, nhưng sau đó, tôi nói một tràng dài, đe dọa này kia, Vũ mới chịu hợp tác ăn vài miếng. Ăn xong, tôi rót một ly nước, bắt em uống thuốc. Vũ thấy tôi có ý định cằn nhằn tiếp nếu em ấy không uống nên đành đón lấy uống cho qua. Xong việc, tôi ngồi lại dặn em vài chuyện như nhớ uống thuốc, ăn nhiều chút, cố gắng lên. Đang nói dở dang thì em cắt ngang:
- Lần sau chị đừng đến nữa.
Tôi mỉm cười với câu nói của em, xách ba lô đi ra cửa, bỏ lại một câu xanh rờn:
- Em nói thế thì chị sẽ đến nhiều.
Như câu nói hôm ấy, ngày nào tôi cũng đến thăm Vũ, kiểm tra xem em đã hạ sốt chưa. Lần nào đến, tôi cũng mua đồ ăn cho em, kể cho em vài câu chuyện, động viên em mặc dù em có vẻ lơ đi, không muốn nói chuyện. Vào hôm sức khỏe và tinh thần em đã tốt lên được phần nào cũng là hôm cuối cùng tôi đến nhà thăm em, tôi mới nói với em mấy câu:
- Em đừng bỏ bữa cũng đừng quên uống hết thuốc. Chị biết là em đã bị áp lực tinh thần rất lớn nhưng sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu em từ bỏ những thứ em mong muốn thì cuộc sống sẽ lại càng khó khăn thôi…Chắc em sẽ không muốn giống như những đám mây trời kia chứ?
Em nhìn tôi một lúc rồi cất tiếng:
- Chị nghĩ sao?
Tôi rối rắm hỏi lại:
- Hử?
- Chị nghĩ sao nếu tôi muốn là những đám mây kia?
- Nếu vậy thì em cứ trôi đi đâu thì đi, chị không cản. Bởi chị không muốn có một người bạn thiếu nghị lực.
Tôi ra về sau câu nói đó.
Hai, ba ngày tiếp theo, tôi vẫn làm việc bình thường ở quán chị. Không có Vũ, tôi ít nói đi nhiều. Như vậy, tôi cũng mới nhận ra là mình chỉ nói nhiều với mình em ấy. Cửa quán mở ra, vẫn như thói quen, tôi tiến đến nói:
- Mời quý…
- Tôi đến để xin việc.
Giọng nói quen thuộc khiến tôi ngẩng mặt, miệng cứng lại. Một thoáng qua, tôi lại nhanh chóng mỉm cười, cũng thấy được ý cười trên khuôn mặt Vũ.
Trên con đường về nhà hôm ấy, chúng tôi đi cùng nhau một đoạn đường, tôi mở lời trước:
- Vậy là em đã không chọn làm mây trời nhỉ.
- Có lẽ vậy.
Tôi cười tươi, khuôn mặt vui vẻ khi nghe được câu trả lời đó. Em ấy thấy vậy, nói với tôi một câu rồi đi tiếp:
- Nhìn chị giống Cậu Vàng lắm đấy.
Tôi dừng lại ngẫm một lúc rồi gọi theo:
- Này! Ý em là chị giống chó hả? Có mà em giống ông cụ non ấy.
Không hiểu sao, tôi lại buột miệng nói thêm một câu nữa:
- Mà em có biết Lão Hạc thương Cậu Vàng lắm không.
- Vậy chị không biết Lão Hạc sau đó bán Cậu Vàng đi à.
Tôi chạy theo sau Vũ, thản nhiên tiếp lời kết cho câu chuyện Cậu Vàng - Lão Hạc:
- Sau nữa thì Lão Hạc vẫn ăn bả chó để đi theo Cậu Vàng nha em.
Dưới vạt nắng chiều rọi qua tán lá xanh, có những tình cảm đã được nhen nhóm trong lòng của những con người từng gục ngã vì cuộc đời đưa đẩy.
© Tiểu Vĩ Hồ - blogradio.vn
Xem thêm: Cô ấy là bầu trời của tôi
Bài tham dự cuộc thi viết. Để bình chọn cho bài viết này, bạn hãy nhấn like, share và để lại bình luận cảm nhận của mình. Thông tin chi tiết về cuộc thi, mời bạn tham khảo tại đây.
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu