Năm ấy tầm xuân vừa nở
2017-11-13 01:10
Tác giả:
“Mỗi khoảnh khắc chúng ta được ở bên cạnh người mình yêu thương đều thật rực rỡ. Là bởi vì trời xanh mây trắng, vì bầu trời u ám, hay vì thời tiết thích hợp. Tất cả đều thật tuyệt vời khi có người ấy ở bên, kể cả khi chỉ được ngắm nhìn họ từ đằng xa...”
Hoàng hôn in một màu đỏ thẫm trên dòng sông êm đềm. Từ đằng xa, những hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng xòe ra những chiếc lược khổng lồ đong đưa trong làn gió chiều muộn. Hương thơm của hoa cỏ nội đồng pha mùi khói bếp bãng lãng khiến lòng người xao xuyến khó tả. Bên kia sông, một dáng người thanh niên mảnh khảnh tay xách nách mang cất giọng lanh lảnh, chất giọng rặt miền Tây:
- Chú Ba đưa đò ơi, có khách sang sông nè…
Người đàn ông bên đây sông, nghe tiếng gọi đò vội lật đật đội chiếc nón lá cũ mèm rồi khua mái chèo rẽ nước sang sông. Làn da đen rám nắng, dù không phải cái mặn mòi nắng gió của biển cả, nhưng ngần ấy thôi cũng đủ khiến người ta nhận ra được thân hình của phận người lam lũ.
- Cha mày, là thằng Út con anh Tám đó phải hôn? Lâu quá không gặp, xém chút là chú không nhận ra bây rồi đó chớ…
Chàng trai nở nụ cười hiền lại pha chút lém lỉnh của những đứa trẻ vùng quê không lẫn vào đâu được. Chưa vội trả lời, nó xách hai giỏ đồ chất đủ thứ, trên cổ còn vác thêm hai đòn bánh tét bự tổ chảng cẩn thận bước xuống xuồng. Chiếc xuồng nhỏ vội lắc lư theo từng bước đi tưởng chừng như có thể lật bất cứ lúc nào.
- Dạ, con thưa chú Ba mới dìa. Dạo này vẫn khỏe hả chú? Mỗi lần con dìa mà thấy chú còn chèo xuồng cùi cụi như vầy là con mừng dữ lắm.
- Nay dìa ăn Tết rồi bây tính khi nào đi? Vài bữa ghé qua nhà, chú cháu mình nhâm nhi vài ly đế nghen con, tao còn mấy con khô sặc kìa, nhậu là hết sẩy nghen hôn…
- Xin tuân lệnh chú Ba…
Tiếng trò chuyện của hai người đàn ông rộn rã cả một khúc sông. Tiếng mái chèo khua nhè nhẹ trên dòng nước chở nặng phù sa tưới tốt cho cỏ cây hóa lá của mảnh đất bình dị này. Tiếng chim gọi bầy nặng nhọc vang lên từ rừng tràm ngoài kia nghe thật thân thuộc. Tất cả những thanh âm ấy, lúc khoan lúc nhặt, hòa quyện vào nhau tạo thành một bản hợp xướng đồng quê mà mấy ai không khỏi quặn lòng mỗi khi tha hương cầu thực. Có những người, dù ra vào nhà hàng sang trọng, dù ăn diện những thứ hàng hiệu đắt tiền, nhưng nghe mùi mắm kho bông súng thoảng hương đưa cũng phải đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Cái mối dây thân tình ấy dẫu cho trải qua biết bao nhiêu năm tháng, biết bao biến cố của đời người, chỉ có thể thắt chặt thêm chứ chẳng tày nào đứt đoạn. Bởi mảnh đất này, nơi không chỉ có tía có má sinh ra ta, mà còn có những người mà ta hoài trông mong đợi gần nửa đời người…
“Anh vẫn nhớ em dù tụi mình chưa hẹn. Anh sửa cái tánh cộc cằn để mẹ quý em yêu. Đêm qua phà Cần Thơ anh nhìn theo con nước lớn. Có dòng nước nào về Chợ Mới để thăm em...”
Lâu lắm rồi thằng Út mới được nghe lại những khúc ca mùi mẫn như thế từ chất giọng trầm ấm của chú Ba. Ta nói ngọt mà đã cái lỗ tai hết biết, nó ngồi vừa nhai miếng khô cá sặc nướng vừa vỗ đùi nghe đen đét thích chí. Mấy năm lăn lộn trên đất Sài Gòn huyên náo, tưởng chừng như nó đã quen với loại nhạc điện tử ầm ầm nghe nhức hết cả tai, ai dè vừa nghe lên câu vọng cổ thôi mà nó đã sởn cả gai ốc. Cũng bởi, cái gì đã ăn sâu vào máu thịt rồi thì làm sao mà mất cho được. Nó cười hề hề, lúng liếng đôi mắt nhìn chú Ba:
- Chú Ba, nghe chú hát mùi dữ chắc chuyện tình cảm cũng dữ dằn lắm đa…
Người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi, tóc cũng đã có vài sợi bạc, bàn tay chai sần nâng ly rượu con con uống cái ực một hơi thật sảng khoái, rồi thở dài:
- Chú mày nghèo, có ai mà chịu lấy con ơi… Cưới về kẻo làm khổ người ta.
Màn đêm dần buông. Con thuyền lững lờ giữa dòng dùng dằng mãi chẳng đi như lòng người rối bời những thứ tình cảm không thể nói ra cho đặng. Xa xa, ngọn đèn dầu từ những căn nhà chòi bên mé sông được thắp lên, mờ tỏ như phận người. Thằng Út hỏi vậy thôi, chứ cả cái khúc sông này ai mà chẳng biết cái chuyện tình của chú Ba. Vậy nên người ta mới nói được gặp một người có duyên với mình trong thời điểm thích hợp thì đó là niềm hạnh phúc của cả đời người. Nhưng mà, được gặp một người có duyên với mình trong thời điểm không thích hợp, thì đó chỉ còn là một tiếng thở dài đầy tiếc nuối mà thôi…
Chú Ba thương cô Bảy dệt chiếu ở xóm trên hết mấy mùa nước nổi. Chú chèo đò, ngang dọc khúc sông này bao nhiêu lâu thì người ta không biết, chỉ biết tính tình chú Ba dễ thương, hào sảng lại nhiệt tình giúp đỡ bà con. Nhớ cái đợt lũ năm nào, nước dâng tràn trắng cả ruộng đồng, bà con ngồi khóc ròng vì mất cả vụ lúa bỏ công cày cấy. Chú Ba vừa chèo đò miễn phí, vừa vác tấm lưới bắt cá chia cho mọi người quanh vùng để qua cơn đói khát. Mấy má mấy dì đều bảo: “Ai mà lấy được thằng Ba là có phước trời thần để lại. Người gì đâu mà tốt bụng lại thiệt tình hết biết. Má mà có đứa con gái là gả cho nó liền…”. Hồi trước, tía má chú Ba cũng nổi tiếng thương người nhất vùng, ai nghèo thì cho gạo, ai đói khát lại cho cơm. Vậy mà ông trời ổng không thương, thứ quân ác ôn nào châm lửa đốt nhà chú Ba, may là hôm đó chú lên nhà người bà con chơi, chớ không là cũng làm mồi cho ngọn lửa dữ dội năm nào.
Cô Bảy cũng không phải còn nhà hào môn gì cho cam, nhưng được cái đẹp người lại tốt nết. Cha cô Bảy là ông giáo dạy ở trường tiểu học trong vùng nên cô được dạy dỗ khuôn phép như con nhà trâm anh. Cô Bảy tài lắm, nấu nướng ngon có tiếng, may áo thì khỏi chê, nhưng cái tài dệt chiếu thì phải nói là xứng danh nhất vùng. Con gái cả cái đoạn sông này, người thì ghen ghét, đố kỵ ra mặt, lớp thì kết thân với cô để được thơm lây. Nhớ có lần, nghe trong miệt rẫy có người ra hỏi cưới cô Bảy, đang mải miết chở khách sang bờ, chú Ba quăng dầm nhảy xuống sông, bỏ khách la í ới, chú bị chửi khùng cho tới bây giờ bởi cái hành động bất nhẫn đó.
- Chú Ba, không lẽ chú tính ở vậy hoài sao, sao hỏng nói cho cô Bảy biết đi?
Chú Ba nằm ngửa ra trên chiếc xuồng ba lá nhỏ, miệng hít một hơi thuốc thật sâu, thả ra làn khói mong manh rồi chợt tan biến. Chú Ba ít khi hút thuốc, mỗi lần hút là mỗi lần phải suy nghĩ thật nhiều về một chuyện gì đó. Sao trời đêm nay lấp lánh nhưng mông lung quá đỗi. Con người ta chỉ có thể tỏ ra mạnh mẽ khi đứng trước người khác, cố gắng để không cho ai thấy bản thân mình bất lực đến nhường nào.
- Thương thì thương vậy thôi, chứ biết người ta có ý gì với mình không mà nói. Nói ra chỉ khiến người ta thêm bận lòng…
- Chú không nói ra làm sao người ta biết được? Tình cảm con người cũng giống như một trò cúc bắt, khi một trong hai người chịu nói ra, thì hoặc là sẽ bắt đầu, hoặc là sẽ kết thúc. Nụ tầm xuân còn chưa kịp nở, sao chú đã vội bắt nó úa tàn?
Thường là vậy, khi thương con người ta thường lo sợ nhiều thứ. Sợ mình đau thì ít mà sợ người mình yêu bị tổn thương thì nhiều. Ấy thế là sự chần chừ của con người làm cho họ mất đi nhiều thứ lúc nào cũng chẳng hay. Nhớ có lần, thằng Út chừng mười lăm mười sáu tuổi, ngồi chung chuyến đò với cô Bảy sang sông. Nó lén lút dò xét cô rồi tinh ranh nhìn chú Ba. Lúc đó còn con nít cũng chưa hiểu chuyện tình cảm gì nhiều, nhưng thằng Út lại có cảm giác thấy ánh mắt đen láy của cô mỗi lúc càng sâu hơn khi nhìn chú và nụ cười duyên hết sảy của cô Bảy khi chạm phải ánh mắt chú Ba. Thứ gì đó vừa lạ lẫm vừa quen thuộc khiến thằng Út hơi bận tâm, đôi lúc nó lại liên tưởng đến nụ cười của má nhìn tía nó khi ông ra đồng mệt lã trở về. Dường như, nụ cười của người phụ nữ chỉ thật sự rực rỡ nhất khi họ dành cho người mà bản thân yêu thương và quý mến. Thằng Út ngồi dưới gốc dừa kể hết suy nghĩ của nó cho chú Ba nghe. Chú hỏi: “Thiệt hôn mậy?” rồi đủng đỉnh đẩy chiếc đò rẽ sóng qua bờ kia ngồi tủm tỉm cười như người lần đầu biết yêu. Thằng Út đoán, chắc hôm đó, chú Ba đưa đò miễn phí.
Đêm dần về khuya, màn đêm tịch mịch hòa cùng cái lạnh từ khúc sông xa thổi vào càng làm cho lòng người thêm trống trải. Thằng Út không biết đã ngủ từ lúc nào, nó nằm mộng thấy gì chẳng hay mà miệng cứ cười tủm tỉm suốt. Đắp vội chiếc mền rách tươm cho nó xong, người đàn ông trung niên lủi thủi ngồi một góc bên mé hiên nhà. Đốm lửa đỏ lập lòe trong đêm tối phả ra trong không gian hơi thở nặng trĩu những nghĩ suy. Trên đời này, có hai thứ mà con người không thể nào dịch chuyển được, một là thanh xuân và hai là sinh mệnh. Nhành cây khô héo qua một mùa đông dài đằng đẵng có thể đâm chồi lại vào mùa sau, những thứ đã quên đi rồi cũng có thể có một lúc nào đó bỗng nhiên nhớ lại. Nhưng, người chết thì chẳng thể hồi sinh, còn tuổi xuân qua rồi vĩnh viễn mất đi, không thể nào níu giữ lại được. Chú Ba nghĩ về cái sự nổi trôi của cuộc đời mình, nghĩ về gia đình, nghĩ về những năm tháng yêu thầm chẳng dám ngỏ. Tuổi trẻ của chú Ba gắn liền với đoạn sông này, chìm nổi theo từng con nước, nhưng tuổi trẻ của chú không bao giờ lặp lại được như chù kỳ lên xuống của dòng sông. Biết bao sự đổi thay khiến người ta ngẫm nghĩ về bản thân mình, trong phút suy tư ấy lại cảm thấy nuối tiếc vì những điều mà mình rụt rè bỏ qua để nó trôi mất như dòng nước năm nào.
Thằng Út cũng có cái lý của nó, nó yêu và dám yêu, cũng dám đối mặt với những thất bại trong tình yêu. Vậy tại sao, một người đàn ông sống lâu hơn nó thế này, trải nghiệm nhiều hơn nó thế này, lại chẳng dám bày tỏ lòng mình với người con gái thầm thương suốt cả tuổi trẻ mà chỉ nhìn len lén người ta mỗi lần đưa khách sang sông? Bởi chú Ba và thằng Út khác nhau, khác nhau bởi cái gọi là thanh xuân. Thanh xuân làm cho con người ta có đủ dũng khí để làm mọi chuyện, thậm chí xoay chuyển cả thế giới này. Thanh xuân chỉ đến một lần như tầm xuân cố gắng hấp thu tinh hoa đất trời để bung nở một cách rực rỡ nhất trong cuộc đời của riêng nó. Thanh xuân dù cho vấp ngã, dù cho có đau đớn, dù cho rơi nước mắt biết bao nhiêu lần, người ta vẫn cố vực dậy mà tiếp tục đương đầu. Còn chú Ba, chú còn gì?
Mấy tháng sau, thằng Út nghe chú Ba gọi điện lên, nó lật đật thu dọn đồ đạc đón chuyến xe trong đêm từ Sài Gòn về quê. Lòng nó khấp khởi như chính bản thân cũng đang trải qua niềm vui khôn tả. Lúc nghe giọng chú, thằng Út tưởng chừng như chú Ba đang khóc ở đầu dây bên kia, giọng chú nghèn nghẹn:
- Út ơi… Cô Bảy… Cô Bảy… Cổ chịu lấy chú mày rồi Út ơi…
Ra vậy, họ thương thì thầm, len lén nhớ về nhau khi con nước lớn ròng, khi đám mạ ngoài đồng còn xanh. Giấc mơ đêm nào về một tương lai rất thực và tuyệt đẹp nay sắp thành hiện thực. Ngồi trên xe, thằng Út mơ màng nghe được tiếng sóng vẫn oàm oạp vỗ vào bụng xuồng. Bên bờ, rau muống đã nở hoa tím trải dài cả một triền đê đến tận đằng xa mũi đất. Nó ngửi thấy mùi thơm cỏ ngai ngái, của rơm rạ đốt đồng, của nồi cơm sôi má đang chắt nước sau bếp. Nó nghe thấy tiếng máy ghe chạy từng đoàn rước dâu nhộn nhịp cả một khúc sông. Đúng, nó phải nhanh thật nhanh trở về đây, sớm thiệt sớm, để kịp dự đám cưới của chú Ba, cô Bảy, của hai con người tưởng chừng đã bỏ qua nhau trong nuối tiếc. Rồi một ngày nào đó, thằng Út cũng trở về đây, cũng hạnh phúc như chú Ba nó, cưới được người mà nó thương như một lời hứa với ruộng đồng bờ bãi khi mùa xuân về…
© Tác giả ẩn danh - blogradio.vn
Phản hồi của độc giả
Xem thêm
Hoa anh đào nở dưới đôi mắt của em
Em cười, và nụ cười của em như ánh nắng xuyên qua những cánh hoa, khiến cả thế giới xung quanh bỗng chốc bừng sáng. Tôi nhớ như in hình ảnh em đứng dưới cây anh đào, mái tóc bay trong gió, đôi mắt sáng rực như những cánh hoa hồng thắm.
Lá thư gửi đến thiên đường
Đến bây giờ, khi nói về bà đó chỉ còn là kí ức, là kỉ niệm, là những khoảnh khắc chợt hiện về trong chớp mắt, rồi lại đi trong vấn vương, để lại bao nhung nhớ trong tâm hồn. Cuộc sống không thể quay ngược trở lại, hoài niệm cũng chỉ là hoài niệm, thứ người ta cất giấu bên trong là những khắc khoải, suy tư.
Đắng cay
Anh vẫn biết dẫu tình là hoa chớm nở Thì em ơi những giọt vị ân tình Em vẫn sẽ yêu anh nhiều chứ Và lòng này sẽ vẫn là ái ân
Vượt qua cảm giác bị bỏ rơi
Nhiều người cảm thấy bị tổn thương, thấy mình không có giá trị khi không ai quan tâm đến mình và nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Vì thế, bạn cần học cách vượt qua giây phút ngờ vực và cần biết trân trọng giá trị của bản thân. Sau đây là những cách giúp bạn vượt qua cảm giác này.
Đơn phương yêu một người
Lắm lúc tôi tự hỏi vì sao chúng ta lại chọn một kết cục buồn đến thế, hoang hoải đến thế. Nhưng cuộc sống này chính là như vậy, có những nỗi nhớ mãi không nói thành lời, có những lời thầm kín suýt chút nữa đã được bày tỏ nhưng cuối cùng chỉ đành giấu nhẹm sau tất thảy.
Điều gì đợi chúng ta sau cánh cửa cuộc đời?
Giống như một chiếc lá rụng xuống để làm chất dinh dưỡng cho đất, để từ đó những mầm non mới nảy mầm. Phải chăng cái chết chỉ là một sự chuyển hóa từ dạng sống này sang dạng sống khác?
Câu chuyện về một nhà thơ…!
Tâm hồn của hắn, cũng xô bồ và phức tạp như những bài thơ mà hắn viết vậy! Có lúc hắn vui vẻ hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời. cũng có lúc hắn trầm ngâm và suy tư về một điều gì đó xa vời.
Vì anh còn thương em
Tất cả khiến anh lặng người, thơ thẩn vì mải mê đắm chìm trong quá khứ, trong nụ cười, ánh mắt em. Anh không muốn trở về với thực tại tàn khốc rằng chuyện tình mình đã kết thúc tự bao giờ, rằng anh đã mất em thật rồi.
Ai là bạn trong cuộc đời?
Hãy để những ước mơ dẫn dắt bạn, vì chúng sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và cung cấp động lực để bạn tiếp tục tiến bước.
Ánh nắng chiếu
Anh nhớ em một ngày cuối hạ Cho tình yêu gọi giấc mơ về Anh nhớ em một tình yêu lạ Mà sao lòng anh vẫn còn yêu